23/12/2024

Chương 2: Cùng Nhau Là Ta Mạnh, SỨ MỆNH XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI (hoàn chỉnh)

Vì sao không ai có thể thực sự là một Kitô hữu nếu không có tính xã hội.Vì sao Giáo Hội không phải là cứu cánh trong chính mình. Vì sao Giáo Hội bảo vệ công lý cho mọi người

Chương 2

Cùng Nhau Là Ta Mạnh

SỨ MỆNH XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Câu 22 – 46

Với sự cộng tác của Thomas Berenz và Christian Stoll

Vì sao không ai có thể thực sự là một Kitô hữu nếu không có tính xã hội.Vì sao Giáo Hội không phải là cứu cánh trong chính mình. Vì sao Giáo Hội bảo vệ công lý cho mọi người

Chừng nào bạn còn có thể, hãy làm càng nhiều việc thiện càng tốt, cho càng nhiều người càng tốt, bằng mọi phương tiện có thể, trong mọi cách có thể, tại mọi nơi có thể, vào mọi lúc có thể.

John Wesley (1703-1791)

Được gọi là “Quy tắc John Wesley”

Xã hội

(từ tiếng Latin socialis, có liên quan đến bạn đồng minh, hay cộng sự): Chỉ về việc con người cùng tồn tại (mà các thành viên tuân thủ các nguyên tắc họ đề ra) trong một nước hay một xã hội; liên quan đến hay thuộc về xã hội của con người.

 

Tất cả các Kitô hữu, gồm cả các vị mục tử của họ, được kêu gọi bày tỏ sự quan tâm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn… Tư tưởng xã hội của Giáo Hội chủ yếu mang tính tích cực: tư tưởng ấy mang đến những lời đề nghị, tìm cách thay đổi hiện trạng, và theo nghĩa này, luôn luôn hướng người ta tới niềm hy vọng xuất phát từ trái tim yêu thương của Đức Giêsu Kitô.

Giáo hoàng Phanxicô, Evangelii Gaudium (EG 183)

22  Vì sao Giáo Hội có một học thuyết xã hội?

Tự bản chất sâu xa, con người là một → sinh vật xã hội. Cả trên thiên đàng lẫn trên mặt đất, con người đều dựa vào cộng đồng. Trở lại thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã trao cho con người những quy tắc và điều răn để họ theo đó mà sống một cuộc đời ngay chính và tốt lành. Lý trí của con người có thể phân biệt giữa hành động xấu và tốt, và những hành vi tốt là cần thiết để xây dựng một trật tự xã hội công bình. Nơi Đức Giêsu, chúng ta thấy công lý chỉ được hoàn thành trong tình yêu. Các ý niệm ngày nay về sự liên đới được gợi lên từ tình yêu dành cho người lân cận của Kitô giáo.

 

Ü 62tt è 2419-2420, 2422-2423 ð 45, 438

 

 

 

 

 

23  Mục đích của học thuyết xã hội là gì?

Học thuyết xã hội có hai mục đích:

1. Nêu những đòi hỏi về hành vi xã hội đúng đắn như xuất hiện trong Phúc Âm.

2. Nhân danh công lý, lên án những hành động và những thể chế xã hội, kinh tế hay chính trị đi ngược lại với sứ điệp Phúc Âm.    

Đức tin Kitô giáo có một quan điểm rõ rệt về phẩm giá con người, và từ quan điểm này, đức tin Kitô giáo rút ra một số nguyên tắc, chuẩn mực, và nhận định về giá trị, mà có thể mang đến một trật tự xã hội tự do và công bằng. Dù các nguyên tắc của học thuyết xã hội có rõ ràng đến thế nào đi nữa, các nguyên tắc ấy vẫn cần phải được vận dụng thường xuyên vào các vấn đề xã hội hiện thời. Khi áp dụng học thuyết xã hội, Giáo Hội trở thành trạng sư của tất cả những ai, vì các nguyên nhân rất khác nhau, không thể lên tiếng và thường họ là những người bị ảnh hưởng nhất do những hành động và cơ chế bất công.

 

Ü 81, 82 è 2423

 

Lời giảng dạy sống động của Giáo Hội [hay Huấn quyền]… không ở trên Lời Chúa, mà phục vụ Lời Chúa, chỉ giảng dạy những điều đã được trao ban cho mình, vì khi sốt sắng nghe Lời Chúa, kỹ lưỡng gìn giữ Lời Chúa, và giải thích Lời Chúa một cách trung tín theo đúng trách nhiệm thiêng liêng và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Huấn quyền kín múc từ kho tàng đức tin duy nhất này tất cả những gì mà Huấn quyền công bố cho giáo dân tin như là những điều được Thiên Chúa mạc khải.

Công đồng Vaticanô II, Dei Verbum 10

24  Ai quyết định nội dung của học thuyết xã hội của Giáo Hội?

Tất cả mọi thành viên của Giáo Hội, tuỳ theo nhiệm vụ riêng biệt và đặc sủng, đều tham gia vào tiến trình phát triển học thuyết xã hội. Các nguyên tắc của học thuyết xã hội đã được trình bày rõ ràng trong các văn kiện quan trọng của Giáo Hội. Học thuyết xã hội là những lời “giáo huấn” chính thức của Giáo Hội. Huấn quyền (Magisterium) của Giáo Hội – nghĩa là giáo hoàng và các giám mục hiệp thông với ngài – liên tục hướng dẫn Giáo Hội và loài người về những đòi hỏi cần thiết để có những cộng đồng xã hội, công bằng và an bình.

 

Ü 70, 90 ð 344

 

           

Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được loan báo Tin Mừng.

Mt 11,5

 

Bác ái là tâm điểm của học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 2

 

 

Khi thị trường chứng khoán sụt hai điểm, báo chí đưa tin, nhưng khi một cụ già vô gia cư chết ngoài phố, thì không ai biết tới. Sao lại có chuyện như thế? Đây là một trường hợp loại trừ. Lẽ nào chúng ta có thể tiếp tục dửng dưng nhìn thực phẩm bị đổ đi trong khi biết bao người đang chết đói? Đây là một trường hợp bất bình đẳng.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 53

 

Đức Chúa phán với Cain: “Abel em ngươi đâu rồi?” Cain thưa: “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?”

St 4,9

 

 

 

25  Học thuyết Xã hội của Giáo Hội hình thành ra sao?

Ai đã nghe Tin Mừng, đều thấy hiện ra trước mắt bao nhiêu thách đố của xã hội. Tuy nhiên, thuật ngữ “học thuyết xã hội” nói đến những tuyên ngôn về các vấn nạn xã hội mà Huấn quyền của Hội Thánh đã đưa ra kể từ Thông điệp Rerum Novarum của Giáo hoàng Lêô XIII. Với tiến trình công nghiệp hoá vào thế kỷ 19, một “vấn nạn xã hội” hoàn toàn mới đã phát sinh. Phần lớn người dân không còn được thuê mướn làm việc trong ngành nông nghiệp, mà thay vào đó, phải làm việc trong lĩnh vực công nghiệp. Lúc ấy không có bảo đảm an toàn lao động, bảo hiểm y tế, bảo đảm ngày nghỉ, và còn phát sinh cả vấn đề lao động trẻ em. Các công đoàn được thành lập để đấu tranh cho quyền lợi của giới công nhân. Giáo hoàng Lêô XIII nhận thấy rõ ngài phải đáp lại với mức độ mạnh mẽ khác thường trước hiện trạng này. Trong Thông điệp Rerum Novarum, ngài phác thảo một trật tự xã hội đúng đắn. Từ đó, các giáo hoàng hết lần này tới lần khác đáp lại những “dấu chỉ của thời đại”, và đã đưa ra biện pháp giải quyết những vấn đề xã hội cấp bách, theo truyền thống của Thông điệp Rerum Novarum. Những bản tuyên ngôn tích luỹ dần qua thời gian theo phương cách này đã hình thành nên học thuyết xã hội của Giáo Hội. Ngoài các văn kiện của Giáo hội Hoàn vũ (nghĩa là những bản trình bày ý kiến của giáo hoàng, hội đồng giáo hoàng, hay Giáo triều Rôma), những quan điểm được đưa lên từ các giáo hội địa phương, ví dụ, thư mục vụ của hội đồng giám mục về các vấn đề xã hội, cũng có thể là một phần của học thuyết xã hội của Giáo Hội.

