29/11/2024

Giữ rừng ở Cần Giờ

Để có được những cánh rừng bạt ngàn ở H.Cần Giờ (TP.HCM), không thể không nhắc đến những con người thầm lặng ngày đêm bảo vệ từng gốc đước, cây bần… cho cánh rừng thêm xanh thẳm.

 

Giữ rừng ở Cần Giờ

Để có được những cánh rừng bạt ngàn ở H.Cần Giờ (TP.HCM), không thể không nhắc đến những con người thầm lặng ngày đêm bảo vệ từng gốc đước, cây bần… cho cánh rừng thêm xanh thẳm.




Ông Hai Làm (bìa trái) gắn bó với rừng đước Cần Giờ nhiều năm /// Ảnh: Trác Rin

 

 

Ông Hai Làm (bìa trái) gắn bó với rừng đước Cần Giờ nhiều nămẢNH: TRÁC RIN

 

Dọc hai bên đường Rừng Sác (H.Cần Giờ) là dãy rừng đước bạt ngàn, đây cũng là nơi sinh sống và trú ngụ của nhiều loại sản vật để người dân khai thác, bám rừng, bám sông trong cuộc mưu sinh.
Gian nan nghề giữ rừng
Một buổi chiều cuối tháng 5, chúng tôi được anh Đặng Thành Phát (36 tuổi, quê Long An) đưa ra chiếc ghe và cũng là “căn nhà di động” của gia đình anh, đang neo đậu ở rạch Lôi Giang (xã An Thới Đông, H.Cần Giờ). Đợi con nước lên cao, từ đường Rừng Sác, anh Phát điều khiển xuồng máy “xé rừng”, luồn lách qua hàng trăm gốc đước chằng chịt, cành bần nằm đan xen nhau để ra đến nơi đậu ghe.
Anh Phát sống từ nhỏ trên chiếc ghe, lớn lên tới tuổi cưới vợ rồi sinh con cũng “sống khoẻ” nhờ sản vật từ cánh rừng, con sông mang lại. Vì thế, anh luôn ý thức phải sống hài hòa với cánh rừng và bảo vệ chúng. “Rừng mà mất thì mình cũng chẳng còn nguồn để sống! Người dân ở đây bắt cua, lưới cá, soi nha (ba khía – NV), bắt ốc len bán kiếm tiền trang trải. Củi thì vào rừng tìm những gốc đước, gốc bần bị chết khô đem về nấu. Ai đã sống và gắn bó với nơi đây đều yêu cánh rừng, con sông”, anh Phát trải lòng về sự gắn bó của mình với rừng đước Cần Giờ.
Giữ rừng ở Cần Giờ1

Một góc rừng ngập mặn ở xã An Thới ĐôngẢNH: TRÁC RIN

Trời chập choạng tối, anh Phan Văn Hận (31 tuổi, quê Hậu Giang) cùng chúng tôi chèo xuồng qua chốt giữ rừng của ông Hai Làm (ngụ ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông) để tìm hiểu về cuộc sống của những con người trực tiếp làm nhiệm vụ giữ rừng ngập mặn. Lúc này mưa bắt đầu rơi nên muỗi, bù mắt (một loại côn trùng chuyên hút máu – PV) vây tứ phía, tấn công khắp người. Bước lên bờ, cái chốt giữ rừng nằm lọt thỏm giữa rừng đước hoang vu là một căn nhà cấp 4 đã xuống cấp. Nhiều mảng tường bị nứt và bên trong trống hoác. Dưới nhà, ông Hai Làm đang nấu cơm để chuẩn bị cho bữa tối. Muốn “da thịt lành lặn”, mỗi buổi chiều ông phải đốt củi, hun khói mới hạn chế bị côn trùng tấn công. Đây cũng là cách người dân ở đây áp dụng để tránh côn trùng.
Ông Hai Làm kể: “Tôi gắn bó với rừng hơn 30 năm rồi. Vợ con sống trên bờ, vì công việc nên tối nào tôi cũng ngủ lại đây chứ hiếm khi được về nhà. Cũng buồn nhưng lâu thành quen, ở đây ngoài tiền lương, tôi còn đăng đáy, giăng lưới lúc rảnh để kiếm thêm thu nhập”.
Giữ rừng ở Cần Giờ2

