10/01/2025

Tương lai Giáo hội sẽ ra sao trong thời đại của trí tuệ nhân tạo?

Nhân dịp kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải cách Tin Lành, một mục sư người Đức đã lắp đặt một robot-mục sư tại nhà thờ Wittenberg (Saxony-Anhalt), với mục đích khơi lên cuộc tranh luận về tương lai của Giáo hội trong thời đại của trí tuệ nhân tạo.

 Tương lai Giáo hội sẽ ra sao trong thời đại của trí tuệ nhân tạo?

 

 

WHĐ (12.06.2017) – Nhân dịp kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải cách Tin Lành, một mục sư người Đức đã lắp đặt một robot-mục sư tại nhà thờ Wittenberg (Saxony-Anhalt), với mục đích khơi lên cuộc tranh luận về tương lai của Giáo hội trong thời đại của trí tuệ nhân tạo.

 

Được trang bị một màn hình cảm ứng, BlessU-2 trông giống như một máy ATM. Nhưng điều mà cỗ máy lạ lùng này phân phối là những lời chúc lành – tên gọi của robot BlessU-2 theo tiếng Anh có nghĩa là “Tôi cũng chúc lành cho bạn”. BlessU-2 là robot-mục sư đầu tiên.

 

Với giọng nam hay nữ, bằng tiếng Đức, tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha hoặc tiếng Ba Lan, robot đa ngữ này có thể đọc các trích đoạn Kinh Thánh và kết thúc với một câu thân mật: “Xin Chúa chúc lành cho bạn và gìn giữ bạn!” Khi đọc lời chúc lành, robot cũng đưa hai tay lên, lòng bàn tay phát ra ánh sáng trắng, và cử động cặp lông mày.

 

Xin đừng nhầm lẫn: BlessU-2 không có ý thay thế cho mục sư bằng xương bằng thịt và Giáo hội của Đức không phải đã được “robot hoá” ngay đâu.

 

Đây chỉ là một thử nghiệm được các Giáo hội Tin Lành ở Hesse và Nassau (Đức) tiến hành nhân dịp kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải cách Tin Lành. Sáng chế này đã được công bố hồi tháng 5 trong khuôn khổ của một cuộc triển lãm tại thành phố Wittenberg ở Tây Nam Berlin.

 

Các tín hữu lo ngại

 

“Ý tưởng này nhằm khơi lên tranh luận”, Stephan Krebs, mục sư của giáo xứ này giải thích với tờ Guardian. Mục đích của nó là để đưa người ta đến việc “xem xét khả năng được chúc lành bởi một cỗ máy” và tự hỏi xem “liệu có còn cần đến con người hay không”.

 

Ở một đất nước đang thiếu mục sư, có lẽ Stephan Krebs muốn mời các tín hữu suy tư về vị trí của trí tuệ nhân tạo trong thế giới ngày mai và về đóng góp của công nghệ cho tôn giáo.

 

Nếu cỗ máy làm cho những người qua đường thích thú, thì nó lại khiến cho các tín hữu lo ngại; họ sợ rằng cuối cùng các mục sư sẽ bị máy móc thay thế. Stephan Krebs lấy làm tiếc rằng “những người đạo đức nhất là những người chỉ trích nhiều nhất”.

 

Đây không phải là trường hợp “robot hoá” đầu tiên trong giới tôn giáo. Năm 2016, một ngôi chùa Phật giáo ở Bắc Kinh đã phát triển một robot có thể tụng kinh.

 

 

(La Croix)

 

 

Minh Đức