Hãy nghĩ đến một vùng biển sạch
Từ vụ hải sản chết trên diện rộng mà chưa tìm được nguyên nhân ở Kiên Giang, cần hướng đến giải pháp lâu dài là xây dựng cho được vùng biển sạch và hải sản sạch
Hãy nghĩ đến một vùng biển sạch
Từ vụ hải sản chết trên diện rộng mà chưa tìm được nguyên nhân ở Kiên Giang, cần hướng đến giải pháp lâu dài là xây dựng cho được vùng biển sạch và hải sản sạch.
Bà Vương Thị Lê Thanh (40 tuổi) bên bãi nghêu chết trắng của mình tại Mũi Ông Cọp (xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên) – Ảnh: Tiến Trình |
Vậy là đã chậm bốn ngày so với thời hạn Bộ Tài nguyên và môi trường đưa ra là phải báo cáo về hải sản chết ở Kiên Giang trước ngày 14-5. Tất nhiên đây là vấn đề không thể kết luận tuỳ tiện bởi nó cần sự thận trọng, đòi hỏi độ chính xác cao và còn phải dự báo được tác động. Trong khi chờ đợi, xin tạm bàn về câu chuyện biển sạch và cá sạch.
Câu chuyện ở một vùng biển sạch
Biển sạch là biển ít tạp chất, ít hứng chịu các loại chất thải đổ ra từ đất liền, từ trên đảo, từ các khu công nghiệp, nhà máy và từ người dân. Còn cá sạch là cá sống ở vùng biển ấy và có nguồn gốc rõ ràng để “con sâu không làm rầu nồi canh”. Giữ cho biển sạch chắc chắn có cái lợi trước hết là giúp quá trình truy tìm nguyên nhân mỗi khi có sự cố môi trường dễ dàng hơn, nhanh hơn.
Tôi có đến một vùng biển sạch như vậy ở Úc vào năm 2014 trong một lần đi câu cá với anh bạn học người bản xứ tên Brian. Đó là vùng cửa biển thuộc sông Swan, thành phố biển Fremantle, tiểu bang Tây Úc. Biển của họ sạch đến nỗi rất khó tìm ra một cọng rác. Cá tôm tại cửa biển này dồi dào nhưng gần như chỉ phục vụ cho việc câu cá giải trí của cư dân vùng này.
Dừng canô ở cửa sông, điều mà anh bạn này làm tôi ngạc nhiên trước hết là chuyện hút thuốc. Hút xong điếu thuốc, tàn thuốc được anh dập tắt bỏ ngay vào bọc rác trên tàu. Anh giải thích: “Vứt rác xuống sông thì đại kỵ lắm”. Khi tôi thăm lưới được con cua khoảng chừng 400g, lúc bắt lên anh lấy ngay thước đo ngang, đo dọc rồi vứt con cua xuống biển. Tôi hỏi tại sao, anh nói cua chưa đủ lớn, bắt lên lỡ xui xẻo bị lực lượng kiểm ngư phạt thì mệt lắm.
Đến trưa chúng tôi câu được một ít cá, ghé tạm vào bờ để ăn trưa. Brian tranh thủ dùng dao xẻ lấy thịt cá (người Úc không ăn cá có lẫn xương), còn lại xương và đầu cá thì bằm nát, vứt xuống sông, lập tức hàng loạt cá lớn nhỏ và các loại chim biển tụ tập lại ăn sạch. Tôi hỏi sao không mang cá về nhà, anh giải thích làm ở đây để cung cấp thức ăn cho các loại cá khác.
Brian cũng nói cá biển ở đây tùy loại, tùy mùa mà người dân được bắt hay không. Chính quyền phân loại mùa nào cá nào đang sinh sản để thông báo cho người dân tránh khai thác. Bởi vậy ngay tại cửa sông Swan, người ta thấy đủ các loại cá, đặc biệt cá heo cả trăm ký thỉnh thoảng vui đùa với tàu thuyền của ngư dân chạy dọc trên sông.
