Sạt lở bờ biển bủa vây ĐBSCL
Vùng ĐBSCL hiện có tới 393 điểm sạt lở cả bờ sông và bờ biển, với tổng chiều dài trên 581 km, khiến hàng ngàn héc ta đất bị mất mỗi năm, đe doạ cuộc sống của hàng vạn hộ dân.
Sạt lở bờ biển bủa vây ĐBSCL
Vùng ĐBSCL hiện có tới 393 điểm sạt lở cả bờ sông và bờ biển, với tổng chiều dài trên 581 km, khiến hàng ngàn héc ta đất bị mất mỗi năm, đe doạ cuộc sống của hàng vạn hộ dân.
Với người dân vùng Đất Mũi (Cà Mau), sự bồi đắp, mở rộng của các bãi bồi đã quen thuộc qua nhiều thế hệ. Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã khác. Triều cường, sóng lớn mỗi năm đã cuốn trôi vùng mũi Cà Mau trung bình 5 – 8 km bờ biển.
|
“Cứ vài ngày là thấy bờ biển khác đi”
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Cà Mau, toàn tỉnh hiện có khoảng 150 km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. Khoảng 450 ha đất, rừng phòng hộ bị cuốn về biển mỗi năm. Hiện có nhiều đoạn sạt lở vào sát chân của đê biển, đe doạ đến 100.000 ha đất nuôi trồng thuỷ sản của trên 260.000 hộ dân. Riêng rừng phòng hộ của tỉnh, nếu tính từ năm 1999 đến nay đã mất trên 5.000 ha. Ông Châu Văn Lo, ngụ ấp 3, xã Khánh Tiến, H.U Minh, nói: “Những năm gần đây, biển sạt lở nhìn thấy được. Cứ vài ngày là thấy bờ biển khác đi, rừng mất, nhiều gia đình mới cất nhà phải bỏ chạy vì sạt lở”.
Tại Kiên Giang, bờ biển dài khoảng 200 km từ TX.Hà Tiên đến H.An Minh cũng đang sạt lở. Ông Nguyễn Văn Dân, ngụ ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, H.An Minh, cho biết từ năm 2012 đến nay, nước biển bắt đầu xâm thực sâu vào đất rừng ven biển hàng ngàn mét. “Nếu cứ sạt thế này thì người dân rất khó bám trụ và yên tâm sản xuất”, ông Dân lo lắng.
Tại các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… sạt lở mỗi ngày thêm nghiêm trọng. Ở 2 xã ven biển của TX.Duyên Hải (Trà Vinh) là Hiệp Thạnh và Trường Long Hoà, hàng chục héc ta rừng dương phòng hộ 20 năm tuổi đã bị sóng biển đánh bật gốc, đe doạ đất sản xuất của người dân.
TIN LIÊN QUAN
Tiếp tục cảnh báo sạt lở trên sông Vàm Nao
Sau vụ sạt lở đất bờ sông Vàm Nao (thuộc xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, An Giang) xảy ra vào sáng 22.4, cơ quan chức năng cảnh báo tình trạng này sẽ còn tiếp diễn.
Mới đây, trong hội thảo về phát triển ĐBSCL bền vững tại Cà Mau, Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam công bố mỗi năm ĐBSCL đang mất khoảng 500 ha rừng phòng hộ. Đáng lo ngại, diện tích rừng mất đi này không thể phục hồi.
Sóng đánh sập đê kè
Ngày 20.5, ông Lai Thanh Ẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh có chiều dài bờ biển 56 km, trong đó nhiều đoạn đê kè ven biển đã và đang bị xói lở quanh năm với tổng chiều dài khoảng 15 km thuộc các xã Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành, P.Nhà Mát (TP.Bạc Liêu) và TT.Gành Hào (H.Đông Hải). Hơn 1 tháng qua, đê kè Gành Hào (H.Đông Hải) bị sạt lở cả chục lần. Nước biển dâng cao, cùng với sóng to gió lớn đã đánh sập nhiều đoạn đê kè, với tổng chiều dài 94 m, diện tích sạt lở 940 m2, hành lang sau đê kè bị sụp 393 m2; đỉnh kè bị gãy hoàn toàn với chiều dài 47 m, gây nguy cơ vỡ đê kè rất cao. Sóng lớn tràn qua thân kè Gành Hào gây ngập úng, làm thiệt hại lớn đến tài sản của người dân. Sạt lở đê kè uy hiếp hơn 1.000 hộ dân.
Theo người dân, mỗi khi thuỷ triều đột ngột dâng cao bất thường, đê kè Gành Hào thường bị sóng đánh phủ rất cao từ 2 – 3 m, gây sạt lở, nước biển tràn vào khu dân cư ven biển làm ngập nhà cửa, trường học… Đê kè ven biển thuộc P.Nhà Mát (TP.Bạc Liêu) thường xuyên bị sóng biển đánh gây hư hỏng, thân đê kè bị sóng đánh gãy dài hàng chục mét. Sạt lở đã làm 2 mố cầu Chiên Túp 1, thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu) bị sụp lún nghiêm trọng, phương tiện không thể lưu thông được.