 

Ü 87, 88, 104 è 4395

Bây giờ không ai còn nói được rằng tôn giáo phải bị giới hạn vào lĩnh vực riêng tư, và rằng tôn giáo tồn tại chỉ để dọn đường cho linh hồn người ta về cõi thiên đường.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 182

 

Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.

Is 49,15

26  Tại sao Giáo Hội không chỉ quan tâm đến cá nhân?

Giáo Hội từng bị chỉ trích là chỉ quan tâm đến việc cứu rỗi linh hồn của cá nhân. Thật ra, mỗi sinh mạng đều quan trọng dưới cái nhìn của Chúa. Mỗi người là độc đáo và không thể thay thế. Tuy nhiên, ngay từ trong lòng mẹ, mỗi cá thể đã phải dựa vào sự hiệp thông với người khác. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi sống trong các mối quan hệ tốt đẹp với những người khác. Do đó, trong trình thuật sáng tạo có câu: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Thiên Chúa quan tâm đến tình trạng lành mạnh toàn diện của một con người, và vì thế, Ngài cũng chú ý đến việc phát triển của người đó trong cộng đồng, mà mọi người tham dự vào cộng đồng này theo nhiều cách thế đa dạng.

 

Ü 61 ð 210, 321

 

Chúng ta, nam cũng như nữ, đều cùng đi trên một con tàu giữa biển giông tố. Chúng ta cần phải gắn bó với nhau trong lúc sợ hãi, hiểm nguy.

G.K. Chesteron (1847-1936)

 

Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao.

Tv 85,11

 

Hãy yêu thương người nghèo, và đừng quay lưng với họ, vì khi bạn làm ngơ với họ, bạn cũng khước từ Đức Kitô. Người đã hoá thân thành người đói khát, khốn cùng, vô gia cư, để chúng ta có cơ hội yêu thương Người.

Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997)

27  Vì sao Giáo Hội thực hành sự liên đới?

Một Giáo Hội không thể hiện tình liên đới sẽ hoá ra mâu thuẫn với chính danh nghĩa của mình. Giáo Hội là nơi diễn ra tình liên đới vĩnh viễn của Thiên Chúa với con người. Trong sự hiệp thông của Giáo Hội, tình yêu Thiên Chúa được con người tiếp nối, và cuối cùng vươn đến toàn thể nhân loại. Giáo Hội là nơi Thiên Chúa muốn tập hợp mọi người: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại” (Kh 21,3). Giáo Hội là “dấu hiệu và phương tiện kết nối mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất với toàn thể loài người” (LG 1). Thiên Chúa cố gắng vươn tới muôn người ở mọi quốc gia và nền văn hoá để cứu giúp họ, qua một Giáo Hội biết noi gương Chúa Giêsu, thể hiện tình liên đới với những người cô thế, những nạn nhân của bất công và những người nghèo trong mỗi thời đại của Giáo Hội. Bất cứ khi nào con người cố gắng hình thành một thế giới nhân đạo hơn là Thiên Chúa ở bên họ. Do đó, Giáo Hội liên đới với tất cả những ai muốn làm cho thế giới có thể nhìn thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

Ü 60 ð 122

 

NHỮNG CỘT MỐC CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI

 

Năm

Tên

Chủ điểm

1891

Lêô XIII: Thông điệp Rerum Novarum (RN)

Thông điệp xã hội đầu tiên về: quyền đối với tài sản, bác bỏ đấu tranh giai cấp, quyền lợi của người yếu kém và phẩm giá của người nghèo; quyền thành lập công đoàn của công nhân.

1931

Piô XI: Thông điệp Quadragesimo Anno (QA)

Thông điệp nhân kỷ niệm 40 năm Thông điệp Rerum Novarum được ban hành: đòi hỏi “tiền lương căn bản” có thể nuôi sống gia đình; bác bỏ doanh nghiệp có tự do vô hạn; phát triển nguyên tắc bổ trợ.

1961

Gioan XXIII: Thông điệp Materet Magistra (MM)

Mục đích của học thuyết xã hội là nhằm xây dựng một cộng đồng thực sự trong đó các nhu cầu của cộng đồng được đáp ứng và phẩm giá của mỗi cá nhân được thăng tiến.

1963

Gioan XXIII: Thông điệp Pacem in Terris (PT)

Thăng tiến tự do, và truyền bá nhân quyền là những mối bận tâm chủ yếu của Giáo Hội.

1965

Công đồng Vaticanô II: Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (GS)

Đối thoại toàn diện với nền văn hoá, kinh tế và xã hội hiện đại; xã hội và các cấu trúc xã hội phải được sắp đặt nhằm “thăng tiến con người” (GS 25).

1965

Công đồng Vaticanô II: Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (DH)

Giáo Hội công nhận tự do tôn giáo là quyền đặt nền tảng trên phẩm giá con người; mục tiêu là thiết lập một chỗ đứng vững chắc cho quyền tự do tôn giáo trong hiến pháp của các nước trên toàn thế giới.

1967

Phaolô VI: Thông điệp Populorum Progressio (PP)

Những suy tư về nỗ lực chung toàn cầu tập trung vào việc phát triển các dân tộc và gìn giữ hoà bình thế giới.

1968

Phaolô VI: Thông điệp Humanae Vitae (HV)

Về vấn đề chuyển giao sự sống con người và phẩm giá của hôn nhân.

1971

Phaolô VI: Tông huấn Octogesima Adveniens (OA)

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ban hành Thông điệp Rerum Novarum, một loạt vấn đề được đưa ra, ví dụ: nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi trường và gia tăng dân số.

1981

Gioan Phaolô II: Thông điệp Laborem Exercens (LE)

Lao động của con người không chỉ để kiếm sống, mà còn có một phẩm chất đặc biệt. Lao động được dự phần vào phẩm giá của con người và của ơn gọi Kitô hữu.

1987

Gioan Phaolô II: Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (SRS)

20 năm sau Thông điệp Populorum Progressio, sự phát triển của Thế giới thứ Ba lại được đề cập; phải hiểu sự phát triển một cách toàn diện, không chỉ về kinh tế, mà còn bao hàm sự phát triển luân lý.

1991

Gioan Phaolô II: Thông điệp Centesimus Annus (CA)

Nhân kỷ niệm 100 năm ban hành Thông điệp Rerum Novarum, và sau khi Chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, giá trị của dân chủ và nền kinh tế thị trường tự do được nhấn mạnh; tuy nhiên, thị trường này phải nằm trong khuôn khổ của sự liên đới.

2009

Bênêđictô XVI: Thông điệp Caritas in Veritate (CiV)

Trích dẫn Thông điệp Populorum Progressio, văn kiện này phân tích trên diện rộng về các mặt khác nhau của toàn cầu hoá.

2015

Phanxicô: Thông điệp Laudato Si (LS)

Thông điệp thứ hai này của Giáo hoàng Phanxicô thảo luận những vấn đề gìn giữ môi trường trong bối cảnh rộng hơn liên quan tới quyền của mọi người đối với sự sống và sự phát triển toàn diện, xứng với nhân phẩm.

 

Ai nghĩ rằng mình là Kitô hữu chỉ vì mình đến nhà thờ thì thật là sai lầm. Dù gì đi nữa, bạn không thể nào là một chiếc ôtô đúng nghĩa nếu bạn cứ ở mãi trong gara xe!

