02/11/2024

Chương 6 (Hoàn chỉnh): Nghề Nghiệp Và Ơn Gọi: LAO ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI

Tại sao lao động không phải là một lời nguyền, nhưng là phương thức để con người tự thể hiện bản thân. Vì sao lao động biến chúng ta thành những người cộng tác với Thiên Chúa. Lý do tại sao lao động là vì con người, chứ không phải con người vì lao động.

Chương 6

Nghề Nghiệp Và Ơn Gọi
LAO ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI
Câu 134-157
với sự cộng tác của Arnd Küppers
Tại sao lao động không phải là một lời nguyền, nhưng là phương thức để con người tự thể hiện bản thân. Vì sao lao động biến chúng ta thành những người cộng tác với Thiên Chúa. Lý do tại sao lao động là vì con người, chứ không phải con người vì lao động.

Hãy chọn lấy một nghề bạn yêu thích, rồi bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào nữa trong đời.

Ngạn ngữ châu Á

 

Mầu nhiệm sáng tạo hiện diện vào lúc con người bắt đầu lao động.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), LE 12

 

Người ta hỏi ba người thợ đẽo đá rằng họ đang làm gì. Người đầu tiên trả lời: ‘Tôi đang đục một tảng đá’. Người thứ hai nói: ‘Tôi đang tạo hình vòm cửa sổ theo kiến trúc Gothic’. Người thứ ba tự hào: ‘Tôi đang xây một thánh đường’.

Khuyết danh

 

134  Lao động có ý nghĩa gì đối với con người?

Có khả năng làm việc, có công ăn việc làm, và có thể tạo nên một thành tựu nào đó cho bản thân và người khác, là nguồn hạnh phúc lớn lao đối với nhiều người. Thất nghiệp, không được cần tới, khiến người ta thấy mình như bị tước mất phẩm giá. Qua công việc, con người phát triển những thiên hướng và năng lực của mình, cũng như tham gia vào sự tiến bộ về kinh tế, xã hội, văn hoá. Lao động đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa ra lệnh cho con người chinh phục trái đất (St 1,28), bảo tồn và trồng trọt. Lao động có thể trở thành công việc phục vụ giá trị dành cho đồng loại. Hơn thế nữa, việc canh tác trái đất một cách bền vững và sáng tạo để phát triển tiềm năng trái đất, khiến con người trở nên giống như Đấng Tạo Hoá của mình. Việc thực hiện tốt những phận sự đơn giản cũng liên kết con người với Đức Giêsu, chính Người cũng là một người lao động.

Ü 275, 287 è 2427-2428 ð 444

Lao động thăng hoa đặc tính làm người.

John Hardon, S.J. (1914-2000), linh mục Dòng Tên, nhà thần học người Mỹ

 

Nếu ai được gọi trở thành người quét đường, thì người ấy nên quét đường cẩn thận như thể danh hoạ Michaelangelo đang vẽ, hay nhạc sĩ Beethoven đang soạn nhạc, hay văn hào Shakespeare đang làm thơ. Người ấy nên quét đường sạch đến mức tất cả chủ nhân dưới đất và trên trời đều phải dừng lại và thốt lên: ‘Ở đây có một người quét đường vô cùng tận tâm’.

Martin Luther King (1929-1968)

 

Linh hồn được dưỡng nuôi bằng điều làm cho mình thích thú.

Thánh Augustinô (354-430)

 

135  Lao động có phải là án phạt từ Thiên Chúa không?

Thỉnh thoảng ta đọc thấy rằng lao động là án phạt của Thiên Chúa vì tội nguyên tổ của Ađam. Nhưng điều này không đúng. Theo trình thuật sáng tạo trong Kinh Thánh, lao động là một phần thiết yếu nằm trong bản chất của con người khi được tạo dựng. Trong sách Sáng Thế 2,15, con người nhận chỉ thị canh tác và gìn giữ Vườn Êđen. Sau khi Ađam và Evà bất tuân lệnh cấm của Thiên Chúa là không được ăn quả của “cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,17), nói cách khác, sau khi họ sa ngã, đất đai mà con người phải canh tác đã bị nguyền rủa. Từ đó, công việc nhọc nhằn đã thành gánh nặng, và con người phải vất vả nuôi bản thân và gia đình. Theo quan điểm Thánh Kinh, sự trừng phạt của Thiên Chúa cho tội sa ngã không phải là công việc lao động, mà là nỗi khó nhọc khi làm việc.

Ü 255 tt è 307 ð 50, 66

 

 

 

 

Lao động tốt cho con người, cho nhân tính của con người, vì qua lao động, con người không chỉ biến đổi thiên nhiên, bằng cách điều chỉnh nó cho hợp với các nhu cầu của mình, mà còn thể hiện trọn vẹn chính mình với tư cách làm người, và thực sự, hiểu theo một nghĩa nào đó, làm cho mình “trở nên người hơn”.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), LE 9

 

136  Có bắt buộc phải làm việc không?

Thiên Chúa tạo nên trái đất và trao lại cho con người như quà tặng quý giá. Thánh Kinh diễn tả lao động như là lời đáp lại đầy lòng biết ơn, và phù hợp của con người trước tặng vật đó. Vì thế, khi con người theo đuổi nghề nghiệp của mình, và ngay cả khi còn chuẩn bị cho công việc tương lai ở độ tuổi đến trường cũng như sau đó trong giai đoạn học việc ở độ tuổi thanh niên, thì đấy không phải chỉ để mình có khả năng kiếm sống. Qua lao động, con người có được đặc quyền đóng góp phần nào cho sự phát triển tích cực của thế giới. Như vậy, theo cách nào đó, con người được dự phần vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Ü 264-266, 274 è 2427-2428, 2460 ð 440

Nếu quả thật lao động là tất cả, thì sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì trong đời của người khuyết tật, của người già yếu, và ngay cả của trẻ thơ.

Robert Blüm (sinh 1935), chính khách Đức

 

Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.

Mt 6,19-21

137  Đức Giêsu đã đánh giá lao động như thế nào?

Đức Giêsu “về mọi phương diện giống như ta, nhưng không phạm tội” (Công đồng Chalcedon, năm 451, trích dẫn Dt 4,15; x. CCC 467). Người sống giữa những ngư dân, nông dân, thợ thủ công, và chính Người cũng trải qua thời học việc và rồi làm thợ mộc trong xưởng mộc của Thánh Giuse cho đến năm ba mươi tuổi. Trong các dụ ngôn, Người dùng những hình ảnh rút ra từ đời sống mua bán hằng ngày. Trong bài giảng, Người khen những gia nhân biết đầu tư tiền bạc của chủ, và trách người đầy tớ lười biếng đã chôn yến bạc dưới đất (x. Mt 25,14-30). Tại trường học, trong lớp huấn nghiệp, và đang khi làm việc, lao động thường có vẻ như là một bổn phận nặng nề, gian khổ. Chính trong lao động, chúng ta có thể học hỏi từ Đức Giêsu, và cùng với Người mang lấy thập giá hằng ngày của chúng ta để bước theo Người, Đấng đã vác thập giá mình để cứu rỗi chúng ta.

