29/11/2024

Kiên Lương đang đối diện với sự tàn phá khủng khiếp

Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) được thiên nhiên ưu đãi là vùng núi đá vôi độc đáo duy nhất phía Nam, là một trong những danh lam thắng cảnh biển đặc sắc, có hòn Phụ Tử nổi tiếng, đang đối diện với sự tàn phá khủng khiếp.

 

Kiên Lương đang đối diện với sự tàn phá khủng khiếp

 

Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) được thiên nhiên ưu đãi là vùng núi đá vôi độc đáo duy nhất phía Nam, là một trong những danh lam thắng cảnh biển đặc sắc, có hòn Phụ Tử nổi tiếng, đang đối diện với sự tàn phá khủng khiếp.

 

 

 

Kiên Lương đang đối diện với sự tàn phá khủng khiếp
Nhà máy ximăng Hòn Chông đặt trong khu vực núi đá vôi đang bị khai thác, trong đó có những núi bị san bằng -Ảnh: S.LÂM

Những ngọn núi đá vôi đang bị san phẳng hoặc khai thác nham nhở phục vụ cho các nhà máy ximăng ở đây. Môi trường không khí ô nhiễm và mới đây hàng trăm hecta nuôi nghêu sò, cá biển chết chưa rõ lý do…

“Rất nhiều ngọn núi đá vôi đã bị san thành bình địa như núi Lâm Bô, Xà Ngách… Cứ đà này, con cháu sau này chắc cũng không biết nơi đây từng có núi đá vôi

Ông Nguyễn Sơn (người dân)

Thị trấn mịt mù bụi

Đi dọc tỉnh lộ 80 từ Rạch Giá đến thị trấn Kiên Lương sẽ bắt gặp ngay cảnh… bụi. Có lẽ không thị trấn ven biển nào mà người dân ra đường đều phải đeo khẩu trang như ở đây.

Đoạn đường qua khu vực Nhà máy Ximăng Kiên Lương ở ấp Lò Bom, thị trấn Kiên Lương bụi còn mịt mù hơn. Bụi từ trong các lò chế biến clinker (nguyên liệu chính để sản xuất ximăng) bám vào trắng cả cây cối hai bên đường.

Các xe nâng ra vô đưa hàng từ nhà máy băng ngang đường qua bến cảng phía kênh, biến cả đoạn quốc lộ như là công xưởng của nhà máy này. Đi thêm một đoạn còn có nhà máy của Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên 2.

Nói về tình trạng ô nhiễm của thị trấn, ông Đỗ Quang Vượng – ngụ khu phố Tám Thước – ngao ngán: “Dân ở đây không chỉ hít thở ximăng hằng ngày mà còn ăn ximăng, uống ximăng, ngủ cũng trên ximăng luôn…”.

Ở nhà ông Vượng, từ bồn nước, giường tủ, bàn ghế, sàn nhà đến các vật dụng cá nhân tất cả đều bám bụi. “Chúng tôi sống vậy đó” – ông buông tiếng thở dài.

Ông Trần Quốc Vũ, cư dân ở đây, tếu táo: “Đà Lạt là thành phố sương mù, còn ở đây là thị trấn bụi mù. Về mùa này có mưa, ngược hướng gió nên còn đỡ, chứ cỡ từ tháng 10 bụi nặng nề hơn”.

Những năm trước tình trạng bụi ximăng còn khủng khiếp hơn do người ta chuyển clinker bằng cách dùng xáng cạp xúc đổ thẳng xuống sà lan.

Mỗi một lần nhà máy xuống hàng là một lần cả khu vực trắng xoá bụi. Sau này người dân phản ứng dữ quá, nhà máy mới lắp thêm hệ thống chống bụi hạn chế được một phần.

Ông Nguyễn Văn Tuyến – tổ trưởng khu phố Tám Thước, sống ở đây hơn 40 năm, từng làm kỹ thuật trong các nhà máy ximăng – cho rằng việc sản xuất ximăng không thể nào tránh khỏi phát tán bụi.

Nhưng điều khiến người dân hoang mang hơn cả là có rất nhiều người dân trong khu vực đã chết vì ung thư.

“Từ lúc tôi về đây đến giờ, khu phố Tám Thước chỉ chừng 3.000 dân nhưng đã có hơn 40 trường hợp chết vì bệnh ung thư. Chỉ riêng trong năm 2014 đã có 14 người, hỏi sao người dân không lo lắng cho được…” – ông Tuyến nói.

