VN nên kiến nghị Lào kéo dài thời gian tham vấn và tạm hoãn kế hoạch đập thuỷ điện Pak Beng (Pắc-Beng).
Vòng luẩn quẩn thuỷ điện Mê Kông
VN nên kiến nghị Lào kéo dài thời gian tham vấn và tạm hoãn kế hoạch đập thuỷ điện Pak Beng (Pắc-Beng).
Đó là một trong những kiến nghị được nêu lên tại hội thảo tham vấn “Dự án thủy điện Pak Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông”, do Bộ TN-MT tổ chức vào sáng 12.5 tại TP.Cần Thơ. Chương trình tham vấn kéo dài trong thời gian 6 tháng, kết thúc vào cuối tháng 6.2017. Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này và đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL.
Nên hoãn xây đập
Thuỷ điện Pak Beng
Thuỷ điện Pak Beng dự kiến được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông tại tỉnh Oudomxay phía Lào, có công suất 912 MW. Chính phủ Lào dự kiến khởi công dự án này trong năm 2017, hoàn tất vào năm 2023 và bắt đầu đi vào hoạt động thương mại năm 2024. Đây là dự án thuỷ điện thứ ba trên dòng chính sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Lào, sau thuỷ điện Xayaburi và Don Sahong.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói: Kế hoạch xây dựng thuỷ điện của Lào nếu chưa đủ cơ sở khoa học thì nên đề nghị họ tạm hoãn và kéo dài thời gian tham vấn. Bởi theo ông, tác động từ các đập thuỷ điện là điều đã được các chuyên gia cảnh báo. Và thực tế hiện nay, có đến 60% bờ sông Tiền trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng sạt lở, nhiều điểm rất nghiêm trọng. Lượng phù sa, bùn cát giảm so với trước đây.
Tiếp thêm câu chuyện về thực trạng này, chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện dẫn chứng: Tình trạng sạt lở ở Vàm Nao (An Giang) hay Bình Thành (Đồng Tháp) gần đây không phải là hiện tượng đơn lẻ. Nó sẽ xảy ra khắp nơi trong tương lai với mức độ ngày càng ghê gớm hơn. Theo Hiệp định Mê Kông năm 1995, thời gian tham vấn là 6 tháng và có thể kéo dài thêm. Hiện nay Uỷ hội Sông Mê Kông quốc tế (MRC) đang tiến hành nghiên cứu mới, quá trình tham vấn của dự án Pak Beng nên được kéo dài ít nhất đến khi nghiên cứu này hoàn thành.
Đối với báo cáo của chủ đầu tư dự án thủy điện Pak Beng, các chuyên gia của Uỷ ban Sông Mê Kông VN đã chỉ ra nhiều sai lầm và thiếu sót.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), nhận xét: Họ sử dụng số liệu vừa cũ vừa thiếu và còn sai, phương pháp nghiên cứu không thuyết phục, không phải các chuẩn quốc tế nên “đáp số” không chính xác và cũng không có ý nghĩa. VN nên đề nghị Lào hoãn xây đập Pak Beng đến khi nào thu thập được đầy đủ số liệu. Kéo dài thời gian tham vấn, hoãn xây đập là ý kiến của hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo.
Xem xét lợi ích trên từng người dân
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Sự phát triển khai thác nước của các nước thượng nguồn đòi hỏi chúng ta phải có chính sách phù hợp. Quan điểm của Chính phủ VN là đảm bảo lợi ích của VN và các bên liên quan. “Xu thế phát triển năng lượng ở Lào và các nước thượng nguồn là tất yếu. Nếu đề xuất tạm dừng thì khó thuyết phục nước bạn. Với Lào thuỷ điện là nguồn tài nguyên gần như duy nhất để phát triển nên việc xây thủy điện là gần như chắc chắn. Việc dừng xây dựng là không thể, và chúng ta nên đóng góp ý kiến để làm sao họ khắc phục sửa chữa để có tác động ít hơn”, ông Hà nói.
Phân tích về lợi ích kinh tế, ông Thiện cho rằng: Các đập thủy điện này được xây dựng theo hình thức BOT, nên lợi ích thực tế chảy vào túi các nhà đầu tư hơn là Chính phủ và người dân Lào. TS Tuấn bổ sung: Sự chia sẻ hài hòa lợi ích từ dòng sông chúng ta nên hiểu theo bình quân đầu người. Lào có khoảng 7 triệu dân, Campuchia có 15 triệu dân, còn riêng ĐBSCL có đến khoảng 18 triệu dân. Sự hài hòa lợi ích phải được tính theo đầu người vì cuộc sống của 18 triệu người ở ĐBSCL cũng là một câu chuyện chính trị rất lớn về lâu dài.
GS-TS Nguyễn Ngọc Trân thì cảnh báo: Đập Pak Beng nằm trên vùng động đất rất mạnh, chu kỳ 10 – 20 năm động đất có thể xảy ra từ 5 – 6 độ Richter, chu kỳ 50 năm xảy ra 7 độ Richter. Vấn đề động đất tới an toàn đập là quan trọng, vỡ đập sẽ gây tác động dây chuyền.
Ở góc độ tổng quát, TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) nói: Cách đây khoảng nửa thế kỷ, cả nhân loại đều tin rằng thuỷ điện là nguồn năng lượng sạch và rẻ. Nó được coi như là cứu cánh để thay thế năng lượng hóa thạch. Hiệp định Mê Kông 1995 được xây dựng cũng trên tư duy đó và tinh thần làm sao để cho thủy điện tốt hơn. Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta rơi vào cái vòng luẩn quẩn đó.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết: Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ lợi ích của VN liên quan đến vấn đề Mê Kông. Việc thúc đẩy xây dựng một cam kết mới có tính ràng buộc hơn là rất khó. Có thể chúng ta mất luôn những cái đã đạt được từ 1995, nên cần phải cân nhắc thận trọng. Bàn về vấn đề này, GS Trân cho rằng: Đúng là khó nhưng chúng ta không thể khoanh tay chấp nhận mà phải cố gắng thực hiện, xúc tiến để các cam kết 1995 hiệu quả hơn. Bên cạnh con đường ngoại giao chính trị, chúng ta có thể sử dụng nhiều kênh khác như các tổ chức, dư luận quốc tế… Xây dựng cơ chế sử dụng nguồn nước phải gắn liền với quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Đây là vấn đề sống còn của VN nên dù khó mấy cũng phải kiên trì.