Ü 259, 263 è 2427 ð 85, 494

Điều khiến ta mệt mỏi là công việc mà ta chểnh mảng, chứ không phải là công việc mà ta đang làm.

Marie von Ebnereschenbach (1830-1916)

Bạn không mất việc khi chỉ cho con mình xem chiếc cầu vồng. Nhưng cầu vồng không đợi cho đến khi bạn xong việc.

Châm ngôn Trung Hoa

 

Với ta, Chủ Nhật đáng giá bao nhiêu tiền? Chính câu hỏi này đã là đòn tấn công rõ rệt nhắm vào Chủ Nhật. Thật ra, nói cách chính xác Chủ Nhật chỉ là ngày Chủ Nhật, vì ngày này không có giá tiền gì, và, theo nghĩa kinh tế, cũng không sản xuất ra cái gì. Câu hỏi về giá cả để giữ ngày Chủ Nhật như ngày nghỉ hàm ý rằng đầu óc của chúng ta đã muốn biến Chủ Nhật thành ngày làm việc.

Robert Spaemann (sinh 1927)

138  Lao động và thành công trong công việc liên quan với mục đích thực sự của đời người như thế nào?

Lao động là một phần của đời sống, chứ không phải là chính đời sống. Ngày nay, đặc biệt ở các nước phát triển, nhiều người dường như chỉ sống vì công việc. Đối với họ, công việc như thể chất gây nghiện, nên họ được gọi là những người nghiện làm việc. Đức Giêsu cảnh báo người ta đừng để lao động biến họ thành nô lệ như thế. Mục đích của đời người không phải là tích luỹ của cải, hay kiếm tìm danh tiếng, nhưng để đạt đến sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa, nhờ cầu nguyện, thờ phượng Chúa, và yêu mến người thân cận cách tích cực. Chừng nào lao động của con người được đặt ở thế phụ thuộc vào mục đích này, thì lao động là một phần của đời sống Kitô hữu. Thế nhưng khi lao động trở thành cứu cánh, và che mờ mục đích thực sự của cuộc sống con người, thì tầm quan trọng của lao động đã bị phóng đại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn phải làm đồng thời nhiều công việc khác nhau, và lao động nhọc nhằn để nuôi sống gia đình. Như thế, họ đang phục vụ cho gia đình, và do vậy, công lao của họ được Thiên Chúa chúc phúc.

Ü 260 è 2426-2428 ð 47, 444

Chúng tôi tin chắc rằng một sai lầm lớn của phong trào Xã hội Kitô giáo là cho đến nay chẳng làm gì cả, hay nói chính xác, làm điều chưa đúng cho các công nhân.

Adolph Kolping (1813-1865), linh mục người Đức, chăm lo cho giới công nhân thành thị.

139  Điều răn về giữ ngày nghỉ Chủ Nhật có liên quan gì đến lao động?

Điều răn về giữ ngày nghỉ Sabbath (ngày thứ Bảy theo Do Thái giáo), hay ngày Chủ Nhật (ngày của Chúa theo Kitô giáo), là đỉnh điểm, đỉnh cao của giáo huấn Thánh Kinh về lao động. Khi con người tạm ngưng làm việc và tham dự Thánh lễ vào Chủ Nhật, tầm nhìn của họ được hướng về mục đích thực sự của đời mình. Điều răn phải nghỉ vào ngày Sabbath, như vậy, cũng là thành trì chống lại sự nô lệ tự nguyện hay ép buộc của con người vào công việc. Điều răn giữ ngày Sabbath được lập vì hai mục đích: giải phóng con người để phụng sự Chúa, và cũng nhằm bảo vệ nhân loại, đặc biệt là người nghèo, khỏi cảnh bị chủ bóc lột.

Ü 258 è 2185-2188 ð 47

Họ kêu gọi nhân công, và rồi người người xuất hiện.

Max Frisch (1911-1991), về vấn đề “công nhân nước ngoài”

Vấn đề xã hội liên quan đến depositum fidei (kho tàng đức tin).

Giám mục Wilhelm Emmanuel Von Ketteler (1811-1877), Giám mục Đức

(depositum fidei = kho tàng đức tin, những chân lý thiết yếu của đức tin)

 

Điều lầm lẫn tai hại [về vấn đề xã hội] là người ta cứ giữ mãi quan niệm cho rằng tầng lớp này tự bản chất thù nghịch với tầng lớp khác, giới giàu có và giới công nhân đương nhiên mâu thuẫn với nhau ngay trong bản chất nội tại. Quan điểm trên là bất hợp lý và sai lầm đến độ hoàn toàn trái ngược với chân lý.

Giáo hoàng Lêô XIII (1810-1903), RN 19

140  “Vấn đề công nhân” là gì?

Tiến trình công nghiệp hoá và sự lan rộng của nền kinh tế thị trường tự do trong thế kỷ mười chín đã dẫn đến sự phát triển công nghiệp và kinh tế nhanh chóng chưa từng có ở châu Âu và Hoa Kỳ. Kết quả là, vô số người muốn tìm một đời sống tốt đẹp hơn đã bỏ các làng quê nghèo mà đổ xô vào những thành phố công nghiệp đang phát triển nhanh chóng để làm việc trong các hãng xưởng hiện đại. Nhưng tất cả hy vọng của họ thường tiêu tan. Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, nhiều công nhân nhà máy đã phải khốn khổ với những điều kiện làm việc bất nhân và lương không đủ sống. Họ và gia đình có quá ít tiền không thể xoay sở và chịu quá nhiều mối rủi ro chết người. Lúc đó chưa có bảo hiểm thất nghiệp, thương tật và y tế. Bằng cách này, một tầng lớp mới hay “giai cấp xã hội” mới phát sinh: giai cấp vô sản, giai cấp không được hưởng lợi từ sự phồn thịnh của nền kinh tế đang lớn mạnh, và vì thế giai cấp này trở nên phụ thuộc về mặt xã hội vào những thành phần xã hội còn lại.

Ü 267 è 2427-2428, 2460 ð 438-439

Không phải tôn giáo nhưng chính cách mạng mới là thuốc phiện gây nghiện quần chúng.

Simone Weil (1909-1943), triết gia Pháp và nhà thần bí, người tích cực tham gia vào hoạt động chính trị và xã hội.

 

Cảm thức xã hội rất giống với cảm thức tôn giáo đến mức người ta có thể nhầm lẫn nó.

Simone Weil (1909-1943)

 

Nguồn gốc phẩm giá của lao động được tìm thấy chủ yếu nơi chiều kích chủ thể chứ không phải nơi chiều kích khách thể.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), LE 6

141  Giáo huấn xã hội của Giáo Hội xuất phát như thế nào?

Với sự phát triển giáo huấn xã hội, Giáo Hội cố gắng đáp lại trước thách thức của vấn đề công nhân. Ngay từ giai đoạn đầu của tiến trình công nghiệp hoá phương Tây, những cá nhân nổi bật như Giám mục Wilhelm Emmanuel von Ketteler (1811-1877), địa phận Mainz, nước Đức, đã đương đầu với vấn đề này. Trong thông điệp xã hội đầu tiên, Rerum Novarum (1891), Giáo hoàng Lêô XIII đã lên án việc phân chia xã hội thành các giai cấp, phê phán nạn lương thấp và điều kiện làm việc tồi tệ thường thấy trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, ngài xem đó như là một điều xúc phạm đến phẩm giá con người và các nhân quyền trong xã hội. Giáo hoàng đòi hỏi rằng người công nhân phải nhận phần xứng đáng từ sự phồn thịnh của nền kinh tế tăng trưởng, và ngài cũng khẩn thiết cảnh báo về những mối nguy hiểm của cuộc đấu tranh giai cấp.

