29/11/2024

Dự án ngập triều TP.HCM: 1,5 triệu m3 bùn đổ đi đâu?

Đây là lượng bùn phát sinh từ các công trình thi công dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM do Công ty TNHH Trung Nam BT 154 (gọi tắt là Công ty Trung Nam) đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).

 

Dự án ngập triều TP.HCM: 1,5 triệu m3 bùn đổ đi đâu?

 

Đây là lượng bùn phát sinh từ các công trình thi công dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM do Công ty TNHH Trung Nam BT 154 (gọi tắt là Công ty Trung Nam) đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).

 

 

 

Dự án ngập triều TP.HCM: 1,5 triệu m3 bùn đổ đi đâu?
Bãi tiếp nhận vật liệu thải, bùn, đất thuộc dự án chống ngập của Công ty Trung Nam tại huyện Nhà Bè, TP.HCM – Ảnh: Q.Định

Ngày 3-5, ông Nguyễn Tâm Tiến – giám đốc Công ty Trung Nam – cho hay các đơn vị liên quan vẫn chưa thống nhất được hướng xử lý đối với toàn bộ lượng bùn phát sinh từ dự án. Trong khi đó, lượng bùn phát sinh từ lúc khởi công cho đến thời điểm này ước khoảng 430.000m3 được đổ tại các bãi thải ở hai 
huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Không phải bùn 
nguy hại?

Tháng 9-2016, Công ty Trung Nam khởi công xây dựng các công trình đê kè và cống kiểm soát triều thuộc dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trên địa bàn các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Tổng khối lượng bùn từ việc đào móng thi công và nạo vét khai thông dòng chảy ước tính khoảng 1,51 triệu m3.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được phê duyệt, lượng bùn phát sinh này “dự kiến sẽ được vận chuyển về bãi chứa Đa Phước thuộc xã Đa Phước, huyện Bình Chánh”. Đây là nơi duy nhất tại TP.HCM được quy hoạch để tiếp nhận và xử lý bùn thải phát sinh trên địa bàn.

Khi bắt tay thực hiện dự án, Công ty Trung Nam có văn bản đề nghị Công ty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (gọi tắt là Công ty Sài Gòn Xanh) – chủ đầu tư khu xử lý bùn thải Đa Phước – tiếp nhận lượng bùn này.

Công ty Sài Gòn Xanh đồng ý tiếp nhận và đề nghị Công ty Trung Nam cung cấp kế hoạch vận chuyển. Tuy nhiên, khi Công ty Trung Nam đề nghị báo giá thì không nhận được phản hồi chính thức từ Công ty Sài Gòn Xanh.

“Họ chỉ nói miệng rằng chi phí xử lý bùn nguy hại là 565.000 đồng/tấn, tức khoảng 800.000 đồng/m3” – ông Tiến nói.

Tuy nhiên, ông Tiến cho biết đã thuê Trung tâm công nghệ và quản lý môi trường ETM phân tích chất lượng bùn thải và kết quả cho thấy các chỉ số đều thấp hơn rất nhiều so với quy chuẩn quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại.

“Chúng tôi đã đề nghị Công ty Sài Gòn Xanh báo giá tiếp nhận và xử lý như bùn thải thông thường nhưng không được đơn vị này phản hồi. Trong thời gian chờ đợi, lượng bùn phát sinh từ lúc khởi công đến nay khoảng 430.000m3, chúng tôi đổ tại ba bãi đổ bùn thông thường tại hai huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Kết quả phân tích và việc đổ bùn đã được báo cáo Chi cục Bảo vệ môi trường TP và đơn vị này cũng không có ý kiến gì” – ông Tiến nói.

Dự án ngập triều TP.HCM: 1,5 triệu m3 bùn đổ đi đâu?
Bãi tiếp nhận vật liệu thải, bùn, đất thuộc dự án chống ngập của Trung Nam Group gần cầu Rạch Rộp 1 trong Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM (ảnh chụp chiều 3-5) – Ảnh: Quang Định

Chưa phân loại là bùn gì

Theo quyết định 44/2015/QĐ-UB ngày 9-9-2015 của UBND TP.HCM về quản lý bùn thải trên địa bàn, bùn thải phát sinh từ các dự án cải thiện môi trường, hạ tầng giao thông (gọi chung là bùn nạo vét) phải thu gom, vận chuyển về khu vực xử lý bùn tập trung theo quy hoạch của TP.

Và cho đến thời điểm hiện nay, khu xử lý bùn thải của Công ty Sài Gòn Xanh là đơn vị duy nhất được quy hoạch.

Cũng theo quyết định nói trên, chi phí xử lý bùn nạo vét từ các công trình cải thiện môi trường, hạ tầng giao thông được chi trả từ nguồn ngân sách hoặc kinh phí vệ sinh môi trường được bố trí cho dự án.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, trong hợp đồng BT đã ký kết với UBND TP, trong đó không tính chi phí xử lý bùn ô nhiễm. Do đó, nếu có phát sinh chi phí này thì ngân sách TP sẽ tốn khoảng 1.000 tỉ đồng.

“Hiện nay đất bùn ở dự án đã được xác định đều đạt quy chuẩn cho phép và thấp hơn rất nhiều so với quy chuẩn quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại nên không nhất thiết phải xử lý, vì vậy không nhất thiết phải tốn tiền để xử lý bùn” – ông Tiến nói.

Tại cuộc họp do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP chủ trì ngày 
30-3, các bên vẫn chưa thống nhất được sẽ xử lý lượng bùn từ dự án này như thế nào. Do đó Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên – môi trường hướng dẫn 
cách xử lý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 3-5, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM, cho biết về nguyên tắc, việc xử lý bùn thải từ các dự án phải tuân thủ theo phương án đã được phê duyệt của báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Dù là bùn thải không nguy hại cũng phải được thu gom, xử lý theo quy trình đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Bà Mỹ cho biết sở sẽ xem xét các quy định liên quan trước khi có ý kiến chính thức.

“Hiện TP đã có quy hoạch khu xử lý bùn thải tập trung để xử lý lượng bùn phát sinh tại các dự án nạo vét, xây dựng. Tôi chưa kịp tìm hiểu xem trong hợp đồng đơn vị thi công ký kết với chủ đầu tư đã có tính đến chi phí xử lý lượng bùn phát sinh hay chưa. Tôi nghĩ đây chỉ đơn thuần là vấn đề 
hợp đồng kinh tế giữa các bên” – bà Mỹ nói.

NGUYỄN TRIỀU – NGỌC ẨN