11/01/2025

Áp lực rác thải đè nặng TP.HCM

Câu chuyện rác thải trở nên bức xúc đến mức mới đây HĐND TP.HCM đã phải tổ chức một kỳ họp bất thường và ra hẳn một nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này.

 

Áp lực rác thải đè nặng TP.HCM

Câu chuyện rác thải trở nên bức xúc đến mức mới đây HĐND TP.HCM đã phải tổ chức một kỳ họp bất thường và ra hẳn một nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này.

 

 

Áp lực rác thải đè nặng TP.HCM
Bãi rác Đa Phước sẽ phải mở cửa để người dân được vào tham quan, giám sát – Ảnh: N.TRIỀU

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, đầu năm 2013 lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày trên toàn địa bàn TP khoảng 6.500 tấn. Sau chưa đầy 5 năm, lượng rác thải sinh hoạt của TP hiện nay đã hơn 8.300 tấn/ngày (tăng hơn 27%) và dự báo đến năm 2025 sẽ “cán mốc” 13.000 tấn/ngày.

Tốn tiền, tốn đất

Ông Nguyễn Toàn Thắng – giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường – cho hay đến nay TP đã từng bước kiểm soát tốt việc xử lý rác thải y tế, rác thải công nghiệp và chất thải nguy hại nhưng việc xử lý rác thải sinh hoạt vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Sau khi đóng cửa các bãi rác Đông Thạnh (năm 2000) và Gò Cát (năm 2007), toàn bộ rác thải sinh hoạt được đưa về chôn lấp ở hai khu xử lý tập trung tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi và xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.

Năm 2006, khi ký hợp đồng xử lý rác với Sở Tài nguyên và môi trường, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS, chủ đầu tư dự án khu xử lý rác Đa Phước) cam kết sẽ xây dựng nhà máy tái chế chất thải công suất 500 tấn/ngày và làm phân compost công suất 1.000 tấn/ngày.

Tuy nhiên, chủ đầu tư thực hiện không đúng hợp đồng đã ký nên đến hết năm 2009 toàn bộ rác thải sinh hoạt của TP vẫn chỉ được xử lý bằng cách “truyền thống” là chôn lấp.

Năm 2010, khi các nhà máy xử lý rác của các công ty Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa đi vào hoạt động thì một phần rác thải mới được phân loại để tái chế với tổng công suất khoảng 2.500 tấn/ngày.

Đến nay, mặc dù VWS cho biết đã xây dựng xong nhà máy tái chế rác thải và sản xuất phân compost nhưng với lý do rác thải mà TP giao chưa được phân loại tại nguồn nên các hạng mục này vẫn chưa thể vận hành.

Theo PGS.TS Lê Văn Khoa – Đại học Bách khoa TP.HCM, ngoài các thành phần không thể tái chế như sành sứ, thuỷ tinh có màu, gỗ… thì phần lớn rác thải đều có thể tái chế và sản xuất phân hữu cơ.

“Rác thải không phải là thứ bỏ đi mà thật sự là một nguồn tài nguyên, việc chôn lấp như TP đã làm lâu nay vừa tốn kém chi phí, tốn đất đai vừa lãng phí một nguồn thu rất lớn” – ông Khoa nói.

Khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết dự báo lượng rác thải sinh hoạt sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới, do đó việc HĐND TP đặt ra yêu cầu giảm lượng rác sinh hoạt chôn lấp là điều tất yếu, phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững và chủ trương định hướng của TP. Hiện TP đang khẩn trương tính toán, xây dựng phương án để đạt được kết quả tương ứng theo lộ trình.

Theo ông Thắng, TP đã làm việc với các chủ đầu tư đề nghị cải tạo, nâng cấp thiết bị máy móc của các nhà máy xử lý chất thải hiện hữu để tăng tỉ lệ tái chế chất thải.

Theo đó, các đơn vị xử lý chất thải đang hoạt động sẽ điều chỉnh, bổ sung dây chuyền công nghệ tiên tiến như đốt phát điện, khí hoá lỏng để giảm tỉ lệ chôn lấp.

Dự kiến Công ty Vietstar sẽ đốt 500 – 1.000 tấn, Công ty Tâm Sinh Nghĩa đốt 1.000 tấn và VWS khí hoá lỏng CNG 2.000 tấn rác.