Ü 267, 268 è 2419-2423 ð 438-439

 

Chúa Kitô trân trọng tình yêu mà người ta đặt vào công việc họ làm, hơn là tầm quan trọng của chính công việc đó.

Thánh Têrêsa Avila (1515-1582)

 

Phân tích đến cùng, con người luôn luôn là mục đích của lao động, cho dù người đó làm việc gì đi nữa, dù thang giá trị phổ thông đánh giá công việc đó như chỉ là một “dịch vụ” tầm thường nhất, một công việc đơn điệu nhất, ngay cả như việc làm tha hoá con người nhất.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), LE 6

142  Đâu là sự khác biệt giữa giáo huấn xã hội của Giáo Hội và chủ nghĩa Marx?

Karl Marx (1818-1883) cũng khai triển học thuyết Cộng sản của ông như một cách phản ứng trước vấn đề công nhân. Tuy nhiên, đối với ông, giải pháp lại là cuộc đấu tranh giai cấp tất yếu giữa tầng lớp vô sản và tầng lớp tư sản. Giai cấp tư sản phải bị tước quyền sở hữu bằng vũ lực, và một nền chuyên chính vô sản phải được thiết lập. Trong thế kỷ hai mươi, ý thức hệ Cộng sản đã gây ra những nỗi thống khổ không thể tưởng tượng được cho nhân loại. Ngay từ đầu, Giáo Hội đã nhận ra những mối nguy hiểm của chủ nghĩa Cộng sản, và lên án gay gắt lời chỉ vẽ về cuộc đấu tranh giai cấp. Thay vào đó, học thuyết xã hội của Giáo Hội và Phong trào Dân chủ Xã hội Thiên Chúa giáo ở châu Âu, đã cam kết dấn thân để tạo nên sự cân bằng chính đáng về quyền lợi giữa các bên khác nhau cùng tham gia vào kinh tế và chính trị.

Ü 88-90 è 2424-2425 ð 439

Tư bản không thể sinh lợi nếu thiếu nhân công, và nhân công mà thiếu vốn đầu tư cũng không thể phát huy năng lực.

Giáo hoàng Lêô XIII (1810-1903), RN 19

 

Tôi muốn nhắc nhở mọi người, đặc biệt các chính phủ đang tiến hành các biện pháp gia tăng của cải kinh tế và tài nguyên xã hội của thế giới, rằng nguồn vốn quý chủ chốt cần phải được bảo vệ và trân trọng chính là con người, con người trong tính toàn vẹn của mình.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 25.2

143  Chiều kích “khách thể” và “chủ thể” của lao động khác nhau như thế nào?

Các nhà kinh tế nói đến năng suất lao động của một doanh nghiệp hay thậm chí của một cá nhân. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội phân biệt chiều kích “khách thể” của lao động với chiều kích “chủ thể” của lao động. Chiều kích “chủ thể” là phẩm giá vốn có, trong tất cả mọi công việc, đơn giản vì công việc được thực hiện bởi một con người. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trình bày quan điểm này về con người là chủ thể của lao động, với phẩm giá bất khả nhượng của mình, như là “trọng tâm cơ bản và vĩnh viễn của giáo huấn Kitô giáo về lao động của con người” (LE 6). Do đó, chúng ta không bao giờ được phép đối xử ngạo mạn với những ai làm các công việc bị xem là “tầm thường”, do công việc đó không cần huấn luyện đặc biệt hay khả năng riêng biệt nào.

Ü270-271

Vấn đề xã hội là vô giới hạn.

Victor Hugo (1802-1885), nhà văn Pháp

 

Bạn không nên trách mắng người dưới quyền bằng lời lẽ cay độc như thể quất roi vào mặt người ta. Thay vào đó, bạn hãy kết hợp lời giảng về công bằng với lòng thương xót, và xoa dịu họ bằng lòng kính sợ Thiên Chúa.

Thánh Hildegard of Bingen (1098-1179), Tu viện trưởng người Đức, nhà thần bí, Tiến sĩ Hội Thánh

144  Nguyên tắc “ưu tiên lao động hơn vốn” nghĩa là gì?

Một hệ quả từ chiều kích chủ thể của lao động là “nguyên tắc ưu tiên lao động trên vốn” (LE 12). Đó là vì một người sở hữu vốn như một đối tượng bên ngoài, trong khi công việc thì không thể tách rời với người thực hiện công việc và với phẩm giá của người thực hiện. Không thể nào viện đến các khoản lãi từ vốn, những đòi hỏi phải cạnh tranh, hoặc những căng thẳng của việc toàn cầu hoá để bào chữa cho việc hạ thấp con người, cho đồng lương bóc lột, hay cho những điều kiện lao động tồi tệ.

Ü 277 è 2426 ð 442, 445

Việc sở hữu những phương tiện sản xuất, dù trong ngành công nghiệp hay nông nghiệp, là chính đáng và hợp pháp nếu việc đó phục vụ cho lao động có hiệu quả. Tuy nhiên, việc sở hữu phương tiện sản xuất này sẽ trở nên bất chính, khi bị bỏ phí, hay dùng để cản trở công việc của người khác nhằm mục đích giành lợi nhuận, nhất là khi mối lợi đó không phải là kết quả của việc mở rộng về mọi mặt của lao động và sự thịnh vượng của xã hội, nhưng lại là kết quả của việc giảm thiểu lợi ích chung, hay khai thác bất hợp pháp, đầu cơ, hoặc phá huỷ tình liên đới giữa những người lao động. Không thể biện minh việc sở hữu kiểu này bằng bất kỳ lý lẽ nào, và nó bộc lộ một sự lạm dụng xấu xa trước mắt Thiên Chúa và con người.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), CA 43

145  Giáo huấn xã hội của Giáo Hội muốn nói gì khi đòi hỏi sự tham gia của công nhân?

Cốt lõi của vấn đề công nhân là: các công nhân không được hưởng đầy đủ phần của họ từ sự phồn thịnh về kinh tế mà xã hội đạt được qua quá trình công nghiệp hoá và nền kinh tế thị trường. Trong giai đoạn đầu của công nghiệp hoá, công nhân nhà máy thường bị đối xử như những “cỗ máy người”. Trong xã hội, họ bị gạt ra bên lề. Ngày nay, chúng ta cũng thấy cùng tình cảnh như trên nơi nhiều nước đang phát triển và đang nổi trội. Trước tình hình như vậy, một trong những yêu cầu trọng tâm nơi giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn luôn là: sự tham gia thực sự của công nhân. Một mặt, yêu cầu trên có nghĩa là họ phải được tham gia trong doanh nghiệp: người công nhân nên có tiếng nói về nơi làm việc của họ. Mặt khác, đòi hỏi đó còn có nghĩa là sự tham gia vào xã hội và chính quyền: người công nhân cần phải được sống như những công dân đích thực với đầy đủ quyền và bổn phận kèm theo.

