29/11/2024

Chúa Nhật II PS A – 2017: Cảm thức đức tin về lòng Chúa thương xót

Chúa Giêsu đã hiện ra cho Tôma để dạy cho chúng ta hiểu rằng cần phải dùng đức tin mà cảm nghiệm sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa: “Phúc thay những người không thấy mà tin!”

 

Cảm thức đức tin

về lòng Chúa thương xót

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa Nhật về Lòng Chúa Thương Xót như một đại lễ để nhắc nhở nhau về tình yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với chúng ta, để giúp nhau cảm nghiệm được lòng thương xót ấy và chia sẻ lòng thương xót của Chúa cho mọi người.

1. Chúa yêu thương chúng ta

Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu biết về lòng Chúa thương xót thì mới có thể cảm nghiệm được. Bài đọc II hôm nay (x. 1Pr 1,3-9) cho chúng ta thấy Thiên Chúa thương xót chúng ta như thế nào: “Chúa Cha là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được  tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, tàn phai”. Chúa đã yêu thương chúng ta, cho Con Một của Ngài chịu chết đền thay tội lỗi chúng ta để hoà giải chúng ta với Thiên Chúa. Người đã sống lại vì chúng ta để chúng ta cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của chính Thiên Chúa qua đời sống hiệp thông và hợp nhất với nhau cùng với nhiều điềm thiêng dấu lạ được diễn tả trong bài đọc I (x. Cv 2, 42-47). Cuối cùng, Lòng Chúa thương xót ấy đã lên đến tột điểm khi Đức Giêsu Phục Sinh hiện đến với các môn đệ, ban cho họ Thánh Thần để biến đổi họ thành Thiên Chúa giống như Người (x. Ga 20, 19-31).

Thánh Thần là Ngôi thứ Ba Thiên Chúa được Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho ta khi Người thực hiện cuộc sáng tạo mới bằng cách thổi Thần Khí để tái sinh ta. Chúng ta không còn chỉ là thụ tạo được tha thứ tội lỗi, trở về tình trạng tốt đẹp nguyên thuỷ như Adam trước khi phạm tội, nhưng đã được nâng lên đến tột cùng để trở thành Thiên Chúa như Đức Giêsu, như Chúa Thánh Thần hầu được thông phần vào sự sống siêu việt của chính Thiên Chúa, có quyền năng như Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người đó được tha”  vì quyền tha tội chỉ dành riêng cho Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần là tình yêu, Ngài nối kết Chúa Cha và Chúa Con lại với nhau thì Ngài cũng nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa để tất cả có chung một sự sống thần linh. Thánh Gioan đã viết cho chúng ta trong bài kết thúc Phúc Âm của ngài hôm nay: “Những điều ghi chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người”. Chúng ta có cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cho chúng ta không?

2. Cảm thức đức tin

Để có thể cảm nghiệm được lòng thương xót qua việc Thiên Chúa ban chính mình cho ta, ban Đức Giêsu là Con Một cũng như ban Chúa Thánh Thần, chúng ta cần phải có một phương tiện mà Giáo Hội gọi là cảm thức đức tin, tiếng Latin là sensus fidei. (sense of faith). Giáo huấn Giáo Hội dạy chúng ta rằng: “Nhờ bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu kết hợp trọn vẹn với Hội Thánh đều có được cảm thức đức tin do Chúa Thánh Thần ban cho. Cảm thức này là khả năng phán đoán thiêng liêng mang tính trực giác, nhờ đó mọi tín hữu tiếp nhận mạc khải cách đúng đắn” (x. Ga 16,13; 1Ga 2,20.27; sách Giáo lý Hội Thánh công Giáo, số 67, 91-93, 785, 889-904).

Chúng ta phải dùng đức tin thì mới có thể có cảm thức đó, để vừa cảm nhận vừa ý thức được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa luân chuyển trong từng tế bào của ta, trong từng giây phút sống của ta, cảm nghiệm được sự sống phi thường, tuyệt đối, vô hạn của Thiên Chúa trong chính con người tầm thường yếu đuối của mình. Thánh Phêrô dạy chúng ta rằng: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em…Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1, 7).

