03/11/2024

Chúa Thánh Thần ban tự do, chứ không phải sự thỏa hiệp, cũng không phải sự cứng nhắc

Đừng quên rằng, đức tin của chúng ta là một đức tin rất cụ thể. Đức tin ấy không có nghĩa là thỏa hiệp, cũng không có nghĩa là những ý tưởng. Đức tin ấy là ơn sủng, là sự tự do mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, để chúng ta tiếp tục loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Thánh lễ sáng 24-4 tại Nhà nguyện Thánh Marta.

 Chúa Thánh Thần ban tự do, chứ không phải sự thỏa hiệp, cũng không phải sự cứng nhắc

 

 

Đừng quên rằng, đức tin của chúng ta là một đức tin rất cụ thể. Đức tin ấy không có nghĩa là thỏa hiệp, cũng không có nghĩa là những ý tưởng. Đức tin ấy là ơn sủng, là sự tự do mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, để chúng ta tiếp tục loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong Thánh lễ sáng 24-4 tại Nhà nguyện Thánh Marta.

 

Cần một đức tin cụ thể

 

Nhiều lúc chúng ta quên rằng đức tin của chúng ta là một đức tin thật cụ thể. Đó là tin vào Ngôi Lời Thiên Chúa trở nên người phàm. Đây không phải là ý tưởng, mà chính Ngài là Thiên Chúa và là một con người bằng xương bằng thịt. Và khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng những điều hết sức cụ thể: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất. Tôi tin kính Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Đức Maria Đồng Trinh. Người chịu nạn, chịu đóng đinh, chịu chết, và ngày thứ ba Người sống lại…” Tất cả những điều ấy đều hết sức cụ thể.

 

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta không nói rằng: “Tôi tin rằng tôi phải làm điều này, tôi phải làm điều kia, tôi phải làm điều nọ…” Không! Đức tin không phải là những thỏa hiệp, cũng không phải là những lý tưởng này nọ. Đức tin rất cụ thể. Sự cụ thể của đức tin mở ra cánh cửa dẫn đến sự chân thật, dẫn đến các mối phúc thật, dẫn đến chứng nhân là các vị tử đạo.

 

Dễ bị mắc kẹt trong các chủ nghĩa

 

Nhiều khi chúng ta bị mắc kẹt trong một thứ chủ nghĩa duy lý duy tâm lý. Không chỉ có thế, còn có nhiều thứ chủ nghĩa khác, như chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa Khai Sáng. Và nhiều lần đã xảy ra như thế trong lịch sử Giáo Hội. Có những loại thần học nói về những điều như: có thể điều này và không thể điều kia, hoặc là, có thể đến mức độ này mức độ nọ.

 

Khi làm như thế, người ta lãng quên sức mạnh và sự tự do đến từ Thần Khí, người ta quên đi sức mạnh tái sinh mà Thánh Thần ban cho chúng ta để giải phóng chúng ta, người ta quên đi các mối phúc thật mà Chúa Giêsu Kitô công bố.

 

Tự do của Thần Khí

 

Gió muốn thổi đâu thì thổi, người ta nghe thấy tiếng gió nhưng không biết gió đến từ đâu và thổi đi đâu. Đó là con đường của những ai được tái sinh trong Thần Khí: nghe được tiếng gọi, đi theo tiếng ấy, đi theo Thần Khí mà không ngừng nghỉ và không biết điểm dừng. Đó là việc chọn lựa vì một đức tin cụ thể và vì được tái sinh trong Thần Khí.

 

Xin cho chúng ta nhận được Thần Khí của Đấng Phục Sinh, để chúng ta vững bước trên đường, không với sự thỏa hiệp, cũng không cứng nhắc, nhưng với hành trang là ơn tự do đến từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa đã trở nên người phàm.  

 

 

 

 

 

Tứ Quyết SJ