Ü 281 è 2423

Thất nghiệp, hay phải phụ thuộc vào dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước hoặc tư nhân trong một khoảng thời gian dài, sẽ làm suy giảm tự do và tính sáng tạo của một người, của gia đình người đó, và suy giảm các mối quan hệ xã hội của họ, gây ra nỗi thống khổ khủng khiếp về tâm lý và tinh thần.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 25

 

Trong nhiều trường hợp, nghèo đói bắt nguồn từ việc xúc phạm đến giá trị của lao động con người: hoặc do các cơ hội tạo nên việc làm bị hạn chế (thất nghiệp hay tình trạng thiếu việc làm), hay “vì lao động bị coi là có giá trị thấp kém và những quyền lợi từ lao động, đặc biệt quyền được có đồng lương xứng đáng và quyền được hưởng sự an toàn cá nhân của người công nhân và gia đình người đó”.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 25

146  Nên làm gì trước tính bất ổn trong công việc?

Các Kitô hữu được kêu gọi đối đãi với người cùng khổ như đối xử với chính Đức Kitô. Nơi nào các công nhân ngày nay bị đẩy ra bên lề xã hội vì “công việc bấp bênh” hay vì họ thuộc vào hàng ngũ “công nhân nghèo” (lương không đủ sống), thì họ thực sự nghèo túng. Công việc bất ổn khi đồng lương thấp hơn mức vật giá thị trường, khi công nhân không còn có thể hoạch định được tương lai của họ, hay khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm. Công nhân có quyền làm việc và hưởng một mức lương xứng đáng. Điều này cũng áp dụng cho lao động thời vụ và di dân. Đây là thách thức cho tất cả mọi người khi thị trường đẩy công nhân vào làm những công việc bấp bênh. Nhà nước có thể và nên thiết lập những điều kiện để những người chủ có thể cung cấp việc làm, ví dụ, thông qua “thị trường việc làm phụ” trong đó những công việc cần cho xã hội, nhưng nằm ngoài thị trường, có thể được thực hiện. Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này phải tôn trọng nguyên tắc bổ trợ; các biện pháp đó chỉ nên là giai đoạn chuyển tiếp dẫn tới thị trường chính và không được đặt ở thế cạnh tranh với thị trường chính.

Ü 273, 274 è 1940, 2434 ð 444, 447

 

Chúng ta phải nhớ và phải xác định rằng gia đình tạo nên một trong những chuẩn mực tham chiếu quan trọng nhất trong việc hình thành trật tự xã hội và đạo đức cho vấn đề lao động của con người. Thực sự, gia đình vừa là một cộng đồng có thể thành hình và tồn tại nhờ lao động, vừa là trường dạy lao động đầu tiên, cho mỗi người, trong chính ngôi nhà của mình.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005) LE 10

 

Ngừng đầu tư vào con người, để giành mối lợi tài chính ngắn hạn to lớn hơn, là kiểu kinh doanh tồi tệ đối với xã hội.

Giáo hoàng Phanxicô, LS 218

147  Đâu là mối liên hệ đúng đắn giữa lao động và tài sản cá nhân?

Karl Marx và Friedrich Engels viết trong Tuyên ngôn Cộng sản năm 1848: mục tiêu của chủ nghĩa Cộng sản có thể được tóm lược vào “sự huỷ bỏ tài sản tư hữu”. Trái lại, Giáo Hội trong giáo huấn xã hội của mình luôn bảo vệ quyền tư hữu tài sản. Đồng thời, dù vậy, Giáo Hội cũng luôn nhấn mạnh rằng Thiên Chúa tạo ra trái đất và sản vật của nó để sinh ích cho tất cả mọi người. Học thuyết xã hội gọi đây là “mục tiêu phổ quát của mọi của cải vật chất”. Từ đây phát sinh nguyên tắc của cải đưa tới những nghĩa vụ xã hội. Điều này có nghĩa là một người không được dùng tài sản của mình một cách ích kỷ, mà phải sử dụng nó để mưu cầu lợi ích cho tất cả. Điều này đặc biệt đúng khi xét tới mối liên hệ giữa tài sản và lao động: các khoản đầu tư nên thúc đẩy tạo ra công ăn việc làm mới, và gia tăng công ích.

Ü 282 è 2402-2406 ð 426-427

Do đó, lời cảm ơn của tôi dành cho những người phụ nữ trở thành lời kêu gọi từ trái tim: xin mọi người, đặc biệt các quốc gia và các cơ quan quốc tế, hãy nỗ lực hết sức để đảm bảo cho phụ nữ giành lại được sự tôn trọng trọn vẹn xứng với phẩm giá và vai trò của họ.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), Thư ngỏ dành cho Nữ giới (1995)

 

148  Có hay không quyền được có việc làm?

Đối với phần lớn người ta, công việc là quan trọng nhất, và thường là nguồn thu nhập duy nhất. Nhưng không chỉ thế: lao động là chiều hướng thiết yếu để con người tự thể hiện bản thân và tham gia vào xã hội. Ngược lại, thất nghiệp còn có nghĩa nhiều hơn là chỉ mất nguồn thu nhập vật chất. Thất nghiệp thường có nghĩa là cô đơn, nghi ngờ bản thân, bị xã hội loại trừ, và bệnh tật. Do đó, học thuyết xã hội của Giáo Hội nói về một quyền luân lý được có việc làm. Tất cả các nguồn lực xã hội: doanh nghiệp, công đoàn, và chính trị, đều có nghĩa vụ phải phát huy quyền có việc làm, và theo đuổi mục tiêu là có đầy đủ việc làm cho dân chúng.

Ü 155-156 è 2433-2434 ð 444

Đừng bao giờ quá bận rộn kiếm sống đến nỗi quên cả sống.

Khuyết danh

 

 

Một trong những quà tặng giàu ý nghĩa nhất mà bạn có thể trao cho một người là thời gian và sự quan tâm của bạn.

Khuyết danh

 

149  Đâu là mối liên hệ giữa lao động và đời sống gia đình?

Thường thường trông có vẻ như thể thế giới công việc và đời sống gia đình phát sinh những đòi hỏi mâu thuẫn và không thể dung hoà với nhau. Tuy vậy, lao động góp phần tạo ra cơ sở vật chất và luân lý cho đời sống gia đình. Tiền lương đảm bảo cho gia đình sinh sống, và cha mẹ có việc làm là một mẫu gương quan trọng cho những đứa con đang tuổi lớn. Tuy nhiên, đối với nhiều người, sắp đặt sao cho cân bằng giữa nghề nghiệp và gia đình chẳng phải là chuyện dễ dàng. Điều này càng đúng đối với trường hợp cả cha lẫn mẹ đều muốn hay phải theo đuổi một nghề nghiệp. Vì thế, các chủ doanh nghiệp, công đoàn, và các chính sách của chính phủ phải cố gắng hợp sức để triển khai những mô hình việc làm mới mẻ, uyển chuyển, có thể kết hợp nghề nghiệp và gia đình cách thực tiễn hơn.

Ü 294

Mỗi người mẹ thực sự đều là bà mẹ luôn tay làm việc!

