24/01/2025

HĐND tỉnh phải giám sát việc phá rừng làm dự án

HĐND tỉnh ra nghị quyết cho UBND tỉnh triển khai dự án thì phải theo dõi quá trình thực hiện. HĐND giám sát UBND. HĐND quyết mà không kiểm tra, giám sát, theo dõi là thiếu trách nhiệm.

 

HĐND tỉnh phải giám sát việc phá rừng làm dự án

HĐND tỉnh ra nghị quyết cho UBND tỉnh triển khai dự án thì phải theo dõi quá trình thực hiện. HĐND giám sát UBND. HĐND quyết mà không kiểm tra, giám sát, theo dõi là thiếu trách nhiệm.

 

 

HĐND tỉnh phải giám sát việc phá rừng làm dự án
Gốc cây dương gần 20 năm tuổi nằm lăn lóc trên khu đất làm sân golf của New City tại xã An Phú, TP Tuy Hoà (Phú Yên) – Ảnh: Vân Trường

Ngày 27-4, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết đoàn công tác của Uỷ ban Kiểm tra trung ương đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Hữu (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) và ông Nguyễn Văn Chín (nguyên chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ Phú Yên) để tìm hiểu thông tin về các dự án đang triển khai đã lấy một diện tích lớn đất rừng ở địa phương.

Ông Lê Văn Hữu và ông Nguyễn Văn Chín là hai cựu lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã trực tiếp đi thực địa tại hai tiểu khu 310 và 311 rừng huyện Sông Hinh, nơi được tỉnh Phú Yên cho phép Công ty CP chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên lấy 370ha đất rừng làm dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.

Sau khi đi thực tế, hai cựu lãnh đạo tỉnh Phú Yên này đã có ý kiến quyết liệt, không đồng ý với việc chặt hạ hàng trăm hecta rừng làm dự án kinh tế.

Nguồn tin cho biết tại cuộc làm việc sáng 27-4, đoàn công tác của Uỷ ban Kiểm tra trung ương đã nắm thêm thông tin về việc triển khai dự án từ ông Lê Văn Hữu và ông Nguyễn Văn Chín, lắng nghe ý kiến đề xuất của hai ông là nên dừng dự án phá rừng để trồng cỏ nuôi bò vì không tuân thủ chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm chỉ thị 13 về tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Đồng thời yêu cầu tỉnh và các cơ quan chức năng, nhà đầu tư phải tuân thủ nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, không để xảy ra những thiếu sót như ở các dự án mà báo chí đã nêu.

Nguồn tin cũng cho biết trước khi làm việc với hai cựu lãnh đạo tỉnh Phú Yên, đoàn công tác của Uỷ ban Kiểm tra trung ương đã đi thực địa tại khu vực rừng huyện Sông Hinh được tỉnh Phú Yên cho làm dự án chăn nuôi bò.

Trong diễn biến liên quan, chiều 27-4 ông Lê Văn Hữu cho biết ông không hoàn toàn đồng tình với việc đại diện HĐND tỉnh Phú Yên trả lời báo Tuổi Trẻ (ngày 27-4) về trách nhiệm của HĐND tỉnh trong việc phê chuẩn nhiều dự án do UBND tỉnh trình có thể làm mất đến hơn 1.000ha rừng.

“Đồng ý là để phát triển thì chấp nhận phải hi sinh một diện tích rừng nhất định, nhưng không phải vì thế mà HĐND tỉnh đồng ý cho các dự án lấy quá nhiều diện tích rừng, làm tràn lan như thời gian gần đây.

Cần phải có ý thức bảo vệ môi trường, phải cân nhắc thật kỹ, lắng nghe ý kiến phản biện, tạo được sự đồng thuận cao, chứ không thể vì kinh tế, vì phát triển mà cứ quyết, cứ đánh đổi để mất một diện tích rừng rất lớn như vậy được” – ông Hữu nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Chín cho biết: “Theo tôi, HĐND tỉnh ra nghị quyết cho UBND tỉnh triển khai dự án thì phải theo dõi quá trình thực hiện. Nếu thấy có vấn đề thì HĐND tỉnh phải có ý kiến để sửa, giải quyết ngay, chứ không thể quyết xong rồi giao cho UBND tỉnh thực hiện, đúng thì anh vỗ tay, mà sai thì đổ trách nhiệm là không được.

HĐND là giám sát UBND mà. Anh quyết mà anh không kiểm tra, giám sát, theo dõi là thiếu trách nhiệm”.

Sốc nặng, bức xúc và đau xót

Đó là tâm trạng của đa số bạn đọc thể hiện trong hơn 1.300 ý kiến gửi về tòa soạn Tuổi Trẻ phản hồi loạt bài “Tan tác rừng Phú Yên” (Tuổi Trẻ ngày 24 và 25-4).

Bạn đọc Trần Toàn (tranlenhu91@…) viết: “Tôi sốc nặng khi biết hơn 100ha rừng phòng hộ ven biển ở Phú Yên bị phá để làm sân golf, khách sạn, resort. Những cây dương được trồng, chăm sóc gần 40 năm, Nhật Bản còn tài trợ để trồng thêm cây với mục đích bảo vệ môi trường cho nhân dân. Vậy mà giờ đây vì điều gì mà người ta đang tâm phá hoại rừng như vậy? Xót xa quá!”.

Bạn đọc Nhựt Thiện (binhthang58@…) lo lắng: “Lũ lụt từng gây ngập nặng TP Tuy Hòa, mà nguyên nhân chính do thủy điện sông Ba Hạ xả lũ. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên không nhìn thấy hay sao mà cho phá rừng ồ ạt để làm dự án. Nếu mùa mưa này mà lũ lụt tràn về do phá rừng bừa bãi, tôi đề nghị xử lý trách nhiệm cán bộ lãnh đạo tỉnh này”.

Nhiều bạn đọc cho biết họ uất nghẹn khi đọc thông tin về vụ phá rừng rầm rộ ở Phú Yên. Bạn đọc Lê Tâm (letam@…) bày tỏ: “Tôi đã khóc khi đọc tin này”.

Bạn đọc Trần Mạnh bức xúc: “Đau nhất là đoạn UBND tỉnh Phú Yên trao bằng khen cho New City vì “có thành tích xuất sắc trong công tác giải phóng mặt bằng”, trong khi đây thực chất là phá rừng nhanh chóng!”.

Bạn đọc Triều Giang (trantrieuhien3009@…) – một người con Phú Yên – tiếc nuối: “Với tư cách là một người dân Phú Yên xa xứ, tôi không khỏi đau xót khi thấy rừng dương xanh tốt bị đốn hạ chỉ để làm khu resort – sân golf.

Tuổi thơ tôi gắn bó nhất là hình ảnh những cây dương oằn mình trong gió bão dù bị quật tơi tả. Nhờ rừng dương mà những căn nhà đơn sơ – nơi những đứa trẻ nghèo như chúng tôi sinh sống – không bị hư hỏng nhiều.

Ở Phú Yên quê tôi, một năm ít nhất cũng xảy ra 1-2 cơn bão. Có khi là bão chồng bão. Không còn rừng dương, người dân nghèo lại phải oằn mình chống bão dữ…”.

Ngoài ra, đông đảo bạn đọc bức xúc trước phát biểu của ông Lê Văn Thứng (chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Phú Yên) rằng phá rừng không ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ (!).

Q.TR.

DUY THANH