Chương 7 (hoàn chỉnh): Thịnh Vượng Và Công Bằng Cho Mọi Người: ĐỜI SỐNG KINH TẾ
Lý do tại sao đời sống kinh tế có những quy luật riêng. Vì sao hoạt động kinh tế chỉ công bằng xứng với con người nếu tất cả những người liên quan đều nhận được phần của mình. Vì sao thị trường cũng có những giới hạn, và chúng ta có thể đáp ứng ra sao trước trào lưu toàn cầu hoá.
Chương 7
Thịnh Vượng Và Công Bằng Cho Mọi Người
ĐỜI SỐNG KINH TẾ
Câu 158 – 194
với sự cộng tác của Hermann von Laer và Martin Schlag
Lý do tại sao đời sống kinh tế có những quy luật riêng. Vì sao hoạt động kinh tế chỉ công bằng xứng với con người nếu tất cả những người liên quan đều nhận được phần của mình. Vì sao thị trường cũng có những giới hạn, và chúng ta có thể đáp ứng ra sao trước trào lưu toàn cầu hoá
Ngay trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và thịnh vượng của toàn thể xã hội đều cần phải được tôn trọng và thăng tiến. Vì con người là nguồn gốc, trung tâm, và mục đích cuối cùng của tất cả đời sống xã hội và kinh tế.
Công đồng Vaticanô II, GS 63
Hoạt động Kinh tế là “toàn bộ những biện pháp và thủ tục nhằm đáp ứng một cách có hệ thống, liên tục và an toàn những nhu cầu của con người về hàng hoá và dịch vụ để có thể giúp các cá nhân và thực thể xã hội phát triển theo ý Chúa”. (Hồng y Josef Höffner) |
158 “Hoạt động kinh tế” nghĩa là gì? → Nói đến Hoạt động kinh tế là chúng ta bàn về lĩnh vực của các tương tác xã hội trong đó con người cung ứng cho nhu cầu vật chất của họ và của đồng loại. Do đó, đời sống kinh tế liên quan tới việc sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ. Ü 332 è 2426, 2427 |
Nếu bạn có thể tin tưởng một người, bạn không cần làm hợp đồng. Nếu bạn không thể tin được người đó, thì làm hợp đồng cũng vô ích thôi. John Paul Getty (1892-1976), nhà đại tư bản dầu hoả và người bảo trợ nghệ thuật của Mỹ, giàu có bậc nhất thế giới vào thời của ông
Tại sao những cây cầu của La Mã vẫn đứng vững qua bao thời kỳ lịch sử? Lý do chủ yếu là người thiết kế cây cầu đã phải đứng bên dưới công trình của họ trước khi thông xe. Prem Watsa (sinh 1950), nhà phát minh người Canada |
159 Mục tiêu của hoạt động kinh tế là gì? Mục tiêu của hoạt động kinh tế là cung cấp cho chúng ta các sản phẩm vật chất cần để sống. Các nguồn tài nguyên đáp ứng mục tiêu này – như vật liệu thô, máy móc, đất đai, nhân công – thì giới hạn. Do đó, chúng ta phải sáng tạo ra các biện pháp kinh tế, hay nói cách khác, tổ chức hoạt động kinh tế sao cho những nguồn tài nguyên giới hạn đó được dùng một cách càng hữu hiệu và hợp lý càng tốt. Nguồn gốc, trọng tâm, và mục đích của mọi hoạt động kinh tế là con người tự do. Như trước nay vẫn thế, khi chúng ta tham gia vào hoạt động xã hội, phẩm giá con người và sự phát triển công ích phải là trọng tâm (x. GS 63). Ü 334, 346, 375 è 2426 ð 442 |
Rất nhiều nhu cầu của con người không tìm được chỗ đứng trên thị trường. Nhiệm vụ cấp thiết của sự thật và công lý là khắc phục tình trạng các nhu cầu cơ bản của con người không được đáp ứng, và ngăn chặn sự tiêu vong của những ai phải thiếu thốn trầm trọng. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), CA 34