Châm ngôn

 

Công việc của người Mẹ, trên thực tế, chắc chắn là công việc quan trọng nhất trên thế giới. Nhờ công lao của người mẹ mà những công việc khác mới tồn tại.

C. S. Lewis

 

Người đàn ông làm việc từ sáng sớm đến chiều tà, còn công việc của người phụ nữ là bất tận.

Châm ngôn

 

150  Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo nói gì về chủ đề phụ nữ trong thế giới công việc?

Trong những quốc gia phát triển cao ở phương Tây, đã có nhiều tiến bộ trong việc giải phóng phụ nữ: Giáo Hội hoan nghênh và ủng hộ điều này. Người phụ nữ phải có quyền tham gia vào tất cả mọi lĩnh vực của xã hội ngang hàng với nam giới. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để thực hiện việc này là phải xem xét đến hoàn cảnh cụ thể của người phụ nữ. Luật pháp và toàn xã hội cần bảo vệ đặc biệt các người mẹ và người mang thai. Điều này càng đúng hơn khi bàn tới thế giới công việc. Nhiều nơi trong thế giới công việc chưa nhận thức và quan tâm đến vấn đề trên. Phụ nữ ở nhiều nước vẫn phải chịu sự kỳ thị, hạ thấp phẩm giá và bị ngược đãi. Nhà nước, xã hội, và Giáo Hội phải quyết liệt chống lại sự bất công này.

Ü 295 è 2433

Chúng ta không thừa hưởng trái đất này từ cha mẹ ta để muốn làm gì tuỳ thích. Chúng ta mượn hành tinh này từ con cháu chúng ta, nên chúng ta phải cẩn thận sử dụng nó vì lợi ích của chúng, cũng như của chính mình.

Moses Henry Cass (sinh 1927), chính trị gia người Úc

 

 

151  Giáo huấn xã hội của Giáo Hội nói gì về vấn đề lao động trẻ em?

Trong giai đoạn đầu của tiến trình công nghiệp hoá, việc khai thác nguồn lao động trẻ em là một trong những vụ tai tiếng tệ hại của châu Mỹ và châu Âu. Ngay cả hôm nay, lao động trẻ em vẫn còn phổ biến tại các quốc gia mới nổi và các nước đang phát triển. Thường thường cảnh túng thiếu ngặt nghèo về kinh tế đẩy các gia đình phải cho con em đi làm để có lương. Do đó, mục tiêu là chúng ta cần tạo ra những điều kiện xã hội trên khắp thế giới có thể mang đến cho tất cả mọi gia đình phương tiện kiếm sống an toàn để họ không phải buộc trẻ em đóng góp vào thu nhập gia đình. Chúng ta không thể dung thứ nạn lao động trẻ em trong bất kỳ tình huống nào, nếu công việc đó làm hại đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của đứa trẻ. Việc bóc lột sức lao động và bắt trẻ em làm nô lệ là một điều bất công làm rúng động cả Trời cao.

Ü 296

Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.

Mt 18,6

Không được học hành, trẻ em làm việc ở nhà máy không chỉ mất phương tiện kiếm sống về kinh tế cho tương lai của chúng. Nhưng chính nhân tính của những nô lệ trẻ tuổi này, bị bỏ mặc trong ngành công nghiệp thô sơ, cũng sẽ bị lệch lạc. Từ đó, chúng không bao giờ có thể tự nâng mình lên đến được tầng mức tươi sáng để tự do phát triển về trí thức.

Franz Joseph Von Buss (1803-1878). Năm 1837, mười một năm trước khi quyển Das Kapital của Karl Marx xuất hiện, von Buss đã lên tiếng về vấn đề nhà máy. 

 

Dân di cư thường không vi phạm pháp luật nhiều như là luật pháp áp chế dân di cư.

Hernando de Soto (sinh 1941), nhà kinh tế người Peru

152  Làm sao chúng ta có thể giải quyết thoả đáng hiện tượng lao động di cư?

Trong thế giới hiện đại, có sự chênh lệch rất lớn giữa các nước, các miền giàu có và các nơi nghèo khổ. Do đó, ngày nay nhiều người rời quê quán để tìm việc làm và đồng lương trong những khu dân cư đông đúc hay bỏ ra tận nước ngoài. Họ được gọi là dân lao động di cư. Nếu một nước quyết định chào đón dân lao động nhập cư vào xứ mình, thì những người này không thể bị đối xử như dân lao động hạng hai. Dân bản xứ không được bóc lột họ trong bất kỳ trường hợp nào. Khi làm việc, họ phải có cùng quyền lợi, hưởng cùng mức lương như dân địa phương. Hơn nữa, họ cần được tôn trọng như những con người chứ không chỉ như kẻ làm công xứ người. Đặc biệt, người ta nên xem xét quyền đoàn tụ gia đình của công nhân nhập cư. Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội buộc phải cố gắng giúp họ hội nhập toàn diện vào cộng đồng xã hội.

Ü 297 tt è 2241

 

Ngoài việc bảo tồn động vật và thực vật, chính con người mới cần phải được bảo vệ hơn cả.

Hans Ehard (1887-1980), cựu Thủ hiến bang Bavaria, Đức

 

Công việc đồng áng chất chứa những khốn khó lớn lao, như việc phải vận dụng sức lực thể xác lâu giờ đôi khi đến kiệt sức, mà lại gánh thêm thái độ xem thường của một phần xã hội, tới mức người nông dân cảm thấy mình như kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Do đó xảy ra hiện tượng có cả khối lớn người di cư từ miền quê đến các thành phố tăng nhanh, và thê thảm hơn, người nông dân thậm chí còn lâm vào các điều kiện sống mất đi phẩm cách của con người.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005)

153  Giáo huấn xã hội phản ứng ra sao trước những biến động trong ngành nông nghiệp toàn cầu?

Hơn những ngành kinh tế khác, nông nghiệp để lại dấu ấn đáng kể trong cảnh quan và văn hoá của một xã hội. Do đó, việc bảo tồn ngành nông trại bền vững là điều quan trọng, ngay cả đối với những quốc gia công nghiệp phát triển cao. Tại hầu hết các nước trên thế giới, ngành trồng trọt luôn là phần quan trọng nhất của nền kinh tế. Hơn nữa, phần lớn người dân đều làm việc trong ngành đó. Điều này đặc biệt đúng đối với các nước và các vùng nghèo trên thế giới. Nhưng, vấn đề chủ yếu thường là đất trồng trọt lại rơi vào tay một ít chủ đất lớn. Nơi nào có kiểu sở hữu đất đai như vậy đều đưa tới sự bóc lột nông dân, gây thiệt hại cho công ích, và cản đường phát triển đúng đắn của nền kinh tế quốc gia, thì giáo huấn xã hội của Giáo Hội đòi hỏi phải tiến hành cải cách ruộng đất và phân bổ lại đất đai. Tuy nhiên, những bước cải cách như thế cần phải được thực hiện một cách trật tự và hợp pháp. Không được giải quyết bất công cũ bằng việc tạo nên bất công mới.

Ü 299 tt

Tôi sẽ lắng nghe đồng đều cả nguyên cáo lẫn bị cáo.

