Mật mã bằng emoji
Mật mã emoji được chứng minh dễ nhớ, độ bảo mật cao và khó bị đánh cắp so với cách dùng mã PIN để mở khoá màn hình như hiện nay, mà lại mang đến niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.
Mật mã bằng emoji
Mật mã emoji được chứng minh dễ nhớ, độ bảo mật cao và khó bị đánh cắp so với cách dùng mã PIN để mở khoá màn hình như hiện nay, mà lại mang đến niềm vui nho nhỏ mỗi ngày.
Người dùng smartphone thường sử dụng emoji để diễn tả tâm trạng, cảm xúc và mọi sắc thái tình cảm một cách sống động nhất. Thậm chí, giới tuổi teen còn trao đổi với nhau toàn dựa trên các ký tự hình ảnh. Hay nói cách khác, đây là thời đại của emoji.
Vào năm 2015, một công ty Anh đã thử đón đầu trào lưu đầy hứa hẹn của tương lai bằng cách dùng emoji cho mật khẩu màn hình dưới dạng PIN tại những điểm ATM. Tuy nhiên, đến mới đây vẫn chưa có một cuộc nghiên cứu chính thức nào được thực hiện để so sánh việc sử dụng emoji và mã PIN. Trong dự án mới, đội ngũ chuyên gia của Đại học Kỹ thuật Berlin, Đại học Ulm (Đức) và Đại học Michigan (Anh), do nghiên cứu sinh Lydia Kraus dẫn đầu, đã phát triển cái gọi là EmojiAuth, hệ thống đăng nhập dựa trên emoji cho các smartphone Android. Mục tiêu của dự án này là kiểm tra liệu người dùng có dễ nhớ mật mã dưới dạng các khuôn mặt biểu lộ cảm xúc, mức độ bảo mật, cũng như tạo nên nét thú vị riêng mỗi khi nhập mật mã?
Trình bày trên tạp chí The Conversation, Florian Schaub, trợ lý giáo sư của Đại học Michigan (Mỹ), chỉ ra một thực tế rằng những người sở hữu smartphone đều vấp phải một tình trạng chung là phải liên tục mở khóa màn hình nhiều lần trong ngày. Nhiều người chọn mã PIN là một dãy số, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy con người dễ nhớ hình ảnh hơn là chuỗi số học. PIN cũng chỉ có thể tổ hợp thành các chuỗi chữ số giới hạn, từ 0 đến 9. Trong khi đó, mật mã có thể được tạo thành từ nhiều ký tự kết hợp chữ số khác nhau, nhưng lại khó nhập trên màn hình điện thoại. Về phần emoji, người dùng có thể lựa chọn chuỗi tổ hợp từ hơn 2.500 hình ảnh, hứa hẹn tạo ra mật khẩu màn hình khó bị bẻ khóa và ít bị rò rỉ như các biện pháp đang áp dụng hiện nay.
Trong cuộc thử nghiệm ban đầu, đội ngũ chuyên gia tuyển 53 người dùng điện thoại Android và chia họ thành 2 nhóm. Tổ đầu tiên gồm 27 người, tùy chọn mật khẩu màn hình được tổ hợp từ 12 emoji trên bàn phím ảo, với mỗi bàn phím chứa các emoji mặc định cho từng cá nhân. Một khi đã cài đặt thì bàn phím emoji không thay đổi trên máy của người đó. Nhóm 26 người còn lại chọn mã PIN bằng số. Kết quả cho thấy cả mật khẩu dựa trên mã PIN lẫn emoji đều dễ nhớ, nhưng nhóm chọn mật mã bằng emoji cảm thấy thích thú hơn mỗi khi nhập ký tự hình ảnh. Kế đến, các chuyên gia mở rộng phạm vi nghiên cứu ngoài đời thực, kiểm tra việc sử dụng mật mã emoji cho hoạt động thường ngày của một nhóm gồm 41 người, chia làm 2 đội. Và một lần nữa, người dùng tùy chọn emoji theo cách riêng của họ, mang một ý nghĩa nào đó hoặc theo sở thích cá nhân. Điều này giúp họ trở nên vui vẻ hơn mỗi khi dùng điện thoại.
Quan trọng hơn nữa, người chọn dùng tổ hợp emoji không lo lắng chuyện bị xem trộm mật mã, dù có người cố ý lén lút dòm ngó màn hình khi họ mở khoá. Cuộc khảo sát sẽ được trình bày tại một sự kiện ở Rome vào ngày 30.5, nhằm giới thiệu thêm một cách tiếp cận mới khi tương tác với điện thoại với tần suất dày đặc như hiện nay.
Phi Yến