Nguyên tắc luân lý nào cho rằng có thể lướt qua chủ thể của các điều luật về kinh tế, thì không phải là luân lý, mà chỉ là kiểu lên mặt dạy đời, nghĩa là trái nghịch với luân lý thật. Hồng y Joseph Ratzinger/Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Kinh tế Thị trường và Đạo đức (1986)
|
160 Hoạt động kinh tế và nguyên tắc đạo đức liên hệ với nhau như thế nào? Nền kinh tế vận hành theo những nguyên lý riêng của nó. Kinh tế thị trường, một hình thái kinh tế, ngày càng được đón nhận trên toàn thế giới. Kinh tế thị trường cũng giống như trong một “thương trường” thực sự: nhà cung cấp và người tiêu thụ gặp gỡ, đàm phán tự do với nhau về giá cả, chất lượng, số lượng của các sản phẩm. Nền kinh tế thị trường đã chứng tỏ mình hoạt động rất hữu hiệu, nhưng nó chỉ có thể được chấp nhận trên phương diện đạo đức nếu đó là một nền kinh tế thị trường xã hội do một chính quyền hợp hiến đi kèm. Do đó, trước tiên, chính phủ đã phải ban hành những quy tắc rõ ràng, và tiếp đến, các điều khoản dự phòng cũng phải được soạn ra để đảm bảo quyền lợi của những ai không thể mang đến bất cứ món hàng nào trên thị trường đó, ví dụ, vì họ không có tiền, cũng không có việc làm. Hơn nữa, có những trải nghiệm của con người không thể được trao đổi một cách công bằng theo cơ chế của thị trường: ví dụ, nỗi đau, bệnh hoạn, tật nguyền. Dù nền kinh tế vận hành theo những nguyên lý riêng của nó, điều đó không có nghĩa là những luật lệ của thị trường lại không phải tuỳ thuộc vào những điều răn và lề luật của Thiên Chúa. Đạo đức là thành phần thiết yếu cho một hoạt động kinh tế tốt đẹp. Kinh doanh trái đạo lý về lâu dài cũng sẽ bất ổn về phương diện kinh tế. Ngược lại, doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả về kinh tế, ví dụ phí phạm tài nguyên, thì cũng đúng là kém đạo đức. Ü 330-333 è 2426, 2431 ð 442-443 |
Chúng ta phải biết cho đi chừng nào còn có, vì chúng ta có được một Đấng rộng lượng trao ban. Thánh Bridget của Thuỵ Điển (1303-1373), nhà thần bí và Thánh bảo trợ châu Âu |
161 Có phải giàu có là “kém đạo đức”? Không. Gia tăng của cải có thể là một mục tiêu đạo đức cao quý. Mục tiêu đó được coi là tốt về luân lý chỉ khi người ta theo đuổi nó bằng phương cách phù hợp với sự phát triển chung của tất cả mọi người trong tình liên đới với nhau, chứ không phải chỉ một vài cá nhân được hưởng lợi từ khối của cải gia tăng. Phát triển ở đây có nghĩa là sự phát triển tổng thể, toàn diện của con người. Điều này bao gồm đức tin và gia đình, giáo dục và y tế, và nhiều giá trị khác nữa. Đó không thể luôn chỉ là vấn đề tiêu thụ nhiều hơn. Chắc chắn, “chủ nghĩa tiêu thụ” chỉ khiến người ta nghèo nàn thêm. Ü 334 è 2426 |
Nếu không có những dạng thức liên đới và tin cậy nhau ở bên trong, thị trường không thể nào thực hiện đầy đủ chức năng kinh tế đúng đắn của nó. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 35
Cũng như điều răn “Ngươi không được giết người” thiết lập một ranh giới rõ ràng để bảo đảm giá trị sự sống con người, ngày nay chúng ta cũng phải nói: “Ngươi không được…” đối với một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Một nền kinh tế như thế cũng giết người. Giáo hoàng Phanxicô, EG 53 |
