03/11/2024

Chúa Nhật II PS A: Tin vào Đức Kitô Phục Sinh

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay làm nổi bật điểm thần học mấu chốt của Kitô Giáo: Đức Giêsu Kitô đã chết và đã phục sinh. Những ai tin vào Người thì được cứu độ, nghĩa là được sự sống đời đời.

 CHÚA NHẬT II PHỤC SINH A

Cv 2,42-47; 1 Pr 1,3-9; Ga 20,19-31

TIN VÀO ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô,

Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31)

 

I. CÁC BÀI ĐỌC

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay làm nổi bật điểm thần học mấu chốt của Kitô Giáo: Đức Giêsu Kitô đã chết và đã phục sinh. Những ai tin vào Người thì được cứu độ, nghĩa là được sự sống đời đời.

 

1. Bài đọc 1

Sau khi Chúa Giêsu về trời, các môn đệ can đảm rao giảng về Đức Giêsu Phục Sinh cách hăng say và xác tín, nhờ đó mà số tín hữu bắt đầu gia tăng (Cv 2,41), tạo nên các cộng đoàn tiên khởi gồm những người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Đoạn sách Công vụ Tông đồ hôm nay mô tả cuộc sống cộng đoàn mẫu mực và lý tưởng của các Kitô hữu tiên khởi đó, trong đó phác hoạ những điểm chính yếu của một cộng đoàn Kitô hữu, đó là lắng nghe lời rao giảng, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện.

Các tín hữu chuyên chăm nghe lời rao giảng và chứng tá của các môn đệ về một Đức Giêsu đã chịu đóng đinh, chịu chết trên thập giá, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại, giải thoát khỏi những đau khổ của cái chết và được đặt làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô (Cv 2,23-24.36). Đức Giêsu mà người ta cho là đã chết như một con người thì các môn đệ khẳng định đó là Đức Chúa, là Đấng vẫn sống và đang sống giữa các tín hữu.

Trong bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu đã cử hành việc bẻ bánh và nhắc các môn đệ hãy tiếp tục việc cử hành này mà tưởng niệm cuộc hiến tế của Người (Lc 22,19; 1 Cr 11,24-25). Chính nhờ việc nghe giảng giải Kinh Thánh và nhất là việc bẻ bánh mà hai môn đệ trên đường Emmau nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh (Lc 24,30-32). Giờ đây, khi Chúa Giêsu đã về trời, các tín hữu tiên khởi tưởng nhớ và cảm nhận sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh ở giữa họ, đồng thời được thông phần sự sống thần linh của Ngài khi họ tham dự lễ bẻ bánh.

Sau nữa, khi cùng chia sẻ niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, các tín hữu cùng hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện, kết hợp mật thiết với nhau trong tình huynh đệ, cũng như chia sẻ của cải vật chất cho nhau; Họ đồng tâm nhất trí trong việc ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến (Cv 2,44-47). Chính niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh đã nối kết các tín hữu và biến đổi họ thành cộng đoàn của yêu thương, hiệp thông và chia sẻ. Đó là một cộng đoàn của những người được cứu độ (Cv 2,47b).

 

2. Bài đọc 2

Tác giả thư thứ nhất Phêrô cất lời ca tụng Thiên Chúa vì nhờ tình thương vô bờ của Ngài, Đấng đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết, mà các tín hữu được ơn tái sinh, nghĩa là được Thiên Chúa ban lại cho sự sống bởi Thần Khí mà Ađam đã đánh mất (Ga 3,3-5; 20,22-23).

