Trung Quốc đang gia nhập đường đua chinh phục các tiểu hành tinh nhằm giải quyết “cơn khát” tài nguyên, cũng như phục vụ các chương trình quân sự hoá không gian.
Tham vọng thuộc địa hoá tiểu hành tinh
Trung Quốc đang gia nhập đường đua chinh phục các tiểu hành tinh nhằm giải quyết “cơn khát” tài nguyên, cũng như phục vụ các chương trình quân sự hoá không gian.
Năm 2013, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) lần đầu tiên công khai ý định khai thác nguồn tài nguyên đặc biệt dồi dào trên các tiểu hành tinh, nhưng cho đến nay nhà đầu tư nghiêm túc nhất trong lĩnh vực này chính là Luxembourg. Tháng 6.2016, đại công quốc nhỏ bé nằm giữa lòng châu Âu có diện tích chỉ nhỉnh hơn 2.500 km2 đã đầu tư 200 triệu euro vào chiến dịch SpaceResources ủng hộ các dự án nghiên cứu và phát triển hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực khai thác tiểu hành tinh có giá trị nhiều nghìn tỉ USD. Theo trang tin Space News, đến tháng 4.2017, Luxembourg công bố việc thành lập cơ quan không gian và rót thêm 70 – 100 triệu euro cho các dự án này.
Căn cứ vũ trụ
Trong một diễn biến mới, Trung Quốc đã công bố những kế hoạch hướng đến việc xây dựng một căn cứ trên tiểu hành tinh chưa xác định, theo chân Luxembourg và Mỹ trong cuộc đua đến những thiên thể đầy giá trị của Thái dương hệ. Tờ China Daily dẫn lời nhà khoa học không gian Diệp Bồi Kiên thuộc Học viện Công nghệ không gian Trung Quốc cho hay công cuộc khai khoáng tiểu hành tinh sẽ được thực hiện bởi rô bốt hoặc phi hành gia. Dù không tiết lộ các mốc thời gian của sứ mệnh, ông Diệp, cũng là tổng công trình sư chương trình Thám hiểm mặt trăng Trung Quốc, khẳng định mọi chuyện sẽ được triển khai trong “tương lai gần”.
Theo kế hoạch, tàu du hành không người lái sẽ đáp lên một tiểu hành tinh và đào lấy các kim loại thuộc dạng hiếm trên địa cầu như bạch kim và palladium. “Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ nghiên cứu cách thức gửi rô bốt hoặc con người đến khai thác các tiểu hành tinh phù hợp và vận chuyển tài nguyên về trái đất”, chuyên gia này nói. Ông cho biết thêm, chính quyền Bắc Kinh có thể triển khai một sứ mệnh thám hiểm trong giai đoạn 2020 – 2025. Tuy nhiên, việc đưa khoáng sản về địa cầu chỉ là phương án ngắn hạn, những tiểu hành tinh lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc cũng sẽ đảm nhận vai trò kép là trạm phục vụ cho mục tiêu thám hiểm liên hành tinh, kiêm căn cứ quân sự.
Thử nghiệm tên lửa cho sứ mệnh sao Hoả
NASA vừa triển khai một vụ thử nghiệm mô hình thu nhỏ của Hệ thống phóng không gian (SLS) tại đường hầm gió của Trung tâm nghiên cứu Langley ở bang Virginia, Mỹ. SLS được xem là rốc két uy lực nhất từng được con người chế tạo, với chiều cao 64,6 m, tải trọng từ 70 – 130 tấn. Trong đợt thử mới nhất, các chuyên gia NASA tiến hành kiểm tra tác động của gió mặt đất đối với tên lửa ở bệ phóng. Vào thời điểm khai hỏa, dự kiến vào năm 2019, SLS sẽ mang phi thuyền Orion không người lái lên quỹ đạo, trải qua 22 ngày trước khi quay về mặt đất.
Trong dài hạn, phía Trung Quốc sẽ cân nhắc việc tận dụng nguồn tài nguyên từ các tiểu hành tinh để xây dựng những cơ sở trên không gian, hoặc cung cấp vật liệu hỗ trợ sứ mệnh du hành đến các vì sao. Bên cạnh đó, một số tiểu hành tinh có thể được sử dụng làm bàn đạp đến những hành tinh xa hơn. “Chúng tôi có thể đáp phi thuyền không người lái lên mục tiêu và tàu du hành sẽ di chuyển cùng với tiểu hành tinh này vào không gian sâu thẳm. Khi đến một vị trí cụ thể, chúng tôi sẽ kích hoạt phi thuyền rời khỏi tiểu hành tinh để thực hiện sứ mệnh khoa học đã được lên kế hoạch trước”, ông Diệp mô tả. Bằng cách này, họ có thể rút ngắn đáng kể quãng đường phải đi cũng như nhiên liệu tiêu tốn, kéo dài thời hạn sử dụng tàu du hành cũng như đưa tàu đi xa hơn.
Triển vọng trong tầm với
Các kế hoạch của Trung Quốc được công bố chỉ cách hơn 1 tuần kể từ khi Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs bày tỏ hy vọng các kỹ sư địa cầu sẽ có thể sớm nghiên cứu thành công con tàu dùng để bắt lấy tiểu hành tinh và khai thác tài nguyên dồi dào trên các thiên thể này. Tờ The Washington Post ngày 28.4 dẫn báo cáo của Goldman Sachs dự đoán chi phí chế tạo phi thuyền thăm dò vào khoảng chục triệu USD, đồng thời cho biết Viện Công nghệ California (Caltech) đã đề xuất chế tạo phi thuyền “bắt” tiểu hành tinh với mức giá 2,6 tỉ USD.
Tháng 1.2017, NASA đã công bố các kế hoạch truy tìm 16 Psyche, một trong những thiên thể bí ẩn nhất của Thái dương hệ nằm ở vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hoả và sao Mộc. Khởi thủy nó là một hành tinh trước khi bị phá hủy một phần trong giai đoạn hỗn loạn khai sinh Thái dương hệ.
Hiện nay 16 Psyche là một khối kim loại có bề ngang 200 km, cấu tạo từ sắt, niken và vô số kim loại hiếm như vàng, bạch kim, đồng. Trưởng khoa Thám hiểm không gian và trái đất của Đại học bang Arizona Lindy Elkins-Tanton, khoa học gia trưởng trong sứ mệnh của NASA, cho hay 16 Psyche là vật thể độc nhất vô nhị trong Thái dương hệ, hay nói cách khác nó là một cái lõi của hành tinh. “Nếu tóm được tiểu hành tinh 16 Psyche về địa cầu, chỉ tính riêng khối lượng sắt của nó cũng trị giá 10 tỉ tỉ USD”, theo ông Elkins-Tanton. Để dễ so sánh, toàn bộ tiền tệ trên trái đất chỉ có giá trị từ 60.000 – 75.000 tỉ USD.