Albert Schweitzer (1875-1965)

 

Việc chấp nhận lời tuyên xưng đầu tiên – lời mời gọi chúng ta đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, và yêu lại Ngài bằng chính tình yêu là quà tặng Ngài ban – sẽ mang đến trong đời sống và hành động của chúng ta câu trả lời đầu tiên và căn bản: đó là ao ước, tìm kiếm, và bảo vệ điều tốt đẹp cho bao người khác.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 178

28  Học thuyết xã hội và đức tin liên quan với nhau như thế nào?

Không phải ai hoạt động xã hội và tham gia chính trị mới là một Kitô hữu, nhưng một người khó mà tự gọi mình là Kitô hữu nếu không dấn thân vào xã hội. Tin Mừng dứt khoát dẫn người ta đến chỗ phải dấn thân cho tình yêu, công lý, tự do và hoà bình. Khi Đức Giêsu tuyên bố Nước Trời đã đến, Người không chỉ chữa lành và cứu mạng một số cá nhân, mà hơn thế, Ngài thiết lập một hình thức mới của cộng đồng – một vương quốc của hoà bình và công lý. Chắc chắn chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể hoàn thành vương quốc ấy một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, các Kitô hữu cần phải góp phần làm cho một xã hội tốt đẹp hơn. Họ cần phải xây dựng cho con người một thành phố “nhân đạo hơn vì thành đô này tương hợp nhiều hơn với Nước Thiên Chúa” (Tóm lược Học thuyết Xã hội, 63). Khi Đức Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa với men dần dần làm dậy lên cả khối bột lớn (Mt 13,33), Người muốn chỉ bảo cách thức hành động mà các Kitô hữu nên làm trong xã hội.

 

Ü 63 ð 123

 

Giáo Hội tiên khởi là như thế nào? Bằng cách nào những người khác nhận ra các Kitô hữu đích thực? Người ta nhận ra khi trông thấy các Kitô hữu sống tận tâm với nhau nhờ yêu thương nhau.

Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997)

29  Mục tiêu cuối cùng của Giáo Hội có phải là công bằng xã hội?

Không. Nếu có một xã hội công bằng đi nữa, Giáo Hội cũng chưa đạt đến các mục tiêu mong muốn của mình. Sự cứu độ mà Giáo Hội công bố, bắt đầu trên trần gian: cứu vớt từng người, biến đổi các mối quan hệ, chữa lành các chấn thương của xã hội. Sự cứu chuộc bắt đầu trên trần gian này – nơi các cấu trúc xã hội ngay chính – như một dấu chỉ hy vọng. Tuy nhiên, “thành phố mới” không phải là kết quả của những nỗ lực và đấu tranh của con người. Giả sử chúng ta có thể làm tất cả trong khả năng của mình đi nữa, “thành thánh” vẫn xuống “từ trời” (Kh 21,10) đến với hoàn cảnh của chúng ta. Bình an đích thực, chính là món quà từ Thiên Chúa.

 

Ü 64, 65, 67 è 769

 

Chỉ Thiên Chúa mới là sự cứu rỗi cho con người. Chúng ta có thể thấy trong lịch sử của thế kỷ vừa qua: tại các quốc gia mà người ta loại bỏ Thiên Chúa, thì không chỉ nền kinh tế bị phá huỷ, mà nghiêm trọng hơn hết, là các linh hồn bị huỷ diệt.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 5 tháng 2, 2006

 

 

Phương Tây mang đến cho các nước đang phát triển sự trợ giúp thuần tuý dựa trên các nguyên tắc công nghệ-vật chất, không chỉ gạt Thiên Chúa sang một bên, mà còn khiến chính con người xa cách Thiên Chúa do lòng tự cao, tự đại rằng mình khôn ngoan hơn kẻ khác. Sự cứu trợ kiểu đó đã khiến Thế giới thứ Ba trở thành “Thế giới thứ Ba” theo nghĩa hiện đại.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 19 tháng 3, 2009

 

Làm sao một ai đó có thể tuyên xưng điều răn mới [điều răn yêu thương] mà lại không thực sự thăng tiến con người trong công lý và bình an?

Giáo hoàng Phaolô VI (1897-1978), Evangelii Nuntiandi, (EN 31)

 

30  Tin Mừng có đồng nghĩa với trợ giúp phát triển?

Trợ giúp phát triển và tuyên xưng đức tin phải đi đôi với nhau. Cùng với Phụng vụ và tuyên xưng, còn có lòng bác ái, hay tình thương thiết thực dành cho người lân cận, là một trong ba hoạt động cơ bản của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội chỉ tuyên xưng niềm tin, mà lại làm ngơ trước điều kiện sống thê thảm của con người, Giáo Hội đó phản bội Đức Kitô, Đấng đã chấp nhận và chữa lành cả thể xác lẫn tinh thần cho ai đến kêu xin, nam cũng như nữ, theo tính cách độc đáo của mỗi cá nhân và theo những nhu cầu xã hội của mỗi người. Thế nhưng nếu Giáo Hội chỉ thúc đẩy phát triển xã hội cho quần chúng thì Giáo Hội sẽ bỏ quên số phận của mỗi cá nhân – mà tự bản chất được kêu gọi hiệp thông vĩnh viễn với Thiên Chúa, và cũng bỏ sót phận sự thực hiện công bình đối với vận mệnh mang tính xã hội của con người với tư cách là chi thể trong Thân thể Đức Kitô. Tách rời thông điệp xã hội của Tin Mừng khỏi sứ điệp đức tin của Tin Mừng chẳng khác nào chia tách Tin Mừng của Đức Kitô làm đôi.

 

Ü 66

[Những vị phác thảo Hiến pháp Hoa Kỳ] tin rằng luân lý là tối cần thiết cho sự lành mạnh của xã hội, và tạo điều kiện cởi mở cho tôn giáo là cách tốt nhất để củng cố luân lý.

Antonin Scalia (1936-2016), Chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người thời đại này, đặc biệt của những người nghèo đói và bất cứ ai sầu khổ cũng chính là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Đức Kitô.

Công đồng Vaticanô II, GS

Cần có một biện pháp phối hợp để giải quyết vấn đề di cư. Chúng ta không thể để Địa Trung Hải trở thành một nghĩa địa mênh mông! Các con tàu hàng ngày dạt vào các bờ biển châu Âu đầy những người cần được chấp nhận và trợ giúp.

Giáo hoàng Phanxicô, bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu, 25 tháng 11, 2014

 

Khi họ đến để đem những người Cộng sản đi, tôi chẳng nói gì, vì tôi không phải người Cộng sản. Khi họ đến tìm những người Dân chủ Xã hội, tôi không nói gì, vì tôi không phải là người Dân chủ Xã hội. Khi họ đến lùng những thành viên công đoàn, tôi không nói gì, vì tôi chẳng phải là thành viên công đoàn. Khi họ đến tìm tôi, chẳng còn lại ai để có thể lên tiếng phản đối.

Martin Niemöller (1892-1984), nhà thần học người Đức theo phái Phúc Âm Luther, và thành viên của phong trào chống Đức Quốc xã

31  Giáo Hội có thể can dự vào các vấn đề xã hội đến mức nào?

Giáo Hội không có trách nhiệm thay thế Nhà nước và chính trị. Đó là lý do vì sao Giáo Hội không đưa ra những giải pháp mang tính chuyên môn đối với những vấn đề xã hội đặc thù. Giáo Hội cũng không thiết lập các chính sách, mà đúng hơn, Giáo Hội truyền cảm hứng cho những chính sách giữ đúng tinh thần Phúc Âm. Trong các thông điệp xã hội, các giáo hoàng đã khai triển những luận đề trung tâm như tiền lương, tài sản, công đoàn – những đề tài được cho là sẽ giúp xây dựng một xã hội liêm chính. Tuy vậy, thành phần duy nhất nên can thiệp trực tiếp vào chính trị chính là những giáo dân đã dấn thân vào lĩnh vực đó. Hơn thế nữa, nhiều Kitô hữu đã đưa suy tư và cam kết tôn giáo của họ vào thực hành nơi các công đoàn, hội nhóm và đoàn thể vận động cho những lý tưởng xã hội cụ thể, ví dụ, trợ giúp người tị nạn, hay bảo vệ người làm công.

