25/01/2025

Các hồng y tác giả của “Năm điểm dubia (hoài nghi) về Tông huấn Amoris Laetitia” lại gửi thư cho ĐTC Phanxicô

Trong bức thư thứ hai gửi cho Đức Thánh Cha – được Đức Hồng y Caffarra ký tên thay mặt các hồng y Brandmüller, Burke và Meisner – bốn vị hồng y tác giả của bức thư thứ nhất với “Năm điểm ‘dubia’ (hoài nghi) về Tông huấn Amoris Laetitia” đã thỉnh cầu Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho một buổi tiếp kiến để trình bày nhận định của các ngài về Amoris Laetitia kèm theo những lời giải thích.

 Các hồng y tác giả của “Năm điểm dubia (hoài nghi) về Tông huấn Amoris Laetitia” lại gửi thư cho ĐTC Phanxicô

 

 
WHĐ (21.06.2017) – Trong bức thư thứ hai gửi cho Đức Thánh Cha – được Đức Hồng y Caffarra ký tên thay mặt các hồng y Brandmüller, Burke và Meisner – bốn vị hồng y tác giả của bức thư thứ nhất với “Năm điểm ‘dubia’ (hoài nghi) về Tông huấn Amoris Laetitia” đã thỉnh cầu Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho một buổi tiếp kiến để trình bày nhận định của các ngài về Amoris Laetitia kèm theo những lời giải thích.

Cần có một buổi tiếp kiến để trả lời và làm sáng tỏ về năm điểm mà “Bức thư 5 điểm dubia” đã nêu ra và như thế sẽ giải quyết được “tình trạng hoang mang và mất phương hướng, đặc biệt là nơi các mục tử chăm sóc linh hồn, và trước hết là các linh mục chính xứ” do nhiều cách diễn giải “Amoris Laetitia” khác nhau, cách riêng liên quan đến vấn đề rước lễ của những người đã ly dị và tái hôn.

Đó là những lý do và những yêu cầu được nêu ra trong bức thư mà Đức Hồng y Carlo Caffarra viết ngày 25 tháng 4 và Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được vào ngày 6 tháng 5 vừa qua. Bức thư chưa được trả lời, và đã được đăng tải trên trên các trang blog Settimo Cielo và La Nuova Bussola Quotidiana – hai trang blog nổi tiếng về thái độ chỉ trích Triều đại Giáo hoàng Phanxicô cách gay gắt.

Đức Hồng y Carlo Caffarra, nguyên Tổng Giám mục Bologna, đã thay mặt cho 3 hồng y khác, đồng tác giả của “Bức thư 5 điểm dubia” là Walter Brandmüller, Raymond L. Burke và Joachim Meisner, viết bức thư này.

Với “một chút do dự”, bốn vị hồng y mở đầu bức thư gửi cho Đức Giám mục Roma bằng việc lặp lại “sự vâng phục tuyệt đối và tình yêu vô điều kiện của chúng con đối với ngai toà Phêrô và với Đức Thánh Cha đáng kính, nơi ngài chúng con nhìn nhận là người kế vị Thánh Phêrô và là Đại diện Chúa Giêsu – ‘Đức Kitô dịu ngọt trên trần gian’ – như kiểu nói ưa thích của Thánh Catarina Siena”. 

Các hồng y “không hề có quan điểm của những người xem ngai toà Phêrô là trống toà, hay quan điểm của những người muốn quy cho những người khác trách nhiệm không thể chia cắt của munus (sứ vụ) Phêrô”. Các hồng y “chỉ được thúc đẩy bởi nhận thức trách nhiệm nặng nề phát xuất từ munus (sứ vụ) của hồng y là cố vấn cho người kế vị Thánh Phêrô trong sứ vụ quản trị của ngài”.

Trong bức thư, các hồng y nhắc lại: “Vào ngày 19 tháng 9 năm 2016, chúng con đã gửi đến Đức Thánh Cha và Bộ Giáo lý Đức tin 5 điểm dubia, thỉnh cầu Đức Thánh Cha giải quyết những điều mơ hồ và giải thích rõ ràng một số điểm của Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia”. Tuy nhiên, “vì không nhận được câu trả lời nào của Đức Thánh Cha, nên chúng con quyết định, với lòng kính trọng và khiêm tốn, xin Đức Thánh Cha dành cho chúng con một buổi tiếp kiến, nếu Đức Thánh Cha muốn”.

Kèm theo bức thư là một bản ghi nội dung buổi tiếp kiến, trong đó bốn vị hồng y sẽ trình bày hai điểm mà họ muốn thảo luận với Đức Thánh Cha.

Bốn vị hồng y viết: “Thưa Đức Thánh Cha, một năm đã trôi qua từ khi Amoris Laetitia được công bố. Trong thời gian này, những diễn giải về một số đoạn nghi nghĩa một cách khách quan của Tông huấn hậu Thượng Hội đồng đã được công khai nêu ra – những đoạn ấy không phải khác mà là trái với Huấn quyền thường trực của Giáo hội. Mặc dù thực tế là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã lặp đi lặp lại rằng giáo huấn của Giáo hội không thay đổi, nhưng có nhiều phát biểu của cá nhân các Giám mục, Hồng y, và của cả các Hội đồng Giám mục, chấp nhận điều mà Huấn quyền của Giáo hội không bao giờ chấp nhận.” Đây là lời các ngài than phiền: “Không chỉ là những người sống trong hoàn cảnh phạm tội trọng một cách khách quan và công khai, và có ý định ở lại trong hoàn cảnh ấy, được quyền rước lễ; mà còn là một quan niệm về lương tâm luân lý trái với truyền thống của Giáo hội. Và thế là đang xảy ra chuyện này – thật đau đớn khi phải chứng kiến như thế! – là: điều ở Ba Lan là tội thì ở Đức lại là điều tốt, điều bị cấm ở Tổng Giáo phận Philadelphia thì lại được phép ở Malta. Và vân vân…”

Các hồng y nói thêm: “Nhiều giáo dân rất hiểu biết, họ hết lòng yêu mến Giáo hội và trung thành với Tông Toà, đã đến với các mục tử và Đức Thánh Cha để được xác tín trong giáo thuyết thánh thiện về ba bí tích Hôn nhân, Giải tội và Thánh Thể. Và ngay trong những ngày này, ở Roma, sáu giáo dân, từ mọi châu lục, đã tham dự một cuộc hội thảo nghiên cứu được dư luận rất chú ý với chủ đề thật ý nghĩa “Đem lại sự trong sáng”.

“Trước tình hình nghiêm trọng này, trong đó nhiều cộng đoàn Kitô hữu đang chia rẽ, chúng con thấy mình có trọng trách, và lương tâm thúc đẩy chúng con, với lòng khiêm tốn và kính trọng, thỉnh cầu Đức Thánh Cha dành cho một buổi tiếp kiến.”

Nội dung buổi tiếp kiến: 1/ Thỉnh cầu làm sáng tỏ năm điểm đã được nêu ra trong “Bức thư 5 điểm dubia”; các lý do dẫn đến lời thỉnh cầu này. 2/ Tình trạng hoang mang và mất phương hướng, đặc biệt là nơi các mục tử chăm sóc linh hồn, và trước hết là các linh mục chính xứ.

(Theo Vatican Insider)

 
 

 

Minh Đức