Các môn đệ và các tông đồ thời sơ khai, như bài đọc I diễn tả, có chung cảm thức đó nên họ luôn hợp nhất với nhau, chia sẻ tất cả những phương tiện vật chất và tinh thần cho nhau, cùng nhau cầu nguyện. Vì có cảm thức đức tin chung với nhau, nên đi đến đâu là họ làm phép lạ đến đó, được toàn dân thương mến và rất nhiều người đã gia nhập cộng đồng tín hữu sơ khai. Chúng ta đang được mời gọi để chia sẻ cùng một cảm thức đó với các tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu.

3. Cần có chung cảm thức đức tin với nhau

Thế nhưng, không phải ai ai cũng có chung một cảm thức. Giống như tông đồ Tôma hôm nay, nhiều người chúng ta chưa có cảm thức ấy. Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta như đang ở giữa các tông đồ và Tôma, nhưng Tôma lại không có cảm thức chung với các tông đồ, ông đòi một phép lạ: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.

Chúa Giêsu đã hiện ra cho Tôma, cũng như cho chúng ta, để dạy cho chúng ta hiểu rằng chúng ta cần phải dùng đức tin mà cảm nghiệm sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20, 29). Có chung một cảm thức ấy, chúng ta mới thấy cuộc sống của chúng ta thay đổi, vì lúc nào chúng ta cũng cảm thấy niềm vui, bình an và sự sống kỳ diệu luân chuyển trong con người mình để chia sẻ với mọi người dù không tận mắt thấy Chúa: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin là ơn cứu độ con người” (1 Pr 3,8-9).

Chúng ta hãy xin Chúa giúp cho chúng ta có cảm thức đức tin chung với nhau, cảm nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu trong cuộc đời của mình, ý thức được rằng Người đang yêu thương chúng ta và chúng ta sẵn sàng chia sẻ niềm tin, chia sẻ tất cả mọi ân phúc mà Thánh Thần ban cho chúng ta, dù chúng ta không thấy những dấu lạ hay những gì mà người ta có thể nhận được.

Tôi xin chia sẻ với anh chị em một cảm nghiệm của tôi: ngày 3/3/2017 vừa rồi tôi đã nhận được lời mời sang Hoa Kỳ để giúp cho 5 xứ đạo trong Mùa Chay: 2 giáo xứ ở tiểu bang Florida, 2 giáo xứ ở tiểu bang Georgia, 1 giáo xứ ở tiểu bang South Carolina và tuần cuối cùng tôi trở về Houston, tiểu bang Texas. Mỗi xứ đạo tôi giảng tĩnh tâm cho họ 1 tuần, giảng về chủ đề Lời Chúa là hồng ân, tha nhân là hồng ân theo sứ điệp Mùa Chay của ĐTC Phanxicô. Những giáo dân người Việt ở Hoa Kỳ rất muốn cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu và của Chúa Thánh Thần.

Ngoài 3 giờ mỗi ngày để giảng tĩnh tâm, giải tội và giúp đỡ về những vấn đề thiêng liêng, tôi dành những giờ còn lại để giúp cho giáo dân và cả các linh mục, tu sĩ về sức khoẻ toàn diện, biết sống trong niềm vui và bình an. Chúng tôi cùng cầu nguyện với nhau, ứng dụng những bài học xoa bóp để chữa bệnh theo phương pháp tổng hợp mà  chúng tôi đã công bố trên mạng Hành khất Kitô (web: hanhkhatkito.org). Có khoảng hơn 300 người được giúp đỡ về sức khoẻ thể lý, tâm thần, tâm lý và tâm linh.  

Chúa đã chữa lành cho nhiều người với đủ loại bệnh tật khác nhau. Có những người bị tai biến không cử động tay chân, không cúi mình, không đi nhanh đã được chữa lành. Có những người mắt mờ từ 4 năm nay không lái xe được, chữa xong họ tự lái xe về. Đó không phải là do tôi chữa lành, nhưng những người ấy khi có cùng một niềm tin vào Chúa Giêsu, mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần để thở được Thần Khí của Người thì họ có chung một cảm thức đức tin, và cảm nhận được sức sống kỳ diệu và ơn cứu độ lạ lùng của Chúa.

Lời kết

Đó là bài học để giúp chúng ta nhận thức được Đức Giêsu là lòng thương xót cụ thể của Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Chúng ta xin Người cho chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Cha Trên Trời, cho ta biết mở lòng ra với tất cả anh chị em đang sống quanh mình, nhất là những con người nghèo khó, bệnh tật, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ cảm nhận được những ơn lạ lùng của lòng Chúa xót thương.