Trong khi đó, tuyến đê biển dài hơn 200 km của tỉnh Kiên Giang, từ Mũi Nai, TX.Hà Tiên đến Tiều Dừa, H.An Minh nhiều đoạn cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài gần 40 km, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống hàng trăm hộ dân ở các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh.
Lớp “áo giáp” ngày càng mỏng
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đến thời điểm này toàn vùng ĐBSCL có 393 điểm sạt lở (cả bờ sông và bờ biển), với tổng chiều dài trên 581 km. Trong đó, sạt lở bờ biển nặng nhất là Cà Mau với 109 km, Tiền Giang 77 km, Trà Vinh 74 km… Rất nhiều nguyên nhân đã được đưa ra: nước biển dâng, phát triển vùng nuôi tôm gây giảm rừng ven biển, sụt lún đất…
Sở NN-PTNT Bạc Liêu cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến đê kè bị sạt lở nghiêm trọng là khu vực ven biển của tỉnh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, đặc biệt là hiện tượng thay đổi dòng chảy, sóng to gió lớn, triều cường dâng cao bất thường. Bạc Liêu đề nghị Bộ NN-PTNT, các nhà khoa học tiếp tục khảo sát, đánh giá, nghiên cứu tình hình tổng thể về sạt lở đê kè ven biển, kể cả bờ sông để có hướng xử lý, khắc phục, chủ động phòng chống sạt lở.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, “gốc rễ” của vấn đề là do mất cân bằng bùn cát, thiếu hụt cát phù sa bồi ra biển. Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái độc lập, phân tích: Cát, sỏi di chuyển từ thượng nguồn sông Mê Kông về đến ĐBSCL phải mất vài chục năm, thậm chí cả trăm năm. Cát bồi ra vùng cửa sông Cửu Long, tạo ra những môi trường sinh cảnh từng vùng khác nhau, đồng thời còn tạo thành lớp “áo giáp” nước đục dọc bờ biển. Lớp nước đục này nặng hơn nước trong nên có tác dụng làm tiêu hao năng lượng của sóng biển đánh vào đất liền. Mất cát, mất phù sa, cũng giống như lớp “áo giáp” trên bị rách, tất yếu sạt lở gia tăng… “Hiện phần lớn cát, sỏi đã và sẽ bị các đập thuỷ điện ở thượng nguồn chặn lại, tình trạng khai thác cát vẫn tràn lan là những nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt cát bồi đắp cho đồng bằng”, ông Thiện nói.
Đồng quan điểm, Th.S Trần Minh Quang, Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng: “Sự xuất hiện các con đập trên thượng nguồn đã ngăn một lượng rất lớn phù sa và lưu lượng nước đổ về ĐBSCL hằng năm. Điều này không chỉ gây thiếu hụt nguồn trầm tích để bồi đắp mở rộng bờ biển, mà còn khiến lượng nước đổ ra từ sông Tiền, sông Hậu bị thiếu hụt, không đủ để đẩy dòng hải lưu ven bờ ra xa nhằm giảm sự xâm nhập mặn và hạn chế sức nước tác động lên bờ biển. Trước sự xâm lấn gia tăng từ mực biển dâng trong khi nguồn phù sa để bồi đắp ngày càng cạn kiệt, sự thoái lui của bờ biển ở ĐBSCL là khó tránh khỏi”.
Theo các chuyên gia, tình trạng sạt lở gia tăng nghiêm trọng đang khiến diện mạo ĐBSCL bị biến đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, nỗi lo “sát sườn” lúc này của các địa phương là giữ sinh kế và đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng sạt lở. Hiện nhiều địa phương đã phải lên phương án lập các khu tái định cư mới để di dời dân khỏi những khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Xin hỗ trợ 540 tỉ đồng chống sạt lở biển
Trước tình trạng đê biển bị sạt lở, tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan sớm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh 340 tỉ đồng để khắc phục, triển khai giải pháp kiên cố đê kè.
Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị T.Ư hỗ trợ khoảng 200 tỉ đồng xây dựng 10.000 m kè chống sạt lở tại những vị trí sạt lở khẩn cấp trên tuyến rừng phòng hộ biển Đông. Bên cạnh đó, với yêu cầu cần phải di dời gần 4.800 hộ dân ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao và cư dân vùng ảnh hưởng do biến đổi khí hậu vùng ven sông, ven biển, Cà Mau kiến nghị cần nguồn đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng thực hiện các dự án tái định cư, tạo sinh kế cho người dân…
|
Thanh Niên