Lời thề của một thẩm phán thành cổ Athens (Hy Lạp)

 

Chúng ta nên để lại một hành tinh mà con cháu sau này còn có thể sống nổi. Nói cho cùng, trái đất đâu chỉ có đường ray xe lửa và đường sá, mà còn có đất trồng… Cần phải biết cân bằng giữa nhu cầu của người nông dân và của kẻ làm đường. Phải có công bằng cho những người sử dụng đất đai.

Hồng y Peter Turkson (sinh 1948), Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, cuộc Phỏng vấn ngày 24 tháng 1, 2013

 

Bóc lột Tiền lương

Sự cố ý ấn định số tiền lương thấp hơn mức theo thông lệ và hợp lý. Điều này có thể gây hại cho sinh kế của công nhân.

 

154  Tại sao cần phải có những điều luật đặc biệt về lao động và việc làm?

Trong nền kinh tế thị trường, chỉ khi cả hai bên đối tác biết cùng một thông tin, và cùng sở hữu năng lực kinh tế ngang nhau, thì mới có một thế cân bằng thật sự giữa hai phía đối tác của bản hợp đồng (và do đó có đủ tư cách để cùng đàm phán những điều khoản trong hợp đồng). Trong một bản hợp đồng lao động, thường không được như thế. Theo thói thường, chủ doanh nghiệp là phía có nhiều thông tin hơn, và tiềm lực kinh tế trội hơn. Đó là lý do vì sao lợi ích hợp pháp của người làm công phải được bảo vệ bằng những khoản luật đặc biệt, mà chúng ta gọi chung là luật lao động. Những luật này bao gồm, ví dụ, việc bảo vệ khỏi nạn bóc lột tiền lương, luật được nghỉ ngày Chủ Nhật và nghỉ phép, được hưởng trợ cấp trong trường hợp thất nghiệp hay đau ốm; được hưởng sự bảo vệ dành cho người làm mẹ, như đã nói ở trên.

Ü 301 è 2430, 2433

 

 

Chỉ người yếu thế mới lưu tâm đến công lý và bình đẳng. Kẻ mạnh chẳng hề chú ý tới chúng.

Aristotle (384-322 TCN)

 

Anh em không được bịt mõm con bò đang đạp lúa.

Đnl 25,4

 

Tôi không trả lương cao vì tôi có nhiều tiền; đúng ra, tôi thu được nhiều tiền nhờ tôi trả lương cao.

Robert Bosch (1861-1942), nhà công nghiệp và nhà phát minh người Đức, một chủ doanh nghiệp mẫu mực

 

155  Khi nào khoản tiền lương mới đáng gọi là hợp lý?

Ngay từ đầu, giáo huấn xã hội của Giáo Hội đã yêu cầu lương công nhân phải đủ để đảm bảo cuộc sống cho bản thân người đó và gia đình họ. Ngày nay, yêu cầu đó được diễn đạt hơi khác đi một chút: khoản tiền lương phải đủ để người làm công có thể tham gia trọn vẹn vào đời sống xã hội. Tuy nhiên, xác định chính xác khoản lương hợp lý là điều khó. Người ta phải tính đến nhiệm vụ và năng suất của mỗi người làm công cũng như của người chủ thuê họ nữa. Ngoài ra, bối cảnh kinh tế và xã hội cũng cần được xem xét. Lương quá cao có thể gây nguy hại cho hiệu suất kinh tế chung, và như thế là gây thiệt hại cho công ích. Trong bất kỳ trường hợp nào, cần phải có những thủ tục đúng đắn để định mức lương. Trong vấn đề này, các công đoàn đóng vai trò quan trọng. Với vai trò bổ trợ (nghĩa là vai trò thứ yếu), Nhà nước có thể ấn định tiền lương tối thiểu. Hệ thống tiền lương như một tổng thể cũng phải xác đáng. Để giữ xã hội được an bình, không nên có sự chênh lệch quá đáng giữa lương của một công nhân bình thường và thu nhập của các giám đốc điều hành cấp cao.

Ü 302 ttè 2434 ð 332

Gây áp lực lên người nghèo túng, cơ cực, để vơ vét tiền bạc, hoặc thu tích lợi lộc từ hoàn cảnh ngặt nghèo của người khác, là hành vi bị tất cả lề luật của Trời và của người lên án. Lừa lọc người khác để tước đoạt khoản lương người ấy xứng đáng được nhận, là một trọng tội mà tiếng kêu báo oán vang vọng đến tận trời.

Giáo hoàng Lêô XIII (1810-1903), RN 20

156  Các công đoàn có tầm quan trọng như thế nào?

Chính là do (thường có) sự mất cân bằng trong cán cân quyền lực giữa chủ và thợ, nên đôi khi công nhân hợp nhất lại để củng cố sức mạnh của họ nơi các công đoàn. Bằng cách này, họ có thể bảo vệ lợi ích chung của mình trong sự liên đới với nhau. Quyền thành lập công đoàn lao động là một nhân quyền. Không ai đáng phải chịu những hậu quả tai hại vì là thành viên của một công đoàn, hay liên quan tới hoạt động hợp pháp của công đoàn.

Ü 305-307

 

Nhà quản lý doanh nghiệp hạng trung ở Mỹ thường vẫn cho rằng công nhân viên luôn là kẻ tử thù tự nhiên của cấp quản lý. Đấy là lối suy nghĩ lỗi thời. Tôi muốn công nhân viên hiểu tường tận mọi cách thức vận hành nội bộ của công ty.

Lee Iacocca (sinh 1924), giám đốc điều hành, ngành sản xuất ô tô

Một cuộc đình công không gây sức ép kinh tế thì không phải là cuộc đình công, mà là một kiểu ăn mày tập thể.

Jürgen Peters, Chủ tịch của IG – Metall, công đoàn lớn nhất nước Đức

Điều gì từng cá nhân không làm nổi, cả tập thể có thể làm được.

Friedrich Wilhelm Raiffeisen (1818-1888), thị trưởng Đức, người phát triển chính sách ruộng đất, người thành lập các hợp tác xã Raiffeisen

 

Việc phản kháng dân sự trở thành một bổn phận thiêng liêng khi chính quyền đã không còn tôn trọng pháp luật, và thối nát.

Mahatma Gandhi (1869-1948)

 

Tuy nhiên, một cuộc đình công, ngay trong những hoàn cảnh hiện nay, có thể vẫn là một phương tiện hỗ trợ cần thiết, mặc dù chỉ dùng đến như phương thế cuối cùng, để bảo vệ những quyền lợi của chính người công nhân và đáp ứng những khát vọng chính đáng của họ.

Công đồng Vaticanô II, GS 68

 

Biểu tình, diễu hành phản đối, đình công, hay phản kháng dân sự, đều có thể được dùng đến, hoàn toàn dựa trên những điều kiện thực tế tại một thời điểm nhất định.

