10/01/2025

Kỳ thú tiền Việt

Từ ngày 27.4 – 27.10, triển lãm Lịch sử tiền tệ VN – Muôn mặt đồng tiền với 700 hiện vật quý sẽ diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

 

Kỳ thú tiền Việt

Từ ngày 27.4 – 27.10, triển lãm Lịch sử tiền tệ VN – Muôn mặt đồng tiền với 700 hiện vật quý sẽ diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.


 

Đồng tiền vàng nguyên chất mệnh giá 20 đồng Bác Hồ tặng bà Nguyễn Thị Thập

Đồng tiền vàng nguyên chất mệnh giá 20 đồng Bác Hồ tặng bà Nguyễn Thị Thập

Triển lãm giúp người xem hiểu thêm về sự ra đời, thăng trầm của đồng tiền Việt và những câu chuyện lịch sử cùng các vật dụng độc đáo có liên quan đến tiền mà ít khi công chúng có dịp tiếp cận.
Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và một số nhà sưu tập tư nhân tổ chức.
Kỳ thú tiền Việt - ảnh 1

Quyết định phát hành tiền ngân hàng VN và thu đổi tiền chính quyền Sài Gòn cũ năm 1975

Từ đồng tiền đầu tiên…
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết thời Bắc thuộc, VN bị áp đặt phải sử dụng tiền đồng của nhà Hán. “Bước sang thời kỳ độc lập tự chủ, đồng tiền đầu tiên của VN được lưu hành là đồng Thái Bình hưng bảo do vua Đinh Tiên Hoàng cho đúc vào khoảng năm 970. Từ đây, trải qua các triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Hồ – Lê – Tây Sơn – Nguyễn, lịch sử tuy có lúc thăng trầm khác nhau nhưng việc đúc tiền để đánh dấu sự trị vì và uy quyền của từng triều đại không hề gián đoạn. Ở thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn, bên cạnh tiền đồng còn có sự lưu hành của các loại tiền thưởng (đại tiền), đĩnh bạc, đĩnh vàng mà nhà vua ban thưởng cho những người có công. Chúng tôi đã gắng sức tập hợp cho đầy đủ các loại tiền để công chúng tiếp cận”, ông Tuấn nói.
Tại triển lãm, người xem sẽ được chiêm ngưỡng đồng tiền Việt đầu tiên Thái Bình hưng bảo bằng đồng, có dạng tròn, lỗ vuông. Mặt tiền ghi niên hiệu Thái Bình hưng bảo, lưng tiền có chữ Đinh. Được biết, sau này các đồng tiền, tùy mỗi vị vua, đều ghi niên hiệu và loại tiền, như: Thông bảo, Trọng bảo, Nguyên bảo, Tuyền bảo, Thánh bảo, Đại bảo, Chính bảo, Cự bảo, Thuận bảo, Vĩnh bảo, Nội bảo… Mặt sau đồng tiền (gọi là lưng tiền) thường để trơn hoặc một ký hiệu đặc biệt nào đó bằng chữ Hán thể hiện triều đại đúc, giá trị đồng tiền, địa điểm đúc hay là một ý nghĩa tốt đẹp.
Sau một thời gian tiền được đúc bằng đồng, cha ông ta bắt đầu dùng kẽm đúc tiền. Đại Nam thực lục ghi nhận năm 1746, chúa Nguyễn bắt đầu cho đúc những đồng tiền bằng kẽm trắng, nguyên liệu được tinh luyện từ các lò của triều đình hoặc mua của nước ngoài, giúp khắc phục tình trạng khan hiếm đồng. Công chúng cũng sẽ nhìn tận mắt các đồng tiền kẽm tại triển lãm.
Kỳ thú tiền Việt - ảnh 2

