Khám phá mới về nguồn gốc loài người
Các hài cốt hoá thạch cổ nhất của người thông minh vừa được phát hiện tại Ma Rốc đã làm lung lay giả thuyết về vị trí thật sự của Vườn địa đàng, tức cái nôi của nhân loại.
Khám phá mới về nguồn gốc loài người
Các hài cốt hoá thạch cổ nhất của người thông minh vừa được phát hiện tại Ma Rốc đã làm lung lay giả thuyết về vị trí thật sự của Vườn địa đàng, tức cái nôi của nhân loại.
Những hóa thạch được phát hiện tại một khu mỏ cũ ở vùng núi hoang vu của Ma Rốc đã làm rung chuyển một trong các nền tảng lâu đời nhất về lịch sử loài người: Loài người thông minh (tên khoa học Homo sapiens) đã trỗi dậy từ cái nôi ở Đông Phi cách đây khoảng 200.000 năm.
Sau nhiều năm tỉ mỉ khai quật, các nhà khảo cổ học đã tìm được xương cốt của ít nhất 5 cá thể ở Jebel Irhoud, một mỏ barit cũ cách cố đô Marrakesh 100 km về hướng tây. Dù ban đầu đã biết các hài cốt này hết sức cổ xưa, nhưng các chuyên gia hoàn toàn sửng sốt khi kết quả phân tích đồng vị cho thấy một mẩu răng và các công cụ đồ đá được tìm thấy cùng với mẩu xương có niên đại khoảng 300.000 năm tuổi, theo báo cáo trên chuyên san Nature.
TIN LIÊN QUAN
Phát hiện thuỷ tổ mới của loài người
Nhân loại đã tiến hoá từ một dạng sinh vật biển có bề ngoài giống cái bọc, với khuôn miệng lớn, không có hậu môn và di chuyển bằng cách uốn éo, theo chuyên san Nature dẫn lời các nhà khoa học Anh và Trung Quốc.
Jean-Jacques Hublin, nhà khoa học kỳ cựu thuộc Viện Max Planck về tiến hóa nhân loại ở Leipzig (Đức), cho biết đây là các mẫu vật cổ nhất từ trước đến nay về loài người hiện đại và thách thức ý tưởng cho rằng những con người đầu tiên ra đời từ Ethiopia khoảng 100.000 năm sau đó.
“Phát hiện mới đã mang đến một bức tranh vô cùng khác biệt về sự tiến hóa của loài người chúng ta. Nó không những đẩy lùi thời gian khai sinh con người xa đáng kể, mà còn cho thấy một quy trình tiến hoá hoàn toàn khác biệt với điều mà chúng ta vẫn tưởng”, theo tờ Guardian dẫn lời chuyên gia Hublin.
“Có vẻ như loài người đã hiện diện hầu như trên khắp chốn của châu Phi cách đây 300.000 năm. Nếu thật sự có Vườn địa đàng, ắt hẳn nó phải là cả châu lục”, ông cho biết.
Bên cạnh hài cốt người có niên đại xa nhất, các hóa thạch, trong đó có xương sọ, càng thêm chứng thực cho sự tồn tại của một mảnh xương được tìm thấy ở Nam Phi, được xác định vào khoảng 260.000 năm trước. Điều này cho thấy người thông minh tiến hoá từ nhiều họ người khác nhau từng tồn tại khắp châu Phi. Phát hiện tại Jebel Irhood cũng cho thấy con người vào thời Đồ đá ngụ tại nơi này là những thợ săn tài giỏi, với chế độ ăn dựa trên thịt thú rừng săn được, như linh dương gazen, ngựa vằn, trâu…
Trong khi đó, Giáo sư Rainer Grun của Đại học Griffith (Úc), người hỗ trợ công tác xác định tuổi mẫu vật, nhắc nhở rằng sự hiểu biết về quá trình tiến hoá của loài người đã thay đổi nhanh chóng như thế nào trong vòng vài thập niên qua.
TIN LIÊN QUAN
Hoá lùn vì trái đất tăng nhiệt
Giới chuyên gia đang quan ngại tình trạng thu nhỏ kích thước cơ thể ở động vật có vú để thích nghi với khí hậu nóng lên có thể lặp lại nếu môi trường không được cải thiện.
“Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử tiến hoá của loài người, đến giữa những năm 1980, giới khoa học vẫn cho rằng loài người hiện đại phát triển từ châu Phi, và di dân đến châu Âu khoảng 40.000 năm trước.
Đến cuối thập niên 1980, những kết quả đầu tiên về người hiện đại ở khía cạnh giải phẫu học tại Israel cho thấy mẫu vật có niên đại khoảng 100.000 năm”, theo giáo sư Grun. Vài năm sau, các chuyên gia tìm được một số chứng cứ ở Ethiopia, cho rằng con người phải xuất hiện cách đây 200.000 năm, và giờ đây, tổ tiên của người thời nay đã được đẩy xa thêm 100.000 năm nữa.
Theo giới chuyên gia, những phát hiện tại Jebel Irhoud cho thấy cần thay đổi cách thức tư duy về quá trình loài người tiến hoá.
Hạo Nhiên