Nelson Mandela (1918-2013), tổng thống đầu tiên của Nam Phi, bài báo tháng 2 năm 1958

157  Người lao động có được phép đình công hay không?

Trong một chừng mực nào đó, chủ và thợ theo đuổi những lợi ích trái ngược nhau, ví dụ, khi thảo luận về mức lương và thời gian làm việc trong tuần. Để giải quyết những vấn đề này một cách thoả đáng cho cả hai phía, cần phải có những cuộc đàm phán giữa hai bên. Vì thế, để đạt được mục đích, người lao động đưa công đoàn làm đại diện cho họ. Đình công là phương thức quan trọng trong đó công đoàn có thể gây áp lực cho chủ doanh nghiệp trong những cuộc đàm phán này. Phương thức này là hợp pháp, nếu được áp dụng cách ôn hoà và chỉ để cải thiện mức lương và điều kiện làm việc. Cuộc đình công không được đi ngược lại công ích. Các cuộc đình công không được gây tổn hại cho các dịch vụ thiết yếu của cộng đồng (ví dụ, cảnh sát, cứu hoả, chăm sóc bệnh nhân).

Ü 307 è 2435

 

 

 

 

Trích dẫn các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

6

LAO ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI

 

Rerum Novarum  Tiền lương và quyền sở hữu

Chúng ta chắc chắn không thể chối bỏ điều này: khi một người làm công ăn lương, lý do và động cơ thúc đẩy người ấy làm việc là nhận được tài sản, và sau đó gìn giữ tài sản đó như của riêng mình. Nếu một người cho người khác thuê sức khoẻ hay kỹ năng của mình, người ấy làm như thế là để nhận được những gì thiết yếu có thể đáp ứng cho các nhu cầu của mình. Như vậy, người ấy nhắm tới việc đạt được một quyền thực sự và đầy đủ, không chỉ đối với tiền công, mà còn đối với việc tuỳ ý sử dụng món tiền công này. Do đó, nếu họ sống thanh đạm, tiết kiệm tiền, và, để đảm bảo an toàn hơn, đầu tư tiền tiết kiệm của mình vào đất đai, thì đất đai trong trường hợp này, cũng chỉ là tiền lương của người ấy dưới dạng thức khác. Như thế, một bất động sản nhỏ do một người lao động mua theo cách trên phải được người ấy toàn quyền sử dụng, giống như các khoản lương người ấy nhận được do công lao động đã bỏ ra. Vì vậy quyền tuỳ nghi sử dụng nói trên là điểm căn bản làm nên quyền sở hữu, dù tài sản sở hữu là đất đai hay đồ đạc cá nhân. Vì vậy, khi những đảng viên chủ nghĩa xã hội chuyển những tài sản cá nhân sang cho tập thể, là đã tấn công vào lợi ích của mỗi người làm công ăn lương, vì họ cướp đoạt của người ấy quyền tự do sử dụng tiền lương của mình, và theo đó, tước đoạt luôn mọi hy vọng và mọi khả năng gia tăng các nguồn lực, cũng như những dự tính cải thiện đời sống cho tốt đẹp hơn. Điều quan trọng hơn cả, là biện pháp họ đưa ra rõ ràng trái ngược với đức công bằng. Mỗi con người hiển nhiên có quyền sở hữu tài sản riêng của mình.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 4

 

Rerum Novarum   Có phải không có ích lợi chung nào giữa giới giàu có và giới công nhân?

Điều lầm lẫn tai hại liên quan đến vấn đề đang được bàn luận là quan niệm cho rằng giai cấp này tự bản chất thù nghịch với giai cấp khác, cũng như giới giàu có và giới công nhân đương nhiên mâu thuẫn với nhau ngay trong bản chất nội tại của đời sống. Quan điểm trên là bất hợp lý và sai lầm đến độ hoàn toàn trái ngược với chân lý. Cũng như sự hài hoà của cơ thể con người là kết quả của việc sắp xếp hợp lý các bộ phận khác nhau, thì trong một quốc gia, hẳn nhiên hai tầng lớp đó phải đồng thuận và hoà hợp để có thể duy trì tính cân bằng trong một thể chế chính trị. Bên này cần đến bên kia, và ngược lại.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 15

 

Rerum Novarum  Công nhân không phải là nô lệ

Những bổn phận sau đây ràng buộc các chủ nhân giàu có và chủ sử dụng lao động: không được xem người làm công như con người bị trói buộc, mà phải tôn trọng phẩm giá của mỗi người như một con người đã trở nên cao quý nhờ tính cách thuộc về Đức Kitô. Họ cần nhớ rằng theo lẽ tự nhiên và theo triết lý Kitô giáo, làm việc nhận lương là đáng trọng, chứ không phải là đáng hổ thẹn, vì làm việc giúp mỗi người kiếm sống một cách liêm chính. Thế nhưng lợi dụng con người như thể sử dụng một phương tiện để theo đuổi lợi nhuận, hoặc đánh giá họ chỉ dựa trên sức mạnh thể lý, đấy mới thực sự là nhục nhã và bất nhân. Công lý đòi buộc rằng, trong việc đối xử với người làm công, người chủ phải lưu tâm đến lợi ích linh hồn, và đến tôn giáo của người làm công. Do đó, chủ lao động phải sắp xếp thế nào để công nhân có thời gian thi hành những bổn phận tôn giáo; đồng thời cũng chú ý giữ công nhân khỏi sa đà vào những ảnh hưởng suy đồi và rơi vào những dịp nguy hiểm. Ngoài ra, chủ lao động còn phải để mắt xem chừng công nhân có bị lôi cuốn để phung phí tiền công hay bỏ bê gia đình không. Hơn nữa, người chủ không được đòi hỏi công nhân làm quá sức lực của họ, hay đưa họ vào làm các công việc không phù hợp với giới tính và tuổi tác.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 16

 

Rerum Novarum  Nạn nhân của bất công kêu thấu tới Trời

Các chủ nhân giàu có và tất cả các chủ sử dụng lao động nên để tâm đến chuyện này: gây áp lực lên những ai bần cùng, cơ cực, để đạt mục tiêu riêng, và thu lợi từ cái thế ngặt nghèo của người khác, là hành động bị cả luật đời lẫn đạo Trời lên án. Lừa gạt, bất kỳ khoản tiền lương nào mà một người theo lẽ công bằng phải nhận được, là một tội ác tàn nhẫn mà tiếng kêu báo oán thấu tới Trời.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 17

 

Rerum Novarum  Đức Giêsu – Người thợ

Đối với những ai không có nhiều của cải, họ được Giáo Hội khuyên rằng trong cái nhìn của Thiên Chúa, nghèo khổ không phải là mối nhục, và không có gì phải hổ thẹn khi lao động kiếm miếng ăn. Điều này được củng cố nơi chính Đức Kitô, Đấng “giàu có vô song, đã trở nên nghèo khó vì chúng ta”; và dù Ngài là Con Thiên Chúa, và chính Ngài cũng là Thiên Chúa, đã chọn trở thành con của bác thợ mộc trước mắt người đời – còn hơn thế nữa, đã chẳng ngại trải qua phần lớn đời sống như người thợ mộc.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 20

 

Mater et Magistra  Lao động và con người

Công sức lao động… không được xem như chỉ là một thứ mặt hàng để đổi chác, mà phải được xem như một hoạt động đặc trưng của con người. Trong phần lớn trường hợp, công việc của một người là phương tiện sinh sống duy nhất của người đó. Do đó, tiền thù lao không thể được chi trả dựa vào tình hình thị trường. Tiền thù lao phải được quy định theo luật pháp của công lý và theo lẽ công bằng.