Một đàng, nhờ ơn tái sinh trong Đức Kitô Phục Sinh, các tín hữu được lãnh nhận niềm hy vọng sống động. Đó là niềm hy vọng về ơn cứu độ được biểu lộ qua việc phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết. Niềm hy vọng này “sống động” vì dấu hiệu của sự tái sinh (hay ơn cứu độ) chính là sự sống được trao ban cho các tín hữu do lòng thương xót của Thiên Chúa. Đàng khác, ơn tái sinh trong Đức Kitô Phục Sinh cho các tín hữu được hưởng gia tài cao quý. Nếu như đối với Israel gia tài là Đất Hứa, thì đối với Hội Thánh, những người thuộc về Đức Kitô, thì gia tài đó chính là Nước Trời; gia tài này là thứ không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai, chỉ dành cho những ai tin vào Đức Kitô Phục Sinh (1Pr 1,3-5).

Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh là bảo đảm cho các tín hữu niềm hân hoan vui mừng khi họ được ân thưởng trong thời cánh chung, khi Đức Kitô trở lại. Tuy thế, niềm tin đó không miễn cho họ những gian nan thử thách trong cuộc sống hiện tại. Họ cần bày tỏ sự trung tín với Đức Kitô ngay trong những thách đố của cuộc sống đức tin. Chính những gian nan thử thách sẽ tinh luyện đức tin họ, nhờ đó “khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1,7); họ sẽ được “chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, khi họ“nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (1Pr 1,8-9).

 

3. Bài Tin Mừng

Đoạn Tin Mừng Gioan hôm nay mạc khải một vài điểm thần học quan trọng về Đức Kitô Phục Sinh: Người là Đấng đem lại bình an và là Đấng sai các môn đệ ra đi; Người cũng là đối tượng của niềm tin, một niềm tin dẫn tới sự sống đời đời.

Trước hết, Đức Giêsu Phục Sinh là Đấng đem lại bình an. Ba lần trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chúc bình an cho các môn đệ (Ga 20,19.21.26). Bình an ở đây không phải là thứ bình an vì không có gian nan, thử thách, đau khổ nhưng là thứ bình an vì có Chúa Phục Sinh hằng ở cùng. Việc gặp Đức Kitô Phục Sinh không làm cho các môn đệ hết sợ người Do Thái; bằng chứng là tám ngày sau lần hội ngộ đầu tiên cùng Thầy, các môn đệ vẫn lo sợ đóng kín cửa. Và có lẽ đó là lý do để Chúa Phục Sinh khẳng định lại một lần nữa rằng sự hiện diện của Người đem lại “bình an cho anh em” (Ga 20,26).

Tiếp đến, Đức Giêsu Phục Sinh là Đấng sai các môn đệ ra đi, nhờ sức mạnh của Thần Khí, để tiếp tục sứ mạng của Người. Tác giả Tin Mừng thứ tư cho thấy rằng sứ mạng này bắt nguồn từ Chúa Cha: Như Chúa Cha sai Đức Giêsu và ban Thần Khí trên Người (x. Ga 1,32-34), Đức Giêsu cũng sai các môn đệ (x. Ga 17,18) và ban Thần Khí trên các ông (Ga 20,22). Cũng như Thiên Chúa đã ban sự sống bằng cách thổi sinh khí vào con người (St 2,7; Ed 37,5.9), Đức Kitô Phục Sinh cũng “thổi hơi” mà ban Thần Khí cho các môn đệ. Các ông nhận lấy Thần Khí của Người để được hiệp thông vào quyền năng mang lại sự sống Thần Khí cho những ai tin vào Người nhờ sứ mạng của các ông. Bóng dáng Chúa Ba Ngôi in đậm trong sứ mạng của các môn đệ.

Sau nữa, Tin Mừng thứ tư nhấn mạnh rằng Đức Kitô Phục Sinh là đối tượng của niềm tin và nhờ tin mà được sự sống đời đời. Niềm tin khởi đầu với việc thấy; Thấy mới tin: Khi được Đức Giêsu Phục Sinh “choxem tay và cạnh sườn” của Người, các môn đệ “vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20); rồi các ông khoe với Tôma, người vắng mặt hôm đó, rằng họ đã “được thấy Chúa” (Ga 20,25). Trong khi đó Tôma còn đi xa hơn; ông không những đòi hỏi phải “được thấy”, mà còn phải “được sờ” những vết thương của Đức Kitô Phục Sinh thì mới tin.

