29/11/2024

Bài phỏng vấn ĐTC dành cho các nhà báo quốc tế

Chiều ngày 29 tháng 4 vừa qua trên chuyến bay từ Cairo thủ đô Ai Cập về Roma ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế bài phỏng vấn dài.

 Bài phỏng vấn ĐTC dành cho các nhà báo quốc tế

 

 
Chiều ngày 29 tháng 4 vừa qua trên chuyến bay từ Cairo thủ đô Ai Cập về Roma ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế bài phỏng vấn dài. 

Mở đầu cuộc phỏng vấn ông Greg Burke, phát ngôn viên Phòng Báo chí Toà Thánh, giới thiệu các nhà báo. Có vài người đã tháp tùng các chuyến công du của các Giáo hoàng cả trăm lần, nhưng cũng có nhiều người lần đầu tiên tháp tùng ĐTC. Trong khi ĐTC đã có 18 chuyến viếng thăm kể cả chuyến công du Ai Cập này. Ông đã cám ơn ĐTC dành thời gian cho các nhà báo phỏng vấn. Nó luôn luôn là một thời điểm mạnh mẽ.


ĐTC đã chào các nhà báo và cám ơn họ về công việc họ làm trong suốt 27 giờ viếng thăm Ai Cập.

Nhà báo đầu tiên hỏi ĐTC là ông Paolo Rodari của nhật báo Cộng hoà Italia.

Hỏi: Thưa ĐTC, hôm 28-4 ĐTC đã gặp Tổng thống Al-Sisi của Ai Cập. ĐTC và Tổng thống đã nói những chuyện gì và nhấn mạnh trên các đề tài nào liên quan tới nhân quyền, đặc biệt là trường hợp của Giulio Regeni, và theo ĐTC thì có thể đi tới sự thật về cái chết của anh ta không?

Đáp: Tôi xin trả lời một cách chung chung trước khi đi vào chi tiết. Nói chung khi tôi hội kiến riêng với một vị quốc trưởng, thì những gì chúng tôi trao đổi với nhau là riêng tư. Trừ khi có sự đồng ý với nhau là công bố điều gì đó. Tôi đã có 4 cuộc nói chuyện riêng ở đây: với Đại Imam Al- Azhar, với Tổng thống Al Sisi, với Đức Thượng phụ Tawadros và với Đức Thượng phụ Ibrahim, và tôi tin rằng nếu nó là cuộc hội kiến tư, thì phải duy trì sự kín đáo của nó. Đó là chuyện kín đáo. Nhưng đàng sau thì có vấn đề của anh Regeni. Tôi cũng đã lo lắng, và từ Toà Thánh tôi đã hoạt động trong chiều hướng này, bởi vì cha mẹ của anh ta cũng đã xin tôi: Toà Thánh đã can thiệp. Tôi sẽ không nói như thế nào và ở đâu, nhưng chúng tôi đã chuyển động.

Tới phiên anh Dario Menor Torres của nhật báo “Người đưa tin” Tây Ban Nha.

Hỏi: Thưa ĐTC, hôm qua ĐTC đã nói rằng hoà bình, thịnh vượng và phát triển xứng đáng với mọi hy sinh, và sau đó ĐTC đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng các quyền bất khả xâm phạm của con người. Điều này có nghĩa là một sự ủng hộ chính quyền Ai Cập, một việc thừa nhận vai trò của nó trong vùng Trung Đông, hay như là một bằng chứng việc bệnh vực các Kitô hữu, mặc dù không có đủ các bảo đảm dân chủ của chính quyền này?

ĐTC xin anh Dario lặp lại câu hỏi, vì ngài đã không nghe rõ. Anh lập lại câu hỏi và ĐTC trả lời:

Đáp: Không, không, cần phải giải thích theo chữ như là các giá trị nội tại. Tôi đã nói điều đó: bênh vực hoà bình, bênh vực sự hài hoà của các dân tộc, bênh vực sự bình đẳng của các công dân, bất cứ họ theo tôn giáo nào: đó là các giá trị. Tôi đã nói tới các giá trị. Nếu một chính quyền bênh vực giá trị này hay giá trị nọ, thì đó là một chuyện khác. Tôi đã viếng thăm 18 chuyến tại nhiều quốc gia, và tôi đã nghe người ta nói: “Mà ĐTC đã đi tới đó, và đã ủng hộ chính quyền ấy”, bởi vì một chính quyền luôn luôn có các yếu kém của nó hay các đối thủ chính trị của nó, người này nói thế này, ngươi kia nói thế nọ… Tôi không xen mình vào những chuyện đó, tôi đề cập tới các giá trị, và mỗi người hãy xem xét và phán xử xem chính quyền này hay nhà nước nọ có thăng tiến các giá trị này hay không.

Anh Dario hỏi tiếp: ĐTC có muốn thăm các kim tự tháp Ai Cập không?

