17/01/2025

Bảo vệ rừng, phải xử cả ‘địa tặc’ lẫn lâm tặc

Thảo luận luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) ngày 19.6 tại hội trường Quốc hội, các đại biểu đề nghị luật phải có những quy định để xử lý nghiêm, đủ sức răn đe, chế tài đối với lâm tặc, kể cả các đối tượng lấn chiếm, sở hữu đất rừng trái phép.

 

Bảo vệ rừng, phải xử cả ‘địa tặc’ lẫn lâm tặc

Thảo luận luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) ngày 19.6 tại hội trường Quốc hội, các đại biểu đề nghị luật phải có những quy định để xử lý nghiêm, đủ sức răn đe, chế tài đối với lâm tặc, kể cả các đối tượng lấn chiếm, sở hữu đất rừng trái phép.





Đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai) phát biểu tại Quốc hộiẢNH: THƯ VIỆN QUỐC HỘI

Đất rừng bị mang đi bán thì trồng rừng bằng gì ?
Đại biểu (ĐB) Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhất trí cao sự cần thiết sửa đổi luật, bởi từ năm 2004 đến nay quá trình thực thi đã cho thấy còn một số hạn chế như việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, biến rừng thành nương rẫy, đồi trọc. Nhiều diện tích rừng bị thu hẹp do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các đối tượng đã lợi dụng khai thác gỗ trái phép tàn phá rừng, nhiều diện tích đất rừng giao cho các nông, lâm trường, nhưng khai thác kém hiệu quả.
Theo ĐB Ksor Phước Hà (Gia Lai), hiện nay mỗi năm cả nước xảy ra 7.000 vụ phá rừng, 20.000 vụ vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép, điều này rất đáng báo động. Nguy hiểm hơn, hàng loạt công trình thủy điện lớn nhỏ, trải dài các khe suối, con sông khiến người dân nhiều nơi phải gánh chịu hậu quả nặng nề do lũ lụt gây ra. Bên cạnh đó, việc trồng quá nhiều rừng cao su khiến lượng ô xy ngày càng ít đi, đe dọa sự tồn tại của con người. Tại khu vực Tây nguyên, ĐB Ksor Phước Hà cho biết vùng đất này ngày càng bị sa mạc hóa. Không những rừng bị tàn phá nặng nề mà đất rừng cũng bị đào bới mang đi. “Đất rừng mà còn bị mang đi bán thì chúng ta trồng rừng bằng niềm tin hay sao? Ta có nên gọi đối tượng này là địa tặc hay không? Tôi đề xuất cần phải xử lý việc lấy đất rừng”, ĐB Ksor Phước Hà đề nghị.
Trước thực trạng trên, theo ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên), cần phải có những quy định đủ sức nặng để bảo vệ rừng. Đặc biệt, đối với các hành vi bị nghiêm cấm, bổ sung thêm điều khoản: Lợi dụng chức vụ quyền hạn để bao che, tiếp tay khai thác rừng, săn bắt động vật rừng để buôn bán trái pháp luật. Bàn về giải pháp bảo vệ rừng, ĐB Mùa A Vảng cho rằng luật phải tạo điều kiện để cho người dân bảo vệ rừng vì cuộc sống của họ luôn gắn bó với rừng. “Tôi đề nghị bổ sung vào luật quy định: Nhà nước có chính sách khuyến khích các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bảo vệ rừng, khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên”.
 

ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cũng yêu cầu rà soát và tập trung quy định các chính sách đối với bảo vệ và phát triển rừng vào trong một điều khoản và quy định các nội dung cụ thể là nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng rừng; có chính sách bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; có chính sách hỗ trợ chủ rừng, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận bảo vệ và phát triển diện tích rừng và đặc biệt là chính sách ưu tiên giao rừng cho người dân sinh sống tại chỗ.

 

Anh Vũ