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (1961), 18

 

Gaudium et Spes  Lao động và sự phát triển con người

Tiền thù lao phải được chi trả sao cho người lao động có đủ phương tiện để xây dựng cách xứng hợp đời sống vật chất, xã hội, văn hoá và tinh thần của chính mình cũng như của những người sống phụ thuộc vào mình. Tiền thù lao đó được chi trả căn cứ vào: chức năng công việc, hiệu suất làm việc của mỗi người, điều kiện của nhà máy, xưởng thợ; và công ích.

Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (1965), 67

 

Laborem Exercens  Lao động – một hoạt động cơ bản của con người

Giáo Hội xác tín rằng lao động là một chiều kích cơ bản của con người đang hiện diện trên thế gian này. Niềm tin đó của Giáo Hội càng được khẳng định khi xét đến di sản của nhiều ngành khoa học dành cho con người: nhân chủng học, cổ sinh vật học, sử học, xã hội học, tâm lý học, v.v.. Tất cả các ngành khoa học trên dường như làm chứng cho hiện thực đó một cách hết sức chắc chắn. Thế nhưng nguồn gốc niềm xác tín ấy của Giáo Hội, trên hết, là lời Thiên Chúa được mạc khải, và như thế, niềm xác tín của Giáo Hội vừa là niềm xác tín từ trí tuệ cũng vừa là niềm xác tín của đức tin. Lý do là Giáo Hội – cũng đáng nói về điều này ở đây – tin vào con người: Giáo Hội nghĩ đến con người và toàn tâm toàn ý cho con người không chỉ trong ánh sáng của kinh nghiệm lịch sử, không chỉ với sự hỗ trợ của nhiều phương pháp từ kiến thức khoa học, nhưng trước hết là trong ánh sáng của lời được Thiên Chúa hằng sống mạc khải.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (1981), 4

 

Laborem Exercens  Con người là chủ thể của lao động

Con người phải chinh phục trái đất và bắt nó phục tùng, bởi vì với tư cách là hình ảnh của Thiên Chúa, con người là người, nghĩa là một chủ thể có khả năng hành động theo kế hoạch định sẵn và dựa trên lý trí, có khả năng quyết định về chính mình, và hướng tới sự thành tựu của bản thân.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (1981), 6

 

Laborem Exercens  Lao động là vì con người

Dù quan niệm rằng con người được tiền định để lao động và được kêu gọi lao động có đúng thế nào đi nữa, thì trước hết lao động phải là “vì con người”, chứ không phải con người sinh ra cốt “để lao động”… Mỗi loại lao động được đánh giá trên hết căn cứ vào tiêu chí phẩm giá của chủ thể lao động, nghĩa là con người, cá nhân thực hiện công việc… Phân tích đến cùng, con người luôn là mục đích của lao động, cho dù người đó làm việc gì đi nữa – dù thang giá trị phổ thông đánh giá nó chỉ như là “dịch vụ” tầm thường nhất, như công việc đơn điệu nhất, ngay cả như việc lao động làm tha hoá con người nhất.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (1981), 6

 

Laborem Exercens  Lao động và nghề nghiệp

Lao động tạo nên nền tảng để hình thành đời sống gia đình, mà đời sống gia đình là quyền tự nhiên và cũng là điều mà con người được kêu gọi hướng tới. Hai mặt giá trị này – một mặt liên kết với công việc, và mặt còn lại là hệ quả từ bản chất gia đình của đời sống con người – phải được nối kết và thấm nhập vào nhau một cách hợp lý. Theo một cách nào đó, công việc là điều kiện để lập gia đình, vì gia đình cần phương tiện nuôi sống mà con người thường có được nhờ làm việc. Lao động và sự chăm chỉ siêng năng cũng ảnh hưởng tới quá trình giáo dục trong gia đình, vì mỗi người “trở thành người” thông qua, trong số những điều khác nữa, lao động, và việc trở thành người là mục đích chính của toàn thể quá trình giáo dục.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (1981), 10

 

Laborem Exercens  Lương bổng hợp lý là tiêu chí của công bằng

Trong mỗi hệ thống, bất kể mối liên hệ chủ yếu trong hệ thống đó giữa vốn và lao động như thế nào, thì lương, hay tiền trả công lao động, vẫn là phương tiện thiết thực để đa số mọi người có thể tiếp cận với những mặt hàng thông dụng: cả những sản vật từ thiên nhiên lẫn hàng hoá được sản xuất. Cả hai loại hàng hoá trên có thể trong tầm với của người làm công nhờ khoản lương mà người ấy nhận được như là tiền thù lao cho công việc mình làm. Do đó, trong mọi trường hợp, khoản tiền lương hợp lý là phương tiện cụ thể để xác định tính công bằng của toàn bộ hệ thống kinh tế-xã hội, và trong bất kỳ trường hợp nào, cũng là phương tiện kiểm tra xem hệ thống đó có đang vận hành ổn thoả hay không. Đó không chỉ là phương tiện kiểm soát, đặc biệt còn là phương tiện quan trọng hay nói đúng hơn là phương tiện chủ chốt.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (1981), 19

 

Centesimus Annus  Lời khen tặng dành cho công đoàn

Cuối cùng, giờ giấc làm việc “phù hợp với con người” và thời gian nghỉ ngơi hợp lý cần phải được đảm bảo, cũng như đám bảo quyền được sống đúng với nhân cách của mình tại nơi làm việc mà không bị xâm hại, đối với lương tâm hay phẩm giá con người. Ở đây, tôi muốn đề cập một lần nữa vai trò của công đoàn, không chỉ trong việc đàm phán các hợp đồng, mà còn như những “nơi chốn” để người lao động có thể biểu lộ chính mình. Công đoàn phục vụ cho sự phát triển của một nền văn hoá lao động đích thực, và giúp người lao động chia sẻ đời sống nghề nghiệp với nhau bằng một cách thức đầy tính nhân văn.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 15

 

Centesimus Annus  Nạn thất nghiệp và việc loại trừ khỏi xã hội

Ngày nay, mọi thứ bị chi phối bởi luật cạnh tranh và luật sinh tồn dành ưu tiên cho kẻ mạnh nhất, ở đó những kẻ có thế lực giành phần của những người yếu thế. Hậu quả là một khối đông dân chúng thấy họ bị loại trừ và bị đẩy ra ngoài lề xã hội: không việc làm, không triển vọng, không lối thoát nào. Con người bị xem như món hàng để cho người tiêu thụ sử dụng và sau đó vứt đi. Chúng ta đã tạo ra một nền văn hoá “ném bỏ” mà bây giờ đang lan tràn khắp nơi. Đây không còn đơn giản là về vấn đề bóc lột và áp bức, nhưng là một chuyện mới. Sự loại trừ, về cơ bản, liên quan tới ý nghĩa là một phần của xã hội trong đó chúng ta sống; người bị loại trừ không còn chỉ là những kẻ dưới đáy, hay ở bên lề xã hội, hoặc bị tước quyền công dân – họ thậm chí chẳng còn là một bộ phận của xã hội nữa. Người bị loại trừ không còn là “kẻ bị khai thác, bóc lột”, mà là kẻ bị vất bỏ, là “thứ người thừa”.

Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 53