Ngài không nghe rõ nên anh hỏi lại thì ĐTC đáp:

Đáp: Mà anh có biết là hai vị phụ tá của tôi lúc 6 giờ sáng nay đã đi thăm các kim tự tháp không?

Hỏi: Thưa ĐTC, vậy à. Thế ĐTC có thích đi với các vị không?

Đáp: Có chứ, tôi thích chứ.

Ông Burke yêu cầu các nhà báo giới hạn các câu hỏi vào chuyến công du. Tới phiên chị Virginie Riva nhóm nói tiếng Pháp của Radio Âu châu số 1

Hỏi: Thưa ĐTC, con có một câu hỏi khởi hành từ chuyến viếng thăm của ĐTC nhưng nới rộng sang nước Pháp, nếu ĐTC chấp thuận. ĐTC đã lên tiếng tại đại học Al Azhar và nói tới các chủ trương duy nhân dân mị dân. Các tín hữu công giáo Pháp trong thời gian này đang bị cám dỗ bầu cho chủ trương đó hay chủ trương cực đoan, họ chia rẽ và mất định hướng. Đâu là các yếu tố phân định mà ĐTC có thể đưa ra cho các cử tri Công giáo này?

Đáp: Rất tốt. Có một chiều kích của các chủ trương duy nhân dân trong ngoặc kép, bởi vì các anh các chị biết rằng theo tôi tôi đã phải học lại bên Âu châu này, vì bên châu Mỹ Latinh nó có một nghĩa khác. Có vấn đề của Âu châu, và có vấn đề của Liên hiệp Âu châu đàng sau nó. Điều mà tôi đã nói về Âu châu, tôi không lặp lại ở đây. Tôi tin là đã nói về nó 4 lần: 2 lần tại Strasbourg, 1 lần tại buổi trao Giải thưởng Carlo Magno, và vào khởi đầu của việc kỷ niệm 60 năm. Ở trong đó có tất cả những gì mà tôi đã nói về Âu châu. Mỗi nước đều có các lựa chọn tự do theo điều mình cho là thích hợp: tôi không thể phán xử xem nó lựa chọn vì lý do này hay vì lý do khác, bởi vì tôi không biết chính trị bên trong của nó. Đúng thật là Âu châu có nguy cơ tan rã: điều này thì đúng. Tôi đã nói lên một cách nhẹ nhàng tại Strasbourg; tôi đã nói một cách mạnh mẽ hơn trong buổi nhận Giải thưởng Carlo Magno, và mới đây mà không có các màu sắc. Chúng ta phải suy gẫm về điều đó. Âu châu trải dài từ Đại Tây Dương tới vùng Ural. Có một vấn đề khiến cho Âu châu hoảng sợ: đó là vấn đề của các cuộc di cư. Điều này thì đúng. Nhưng chúng ta không được quên rằng Âu châu đã do các ngươi di cư tạo ra: hàng bao thế kỷ của người di cư là chúng ta. Đó là một vấn đề mà chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng và tôn trọng các ý kiến nữa… nhưng các ý kiến liêm chính với một cuộc thảo luận chính trị, với các chữ viết hoa, một nền Chính Trị Lớn, chứ không phải chính trị viết thường của quốc gia sau cùng sụp đổ. Liên quan tới nước Pháp thì nói thật là tôi không hiểu biết nền chính trị bên trong của nó. Tôi không hiểu. Tôi đã tìm có các tương quan tốt kể cả với đương kim tổng thống, mà tôi đã có xung khắc nhưng sau đó tôi đã có thể nói một cách rõ ràng về các chuyện, bằng cách tôn trọng ý kiến của ông. Tôi không biết lịch sử của hai ứng cử viên tổng thống, tôi không biết họ từ đâu đến. Vâng tôi có biết là một người đại diện cho cánh hữu mạnh, nhưng người kia thì tôi không biết đến từ đâu. Vì thế tôi không thể đưa ra một ý kiến rõ ràng về nước Pháp. Nói tới các tín hữu Công giáo ở đây trong một cuộc họp, khi tôi chào dân chúng có một người hỏi tôi: “Tại sao lại không nghĩ tới chính trị một cách lớn lao.” Ông ta xin tôi thành lập một đảng cho người công giáo. Ông này là người tốt, nhưng ông sống trong thế kỷ đã qua rồi. Vì vậy các chủ trương nhân dân có tương quan tới người di cư, nhưng đây không phải là đề tài của chuyến công du. Nếu có thời giờ tôi có thể trở lại vấn đề này vào một lúc khác.