Ở cửa biển này thực ra là một cụm cảng quốc tế, có rất nhiều công ty, xí nghiệp đang hoạt động. Nhưng theo Brian, Chính phủ Úc bảo vệ biển rất nghiêm ngặt, chỉ cần một vài con cá chết nổi lên là dựng cờ cảnh báo ngay. Do biển của họ sạch nên việc tìm nguyên nhân rất dễ dàng. Một nhà máy hay công ty có vấn đề về quy trình xử lý chất thải, nước thải thì gần như chắc chắn đứng trước nguy cơ phá sản.
Tránh rủi ro cho nông nghiệp
Tôi kể câu chuyện ở Úc để nhấn mạnh vài điều liên quan đến câu chuyện cá chết ở Kiên Giang. Tất nhiên việc tìm ra nguyên nhân cá chết cần thời gian, nhưng nếu công bố quá trễ cũng sẽ gây hoang mang mà thiệt hại trước mắt là ngành thủy sản đồng bằng sông Cửu Long.
Vịnh Thái Lan của chúng ta nói chung đang gánh chịu quá nhiều chất thải từ đất liền đổ ra, hội tụ nhiều loại chất thải, rác thải từ các khu công nghiệp, nhà máy, thuốc bảo vệ thực vật và cả ý thức người dân mà gần như chưa kiểm soát hết được. Hi vọng thời gian tới, Nhà nước và người dân xây dựng được ý thức để làm sao chúng ta có biển sạch như ở Úc. Phải có biển sạch, nước sạch, cá sạch thì khi có sự cố mới dễ dàng xác định nguyên nhân.
Muốn vậy, luật pháp phải hết sức nghiêm minh trong việc bảo vệ môi trường biển, gồm cả thẩm định và kiểm định tác động môi trường của các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất và những vùng du lịch.
Bên cạnh đó, phải nâng cao hơn nữa tình cảm, tình yêu đối với biển như nước Úc đã giáo dục công dân của họ; đồng thời phải xây dựng thương hiệu và kiểm soát nguồn gốc thuỷ sản để mỗi khi có sự cố cá chết, người dân nhiều nơi không phải nhịn hoặc dè dặt với món ăn hải sản.
Về lâu dài, Kiên Giang cần sớm xây dựng đề án thí điểm phát triển các mô hình canh tác theo tổ, nhóm trong nông nghiệp, đặc biệt là nông dân trồng lúa và nuôi trồng hải sản ven biển. Trong đề án này cần tập trung phát triển mô hình tài chính vi mô (micro-finance) để tạo nguồn vốn tín dụng xoay vòng cho nông dân và hướng đến phát triển được hợp tác xã kiểu mới, từ đó tạo mầm mống cho kinh tế tư nhân trong nông nghiệp phát triển.
Nếu xác lập được một đề án như vậy và triển khai tốt, chắc chắn sẽ tạo được sức sống mới, hạn chế rất nhiều rủi ro trong nông nghiệp và thủy sản của tỉnh này cũng như của đồng bằng sông Cửu Long.
Cần các giải pháp kịp thời Những năm gần đây, khu vực kinh tế nông – lâm – thủy sản của Kiên Giang và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long liên tục gặp trục trặc. Kết thúc năm 2016, mức tăng trưởng của khu vực này chỉ đạt 0,57% (thấp nhất trong 5 năm gần đây), trong đó Kiên Giang tăng trưởng âm đến 1,46% do tác động của đợt thiên tai hạn mặn lịch sử làm cho tỉnh này thiệt hại trên 1.500 tỉ đồng. Hiện nay Kiên Giang lại gặp rắc rối đối với sản phẩm hải sản, một sản phẩm chủ lực của địa phương này và có vai trò tạo sức sống trong nhiều lĩnh vực kinh tế khu vực, chắc chắn sẽ tác động mạnh đến kinh tế đồng bằng sông Cửu Long năm 2017 nếu không có các giải pháp kịp thời và đủ mạnh. |