Riêng bãi rác Đa Phước, TP cũng đã yêu cầu chủ đầu tư chuyển đổi công nghệ để đốt khoảng 2.000 tấn/ngày, trong tổng số hơn 5.300 tấn mà công ty đang nhận mỗi ngày.

Ngoài ra, theo ông Thắng, sau khi bãi chôn lấp số 3 của bãi rác Phước Hiệp bị sự cố buộc phải đóng cửa để khắc phục, sắp tới dự án này sẽ được tiếp tục đầu tư bằng công nghệ mới, không còn chôn lấp như trước.

Ông Lê Văn Khoa – phó chủ tịch UBND TP – cho biết trước đây do điều kiện kinh tế nên TP phải chấp nhận giải pháp chôn lấp hợp vệ sinh, nhưng hiện nay yêu cầu về bảo vệ môi trường, đất đai đòi hỏi phải chuyển đổi công nghệ mới phù hợp.

Theo ông Khoa, TP khuyến khích và cam kết tạo điều kiện để đầu tư các dự án với công nghệ hiện đại có tỉ lệ tái chế, thu hồi năng lượng cao và thân thiện với môi trường (khí hoá, đốt phát điện…) tham gia xử lý chất thải cho TP.

Bãi rác Đa Phước phải mở cửa để nhân dân giám sát

Tại kỳ họp bất thường của HĐND TP ngày 11-6, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho biết Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân vừa chỉ đạo UBND TP giao Sở Tài nguyên và môi trường trong tháng 7 phải làm việc với các chủ đầu tư để tổ chức mặt trận, người dân được vào tham quan, thực hiện quyền giám sát nhân dân đối với các dự án xử lý rác, trong đó có khu xử lý rác Đa Phước.

Cũng tại kỳ họp, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết việc Tổng cục Môi trường xử phạt chủ đầu tư bãi rác Đa Phước hơn 1,5 tỉ đồng vừa ký mới đây là xử phạt vi phạm do đoàn kiểm tra phát hiện từ tháng 3-2016.

“Sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường cho thời gian để chủ đầu tư giải trình và sau khi thống nhất thì mới ra quyết định xử phạt, chứ không phải là vi phạm mới. Một số vi phạm đã được chủ đầu tư khắc phục và sẽ có báo cáo với Tổng cục Môi trường theo quy định” – ông Thắng giải thích.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngày 7-6, gần 50 hộ dân sống tại các khu dân cư, chung cư ở khu vực Phú Mỹ Hưng (Q.7) đã gửi đơn đến Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân phản ảnh về mùi hôi từ bãi rác Đa Phước.

Theo người dân, tháng 6 và tháng 11 hằng năm mùi hôi từ bãi rác Đa Phước đều lan rộng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực Phú Mỹ Hưng.

Bà T.H.Trang, một cư dân, cho hay qua thông tin trên báo chí được biết ngày 26-5-2017, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân có chuyến thị sát tại bãi rác Đa Phước nên bà và các hộ dân đã gửi đơn kiến nghị với mong muốn được gặp gỡ bí thư để trình bày về sự ảnh hưởng và khắc phục mùi hôi từ bãi rác Đa Phước.

Các cư dân gửi kèm đơn một “nhật ký mùi hôi”. “Nhật ký có hơn 2.000 ghi nhận về mùi hôi của rất nhiều cư dân Nam Sài Gòn từ tháng 8-2016 tới ngày 28-5-2017” – bà Trang nói.

Theo bà Trang, nhiều cư dân mong muốn được người đứng đầu TP cho biết giải pháp cụ thể của UBND TP và VWS để giải quyết triệt để mùi hôi thối từ bãi rác Đa Phước.

Trong đơn bà Trang cũng như các cư dân nêu ra khá nhiều vấn đề cần được giải đáp như: Hiệu quả của việc trồng cây để giảm mùi hôi? Việc trích ngân sách 1.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả do VWS gây ra được triển khai như thế nào?

Năng lực xử lý rác của bãi rác Đa Phước không đủ bảo đảm so với thực tế, sao UBND TP còn tiếp tục giao cho VWS đầu tư vào dự án bãi rác ở Long An?

N.TRIỀU – Q.THANH – ÁI NHÂN