Tới phiên chị Vera Scherbakova, của hãng thông tấn Itar-Tass của Nga. Chị hỏi:

Hỏi: Thưa ĐTC, con cám ơn ĐTC đã ban phép lành cho con. Con đã quỳ từ mấy phút đàng trước đây. Con là tín hữu Chính thống và con không thấy có mâu thuẫn nào khi ĐTC đã ban phép lành cho con. Con muốn hỏi đâu là các viễn tượng tương quan với tín hữu Chính thống Nga, nhưng cả hôm qua nữa trong tuyên ngôn chung với Đức Thượng phụ Copte đã có ngày Lễ Phục Sinh luôn luôn chung, và cũng nói tới việc thừa nhận Bí tích Rửa Tội: chúng ta đang ở điểm nào rồi? Còn một điều khác nữa: ĐTC đánh giá các tương quan giữa Vatican và nước Nga ra sao, kể cả dưới ánh sáng của việc bảo vệ các giá trị Kitô của vùng Trung Đông, nhất là đứng hàng đầu là Syria?

Đáp: A, Cristos anesti. Với các tín hữu chính thông tôi đã luôn luôn có một tình bằng hữu rất lớn, từ khi còn ở Buenos Aires. Chẳng hạn như mỗi ngày mùng 6 tháng giêng tôi đã đi tham dự buổi hát Kinh Chiều, và đọc kinh tối tại Nhà thờ Chính toà Chính thống, của Đức Thượng phụ Platon, mà bây giờ ngài là Tổng Giám mục trong vùng Ucraina. Ngài và tôi, chúng tôi đã cầu nguyện trong vòng 2 giờ 40 phút trong một thứ tiếng mà tôi đã không hiểu, nhưng chúng ta có thể cầu nguyện tốt. Rồi tới bữa ăn chiều cùng với cộng đoàn. 300 người dùng bữa tối với nhau trong ngày áp lễ Giáng Sinh, không phải là bữa tối Giáng Sinh đâu, mà là vọng Giáng Sinh – người ta chưa thể ăn các thực phẩm bằng sữa và không ăn thịt, nhưng mà đó đã là bữa ăn tối đẹp… Sau đó là chơi tombola, chơi sổ số, sống tình bằng hữu. Cả các tín hữu Chính thống khác, đôi khi họ cần sự trơ giúp tư pháp họ đến toà giám mục Công giáo, vì đó là các cộng đoàn nhỏ bé, và họ tới toà giám mục gặp các luật sư…Tôi đã luôn luôn có một tương quan con thảo, huynh đệ: chúng ta là các Giáo Hội anh em với nhau. Với Đức Thương phụ Tawadros tôi có một tình bạn đặc biệt. Đối với tôi ngài là một người vĩ đại của Thiên Chúa. Và Đức Tawadros là một Thượng phụ, một Giáo hoàng đưa Giáo Hội tiến tới, nhân danh Chúa Giêsu tiến tới… ngài có một nhiệt huyết tông đồ rất lớn. Ngài là một trong số các vị – tôi xin lỗi dùng từ này nhưng trong ngoặc kép nhé – một trong các vị cuồng tín tìm thời điểm xác định cho Lễ Phục Sinh. Cả tôi cũng thế, nhưng chúng tôi tìm các phương cách. Và ngài nói: “Chúng ta hãy tranh đấu, chúng ta hãy tranh đấu!” Ngài là một con người của Thiên Chúa. Khi ngài còn là giám mục sống xa Ai Cập, ngài đã đi cho người tàn tật ăn. Ngài đã đuợc gửi tới một giáo phận chỉ có 5 nhà thờ, và đã để lại 25 nhà thờ khi ngài rời giáo phận. Tôi không biết có bao nhiêu gia đình, nhưng ngài là người rất có nhiệt huyết tông đồ. Thế rồi chị có biết các vị lựa chọn thượng phụ ra sao không. Các vị chọn ba người rồi bỏ tên vào một cái túi, gọi một em bé đến, bịt mắt em lại và để em bé chọn tên vị được chỉ định. Chúa ở đó mà. Ngài rõ ràng là một thượng phụ lớn. Sự hiệp nhất trong Bí tích Rửa Tội tiến tới, lỗi liên quan tới Bí tích Rửa Tội là một điều lịch sử, bởi vì trong các Công Đồng đầu tiên bí tích như nhau. Thế rồi các Kitô hữu Chính thống Copte đã rửa tội cho các trẻ em trong các đền thờ, khi họ muốn lấy vợ lấy chồng thì họ đến với chúng tôi, khi họ lấy một người vợ Công giáo thì người ta hỏi đức tin của họ, đức tin Công giáo mà họ không có, và người ta ban Bí tích Rửa Tội với điều kiện. Câu chuyện đã bắt đầu với phía Công giáo chúng ta, chứ không phải với họ. Rồi bây giờ thì cánh cửa đã mở ra, và chúng ta ở trên một con đường tốt của vấn đề này, có thể vượt thắng nó. Trong đoạn áp chót của Tuyên ngôn chung có đề cập tới vấn đề này.

(SD 30-4-2017)

 

 

Linh Tiến Khải