Tiếp tục cảnh báo sạt lở trên sông Vàm Nao
Sau vụ sạt lở đất bờ sông Vàm Nao (thuộc xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, An Giang) xảy ra vào sáng 22.4, cơ quan chức năng cảnh báo tình trạng này sẽ còn tiếp diễn.
Tiếp tục cảnh báo sạt lở trên sông Vàm Nao
Sau vụ sạt lở đất bờ sông Vàm Nao (thuộc xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, An Giang) xảy ra vào sáng 22.4, cơ quan chức năng cảnh báo tình trạng này sẽ còn tiếp diễn.
Vụ sạt lở trên làm 14 căn nhà và 2 nền nhà rơi xuống sông (Thanh Niên ngày 22.4 thông tin). Ngày 23.4, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang, đã dẫn đầu đoàn công tác đến hiện trường vụ sạt lở để thăm hỏi, hỗ trợ các hộ dân. 106 hộ vùng sạt lở được tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ; Uỷ ban MTTQ VN tỉnh An Giang hỗ trợ 50 triệu đồng cho 16 hộ khó khăn.
TIN LIÊN QUAN
Sạt lở kinh hoàng bờ sông Vàm Nao: Dân dọn nhà chạy… lở
Sạt lở bờ sông Vàm Nao chưa chịu dừng lại mà tiếp tục ăn sâu vào đất liền, đe doạ 106 hộ dân. Người dân đang lo lắng dọn nhà chạy… sạt lở.
Di dời 114 hộ dân và 1 nhà máy
Làm việc với lãnh đạo H.Chợ Mới, bà Võ Thị Ánh Xuân nhận định việc bố trí cho dân vùng sạt lở ở tạm trong trường học, trong chùa hoặc nhà người thân chỉ là biện pháp tạm thời, không thể kéo dài. Việc cấp bách là sớm xử lý hố xoáy, tạo chỗ ở cho người dân. Hơn nữa, hiện đang mùa nắng nóng, các hộ phải che lều ở tạm, rất dễ phát sinh dịch bệnh và các vấn đề vệ sinh nên ngành y tế cần phải quan tâm.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cảnh báo sạt lở đất sẽ còn tiếp diễn không dừng lại. Hố xoáy dài 380 m, ngang 120 m, sâu 42 m, có khả năng dịch chuyển vào gần bờ, sạt lở sẽ thêm nguy hiểm, phức tạp. Để lấp hố xoáy này, chi phí tạm tính trên 36 tỉ đồng, hiện ngành chức năng đã mời Viện Khoa học thủy lợi VN đến khảo sát để có hướng xử lý. Nhận định nguyên nhân sạt lở, ông Thư cho biết do nước sông Hậu đổ về sông Vàm Nao tạo áp lực dòng chảy, cộng với các tác động như khô hạn, biến đổi khí hậu.
Ông Trần Trung Lập, Chủ tịch UBND H.Chợ Mới, cho biết đến chiều tối 22.4 đã có 58 hộ trong vùng đặc biệt nguy hiểm được di dời đến nơi ở tạm. Theo cảnh báo của Trung tâm quan trắc thuộc Sở TN-MT An Giang, sạt lở ăn sâu vào thêm 15 m, chiều rộng 100 m. Vì vậy, huyện huy động lực lượng vũ trang, các ban ngành đoàn thể tiếp tục hỗ trợ 56 hộ dân còn lại và 1 nhà máy di dời tài sản đến nơi ở tạm trong ngày 23.4. Ông Lập cũng cho biết trong phạm vi sạt lở có Trường tiểu học A Mỹ Hội Đông nên UBND huyện đã thống nhất với nhà trường cho đóng cửa điểm trường này để đảm bảo an toàn cho học sinh; đồng thời lên kế hoạch đưa các em đến điểm phụ học tập. Do con đường huyết mạch bị sạt lở gián đoạn nên UBND huyện đang nhanh chóng mở đường mới cho dân đi lại.
TIN LIÊN QUAN
Sạt lở đất nghiêm trọng, 14 căn nhà rơi xuống sông
Vụ sạt lở đất nghiêm trọng với chiều dài 70 m đã làm 14 căn nhà và 2 nền nhà (chưa xây nhà) rơi xuống sông, ước tổng thiệt hại gần 9 tỉ đồng.
Ám ảnh nhà sụp xuống sông
Ngày 23.4, tại hiện trường vụ sạt lở đất, đường vào khu vực này lúc nào cũng có bóng dáng công an, dân quân lập nhiều chốt canh gác gắt gao để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Một anh công an nói: “Chúng tôi nhìn xung quanh mà rùng mình. Đang đứng đây mà xảy ra sạt lở, những căn nhà sập xuống thì đúng là chẳng còn đường nào mà chạy”. Người dân gấp rút dọn dẹp, ai có nhà đúc thì để nhà đó lo dọn tài sản, ai có nhà cây thì được dân quân, bộ đội giúp cạy gỡ từng mảnh ván, miếng tole…
Bà Đoàn Thị Xuân (44 tuổi) ngồi thẫn thờ ngó ra bờ sông, nơi đó có căn nhà đúc mà vợ chồng bà đã ở mấy chục năm nay. Bà nói, đời cha ông cũng sống ở đây nhưng chưa bao giờ vùng này bị sạt lở. Bà Xuân kể lại vào ngày 19.4, dân trong vùng thấy xuất hiện vết nứt kéo dài mấy chục mét ngay chỗ 14 căn nhà vừa sụp nên lo lắm. Nhưng ai cũng nghĩ còn lâu mới lở nhưng không ngờ mới nứt đó, 3 ngày sau đã lở. Bà kể: “Tôi đang nằm trong nhà nghe tiếng gì rung chuyển như động đất. Chưa kịp hiểu gì xảy ra thì nghe tiếng la lớn, lở đất, lở đất. Hoảng hốt, tôi phóng nhanh ra cửa, thảng thốt nhìn thấy 14 căn nhà chuyển động rùng rùng rồi ụp xuống lòng sông mất tăm mất tích”. Bà Xuân nói, chứng kiến cảnh đó bà bị ám ảnh.
Chúng tôi vào nhà ông Phạm Thanh Bư (50 tuổi), cách bờ sông hơn 30 m, nhưng nay ông và người nhà túi bụi dọn tài sản, đồ đạc đi gấp vì nằm trong vùng nguy hiểm. Ông kể, hôm tận mắt thấy 14 căn nhà kiên cố bị nhấn chìm xuống sông ai cũng bàng hoàng. May là xảy ra ban ngày nên còn chạy kịp, nếu ban đêm chắc chết hết…
Thanh Dũng