Một chốt giữ rừng trên rạch Lôi Giang

Đang ngồi trò chuyện quanh bình trà nóng, ông Năm Sơn (49 tuổi, chủ hộ giữ rừng) ở cách đó không xa chạy chiếc xuồng máy ghé qua. Ở đây việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Bốn bề là rừng đước chằng chịt, ban đêm nước rút cạn là không thể nào vào đất liền mỗi khi có chuyện gấp mà phải đợi đến rạng sáng, lúc nước dâng cao mới cho xuồng ghe cập được vào bờ. Ông Sơn nói: “Mình và vợ sống luôn ngoài này để giữ rừng. Ngót nghét gắn bó với nghề cũng mấy chục năm. Hộ tôi được giao khoảng 30 ha rừng để canh giữ. Việc rừng bị đối tượng xấu đốn hạ cũng rất ít. Ở đây tôi rành địa bàn, ai lạ vào là mình biết ngay. Tôi sắm được cái ti vi coi cho đỡ buồn, nhưng rảnh thì lấy xuồng đi lòng vòng coi ngó chứ ít khi nào nằm ở nhà”, ông Sơn cười vui vẻ.
Thế nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và tình yêu để gắn bó với nghề giữ rừng. Với đồng lương vài triệu đồng mỗi tháng cũng như cuộc sống trong rừng còn thiếu thốn và bất tiện, nhiều người phải bỏ nghề để đi tìm công việc khác khấm khá hơn. Như anh Đ.T.T (33 tuổi) làm nhân viên giữ rừng được ít năm rồi bỏ việc, qua tỉnh Đồng Nai làm. Hay anh P.T.S (28 tuổi) cũng vậy. Ông Hai Làm trăn trở: “Nghề này không phải ai cũng gắn bó được, nhất là mấy thanh niên trai trẻ lại càng ít”.
Giữ rừng ở Cần Giờ3

Rừng đước ở H.Cần GiờẢNH: NGỌC DƯƠNG

Có rừng, có nguồn sống
Anh Phát kể, sống ở rừng Cần Giờ nếu chịu khó làm lụng thì sẽ không lo thiếu ăn. Như mùa này sắm đôi ủng, đôi găng tay để buổi tối đi soi nha, mỗi đêm kiếm vài trăm ngàn đồng. Đồ ăn hằng ngày thì chèo xuồng ra thả vài mẻ lưới là có nồi cá kho ngon lành. Rồi đăng đáy, khi “trúng mánh” được nhiều mực, cua, cá ngát… kiếm tiền triệu cũng là chuyện thường. “Nói thì nghe dễ vậy chứ luồn lách vào rừng đêm hôm cũng cực lắm. Đặc biệt là những lúc trời mưa gió phải cẩn thận cây ngã trúng, hay gai đâm đổ máu”, anh Phát chia sẻ.
Còn anh Hận, tuy là dân sông nước miền Tây thứ thiệt nhưng khi được người quen dẫn đến Cần Giờ mưu sinh cũng lớ ngớ, không biết nhiều thứ. “Tôi đến đây sống mới được 1 năm. Mỗi ngày đi soi nha cũng trên dưới mười mấy ký, mỗi ký bán được gần 50.000 đồng, tiêu xài hạn chế và tích góp thì có dư. Đi soi, mình bắt thêm ốc, thòi lòi… bán cũng được lắm”, anh Hận nói.
Ông Năm Sơn vừa đi tuần, quán xuyến số rừng được giao, vừa đăng đáy kiếm thêm thu nhập nuôi con cái. “Mình đăng đáy được mực, cua là có thương lái đi xuồng máy đến tận nơi mua luôn chứ không cần vào bờ bán. Nhưng hai vợ chồng cũng thường thay phiên nhau vào bờ mua sắm đồ dùng lặt vặt với thăm con cái, xong quay lại dưới này”, ông Sơn nói.
Chúng tôi ngủ lại một đêm trên ghe. Buổi sáng chừng 5 giờ là cuộc sống giữa rừng nước lại hối hả. Xuồng máy lạch bạch rẽ sóng chạy từ khắp các ngõ ngách rừng ngập mặn, trên xuồng là bao lưới đựng cả chục ký nha đợi thương lái tới mua. Giữa không gian thanh bình của ngày mới lại văng vẳng tiếng gọi nhau: “Hú, hú. Anh Ba, anh Tư… được mấy ký?”, kèm theo là những tiếng cười ngập tràn để họ tiếp tục một ngày mới, canh giữ rừng và mưu sinh…
Niềm tự hào rừng ngập mặn
Theo ông Lê Văn Sinh, Trưởng ban Quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ, chính quyền TP đặc biệt quan tâm đến việc trồng, chăm sóc, gìn giữ và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ với tinh thần “bằng mọi giá phải giữ cho được”. Đây được xem là bức bình phong giữ cho TP.HCM và vùng phụ cận tránh khỏi gió bão, trở thành niềm tự hào của cả nước khi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Trong những năm qua, nhiều tổ chức quốc tế, địa phương trong nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm giữ rừng, góp phần quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu, sạt lở đất, phục vụ phát triển du lịch…
Ông Sinh cho biết Cần Giờ có khoảng 70.000 ha thì gần một nửa (khoảng 34.400 ha) là rừng ngập mặn. Toàn bộ diện tích này đều được giao khoán cho gần 200 hộ dân chăm sóc, bảo quản. TP có nhiều chính sách phúc lợi dành cho người tham gia công tác giữ rừng. Theo đó, người giữ rừng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội… Riêng xã An Thới Đông nói trên có khoảng 9.000 ha rừng ngập mặn, được thụ hưởng chính sách chung đó của TP. “Trong nhiều năm qua, người tham gia giữ rừng chấp hành rất tốt các quy định chung, tuyệt đối không khai thác lâm sản, không phá rừng để tổ chức sản xuất… Niềm tự hào rừng ngập mặn Cần Giờ có vai trò và công sức gìn giữ rất lớn của người dân”, ông Sinh chia sẻ.
Đình Phú

 

Trác Rin