Tiền giấy Đông Dương và Sài Gòn trước năm 1975ẢNH: QUỲNH TRÂN

Thạc sĩ Nguyễn Khắc Xuân Thi, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, thông tin thêm: “Đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, những đồng tiền kim loại lỗ vuông trước đây được thay bằng đồng tiền tròn, hoặc có lỗ tròn đúc nổi mệnh giá bằng chữ Latin và chữ Hán, có hình ảnh bó lúa, nữ thần tự do… gọi là đồng bạc Đông Dương, được chế tác bằng máy nên hoa văn rất sắc nét. Quá trình phát hành và lưu thông tiền thời chiến khá linh hoạt và sáng tạo. Để phá hoại nền kinh tế của nhà nước ta còn quá non trẻ, Pháp cho in nhiều tiền giả trong giai đoạn này và bí mật đưa vào vùng giải phóng. Phía ta đã kịp thời vô hiệu hoá tiền giả bằng cách dán phiếu kiểm soát và đóng dấu lên giấy bạc thật, gọi là tiền “đắp nền”, đồng thời cũng có sáng kiến xé đôi đồng bạc Đông Dương để làm tăng số lượng tiền lẻ lưu hành”.
Bất ngờ là những loại tiền giả thuở ấy vẫn được sưu tầm, bảo quản và lưu giữ như đồng tiền thật cùng những cách phân biệt để người xem nhận diện.
Đồng tiền vàng đặc biệt của Bác Hồ
TS Hoàng Anh Tuấn kể: “Năm 1945, ta chiếm được kho bạc nhưng không kiểm soát được ngân hàng Đông Dương. Thực dân Pháp lợi dụng điều này khống chế ta phát hành tiền. Ta còn phải đối phó với nạn tiền Quan Kim của Tưởng Giới Thạch tràn sang, khiến nước ta lâm vào khó khăn do không thể tự chủ động phát hành tiền tệ. Bằng nhiều nỗ lực của chính phủ mới, ngày 1.12.1945 tại Viễn Đông Bác cổ, đồng tiền xu hai hào đầu tiên của nước VN độc lập đã ra đời, tiếp sau đó là các đồng năm xu, một đồng và hai đồng. Tiền giấy bạc VN Dân chủ Cộng hòa cũng được ra đời năm 1946 có tên gọi Tiền tài chính hay Giấy bạc Cụ Hồ được phát hành tại các vùng tự do, để phân biệt với tiền của ngân hàng Đông Dương thuộc Pháp kiểm soát. Từ năm 1947 đến 1954, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên cũng được phép in, phát hành Tín phiếu ngang giá với Tiền tài chính. Còn ở Nam bộ thì in, phát hành Tiền Nam bộ, Phiếu tiếp tế, Phiếu đổi chác và Tín phiếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Rất mừng là hầu như các loại tiền này vẫn được giữ gìn nguyên vẹn và có mặt tại triển lãm”.
Kỳ thú tiền Việt - ảnh 3

Giấy tờ mua bán đất có liên quan đến tiềnẢNH: QUỲNH TRÂN

Năm 1948, Chính phủ nước VN Dân chủ Cộng hoà phát hành 200 đồng tiền vàng nguyên chất mệnh giá 20 đồng, mỗi đồng nặng 8,325 gr, hình tròn, viền nổi trang trí xung quanh. Tiền vàng được Bác Hồ dùng để trao tặng các bộ trưởng và một số cán bộ chủ chốt, đồng thời là tặng phẩm ngoại giao trong các chuyến xuất ngoại của Người, chứ không dùng để trao đổi. Bà Nguyễn Thị Thập, khi đó là Chủ tịch Hội LHPN VN, được Bác Hồ tặng 1 đồng tiền vàng này để khi ra nước ngoài có việc gì thật cấp bách có thể bán lo chi phí. Đồng tiền vàng được bà Thập gìn giữ như một báu vật, sau này tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Tại triển lãm Muôn mặt đồng tiền – Lịch sử tiền tệ VN, đồng tiền bà Thập tặng bảo tàng được đem trưng bày, trở thành điểm nhấn thú vị.
Phong phú hiện vật liên quan tới tiền
Không chỉ gần như có đủ các loại tiền từ thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn…, tiền Đông Dương thuộc Pháp, tiền VN Dân chủ Cộng hoà, VN Cộng h, tiền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN và tiền VN từ 1978 đến nay, triển lãm còn giới thiệu nhiều loại hình tiền tệ khác sử dụng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ: Phiếu tiếp tế, Phiếu đổi chác, tiền địa phương, Phiếu bách hóa Trường Sơn, công phiếu nuôi quân… và các hiện vật đi kèm hoặc sử dụng chung với tiền: hũ đựng tiền, thước đếm tiền, bàn tính, máy tính tiền cùng những văn bản về việc in ấn, phát hành và lưu thông tiền tệ, tiền mẫu, giấy tờ mua bán đất, văn bản thuế, một số hình ảnh ca dao, thành ngữ, tục ngữ liên quan tới tiền, tư liệu về quy trình sản xuất tiền, đúc tiền… Nhờ sự hỗ trợ của các nhà sưu tập: Lê Hoan Hưng, Huỳnh Tấn Thành, Nguyễn Văn Mai, Nguyễn Nữ Thiên Hương, Nguyễn Văn Hoà và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ mà nhiều loại tiền có dịp được giới thiệu.

Lê Công Sơn