09/01/2025

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung tín hữu hành hương: 24-5-2015

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các tín hữu, dù trong nghịch cảnh, hãy xác tín “chúng ta tiếp tục được yêu thương và Thiên Chúa không bao giờ ngưng yêu thương chúng ta”. Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc Bài Tin Mừng theo Thánh Luca đoạn 24 (28-32) kể lại sự tích hai môn đệ trên đường Emmaus đã đồng hành với Chúa và nhận ra Ngài trong nghi thức bẻ bánh.

 Đức Thánh Cha tiếp kiến chung tín hữu hành hương: 24-5-2015

 

 

 

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các tín hữu, dù trong nghịch cảnh, hãy xác tín “chúng ta tiếp tục được yêu thương và Thiên Chúa không bao giờ ngưng yêu thương chúng ta”.

Trên đây là nội dung bài huấn giáo của ĐTC trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 24-5-2017 dành cho hơn 30.000 các tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có hàng trăm tín hữu Công giáo người Việt đến từ Mỹ, quốc nội và một số nước khác. Buổi tiếp kiến diễn ra sau khi ĐTC tiếp kiến riêng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc Bài Tin Mừng theo Thánh Luca đoạn 24 (28-32) kể lại sự tích hai môn đệ trên đường Emmaus đã đồng hành với Chúa và nhận ra Ngài trong nghi thức bẻ bánh.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói về đề tài “Emmaus, con đường hy vọng”. Đây là bài thứ 23 trong loạt bài giáo lý về Đức Hy vọng Kitô giáo. Ngài nói:

“Hôm nay tôi muốn nói về kinh nghiệm của hai môn đệ Emmaus, theo Tin Mừng tTánh Luca (x. 24,13-35). Hai người bước đi trong thất vọng, tin chắc mình đang bỏ lại sau lưng một biến cố cay đắng kết thúc trong thất bại. Trước Lễ Vượt Qua ấy, họ đầy phấn khởi: họ xác tín rằng những ngày ấy sẽ có tính cách quyết định đối với những mong đợi của họ và hy vọng của toàn dân. Đức Giêsu, Người mà họ đã phó thác cuộc sống, dường như đi tới cuộc chiến quyết định: giờ đây Ngài sẽ biểu dương quyền năng, sau một thời gian dài chuẩn bị và ẩn náu. Nhưng thực tế không xảy ra như vậy.

2 người lữ khách ấy đã nuôi hy vọng hoàn toàn phàm nhân, hy vọng ấy giờ đây vỡ tan. Thập giá được dựng lên trên đồi Can Vê là dấu chỉ hùng hồn nhất về một sự thất bại mà họ không tiến đoán trước được. Nếu thực sự Đức Giêsu ấy là vị theo tâm hồn của Thiên Chúa, thì họ phải kết luận rằng Thiên Chúa là Đấng vô phương tự vệ trong tay những kẻ bạo lực, ngài không có khả năng chống lại sự ác.

Thế là hai môn đệ ấy trốn khỏi thành Giêrusalem. Nơi mắt họ vẫn còn những biến cố khổ nạn, cái chết của Chúa Giêsu; và trong tâm hồn họ còn một sự phấn đấu vất vả về những biến cố ấy, trong ngày hưu lễ sabát. Lễ Vượt Qua ấy, trong đó lẽ ra người ta phải xướng lên bài ca giải thoát, nhưng thực tế ngày ấy đã biến thành ngày đau thương nhất trong cuộc đời họ. Họ rời thành Giêrusalem để đi nơi khác, đến một làng yên tĩnh. Họ hoàn toàn giống như những người quyết tâm loại bỏ một kỷ niệm đốt cháy. Vì vậy họ lên đường, hành trình. Cảnh tượng này – con đường đi – vốn là điều quan trọng trong trình thuật của các Phúc Âm nay càng trở nên quan trọng hơn, là lúc trong đó người ta bắt đầu kể lại lịch sử Giáo Hội.

Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ ấy có vẻ hoàn toàn là tình cờ: giống như một trong bao nhiêu ngã tư xảy ra trong cuộc sống. Hai môn đệ đang tiến bước, suy nghĩ đăm chiêu, thì một người lạ đến gần họ. Đó là Chúa Giêsu; nhưng mắt họ không có khả năng nhận ra Ngài. Và thế là Chúa Giêsu bắt đầu “phương thức trị liệu hy vọng” của Ngài.

Trước tiên Ngài hỏi và lắng nghe: Thiên Chúa chúng ta không phải là một vị Chúa xâm phạm đời tư. Cho dù Ngài đã biết lý do sự thất vọng của hai môn đệ, nhưng ngài để cho họ có thời gian để có thể ôm chặt sự cay đắng xâm chiếm họ. Từ đó có sự tuyên xưng như một điệp khúc của cuộc sống con người: “Chúng tôi đã hy vọng…” (c. 21). Bao nhiêu buồn sầu, chiến bại, không thành công trong cuộc sống của mỗi người! Xét cho cùng tất cả chúng ta phần nào cũng giống như hai môn đệ ấy. Bao nhiêu lần trong cuộc sống, chúng ta đã hy vọng, bao nhiêu lần chúng ta cảm thấy gần kề hạnh phúc, nhưng rồi chúng ta thất vọng não nề. Nhưng Chúa Giêsu tiến bước với tất cả những người nản chí cúi đầu bước đi. Và khi đồng hành với họ, một cách kín đáo, Ngài phục hồi hy vọng cho họ.”

