28/11/2024

Chúa nhật Phục Sinh III A: Loan báo Tin Mừng Phục Sinh

Câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmaus có thể được xem là mẫu số chung của hành trình đức tin của những ai tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

 CHÚA NHẬT III PHỤC SINH A

Cv 2,14.22-33; 1 Pr 1,17-21; Lc 24,13-35

LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đóthuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh(Lc 24,33.35).

 

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Sự kiện các môn đệ được lãnh nhận Thánh Thần và “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11) gây ra một sự kinh ngạc nơi những người nghe. Nhân cơ hội đó, thánh Phêrô cùng với các tông đồ giải thích cho họ và mạnh dạn công bố Tin Mừng về Chúa Giêsu Phục Sinh.

Trước hết, cùng với Nhóm Mười Một, thánh Phêrô làm chứng rằng Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét lại là Đấng được Thiên Chúa phái đến. Nhờ quyền năng Thiên Chúa ban, Người đã làm bao phép màu, điềm thiêng và dấu lạ để chứng thực cho sứ mạng thiên sai của Người. Người đã bị bắt, bị đóng đinh, và chịu chết trên thập giá nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại theo kế hoạch của Ngài. Như thế, Đức Giêsu nhập thể làm người, sống và thi hành sứ vụ giữa nhân loại, chịu chết và sống lại, đều nằm trong kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Sau nữa,cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu đã được dự liệu và tiên báo từ trước trong Cựu Ước qua lời ngôn sứ của vua Đavít. Quả vậy, lời Thánh vịnh 16 (được xem là của vua Đavít) rằng “Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty, và thân xác Người không phải hư nát” (Cv 2,30-31; x. Tv 16,8-11) được tác giả sách Công Vụ coi như lời tiên báo về sự phục sinh của Đức Giêsu. Như vậy, sự phục sinh của Đức Giêsu không phải là chuyện nhất thời thoáng qua nhưng đã nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa từ xưa, theo đúng như lời ngôn sứ của vua Đavít.

Tóm lại, những gì mà dân chúng đang thấy, đang nghe về những việc lạ lùng và lời chứng hùng hồn của các tông đồ về Đức Giêsu đều phát xuất từ Thiên Chúa. Chính Ngài ra tay uy quyền cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, trao cho Người chính Thánh Thần của Ngài, để đến lượt mình, Đức Giêsu Phục Sinh lại tuôn đổ Thánh Thần xuống trên các môn đệ, để các ông can đảm làm chứng rằng Người thật đã phục sinh.

2. Bài đọc 2:

Tác giả thư thứ nhất Phêrô đưa ra những mặc khải quan trọng về nguồn gốc, cuộc sống và sứ mạng của Đức Giêsu: Người là Đấng hằng hữu với Chúa Cha, đã nhập thể làm người và chết để cứu chuộc con người; và sự sống lại của Người là niềm hy vọng cho các tín hữu.

Trước hết, Đức Giêsu là Đấng tiền hữu. Người hiện hữu từ trước, khi vũ trụ chưa được tạo thành. Người là Đấng mà nhờ đó Thiên Chúa dựng nên muôn loài muôn vật (x. Hr 1,2; Ga 1,3). Nhưng vào thời cuối cùng này Người xuất hiện “vì anh em”. Như thế, tác giả thư thứ nhất Phêrô vừa cho thấy nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu, vừa nhấn mạnh mầu nhiệm nhập thể rằng Đức Giêsu làm người vì con người.

Hơn nữa, Đức Giêsu là Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích nhưng lại chấp nhận cái chết, đổ máu ra để mang lại ơn cứu chuộc. Theo định chế Lêvi, của lễ tiến dâng cho Thiên Chúa để làm lễ hiến tế phải là các con vật khỏe mạnh, không tỳ vết (x. Đnl 17,1). Đức Giêsu là Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích (1 Pr 1,19) là Đấng không hề phạm tội (x. Hr 4,15). Cái chết của Người là của lễ vẹn toàn, và đẹp lòng Thiên Chúa; máu người đổ ra mang lại ơn cứu chuộc vĩnh cửu (x. Hr 5,9).