 

Ü 68 è 440

 

 

 

“Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu, hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”.

Mt 25,44-45

 

Nếu tôi có thể giúp ít nhất là một người có đời sống tốt hơn, chỉ việc đó thôi cũng đã đủ để làm thành lễ vật đời tôi rồi. Thật tuyệt vời khi thuộc về dân tộc trung tín của Thiên Chúa! Đời chúng ta trở nên tròn đầy khi chúng ta phá bỏ những bức tường ngăn cách, và trái tim chúng ta tràn ngập những gương mặt và tên gọi thân thương của con người.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 274

32  Giáo Hội có ưu ái một mô hình xã hội và chính trị nào không?

Giáo Hội có thể tán đồng nhiều hình thức chính trị, nếu phẩm giá và quyền lợi của mỗi người dân cũng như công ích được tôn trọng và bảo vệ. Giáo Hội ủng hộ một trật tự xã hội tự do dân chủ tới chừng mực mà trật tự này đảm bảo tốt nhất cho việc tham gia vào xã hội của mọi thành phần dân chúng và bảo vệ nhân quyền. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Giáo Hội đánh giá cao hệ thống dân chủ, vì hệ thống này đảm bảo công dân được tham gia vào việc đưa ra những chọn lựa chính trị, được bầu cử, và được quyền buộc các cấp chính quyền phải chịu trách nhiệm trong khi cầm quyền, cũng như khi cần thiết, được quyền thay thế họ bằng phương án ôn hoà. Do đó, Giáo Hội không thể ủng hộ việc thành lập các nhóm cầm quyền hạn hẹp, những kẻ chiếm quyền cai trị bằng vũ lực, nhằm thoả những động cơ lợi lộc cá nhân, hay vì những mục tiêu hiện thực hoá hệ tư tưởng nào đó. Nền dân chủ đích thực chỉ có thể hiện diện trong một Nhà nước được cai trị bằng pháp luật và đặt nền tảng trên quan niệm đúng đắn về con người” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Centesimus Annus, 46).

 

Ü 72, 73

CHÍNH TRỊ

 

KINH TẾ

 

MÔI TRƯỜNG

 

KỸ THUẬT

 

DỊCH VỤ XÃ HỘI

33  Giáo Hội có vượt quá thẩm quyền của mình khi bàn đến các vấn đề xã hội?

Khi Giáo Hội nói đến các vấn đề xã hội, Giáo Hội không can dự vào chuyện của “người khác”. Cá nhân không thuộc về Chính quyền, cũng như gia đình – tế bào thiết yếu của xã hội – không thuộc về Nhà nước. Được Tin Mừng truyền cảm hứng, Giáo Hội biến mình thành trạng sư để bảo vệ những quyền cơ bản của con người và của cộng đồng nhân loại. Theo cách ấy, Giáo Hội không muốn giành quyền lực hay mở rộng tầm ảnh hưởng. Giáo Hội có quyền và bổn phận phải lên tiếng khi sự bất công đe doạ đời sống xã hội.

 

Ü 69, 71 è 1913, 1917 ð 322, 328

Đối với các tín hữu, thế giới không tìm được nguồn gốc từ sự ngẫu nhiên may rủi, hay từ một quy luật tất yếu, mà từ kế hoạch của Thiên Chúa. Vì vậy, người tín hữu có bổn phận hợp tác với những ai có thiện chí, với những tín đồ thuộc các tôn giáo khác, và với cả những anh em vô thần, để cùng cố gắng đưa thế giới này ngày một phù hợp cách hiệu quả với kế hoạch của Thiên Chúa hơn: đó là sống cùng nhau như trong một đại gia đình, dưới đôi mắt quan phòng của Đấng Tạo Hoá.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 57

34  Học thuyết Xã hội Công giáo có phải là một hệ thống đầy đủ rồi không?

Không, học thuyết xã hội của Giáo Hội không phải là một nhánh thần học đã được triển khai đầy đủ rồi dùng nó để đánh giá các tình huống xã hội, kinh tế, chính trị từ bên ngoài, nếu có thể nói như vậy. Đúng ra, học thuyết này đặt trọng tâm vào việc thực hiện cuộc đối thoại không ngừng với ngành chính trị, kinh tế, khoa học tự nhiên, kỹ thuật, và xã hội học. Bằng cách đó, học thuyết xã hội có thể hiểu rõ hơn, suy ngẫm, và lý giải về con người và các mối liên hệ của con người trong đời sống xã hội.

 

Ü 76, 77, 78

 

Yêu thương ai là mong ước những điều tốt đẹp cho người ấy.

Thánh Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học II-II, câu 26, khoản 6, mục 3

 

 

 

35  Có phải học thuyết xã hội của Giáo Hội chỉ dành cho các Kitô hữu?

Học thuyết xã hội của Giáo Hội chẳng có nội dung nào nằm ngoài hay vượt quá trí phán đoán lành mạnh của con người. Tuy nhiên, các vị giáo hoàng luôn nhấn mạnh rằng học thuyết xã hội có ý nghĩa đặc biệt đối với các tín hữu Công giáo. Vì học thuyết này chủ yếu được linh hứng từ niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và công bình, nên mỗi hành động vì công lý hay tình yêu đều được xem xét trong ánh sáng của Thiên Chúa và lời hứa của Ngài. Điều này cũng đòi buộc các Kitô hữu phải hoàn thành tốt đẹp trong việc thực hành học thuyết này. Tuy vậy, tất cả những ai có thiện chí đều cảm thấy rằng giáo huấn xã hội này cũng dành cho cả họ nữa.

 

Ü75, 83, 84 ð 328

Chúng ta không sống khá hơn, khi chúng ta bỏ chạy, trốn tránh, từ chối chia sẻ, ngừng cho tặng, và khoá chính mình trong cuộc sống tiện nghi riêng biệt. Một đời sống như thế chẳng khác nào một cuộc tự sát lần hồi.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 272

36  Học thuyết xã hội này có bao giờ hoàn tất?

Đời sống trong xã hội vẫn luôn luôn, và đặc biệt trong thời nay, có đặc điểm là vô cùng sôi động và không ngừng phát triển trên mọi bình diện. Do đó, học thuyết xã hội chẳng bao giờ tự cho mình là một giáo huấn hoàn chỉnh và đầy đủ. Học thuyết dựa vào nền tảng vững chắc của Tin Mừng, với những nguyên tắc và khái niệm nhất định. Tuy nhiên, từ khởi điểm này, học thuyết phải luôn tìm ra những câu trả lời thích hợp cho các vấn đề xã hội và thách thức hiện nay.

 

Ü 85, 86

       

 

ĐỀ TÀI MỞ RỘNG

PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG MỚI MẺ

 

Toàn bộ đời sống thực sự là cuộc gặp gỡ.

Martin Buber (1868-1965), triết gia về tôn giáo, người Áo gốc Do Thái

 

Chúng ta trở thành những con người thực sự nhờ có thể trò chuyện cùng nhau.

Karl Jaspers (1883-1969), triết gia Đức

 

Trang Web không chỉ là một phát minh kỹ thuật, mà còn là một khám phá mang tính xã hội.

Tim Berners-Lee (sinh 1955), nhà phát minh HTML và nhà sáng lập mạng Internet

 

37  Phương tiện truyền thông để làm gì?

Khi không thể giao tiếp trực tiếp với nhau, chúng ta dùng phương tiện truyền thông làm công cụ gián tiếp cung cấp thông tin và diễn đàn để trao đổi và thảo luận. Phương tiện truyền thông giúp giáo dục, thông báo và giải trí, nhưng khía cạnh giải trí thường được chuộng hơn hai khía cạnh còn lại. Không có phương tiện truyền thông, chúng ta khó tổ chức cuộc sống riêng tư lẫn kiểm soát sự phức tạp của xã hội hiện đại. Phương tiện truyền thông như chất keo giao tiếp hàn gắn các giềng mối xã hội; xã hội càng mở rộng và càng phức tạp, chúng ta càng cần tới phương tiện truyền thông. Đặc biệt, nền dân chủ khó mà hoạt động nếu thiếu sự trao đổi tự do quan điểm và thông tin, hoặc thiếu sự tham gia của tất cả mọi người.

