NASA chuẩn bị ‘chạm đến mặt trời’
Sau gần 60 năm chuẩn bị, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ cuối cùng công bố sẽ phóng phi thuyền vào năm sau, với mục tiêu phá mọi kỷ lục trước đây về khoản tiếp cận mặt trời.
NASA chuẩn bị ‘chạm đến mặt trời’
Sau gần 60 năm chuẩn bị, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ cuối cùng công bố sẽ phóng phi thuyền vào năm sau, với mục tiêu phá mọi kỷ lục trước đây về khoản tiếp cận mặt trời.
Nhân loại đã đặt chân lên mặt trăng, đáp phi thuyền lên sao Hoả và đến gần những hành tinh khác cũng như sao Diêm Vương ở rìa thái dương hệ. Giờ đây, điểm đến kế tiếp sẽ là mặt trời. Tại sự kiện được tổ chức ở Đại học Chicago, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vào ngày 31.5 công bố sứ mệnh đầy tham vọng có thể gọi nôm na là “chạm đến mặt trời”, tên chính thức là Parker Solar Probe (PSP), vừa được đổi tên từ Solar Plus Probe để vinh
danh Giáo sư Eugene Parker, 89 tuổi, người dự đoán chính xác về sự tồn tại của gió mặt trời. Dự kiến sẽ được khởi động sớm nhất là vào tháng 7.2018, PSP sẽ đến đủ gần để phân tích vành nhật hoa của mặt trời, vành ánh sáng phát ra từ không gian xung quanh sao trung tâm.
TIN LIÊN QUAN
5 ‘hung thần’ chuẩn bị lướt đến trái đất
Một nhà thiên văn học hàng đầu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa đưa ra cảnh báo về 5 tiểu hành tinh sẽ bay sát địa cầu trong vòng một năm tới.
Phi thuyền với lá chắn đặc biệt
Đài CBS dẫn lời tiến sĩ Nicola Fox, chịu trách nhiệm chế tạo phi thuyền thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), ước tính phi thuyền kích thước cỡ ô tô (cao 3 m, nặng 685 kg) sẽ di chuyển ở tốc độ chóng mặt hơn 720.000 km/giờ để đến khoảng cách không đầy 6,4 triệu km so với mặt trời. “Nếu cho là mặt trời cách trái đất khoảng 1 m, phi thuyền sẽ có mặt ở vị trí chỉ cách 4 cm so với sao trung tâm của chúng ta”, theo NasaTV dẫn lời tiến sĩ Fox.
Để tránh bị tan chảy trong sức nóng khủng khiếp trên 1.400 độ C, PSP được trang bị lá chắn nhiệt chưa từng có với bề ngang 2,3 m, dày 11 cm, làm từ bọt carbon đặc chế được chèn giữa hai tấm kim loại mỏng. Bề mặt lá chắn sẽ được bao phủ bằng hợp chất aluminium oxide để phản ánh sáng và nhiệt. Tất cả nhằm giữ hệ thống thiết bị bên trong phi thuyền được duy trì ở nhiệt độ phòng dù bị bao bọc bên trong cái nóng vượt xa khả năng chịu đựng của con người.
Dự án 1,5 tỉ USD
Dự kiến phi thuyền sẽ rời bệ phóng vào khoảng từ 31.7.2018 – 20.8.2018, và để bảo đảm PSP không bị hút về phía mặt trời, NASA chuẩn bị sử dụng rốc két lớn nhất hiện nay của Mỹ là Delta IV Heavy. Theo tính toán, phi thuyền sẽ quay quanh mặt trời 24 lần và bay ngang sao Kim 7 lần, tận dụng lực hút của hành tinh này để làm chậm tốc độ tàu du hành cho phép nó tiến sát mục tiêu. Các chuyên gia đã tính toán được PSP sẽ đến điểm gần nhất với mặt trời vào ngày 19.12.2024.
Thông qua sứ mệnh trị giá 1,5 tỉ USD, NASA hy vọng có thể tìm được lời giải đáp cho hai câu hỏi lớn: Tại sao vành nhật hoa (khoảng 1 triệu độ C) lại nóng ít nhất gấp hàng trăm lần so với bề mặt sao trung tâm (khoảng 5,600 độ C), và điều gì khiến gió mặt trời tăng tốc?
TIN LIÊN QUAN
Vũ khí nguyên tử thao túng thời tiết không gian
Từ giữa năm 1958 đến năm 1962, Mỹ và Liên Xô lần lượt thử bom nguyên tử ở tầng cao khí quyển, kích nổ vũ khí cách mặt đất đến hơn 400 km, tương đương với độ cao đang neo Trạm không gian quốc tế (ISS).
Mặt trời tạo ra những luồng gió quét qua địa cầu với tốc độ hơn 1,6 triệu km/giờ. Những rối loạn bên trong gió mặt trời làm rung chuyển trường địa từ, bơm thêm năng lượng vào các vành đai bức xạ bảo vệ địa cầu. Một báo cáo gần đây của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ dự đoán nếu không dự đoán trước một cơn bão lớn từ sao trung tâm, chỉ tính riêng thiệt hại tại Mỹ cũng lên đến 2.000 tỉ USD, và đẩy bờ đông nước này vào tình trạng mất điện cả năm.
Vì vậy, cho đến khi các nhà khoa học có thể giải thích chuyện gì đang diễn ra ở vùng không gian sát mặt trời, họ vẫn chưa thể dự đoán được chính xác mức độ ảnh hưởng của thời tiết không gian đối với trái đất.
Hạo Nhiên