Nếu Đức Kitô Phục Sinh bảo Tôma “đừng cứng lòng, nhưng hãy tin” sau khi cho ông “được thấy, được sờ”, thì Người lại tha thiết mời gọi và chúc phúc cho những ai “tin” mà không đòi hỏi phải “được thấy”. Từ nay trở đi, đức tin không dựa trên những kinh nghiệm cụ thể về Đức Kitô Phục Sinh hiện ra, nhưng trên lời chứng của các Tông Đồ là những người đã thấy. Tin Mừng thứ tư khép lại với lời tuyên tín quan trọng, như là một tóm kết chủ đạo cho toàn bộ Tin Mừng thứ tư, rằng tất cả những ai tin vào Đức Kitô Phục Sinh thì sẽ “nhờ tin mà được sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).

 

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1/ Tin Mừng thứ tư khẳng định rằng ai tin vào Đức Kitô Phục Sinh thì sẽ nhờ tin mà được sự sống. Tôi có thật sự tin vào Đức Kitô Phục Sinh? Tôi có xác tín rằng niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh sẽ mang lại cho tôi sự sống vĩnh cửu? Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh tác động thế nào trên cuộc sống hiện tại của tôi và trên việc chọn lựa mục tiêu tối hậu cho cuộc đời tôi? Tôi có sẵn sàng để cho sự sống của Đức Kitô Phục Sinh biến đổi tôi hàng ngày không?

2/ Thư thứ nhất Phêrô nói đến niềm “hân hoan vui mừng”, mặc dù còn phải chịu “ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1Pr 1,6). Tôi có xác tín vào niềm “hân hoan vui mừng” mà Chúa Phục Sinh sẽ mang lại cho tôi khi Người trở lại? Tôi có sẵn sàng đón nhận những “ưu phiền ít lâu” trong niềm tin và sự phó thác cho sự quan phòng của Đấng Phục Sinh?

3/ Theo sách Công vụ Tông đồ, Đức Kitô Phục Sinh là điểm quy chiếu và hiệp thông của các tín hữu tiên khởi qua việc nghe các môn đệ rao giảng, tham dự lễ bẻ bánh, cầu nguyện và chia cơm sẻ áo. Tôi có khao khát hiệp thông với Đức Kitô Phục Sinh qua việc tham dự Thánh Lễ? Đức Kitô Phục Sinh có là sợi dây nối kết tôi với anh chị em xung quanh tôi? Tôi có sẵn sàng chia sẻ vật chất và tinh thần với những người đang cần đến vì Đức Kitô Phục Sinh?

 

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại, Người luôn hiện diện giữa các môn đệ để ban bình an và củng cố đức tin cho các ông. Đức Kitô Phục Sinh chính là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chúng ta cùng chúc tụng Chúa và hiệp ý cầu nguyện:

1. Chúa Giêsu phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các mục tử trong Hội Thánh được tràn đầy Thánh Thần của Chúa Phục Sinh để các ngài chu toàn sứ mạng dẫn dắt đoàn chiên Chúa trao phó.

2. Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh đưa con người đến sự sống đời đời. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc và quốc gia trên thế giới còn xa lạ với đức tin Kitô giáo, được nghe loan báo niềm vui Tin Mừng và tin nhận Đức Kitô là sự thật và là sự sống.

3. Các tín hữu tiên khởi luôn đồng tâm nhất trí với nhau. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu luôn sống hòa thuận và hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và lòng mến, để luôn là chứng tá sống động của lòng thương xót Chúa giữa thế giới hôm nay.

4. “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta dù không được thấy Chúa nhưng biết nhận ra hình ảnh của Người nơi tha nhân, để đức tin ngày càng được củng cố qua đời sống yêu thương phục vụ.

Chủ tế: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần giúp chúng con luôn can đảm và hăng hái làm nhân chứng cho Đức Kitô Phục Sinh giữa thế giới hôm nay. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.