ĐTC nói tiếp:

“Trước tiên, Chúa Giêsu nói với họ qua Kinh Thánh. Ai cầm trong tay cuốn sách của Thiên Chúa, thì chẳng gặp những chuyện anh hùng dễ dàng, những chiến dịch chinh phục chớp nhoáng. Niềm hy vọng đích thực không bao giờ là điều rẻ tiền: nó luôn tiến qua những thất bại. Niềm hy vọng của người không chịu đau khổ, có lẽ cũng chẳng phải là hy vọng. Chúa không thích được yêu thương như thể người ta yêu một nguyên soái đưa dân mình đến chiến thắng bằng cách tiêu diệt các đối thủ trong máu. Thiên Chúa chúng ta là một một ngọn lửa hâm nóng trong ngày lạnh lẽo và gió thôi, và tuy sự hiện diện của Ngài trên thế giới có vẻ là yếu ớt, nhưng chính Ngài đã chọn chỗ mà tất cả mọi người coi rẻ.

Rồi Chúa Giêsu lặp lại với hai môn đệ cử chỉ nòng cốt của mỗi Thánh lễ: Ngài cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao ban. Trong loạt cử chỉ này, phải chăng đó chẳng là tất cả lịch sử của Chúa Giêsu sao? Trong mỗi Thánh lễ, không có cả dấu hiệu cho thấy Giáo Hội phải là gì sao? Chúa Giêsu nhận lấy chúng ta, chúc lành, “bẻ” cuộc sống chúng ta – vì không có tình yêu nếu không có hy sinh – và Ngài trao ban cho người khác, cho tất cả mọi người.

Đó là một cuộc gặp gỡ mau lẹ, cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmaus. Nhưng trong đó có tất cả vận mạng của Giáo Hội. Người ta kể với chúng ta rằng cộng đoàn Kitô không khép kín trong một thành có pháo đài bao quanh, nhưng tiến bước trong môi trường sinh đong nhất, nghĩa là đường phố. Tại đó cộng đoàn gặp con người, với những hy vọng và thất vọng của họ, nhiều khi nặng nề. Giáo Hội lắng nghe chuyện của tất cả mọi người, như nảy sinh từ kho tàng lương tâm mỗi người; để rồi chúng ta cống hiến Lời Hằng Sống, chứng ta tình thương của Thiên Chúa, tình yêu chung thuỷ đến cùng. Và như thế trái tim con người lại được nồng cháy hy vọng.

Bí quyết của con đường dẫn đến Emmaus hệ tại điều này là: cả qua những tình trạng có vẻ là nghịch cảnh, chúng ta tiếp tục được yêu thương và Thiên Chúa không bao giờ ngưng yêu thương chúng ta.

Chào thăm

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các linh mục thuộc các cơ quan Toà Thánh tóm tắt bài huấn giáo của ĐTC trong các sinh ngữ khác nhau, cả những lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài đặc biệt nhắc đến một nhóm tín hữu Công giáo thuộc toà án ở Pháp và cộng đoàn Arche ở Ambleteuse chuyên săn sóc những người khuyết tật tâm trí.

Trong số các tín hữu nói tiếng Anh được ĐTC chào thăm, cũng có các tín hữu Việt Nam, và từ các nước Đông Á khác, như Hong Kong, Philippines, cả Indonesia và Ấn Độ. Ngài nói Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, tôi cầu xin lòng thương xót yêu thương của Thiên chúa là Cha chúng ta đổ tràn trên anh chị em.

Ngài nói thêm: Tôi đặc biệt chào thăm các tín hữu từ Hong Kong, trong ngày lễ kính Đức Mẹ Xà Sơn ở Thượng Hải. Hôm qua, 24-5, cũng là ngày Giáo Hội đặc biệt cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, theo quyết định của ĐGH Bênêđictô XVI cách đây 10 năm.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ vùng đã bị động đất Valnerina. Ngài gửi lời thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới và nói:

“Hôm nay chúng ta mừng kính Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu. Các bạn trẻ thân mến, hãy học yêu mến theo trường của Mẹ Chúa Giêsu; hỡi các bệnh nhân thân mến, trong đau khổ, anh chị em hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria với Kinh Mân Côi; và hỡi anh chị em là các đôi tân hôn, với Mẹ Maria anh chị em hãy luôn biết lắng nghe thánh ý Chúa về gia đình của anh chị em.”

 
 
 

G. Trần Đức Anh OP