Sống không nổi vì bụi và tiếng ồn
Người dân sống xung quanh mỏ đá núi Nứa (xã Xuân Lập, TX.Long Khánh, Đồng Nai) đang chịu không nổi do bụi, tiếng ồn.
Từ đơn thư bạn đọc:
Sống không nổi vì bụi và tiếng ồn
Người dân sống xung quanh mỏ đá núi Nứa (xã Xuân Lập, TX.Long Khánh, Đồng Nai) đang chịu không nổi do bụi, tiếng ồn.
Dân thở không nổi
Trong đơn gửi tới Báo Thanh Niên, các hộ dân sống xung quanh mỏ đá núi Nứa (ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập, TX.Long Khánh, Đồng Nai) cho biết năm 2010, UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép cho Công ty cổ phần đầu tư khai thác khoáng sản than Đông Bắc (gọi tắt là Công ty than Đông Bắc) khai thác tại mỏ đá núi Nứa.
Hầu hết các hộ dân nằm trong quy hoạch đợt 1 đã được đền bù di dời nhưng vẫn còn sót lại vài hộ dân đang “kẹt” lại phải gánh chịu hậu quả của ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Trước phản ánh của người dân, Công ty than Đông Bắc cam kết lộ trình đến hết năm 2014 sẽ di dời và đền bù cho người dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
TIN LIÊN QUAN
Ngôi làng 10 năm có 41 người chết vì ung thư
Con số thống kê đó ở làng Vân Hoà (xã Triệu Hoà, H.Triệu Phong, Quảng Trị) vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, vì thế người dân nơi đây vô cùng lo lắng.
Tháng 10.2016, Công ty than Đông Bắc đã nhượng lại cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thương mại Phú Minh Châu (gọi tắt là Công ty Phú Minh Châu) tiếp tục khai thác mỏ đá núi Nứa.
Theo người dân, từ khi Công ty Phú Minh Châu tiếp quản sản xuất thì tình trạng khói bụi ô nhiễm và tiếng ồn ngày càng nghiêm trọng hơn. Ông Phan Minh Hoàng (58 tuổi, ấp Phú Mỹ) cho hay khi Công ty than Đông Bắc đi vào khai thác thì đã gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi ngày có hai cái máy nghiền đá chạy tới 10 giờ đêm gây bụi mù mịt và tiếng ồn khiến người dân ngủ không được. Sau khi nhượng lại cho Công ty Phú Minh Châu, công ty này liền lắp đặt thêm 3 máy nghiền với công suất lớn gấp nhiều lần.
Ông Hoàng bức xúc nói: “Máy nghiền đá đặt cách nhà chỉ vài chục mét khiến những rẫy tiêu, điều, cà phê bị phủ bụi trắng xóa rồi chết dần chết mòn. Chúng tôi phải chặt bỏ trồng lớp mới nhưng cây non gặp phải bụi đá cũng èo uột, không phát triển nổi. Bụi và tiếng ồn khiến mấy đứa nhỏ bị bệnh ho suốt và tiếng ồn không học hành được gì cả. Nhà tôi có 2,3 ha đất trồng tiêu, điều, cà phê, bình quân mỗi năm thu nhập được hơn 100 triệu đồng, mấy năm nay bị ô nhiễm thu hoạch chưa tới 30 triệu đồng”.
Theo các hộ dân, trước đây Công ty than Đông Bắc có đề xuất hỗ trợ thiệt hại về hoa màu cho 7 hộ dân bị ảnh hưởng mỗi hộ 30 triệu đồng/ha/năm, đồng thời cho thêm 20 triệu đồng/hộ/năm để đi thuê nhà ở nơi khác. Tuy nhiên, chỉ có hai hộ đồng ý nhận, còn lại chưa thống nhất được mức thoả thuận. Đến nay, Công ty Phú Minh Châu cũng đòi hỗ trợ tương tự nhưng người dân cũng không chấp nhận.
TIN LIÊN QUAN
Vì sao có mưa nhưng TP.HCM vẫn ‘nóng toát mồ hôi’ vào trưa và chiều?