 

Ü 414, 415 è 2993, 2994

 

Người ta không thể không giao tiếp.

Paul Watzlawick (1921-2007), am.Kommunikationswissenschaftler

 

Tôi nghĩ một phần [của Quy chế Internet] là quyền riêng tư, quyền không bị do thám, và không bị cản trở hay bị khoá truy cập. Việc được tự do tiếp cận các điểm thị trường thương mại cũng quan trọng. Các trang web chính trị cũng nên để người ta tự do truy cập – ngay cả những trang mà, chúng ta phải công nhận rằng, chứa những nội dung kinh khủng và bất hợp pháp. Và dĩ nhiên, mọi người phải được hưởng quyền truy cập cơ bản: Ngày nay vẫn chỉ không tới phân nửa nhân loại có thể dùng trang Web.

Tim Berners-Lee, trả lời câu hỏi: Quy chế Internet cần xác lập điều gì?

38  Giáo Hội đánh giá phương tiện truyền thông như thế nào?

Các phương tiện truyền thông là những viên gạch cần thiết xây dựng nên các xã hội hiện đại. Chúng không tồn tại vì bản thân chúng, mà đúng hơn, với tính cách là các phương tiện giao tiếp xã hội, chúng phục vụ con người và giúp họ hiểu nhau. Phương tiện truyền thông – và những ai cung cấp và phân phối chúng – phải gánh lấy trách nhiệm đạo đức. Họ phải hướng hoạt động của mình vào mục tiêu hỗ trợ sự hiểu biết lẫn nhau: Điều gì thúc đẩy sự hiểu biết này, điều gì cản trở nó? Làm thế nào cho con người và các mối liên hệ của con người được thăng tiến? Những hướng phát triển nào phục vụ công ích, ví dụ, sự trao đổi tự do về thông tin và quan điểm? Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, thành lập năm 1948, bàn kỹ các câu hỏi sau: 1) Làm thế nào đức tin được tuyên xưng một cách thích hợp trên các phương tiện truyền thông? và 2) Làm sao các phương tiện truyền thông có thể được sử dụng “một cách đúng đắn?”

 

Ü 166, 414, 415  è 2494, 2495 ð 459

Không gian kỹ thuật số được xem như một không gian cởi mở, tự do và đồng đẳng, nghĩa là nó không tự động công nhận hay dành ưu đãi cho sự góp mặt của các cơ quan thẩm quyền hay các tổ chức. Trong môi trường này, uy tín phải được gầy dựng, chứ không là được cấp quyền.

Claudio M. Celli (*1941), Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội

 

Chúng ta không thể chấp nhận quan điểm cho rằng việc được tự do truyền thông phải căn cứ vào của cải, trình độ giáo dục, hay thế lực chính trị. Quyền giao tiếp là quyền của tất cả mọi người.

Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Huấn thị Mục vụ về truyền thông xã hội Aetatis novae (1992), (AN)

 

 

 

39  Thái độ của Giáo Hội đối với mạng xã hội như thế nào?

Mạng Internet và đặc biệt các mạng xã hội mở rộng các khả năng giao tiếp. Giáo hoàng Bênêđictô XVI thường hay đề cập đến đề tài này; ngài nói: “Các công nghệ mới tạo điều kiện cho người ta giao tiếp với nhau, vượt qua những giới hạn không gian và văn hoá của mỗi người, tạo ra một môi trường mới để kết bạn. Đây là cơ hội lớn, nhưng cũng đòi hỏi chúng ta quan tâm và ý thức hơn về những rủi ro có thể xảy ra” (Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 45, 2011). Cũng như những phương tiện truyền thông khác, mạng xã hội cũng phục vụ công ích và sự phát triển của con người. Đức Giáo hoàng Bênêđictô kêu gọi chúng ta “suy nghĩ nghiêm túc về giao tiếp trong thời đại kỹ thuật số”. Trên nguyên tắc, giao tiếp trên mạng xã hội có hình thức đối thoại; đây là một cơ hội lớn cho Giáo Hội thể hiện tiềm năng của mình với tư cách Giáo Hội là một sự hiệp thông (communio) hay hữu nghị. Giáo hoàng Phanxicô cũng có một tài khoản Twitter (@pontifex), mà Giáo hoàng Bênêđictô đã khởi đầu. Trong quý một năm 2016, ngài đã có 26 triệu lượt người theo dõi.

 

Ü 415 è 2494, 2496

Mạng xã hội, được dùng như phương tiện để Phúc Âm hoá, có thể trở nên một yếu tố giúp phát triển con người.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 47, 2013

 

Một buổi sáng thức giấc, bạn khám phá ra mình không viết tay được nữa. Bạn không thể ký tên. Công ty của bạn mất tiêu đề đầu thư, bao thư, dấu mộc, biểu tượng, và ngay cả mực trong viết máy cũng biến mất. Bạn mở miệng nói, nhưng không một âm thanh nào phát ra. Bạn cũng chẳng còn có thể bắt tay, cau mày, hay cười thành tiếng. Ồ, bạn vẫn có thể giao tiếp, dùng mã ký tự tiêu chuẩn để trao đổi thông tin ASCII áp dụng cho tất cả mọi người. Sự khác biệt duy nhất giữa các bức thông điệp của bạn với những cái của người khác chỉ là phần nội dung.

Clifford Stoll (sinh 1950), nhà vật lý thiên văn người Mỹ, và tiên phong về máy tính

40  Sự “phân cách tiếp cận kỹ thuật số” là gì?

Mục tiêu cao quý nhất của các phương tiện truyền thông xã hội là tạo điều kiện cho tất cả mọi người tham dự vào việc định hình những hoạt động chung của xã hội. Ngay từ bước khởi đầu, một số người hay nhóm đã bị loại trừ khỏi mạng Internet và mạng xã hội, do không biết sử dụng, hay vì những lý do không nằm trong cơ cấu, tài chính, hay cá nhân. Để tránh sự loại trừ kiểu này (sự phân cách tiếp cận kỹ thuật số), Giáo Hội thường đòi hỏi cho tất cả mọi người được quyền tiếp cận các phương tiện truyền thông xã hội, chống lại các độc quyền và việc kiểm soát các thông tin liên quan tới hệ tư tưởng. Nếu những thông tin lại loại trừ người già, người thất nghiệp, hoặc người thiếu cơ hội học hành, thì đây đúng là một kiểu phân chia xã hội phải dứt khoát khắc phục. Do đó, đây không chỉ là vấn đề truyền thông, mà còn là vấn đề khắc phục những cơ cấu bất công đang ngăn trở việc tiếp cận thông tin, và như thế là ngăn trở việc giáo dục và phát triển, của các cá nhân và tập thể.

 

Ü 414, 416, 557, 561 è 2495, 2498, 2499

Anh ta có 1000 người bạn trên Facebook, nhưng không có tới một người bạn đúng nghĩa.

Khuyết danh

 

Mạng Internet là một nơi để tìm kiếm, sao chép, và đọc lướt. Tệ hơn hết, đó là nơi ‘ném đá’, lạm dụng tình dục, gài bẫy các dữ liệu, và lập bè phái. Tầm thường hơn, đấy là thế giới vô nghĩa của những kẻ thoát ly thực tế.