Kiên Lương đang đối diện với sự tàn phá khủng khiếp
Hệ thống núi phía sau khu du lịch hang Cá Sấu trở thành bãi khai thác nham nhở – Ảnh: SƠN LÂM

Nham nhở thắng cảnh

Ngoài nhà máy nằm ngay thị trấn trên, Kiên Lương còn ba nhà máy sản xuất ximăng khác nằm trên tỉnh lộ 11 nối từ thị trấn Kiên Lương ra danh thắng hòn Phụ Tử.

Tỉnh lộ này từng được xem là một trong những cung đường đẹp nhất của tỉnh Kiên Giang. Giờ đây bên cạnh những núi đá vôi xanh mướt là những ngọn núi đã bị phạt ngang đầu, xẻ nham nhở, ngổn ngang cảnh khai thác.

Từ trung tâm thị trấn có thể thấy một phần quần thể núi Mo So (Bãi Voi) bị phạt trắng một phần. Núi Mo So có hệ thống hang động độc đáo, từng là cứ điểm cách mạng trải qua hai thời kỳ kháng chiến, đã được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng và thắng cảnh cấp quốc gia từ năm 1995.

Nhưng một phần thắng cảnh này bị phá tan hoang. Đáng ngạc nhiên là sau ba tháng khi được công nhận là di tích, khu vực núi này bị cấp phép khai thác để phục vụ cho Nhà máy ximăng Hòn Chông.

Ông Trần Minh Sang – trưởng Phòng tài nguyên và môi trường huyện Kiên Lương – thừa nhận: “Hệ thống hang động lịch sử nằm phía bên trái núi.

Tuy chưa bị tác động do quá trình khai thác mỏ của nhà máy ximăng, nhưng một mảng núi đã bị khai phá phía bên sườn phải cũng ảnh hưởng nhiều đến không gian của thắng cảnh này”.

Tiến sĩ Lưu Hồng Trường, viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết khu vực núi đá vôi duy nhất ở miền Nam này có hệ thống hang động, thực vật cực kỳ phong phú.

Đặc biệt, nơi đây có đàn voọc bạc Đông Dương đang sinh sống ở các núi đá vôi Bãi Voi, Khoe Lá. Đây là loài vật có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Nhưng chính những ngọn núi mà chúng cư ngụ còn có nguy cơ biến mất, nói gì đến những thân phận nhỏ nhoi.

Ông Trường cho biết Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới từng công bố nơi đây có hơn 30 loài đặc hữu đang có nguy cơ bị đe doạ.

“Hiện tại chúng tôi vẫn theo dõi thì thấy đàn voọc bạc vẫn đang phát triển bình thường. Nhưng nếu không lập ngay khu bảo tồn cho khu vực này thì hệ sinh thái bị huỷ hoại, động vật quý hiếm biến mất là điều có thể thấy ở tương lai gần” – ông Trường nhận định.

Dù việc bảo tồn, phát triển vùng đất Kiên Lương đã được nhắc đến từ hàng chục năm qua, nhưng đến nay vẫn chỉ mới dừng ở những hội thảo kế hoạch, cảnh báo và… đang tiếp tục xúc tiến.

“Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” đang là khẩu hiệu. Nhưng vùng đất Kiên Lương này bao lâu nữa môi trường, thiên nhiên nơi đây mới có thể thực sự thoát khỏi việc đánh đổi?

Kiên Lương trong mắt nhà văn Sơn Nam

Trong hồi ký của mình, nhà văn Sơn Nam từng viết về vùng này thời ông còn nhỏ: “Dọc theo mé biển, nhiều giồng cát cao ráo đã có người Khmer định cư, co cụm trên cao, ven giồng là đất thấp, úng lụt.

Thêm vài ngọn đồi thơ mộng, dính vào đất liền, gọi là vùng Hòn Chông, Ba Hòn với hai cột đá cao, nằm nghiêng một chiều, gọi là hòn Phụ Tử rồi lên Hà Tiên gặp nhiều hòn đá vôi (ximăng Hà Tiên).

Ăn đến biên giới là những thắng cảnh như Tô Châu, Đông Hồ, Thạch Ðộng, gần xa ngoài biển là hàng chục đảo lớn nhỏ, khi trời quang mây tạnh, nhìn thấy dạng đảo Phú Quốc khá cao và dài”.

5 nhà máy ximăng bủa vây

Năm nhà máy ximăng với công suất hơn 4 triệu tấn/năm bủa vây xung quanh đủ để lý giải việc các núi đá vôi ở khu vực này đang mất đi. Núi bị khai phá, kéo theo đó là hệ sinh thái tự nhiên biến đổi, cuộc sống của con người và các loài vật ở đây bị xáo trộn.

SƠN LÂM