Dù có mưa vào buổi sáng nhưng ngay lập tức khi tạnh mưa, TP.HCM vẫn nóng hầm hập và ‘toát mồ hôi hột’ là vì: thời gian mưa ngắn, cường độ bức xạ mặt trời đang mạnh và do hiệu ứng đô thị.
Chủ đầu tư nói cần có thời gian
Ông Đặng Xuân Tiềm, Giám đốc Công ty Phú Minh Châu, cho biết dự án khai thác mỏ đá núi Nứa giai đoạn 1 có diện tích 48 ha. Hầu hết đã đền bù, chỉ còn một hộ dân do trong gia đình có tranh chấp nên chưa thoả thuận được. Trong giai đoạn 2 có 50 ha đang triển khai thì có dính 10 hộ. Ngoài ra còn một hộ nằm ngoài diện tích khai thác, trong tương lai công ty cũng sẽ thương lượng đền bù để mua luôn.
Ông Tiềm cho hay từ thời Công ty than Đông Bắc hoạt động thì đã có hướng bồi thường hằng năm cho các hộ dân với tổng số tiền khoảng 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên các hộ dân muốn được đền bù và di dời đi luôn. Còn Công ty Phú Minh Châu mới tiếp nhận mỏ và đi vào hoạt động được 5 tháng nay.
Ông Tiềm nói: “Chúng tôi mới vào khai thác nhưng vẫn chấp nhận đền bù. 7 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, chúng tôi đã mời lên rất nhiều lần, trước mắt sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng/ha và thêm 20 triệu đồng/hộ/năm tiền đi thuê nhà để ở nhưng người dân không chịu. Họ muốn chúng tôi đền bù dứt điểm cho họ di dời, tuy nhiên số tiền trả cho 7 hộ dân bị ảnh hưởng ước tính hơn 10 tỉ đồng. Trong khi chúng tôi mới vào khai thác, đầu tư hàng trăm tỉ đồng vô máy móc thiết bị, sản phẩm bán ra chưa được bao nhiêu. Chúng tôi hứa sẽ hỗ trợ di dời nhưng cần phải có lộ trình thêm 2 năm nữa, chứ bây giờ không xoay nổi tiền để đền bù…”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Khang, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, cho hay năm 2011, Công ty than Đông Bắc đi vào hoạt động thì mật độ cây trồng xung quanh khu vực khai thác để che chắn bụi chưa đạt yêu cầu. Sở TN-MT đã về khảo sát kiểm tra và xử phạt, yêu cầu khắc phục ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Năm 2016, hoạt động khai thác được chuyển nhượng cho Công ty Phú Minh Châu. Người dân tiếp tục khiếu nại và các bên gặp gỡ nhau nhiều lần nhưng không thống nhất được mức bồi thường.
TIN LIÊN QUAN
Khu du lịch không phép bị ‘tố’ gây ô nhiễm môi trường
Khu du lịch Pù Luông Retreat tại xã Thành Lâm (H.Bá Thước, Thanh Hóa) nằm trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông xây dựng không phép, bị ‘tố’ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương.
Ông Khang nói: “Xã đã vận động Công ty Phú Minh Châu nâng mức hỗ trợ đền bù lên cao cho người dân vì mức trượt giá mỗi năm khác nhau, không để người dân thiệt hại kéo dài. Đồng thời xã cũng gửi văn bản cho các cấp cao hơn kiến nghị xuống kiểm tra khảo sát trả lời phản ánh của các hộ dân”.
Còn bà Nguyễn Thị Minh Hà, Phó chánh văn phòng UBND TX.Long Khánh, nói: “Chúng tôi đã tiếp nhận đơn phản ánh của người dân. Với thẩm quyền của mình, UBND TX.Long Khánh đã kiến nghị Sở TN-MT và các đơn vị liên quan tới kiểm tra đơn vị khai thác, nếu có sai phạm thì xử lý theo đúng quy định”.
Tiểu Thiên