Sau cùng, tác giả thứ thứ nhất Phêrô nhấn mạnh rằng, chính Đức Giêsu, Đấng đã đổ máu ra như Con Chiên vẹn toàn, lại được Thiên Chúa cho trỗi dậy từ cõi chết. Nhờ Người, các tín hữu đặtniềm tin và niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì mai ngày Ngài cũng ban cho các tín hữu vinh phúc ấy. Đức Giêsu phục sinh chính là bảo đảm cho niềm tin và niềm hy vọng của các tín hữu vào Thiên Chúa rằng họ cũng sẽ được thông dự vào cuộc sống vinh hiển cùng với Đức Giêsu phục sinh.

3. Bài Tin Mừng:

Chúa Giêsu Phục Sinh âm thầm đồng hành với hai môn đệ đang buồn sầu và thất vọng, hâm nóng lòng họ bằng Kinh Thánh và giúp họ nhận ra Người qua việc bẻ bánh. Câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmaus có thể được xem là mẫu số chung của hành trình đức tin của những ai tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

Trước hết, Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ đang trong tâm trạng buồn rầu và thất vọng. Đối với họ, Đức Giêsu Nadarét chỉ là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân (24,17), nên khi Người bị bắt và giết chết, thì mọi hy vọng của họ đều tan thành mây khói. Thông tin của mấy phụ nữ về ngôi mộ trống và lời loan báo của thiên thần rằng Người vẫn sống chỉ làm họ ngạc nhiên mà thôi.Tâm hồn trĩu nặng, chán chường, họ mất phương hướng; nỗi buồn sầu, chán nản, thất vọng che khuất mắt họ đến nỗi họ không thể nhận ra Chúa Giêsu khi Người đồng hành với họ. Dù vậy, sự đồng hành của Chúa Giêsu giúp họ cởi mở tâm tư và trút bỏ bớt nỗi thất vọng.

Hơn nữa, Chúa Giêsu Phục Sinh còn hâm nóng lòng hai môn đệ bằng việc cắt nghĩa Kinh Thánh cho họ. Thật vậy, việc Đức Giêsu chịu khổ hình, chịu chết và sống lại đã được Người loan báo từ trước (x. Lc 9,22; 17,25). Ngoài ra, sách Luật Môsê (ông Môsê) và sách Các Ngôn Sứ là phần cốt tủy của Kinh Thánh Do Thái (x. Lc 16,16.29-31) đều phải được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu (x. Lc 24,44). Lời cắt nghĩa của Chúa Giêsu đã thật sự giúp các ông hiểu rõ về cuộc sống và sứ mạng của Người, làm cho lòng các ông “bừng cháy” và tinh thần được củng cố.

Sau cùng, Chúa Giêsu Phục Sinh giúp hai môn đệ nhận ra Người qua việc bẻ bánh. Chúa Giêsu nhận được cảm tình của hai môn đệ vì sự thân tình, cởi mở, cảm thông và hiểu biết Kinh Thánh, nên họ mới “nài ép” Người ở lại với họ, để tiếp tục câu chuyện đang dang dở. Chúa Giêsu Phục Sinh hoàn tất chặng đường đồng hành qua việc bẻ bánh. Khi mà lòng hai môn đệ đã bừng cháy (thay vì chán nản, thất vọng) vì hiểu lời Kinh Thánh, cử chỉ quen thuộc mà Chúa Giêsu vẫn làm mỗi khi thầy trò họp mặt (cầm bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra) đã mở mắt tâm hồn họ, giúp họ nhận ra Người.

Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành, giúp hiểu Kinh Thánh và lặp lại cử chỉ bẻ bánh quen thuộc để giúp hai môn đệ xác tín vào mầu nhiệm phục sinh. Sự xác tín này thôi thúc họ “ngay lúc ấy” hăng hái lên đường trở về Giêrusalem để loan báo Tin Mừng phục sinh.

 

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1/ Sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các tông đồ mạnh dạn làm chứng rằng Đức Kitô đã chết, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại, đúng theo lời ngôn sứ mà Thiên Chúa đã nói qua miệng vua Đavít xưa kia. Thiên Chúa đã ban Thánh Thần để phục sinh Đức Giêsu thế nào, thì Thánh Thần phát xuất từ Chúa Giêsu Phục Sinh cũng tuôn đổ trên các tông đồ thế ấy để các ông can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Qua phép Thánh Tẩy, các Kitô hữu cũng nhận được Thánh Thần để trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh. Tôi có chu toàn bổn phận của một Kitô hữu là loan báo về Đức Kitô Phục Sinh?

2/ Đức Giêsu vốn hằng hữu từ muôn đời, vào thời sau hết đã làm người giữa lòng nhân loại. Người là Đấng vô tội nhưng chấp nhận chịu chết và được Thiên Chúa cho sống lại để mang lại ơn cứu chuộc. Sự phục sinh của Đức Giêsu là bảo chứng về sự sống lại mai sau.Những ai đặt niềm tin và hy vọng nơi Thiên Chúa cũng sẽ được phục sinh với Đức Giêsu. Tôi có đặt niềm tin và hy vọng nơi Thiên Chúa, Đấng đã cho Đức Giêsu phục sinh thế nào thì cũng cho tôi sống lại như thế?

3/ Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ trong lúc họ chán nản, mệt mỏi và lạc hướng; hâm nóng lòng họ nhờ lời Kinh Thánh; và mở mắt để họ nhận ra người qua cử chỉ bẻ bánh. Niềm xác tín vào Đức Giêsu phục sinh thôi thúc họ mau mắn và hăng hái lên đường để loan báo Tin Mừng phục sinh. Biết đâu trong những lúc buồn bã, thất vọng, và muốn bỏ cuộc, Chúa Phục Sinh vẫn âm thầm đồng hành với tôi, hâm nóng cuộc sống tôi bằng Lời của Người,thầm lặng hiện diện và nuôi dưỡng tôi bằng Thánh Thể. Tôi có nhận ra sự hiện diện của Người trong đời tôi? Và tôi có sẵn sàng trở thành chứng nhân cho Chúa Giêsu Phục Sinh giữa cuộc đời này?

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh đã đem đến cho con người sức mạnh và niềm vui cùng với nhiều thay đổi trong cuộc sống. Chúng ta hãy cùng nhau cảm tạ Chúa và tha thiết cầu nguyện:

1. Chúa Giêsu tiến lại cùng đi và giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn xác tín vào sự hiện diện nâng đỡ của Chúa Phục Sinh, để thêm can đảm và hăng hái loan báo niềm vui Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

2. Các môn đệ nói: “Chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ và thất vọng ở khắp nơi, cảm nghiệm được sự đồng hành chia sẻ của Chúa Phục Sinh để luôn lạc quan vui sống trong bình an và hy vọng.

3. Hai môn đệ nài xin: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình Công Giáo biết chọn Chúa là trung tâm cuộc sống của mình, luôn dành thời gian để cùng nhau cầu nguyện suy niệm Lời Chúa.

4. Mắt hai môn đệ sáng ra và nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta khi đã nhận ra Chúa, cũng biết chia sẻ niềm vui với tha nhân và trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa qua việc dấn thân phục vụ.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng luôn hiện diện và đồng hành với Hội Thánh cũng như mỗi người chúng con. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và gia tăng đức tin cùng sức mạnh, giúp chúng con can đảm loan báo Tin Mừng phục sinh của Chúa cho mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.