Bruce Willis, (sinh 1955) diễn viên Mỹ, 2007

 

41  Dùng phương tiện truyền thông thế nào cho đúng?

Dùng phương tiện truyền thông cách khôn ngoan là một thách thức cho tất cả mọi người. Ngay cả với các phương tiện truyền thông đại chúng cổ điển (báo giấy, truyền thanh, truyền hình), người ta cũng phải quyết định cần tập trung vào điều gì. Sự hưởng dùng thụ động thường khiến “người dùng” cảm thấy chán nản và trống rỗng về mặt tinh thần. Về điều này, cha mẹ, giáo viên, hay người hướng dẫn các nhóm thanh thiếu niên, phải chịu trách nhiệm đặc biệt. Họ phải làm gương cho con em và thanh thiếu niên về đường lối sử dụng có kỷ luật các phương tiện truyền thông, và giúp các em làm quen với những nội dung phong phú, lành mạnh. Trong trường hợp của phương tiện truyền thông kỹ thuật số, mức độ trách nhiệm phải được nâng cấp, với lý do như sau: người ta không còn là kẻ tiếp nhận thụ động, chỉ xem những gì người khác in ra, gửi tới, hay sản xuất, mà còn có thể tham gia như một nhà sản xuất, gõ “thích” hay bình luận hoặc đưa một tin nhắn, viết blog, tải đoạn video, hay hình ảnh lên mạng. Do vậy, người ta phải chịu một trách nhiệm có thể sánh được với trách nhiệm của bất cứ nhà cung cấp các phương tiện truyền thông đại chúng nào khác.

 

Ü 376, 560, 563 è 2496

Sống trong tình bằng hữu, mới thực sự là sống.

Martin Buber (1878-1965), triết gia tôn giáo người Do Thái.

Phương tiện truyền thông kỹ thuật số khiến người ta béo lên, ngốc nghếch ra, hung hăng thêm, rồi bệnh hoạn, cô độc, và bất hạnh.

Manfred Spitzer (sinh 1958), bác sĩ tâm thần người Đức, người tạo ra thuật ngữ digital dementia (chứng thác loạn tâm thần do kỹ thuật số.

 

Trong thế giới kỹ thuật số, truyền đạt thông tin… có nghĩa là làm cho người ta biết tới thông tin trên một mạng xã hội nơi kiến thức được san sẻ trong bối cảnh trao đổi cá nhân. Lằn ranh phân biệt giữa người cung cấpngười tiếp nhận thông tin bị lu mờ đi, và truyền thông dường như không chỉ là sự trao đổi dữ liệu, mà còn là một hình thức chia sẻ.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 45, 2011

42  Tôi có trách nhiệm gì, khi sử dụng phương tiện truyền thông?

Phương tiện xã hội có thể mang con người đến với nhau, hoặc cô lập họ. Chúng có thể cung cấp thông tin, truyền cảm hứng, làm đời sống phong phú, hoặc dụ dỗ người ta phạm tội. Những gì chúng ta làm và cho phép trên các phương tiện truyền thông, hay mạng xã hội, phải phục vụ cho mục đích giao tiếp của mọi con người: khắc phục sự rối loạn do khác biệt giữa các ngôn ngữ ở tháp Babel (St 11,4-8), đi đến chỗ hiểu biết nhau nhờ Thần Khí Thiên Chúa (Cv 2,5-11). Quan niệm đạo đức chủ yếu ở đây là “trách nhiệm”: trách nhiệm với Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta loan truyền sự thật và tìm kiếm nhau trong tình yêu; trách nhiệm với người lân cận – người cần được hội nhập, quan tâm và thăng tiến nhờ các phương tiện truyền thông xã hội; trách nhiệm với bản thân, vì tôi cần phải bước vào cộng đồng thực sự với những người khác thông qua các phương tiện truyền thông, thay vì cô lập mình trong không gian “ảo”, đóng kín trước người khác, trước những nhu cầu thực tế của họ.

 

Ü 198, 416, 562 è 2494, 2495, 2497 ð 459, 460

Quyền tiếp cận thông tin không thể tách rời khỏi quyền tự do giao tiếp. Đời sống xã hội dựa trên một sự trao đổi liên tục giữa con người với nhau, cả trên bình diện cá nhân và tập thể.

Huấn thị Mục vụ Communio et progressio 44

 

Tất cả những ai, với khả năng tự do chọn lựa của mình, mà sử dụng các phương tiện truyền thông… cần phải tránh những gì có thể là nguyên cớ hay dịp tội cho chính họ bị thiệt hại về phần thiêng liêng, hay khiến kẻ khác gặp nguy hiểm do gương xấu, hoặc cản trở các trình chiếu thích hợp và tung ra các trình chiếu có hại. Trong phần lớn trường hợp việc bảo trợ cho những trình chiếu như vậy, sẽ chỉ khuyến khích những kẻ dùng các phương tiện truyền thông này vì mục tiêu lợi nhuận.

Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Inter Mirifica (IM) 9

 

43  Thế nào là cách truyền thông lý tưởng trên Internet?

Vì các Kitô hữu được kỳ vọng chinh phục “trận địa kỹ thuật số” và đem Tin Mừng đến soi sáng trận địa này, họ cần phải có cách giao tiếp khác với những cách tiếp cận thông thường. Họ nên đưa các thông điệp và viết blog về những chủ đề liên quan đến Kitô giáo. Thế nhưng, nếu họ tố giác người khác trong những chủ đề này, nếu họ vu khống, làm nhực và lên án người khác, nếu họ gây ra sự chia rẽ hay ủng hộ sự chia rẽ, thì họ đang làm điều trái ngược với lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Niềm vui Tin Mừng dành cho mọi người, không loại trừ một ai”. Điều này cũng áp dụng cho sự hiện diện của các Kitô hữu trên các phương tiện truyền thông xã hội: “Giáo Hội ngày nay phải tiến lên và rao giảng Tin Mừng cho tất cả: ở mọi nơi, trong mọi dịp, không ngần ngại, không miễn cưỡng hay sợ hãi” (EG 23).

 

Google không phải là một phương tiện truyền thông, mà là một mô hình kinh doanh.

Frank A. Meyer (sinh 1944), chuyên gia quảng cáo người Thuỵ Sĩ

 

Dòng chảy các mẩu quảng cáo trôi liên tục trên tivi mất hết tác dụng, khi cứ vài phút nó lại bị gián đoạn bởi một đoạn không thể hiểu nổi của cuốn phim đang chiếu!

Loriot (Vicco von Bülow, 1923-2011), nghệ sĩ hài người Đức

44  Có phương tiện truyền thông tốt và phương tiện xấu không?

Về bản chất, phương tiện truyền thông là tốt, nhưng có thể bị sử dụng một cách sai lầm; một số phương tiện hữu ích hơn, một số khác kém hơn. Mọi sự luôn tuỳ thuộc vào mục đích và cách thức người ta sử dụng chúng. Người ta có thể dùng phương tiện truyền thông theo kiểu mà kết quả chỉ là thông tin vô ích và giải trí vô nghĩa; bằng cách này, một người có thể ngăn người khác sống cuộc đời thực. Những nhà cung cấp phương tiện truyền thông có thể khai thác phương tiện bằng việc cố tình dẫn đưa người dùng đến hành vi nghiện ngập. Các phương tiện ngày càng bị thương mại hoá. Chúng chỉ còn là những tác nhân kích thích làm người xem tạm quên đi cảnh sống vô vọng thê lương của họ. Người ta thường lên Internet để tìm kiếm những nội dung cổ vũ bạo lực, hoặc tệ hơn, khiêu dâm. Do đó, những nhà cung cấp dịch vụ luôn phát triển các dạng thức trình bày nội dung mới (ví dụ, trò chơi vi tính), và các chiến lược tiếp thị, để có thêm những “người dùng” phụ thuộc (thường là “nghiện”) các nội dung đó. Tất cả điều này là lạm dụng phương tiện truyền thông. Các Kitô hữu cần kiên quyết tránh một số loại nội dung cụ thể, và thân tình giúp đỡ những ai đang phụ thuộc vào Internet (đặc biệt giới trẻ) thoát khỏi tình cảnh khốn khổ của họ.