162 Giáo Hội có phê phán hoạt động kinh tế không? Giáo Hội có quan điểm cơ bản là tích cực đối với hoạt động kinh tế. Giáo Hội chỉ phê phán hoạt động kinh tế khi thương mại tự đặt mình ở vị trí tuyệt đối. Ví dụ, Giáo Hội phê phán khi người lao động bị bóc lột hay khi người ta chểnh mảng việc sử dụng tài nguyên của trái đất với ý thức bảo tồn lâu dài. Giáo Hội ủng hộ hoạt động kinh tế khi con người có thể nhờ đó mà được hưởng ít ra một sự sung túc tương đối và không còn phải sợ hãi cảnh đói nghèo. Học thuyết xã hội của Giáo Hội muốn mọi người tham gia tích cực để đưa đến sự tiến bộ kinh tế, cải thiện sản xuất, và phân phối của cải vật chất (x. GS 63, 65). Ü 373-374 è 2423-2425 ð 442 |
Bác ái ở vị trí trọng tâm trong học thuyết xã hội của Giáo Hội. Mỗi trách nhiệm và mỗi cam kết được giải thích rõ trong học thuyết này đều được rút ra từ đức bác ái. Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 2
|
163 Làm việc trong ngành kinh doanh có thể là một ơn gọi? Có. Công việc trong ngành thương mại và kinh doanh có thể là một ơn gọi thực sự đến từ Thiên Chúa: những ai mang trách nhiệm trong lĩnh vực đặc biệt của họ biết tự đặt mình vào vị thế phục vụ anh em đồng loại và xã hội, trở nên phúc lành cho tất cả. Thiên Chúa trao phó trái đất cho chúng ta “canh tác và gìn giữ”. Trong công việc, chúng ta có thể tuân theo ý Chúa, và trong phạm vi nhỏ hẹp nào đó, đóng góp vào việc hoàn chỉnh công trình sáng tạo (St 2,15tt). Nếu chúng ta hành động ngay chính và nhân ái, chúng ta sẽ dùng những tặng vật tốt lành của đất đai và tài năng của riêng chúng ta cho ích lợi của anh em đồng loại mà Chúa đã giao phó cho chúng ta chăm lo (Mt 25,14-30; Lc 19,12-27). Ü 326 è 2427-2428 ð 442 |
Nếu bạn nghèo, bạn cần ai đó có thể giúp đỡ mình; nếu bạn giàu, bạn cũng cần những người mà mình có thể trao ban. Ludwig Börne (1786-1837), phóng viên người Đức
Bạn có thể lập nên một công ty để phục vụ người nghèo, với lợi nhuận là sản phẩm phụ chứ không phải mục đích. Muhammad Yunus (sinh 1940), nhà kinh tế và cải cách xã hội ở Bangladesh, giải Nobel Hoà bình năm 2006
Nếu chỉ đơn giản cho tiền người nghèo, bạn đã lấy đi khả năng sáng tạo và sự chủ động tự giúp bản thân của họ. Muhammad Yunus (sinh 1940) |
164 Kinh Thánh nói gì về giàu và nghèo? Bất cứ ai theo Đức Giêsu cần nhớ rằng trước tiên và trên hết phải “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21). Giàu có về vật chất không phải là mục tiêu đặc biệt trong đời sống của người Kitô hữu. Sự sung túc của cải cũng không phải là dấu hiệu chắc chắn của ơn đặc biệt Chúa ban. Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6,11). Với lời ấy, chúng ta xin Chúa Cha ban tất cả những gì chúng ta cần để sống đời trần thế. Chúng ta không cố giành cho có được các của cải xa hoa, nhưng chỉ mong những thứ cần để sống hạnh phúc trong sự sung túc vừa phải, nuôi sống được gia đình, làm việc bác ái, và tham dự vào văn hoá và giáo dục cũng như phát triển xa hơn trong các lĩnh vực này. Ü 323, 326 è 2443-2446 ð 449 |
Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Lc 6,24
Con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng để con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: “Đức Chúa là ai vậy?” hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con. Cn 30,7-9
|
165 Nghèo khổ có phải luôn là điều tồi tệ? Nếu “nghèo” có nghĩa là bất đắc dĩ phải sống thiếu thốn và không có những phương tiện tối thiểu để sinh sống, thì nghèo quả là một điều tồi tệ. Thực tế cho thấy một phần nhân loại đói khát, trong khi phần khác lại ném bỏ thực phẩm dư thừa, đó là một điều đáng hổ thẹn và là tội ác vọng tới Trời. Thật khó xác định ở các nước giàu đường ranh giới của cái nghèo vật chất đi tới đâu, hay nói cách khác, mức sống tối thiểu là ở đâu. Mức nghèo tương đối – nghĩa là không sống trong thừa mứa – thì không nhất thiết là một điều tiêu cực. Sự nghèo khổ đó có thể dẫn người ta nhận ra những nhu cầu thực sự của họ trong cách nhìn của Thiên Chúa và tiếp cận Ngài với thái độ thành khẩn cầu xin và tin cậy. Khi các Kitô hữu đón nhận lại Tin Mừng một cách trân trọng, họ sẽ chủ tâm và tình nguyện từ bỏ của cải vật chất: nhiều người muốn thế để có thể phục vụ Chúa với trái tim tự do. Nói chung, đúng là bất cứ ai muốn theo Đức Giêsu phải “nghèo khó trước mắt Chúa”, nghĩa là hoàn toàn từ bỏ sự dính bén nội tâm với của cải (Mt 5,3). Không điều gì chiếm vị trí ưu tiên vượt trên tình yêu dành cho Thiên Chúa. Ü 324 è 2437-2440 ð 448 |
Vài người tiêu pha số tiền mà họ không có, đi mua những thứ họ không cần, để gây ấn tượng trước những kẻ họ không ưa. Danny Kaye (1913-1987), nhà giải trí người Mỹ
Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đau đớn xâu xé tâm hồn. 1Tm 6,10 |
166 Sung túc có phải luôn là điều tốt? Có thể sống mà không phải lo âu chuyện tiền bạc là một đặc ân lớn mà người thụ hưởng phải cất lời cảm tạ Chúa mỗi ngày về điều đó. Ai sống theo lối này có thể trợ giúp những người, mà vì lý do nào đó, không được may mắn như thế trong đời. Tuy vậy, sự sung túc cũng có thể khiến tinh thần tự mãn, kiêu căng, ngạo mạn. Không như người nghèo, người giàu thường bị cám dỗ xem hoàn cảnh may mắn của mình là do thành quả mình tạo dựng nên. Khi việc sở hữu của cải đưa đến lòng tham, nó thường đi kèm theo lòng chai dạ đá. Đức Giêsu đã mắng ông nhà giàu đam mê vật chất: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi” (Lc 12,20). Ü 325 è 2402-2404 |
Từ lòng tham phát sinh mọi tội ác và lầm lạc.
Cicero (106-43 TCN)
Bạn không thể có mọi thứ. Bạn sẽ đặt chúng ở đâu? Steven Wright (sinh 1955), nhà hài kịch người Mỹ
|
167 Tại sao Đức Giêsu nói chúng ta không nên lo lắng về ngày mai (Mt 6,34)? Nói như thế, Đức Giêsu không có ý hạ thấp giá trị của việc hoạch định kỹ lưỡng. Trong một đoạn khác, Người khen tài quản lý khôn ngoan và cách làm việc đáng tin cậy. Hơn nữa, chính Đức Giêsu đã sống như người thợ và lao động cho tha nhân. Trái lại, quá lo lắng cho tương lai là không thích hợp với lòng tin cậy nền tảng của một Kitô hữu. Ü 523 |
THƯƠNG NGƯỜI CÓ MƯỜI BỐN MỐI
THƯƠNG LINH HỒN BẢY MỐI