 

è 2498-2499

Thông tin đánh lạc hướng nghĩa là thông tin chỉ nói một nửa sự thực, nói phần tiện nhất cho tôi, và giấu đi một nửa còn lại. Do đó, những người đang nghe đài hay xem truyền hình không thể đưa ra một phán đoán chính xác, vì họ không có tất cả các yếu tố cần thiết, và các phương tiện truyền thông không cung cấp cho họ. Xin tránh xa những tội này.

Giáo hoàng Phanxicô, nói với các nhà báo, 23 tháng 3, 2014

 

Lời lẽ lạnh lùng làm đông cứng người ta, lời lẽ nóng nảy làm khô héo con người, lời lẽ chua chát khiến người xót xa, và miệng lưỡi phẫn nộ khiến người nuôi lòng oán hận. Những lời nói tốt đẹp phản chiếu hình ảnh trong lành của mình lên tâm hồn người khác. Những lời tử tế ấy làm người nghe cảm thấy êm ái, thoải mái và an lành.

Blaise Pascal (1623-1662), nhà toán học và triết gia người Pháp

 

Chúng ta cần trang bị cho mình khả năng sử dụng các phương tiện truyền thông mới, không phải chỉ để theo kịp thời đại, mà đúng ra, để cho sự phong phú vô hạn của Tin Mừng lan truyền đến trí óc và tâm hồn của tất cả mọi người, nhờ vào những cách thức diễn đạt hiện đại.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 47, 2013

45  Làm thế nào để bảo vệ các phương tiện truyền thông khỏi bị lạm dụng?

Chúng ta cần dứt khoát chống lại việc sử dụng sai các phương tiện truyền thông. Thị trường cần tự do, nhưng cũng cần thiết lập các mục tiêu luân lý. Những đơn vị cung cấp các nguồn truy cập thông tin, dịch vụ, và diễn đàn, hơn bao giờ hết cần phải chấp nhận chuẩn mực đạo đức hướng đến ích chung và thăng tiến con người. Sự hạ thấp giá trị của giới tính con người, tệ hại hơn cả là phát tán các phim ảnh khiêu dâm trẻ em, là một tội lạm dụng nghiêm trọng thách thức những ai có trách nhiệm mà lại làm ngơ. Cũng thế, tất cả các kiểu đám đông mạng hùa nhau quấy rối hay gây xáo trộn đang tràn lan khắp nơi, do việc có thể giấu mặt trên Internet, là không thể chấp nhận. Có những mối nguy hại do các công ty như Google, Facebook,… (hay thậm chí do chính quyền) sử dụng sai và lạm dụng thông tin dữ liệu, nên điều quan trọng là chúng ta không nên tiết lộ trên mạng mọi thứ về bản thân, và không dùng điện thoại thông minh để chụp (hay tự chụp) những kiểu ảnh riêng tư.

 

Ü235, 343 ð 459

Đừng sợ trở thành công dân của thế giới số quanh ta.

Giáo hoàng Phanxicô, ngày 23 tháng 1, 2014

 

 

46  Giáo Hội có phải chạy theo mỗi bước phát triển công nghệ?

Khoa học và công nghệ là “sản phẩm ngoạn mục của khả năng sáng tạo do Chúa ban cho con người”. Thế nhưng, sự tiến bộ tự nó không phải là cùng đích, và một điều gì đó mới không nhất thiết là điều tốt. Mỗi một sự phát triển cần phải được kiểm tra xem nó phục vụ con người (và do đó phục vụ công ích), hay nó hạ thấp phẩm giá con người, vì nó chào mời những giá trị dễ làm cho người ta ngộ nhận và/hoặc/ gây ra sự lệ thuộc.

 

Ü 457, 458 è 2493, 2294


 

Trích dẫn các Văn kiện Quan trọng của Giáo Hội

2

SỨ MỆNH XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

 

Rerum Novarum  Nhiệm vụ xã hội của Giáo Hội

Rõ ràng hiện nay các nhân tố xung đột đang hoành hành, trong bối cảnh các hoạt động công  nghiệp và các khám phá kỳ diệu của khoa học bùng phát; trong các mối liên hệ chủ – thợ đang đổi thay; trong các cơ hội béo bở mà một số cá nhân được hưởng giữa cảnh nghèo khổ cùng cực của số đông; trong sự tự lực và hợp tác ngày càng tăng của các tầng lớp lao động; và cuối cùng, trong sự suy đồi đạo đức đang lan tràn.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 1

 

Rerum Novarum  Con người cần đến cộng đồng

Ý thức về sự yếu đuối của bản thân thúc đẩy con người yêu cầu sự giúp đỡ từ bên ngoài… Đây là khuynh hướng thường tình, qua đó con người nối kết với nhau trong xã hội, cũng như đưa dẫn họ tham gia vào các đoàn thể; dĩ nhiên các đoàn thể nhỏ hơn và ít mang tính độc lập như xã hội, nhưng các đoàn thể đúng là các xã hội đích thực.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 37

 

Gaudium et Spes  Sự bình đẳng của mọi người, và công bằng xã hội

Quyền bình đẳng căn bản của tất cả mọi người cần phải được công nhận mỗi ngày một nhiều hơn, vì mọi người đều có một linh hồn biết lẽ phải, và được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên họ có cùng nguồn gốc và bản tính, vì đã được Đức Kitô cứu chuộc, nên cùng hưởng một ơn gọi và có cùng vận mệnh thiêng liêng. Nếu xét từ quan điểm sức khoẻ thể chất, trí thông minh, và mức độ đức hạnh, thì đúng là không ai giống ai cả. Tuy nhiên, nếu xét về quyền cơ bản của một con người, thì mọi kiểu kỳ thị, dù phân biệt dựa trên giới tính, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo, vị thế xã hội, văn hoá, đều cần phải vượt lên trên và loại bỏ vì đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa. Trên thực tế, đáng tiếc là các quyền cơ bản của con người vẫn chưa được tôn trọng trên toàn thế giới. Ví dụ, người phụ nữ vẫn bị khước từ quyền tự do chọn một lối sống phù hợp, chọn bạn đời theo ý mình, hay hưởng các điều kiện học tập và các tiện ích văn hoá khác, như người nam hiển nhiên thụ hưởng.

Như vậy, phẩm giá ngang nhau của mỗi người, dù giữa họ có những khác biệt chính đáng, đòi hỏi một điều kiện sống công bằng và nhân đạo hơn. Những khác biệt quá lớn về kinh tế, xã hội giữa các nhóm và các thành viên trong gia đình nhân loại gây ra bao điều ô nhục và bào mòn công lý, bình đẳng, phẩm giá con người, cũng như phá hoại an ninh xã hội và hoà bình quốc tế. Các tổ chức công cũng như tư phải nỗ lực chăm lo cho phẩm giá và cứu cánh của con người. Đồng thời, các tổ chức phải dấn thân kiên trì đương đầu với mọi hình thức nô dịch, về xã hội hay chính trị, và đảm bảo những quyền cơ bản của người dân thuộc bất kỳ hệ thống chính trị nào. Thật vậy, chính các tổ chức cũng cần phải thích nghi dần dần đến cấp độ cao nhất của mọi thực tại, những thực tại tinh thần, dù rằng sẽ mất khá lâu trước khi họ đạt tới mục tiêu mơ ước.

Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (1965), 29

 

 

 

Centesimus Annus  Gốc rễ của xung đột xã hội

Về phần Giáo Hội, thông điệp xã hội của Tin Mừng không nên được xem như một lý thuyết, nhưng vượt lên trên tất cả, phải coi đó là cơ sở và động lực cho hành động. Được thông điệp này truyền cảm hứng, một số Kitô hữu thời kỳ đầu đã đóng góp tài sản giúp người nghèo, làm chứng cho sự thật rằng, dù xuất thân từ xã hội khác nhau, người ta vẫn có thể chung sống trong an bình và hoà hợp. Nhờ nội lực của Tin Mừng, qua hàng thế kỷ, các thầy dòng đã canh tác đất đai, các nam nữ tu sĩ đã thành lập bệnh viện và lưu xá cho người nghèo, các dòng tu cũng như nhiều cá nhân nam nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội đã quan tâm đến người cùng khổ và những ai bên lề xã hội, vì họ xác tín rằng lời của Đức Kitô “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25,40) không phải chỉ là một lời khuyên đạo đức suông, nhưng có dụng ý như một cam kết cụ thể trọn đời.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 57

 

Caritas in Veritate  Ý nghĩa mới của các phương tiện truyền thông xã hội

Dù tốt hay xấu đi nữa, chúng [các phương tiện truyền thông xã hội] đã trở thành một phần nội tại gắn chặt với đời sống ngày nay đến mức dường như vô lý, khi ai đó cho rằng, chúng trung lập và nằm ngoài những sự đánh giá về luân lý liên quan đến con người. Thường những quan điểm như vậy, nhấn mạnh đến bản chất thuần tuý kỹ thuật của các phương tiện truyền thông, trên thực tế lại ủng hộ sự lệ thuộc của các phương tiện truyền thông vào những mối lợi lộc kinh tế với dụng ý thao túng thị trường, và đặc biệt sự tuỳ thuộc của chúng vào những nỗ lực áp đặt các mô hình văn hoá nhằm phục vụ những mưu đồ chính trị và các hệ tư tưởng. Căn cứ vào tầm ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đối với việc lèo lái những thay đổi trong thái độ về thực tại và con người, chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận về tác động của chúng, đặc biệt trên phương diện văn hoá-đạo đức thời toàn cầu hoá, và sự phát triển của các dân tộc trong tình liên đới. Điều này nghĩa là các phương tiện truyền thông có thể có ảnh hưởng văn minh hoá không những chỉ khi chúng gia tăng khả năng truyền đạt thông tin nhờ vào sự phát triển công nghệ, mà trên hết khi chúng được định hướng tới mục tiêu phục vụ một tầm nhìn thực sự phản ánh các giá trị chung về con người và công ích. Không phải chỉ vì truyền thông xã hội tăng khả năng nối kết và truyền bá tư tưởng, mà nhất thiết chúng đương nhiên thúc đẩy tự do hay quốc tế hoá sự phát triển và dân chủ cho mọi người. Để đạt được các mục tiêu kiểu này, chúng cần phải được tập trung vào việc nâng cao phẩm giá của con người và các dân tộc, chúng cần phải được truyền cảm hứng một cách rõ ràng cụ thể từ tình bác ái, lòng khoan dung, và được đặt vào vị thế phục vụ cho sự thật, sự thiện, cho tình bằng hữu tự nhiên và siêu nhiên. Thật vậy, sự tự do của con người về bản chất liên kết mật thiết với những giá trị cao đẹp như thế. Các phương tiện truyền thông có thể góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng tình hiệp thông của gia đình nhân loại, và đạo đức của xã hội, khi chúng được dùng để xúc tiến sự tham gia của toàn thế giới vào nỗ lực chung nhằm tìm kiếm những gì là đúng đắn.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 73

 

Các quy luật của phương tiện truyền thông hiện đại

Chúng ta phải công nhận rằng ngày hôm nay lĩnh vực kỹ thuật số là một thực tế trong đời sống của nhiều người, không chỉ ở thế giới phương Tây, mà còn lan rộng giữa giới trẻ ở các nước đang phát triển. Chúng ta không được xem đấy chỉ là không gian “ảo”, nghĩa là không mấy quan trọng như thế giới “thực”. Nếu Giáo Hội không hiện diện trong không gian này, nếu Tin Mừng cũng không được tuyên xưng dưới dạng “kỹ thuật số”, chúng ta có nguy cơ bỏ sót nhiều người – mà đối với họ, đây là thế giới họ sống, đây là diễn đàn họ tìm tin tức và thông tin, bày tỏ quan điểm, đối thoại, tranh luận, và tìm kiếm lời giải đáp cho các vấn đề của họ. Dù Giáo Hội cũng đã có mặt trên không gian số, nhưng cần phải giải quyết thử thách kế tiếp: thay đổi cách truyền đạt sao cho sự hiện diện này trở nên hữu hiệu… Người ta nói không gian số là một không gian mở, tự do, và đồng đẳng, nghĩa là nó không tự động công nhận hay dành ưu tiên cho sự góp mặt của các cơ quan thẩm quyền hay các tổ chức danh tiếng. Trong môi trường này, uy tín phải được gầy dựng, chứ không là một đặc quyền. Điều này có nghĩa là Giáo Hội các cấp, giống như các cấp chính trị và xã hội, phải tìm ra các dạng thức mới để trau chuốt cung cách truyền thông của riêng mình, có như thế thì sự đóng góp của Giáo Hội vào diễn đàn này mới nhận được sự quan tâm thoả đáng.

Claudio M. Celli, Chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, tại Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ lần thứ 13 (2012), về Tầm Quan trọng của các Mạng Xã hội trong việc Truyền thông của Giáo Hội.

 

Evangelii Gaudium  Những khả năng truyền thông rộng lớn hơn

Ngày nay, khi mạng xã hội và các phương tiện truyền thông của con người đạt đến những bước tiến chưa từng có trước đây, chúng ta nhận ra thách thức phải tìm hiểu và chia sẻ một “huyền nhiệm” về việc sống chung với nhau, hoà nhập và gặp gỡ nhau, đón nhận và hỗ trợ nhau, về việc bước vào dòng chảy ngập tràn này, dù còn hỗn độn, vẫn có thể trở nên một trải nghiệm đích thực về tình huynh đệ, trở thành một đoàn lữ hành tương trợ nhau, thành một cuộc hành hương thiêng liêng. Như thế, những khả năng truyền thông rộng lớn hơn trở thành những khả năng gặp gỡ và đoàn kết cho mọi người. Nếu chúng ta có thể đi theo lộ trình này, con đường sẽ rất tốt, suôn sẻ, rộng mở và đầy hy vọng! Ra khỏi chính mình và hội nhập với anh em là điều lành mạnh cho ta. Đóng khép vào mình chỉ mang lại cảm giác cay đắng, và nhân loại sẽ mỏi mòn dần do từng lựa chọn ích kỷ của chúng ta.

Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 87

 

Những mặt tích cực của truyền thông

Truyền thông tốt đẹp giúp chúng ta gần gũi nhau hơn, hiểu biết nhau hơn, và trên hết, gia tăng sự hợp nhất. Các bức tường ngăn cách sẽ bị phá vỡ nếu chúng ta biết lắng nghe và học hỏi lẫn nhau. Chúng ta cần hoá giải những khác biệt bằng các hình thức đối thoại thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng nhau. Một nền văn hoá gặp gỡ đòi buộc chúng ta không chỉ biết sẵn sàng cho đi, mà còn biết sẵn lòng đón nhận. Các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta rất tốt trong vấn đề này, đặc biệt ngày nay khi các mạng truyền thông của con người tiến bộ vượt bậc. Mạng Internet mang đến nhiều cơ hội giao tiếp và xây dựng tình đoàn kết. Có thể nói đây thực sự là điều tốt đẹp, một món quà của Thiên Chúa… Nhờ vào Internet, sứ điệp Kitô giáo có thể đến “tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Mở rộng cửa các nhà thờ của chúng ta cũng có nghĩa là mở cửa trong cả môi trường số để người ta, dù đang sống ở tình trạng nào, cũng có thể bước vào, và để Tin Mừng có thể chạm tới mọi người. Chúng ta được kêu gọi chứng tỏ rằng Giáo Hội là nhà của tất cả. Liệu chúng ta có thể truyền đạt hình ảnh của một Giáo Hội như thế không? Truyền thông là công cụ diễn tả ơn gọi truyền giáo của cả Giáo Hội; ngày nay, các mạng xã hội là một cách trải nghiệm ơn gọi này để khám phá vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Cả trong lĩnh vực truyền thông, chúng ta cần một Giáo Hội có khả năng mang lại hơi ấm và khuấy động tâm hồn.

Giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 48, 24 tháng 1, 2014