10/01/2025

Monsanto là ai?

Một tháng trước khi Toà án quốc tế về Monsanto ở La Haye kết luận Monsanto huỷ diệt môi trường, toà án liên bang California, Mỹ đã công bố “hồ sơ Monsanto” gây chấn động dư luận.

 MONSANTO HUỶ DIỆT MÔI TRƯỜNG – KỲ 2:

Monsanto là ai?

Một tháng trước khi T án quốc tế về Monsanto ở La Haye kết luận Monsanto huỷ diệt môi trường, toà án liên bang California, Mỹ đã công bố “hồ sơ Monsanto” gây chấn động dư luận. 

 

 

 

 

Monsanto là ai?
Biểu tình phản đối sử dụng hoạt chất glyphosate trong nông nghiệp tại Berlin vào tháng 2-2017 – Ảnh: DPA

Hồ sơ chứng minh từ năm 1999, Monsanto đã biết rõ thuốc diệt cỏ Roundup là chất độc hại gây ung thư.

Từ ngày thành lập đến nay, Tập đoàn hoá chất Monsanto đã mang nhiều tai tiếng về sản xuất các chất độc hại.

Từ đường hoá học đến thuốc diệt cỏ

Năm 1901, ông John Francis Queeny đã bỏ tiền túi 1.500 USD và vay thêm 3.500 USD để thành lập công ty tại Saint-Louis (bang Missouri của Mỹ). Công ty mang tên Monsanto để nhớ đến vợ ông tên Olga Mendez Monsanto.

Ban đầu Monsanto chỉ sản xuất đường hoá học và là nhà sản xuất đầu tiên ở Mỹ về sản phẩm này. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, các nhà khoa học làm cho Monsanto đã từng tham gia dự án Manhattan về sản xuất bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.

Năm 1959, Monsanto thành lập bộ phận nông nghiệp chuyên sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật và bắt đầu sử dụng hoạt chất 2, 4, 5-T (axit trichlorophenoxyacetic) để sản xuất thuốc diệt cỏ Lasso.

Thuốc diệt cỏ của Monsanto nổi danh với tên gọi là “tác nhân da cam”, sau này được bán cho quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1961-1971 trong chiến tranh Việt Nam.

Năm 1969, Viện Y tế quốc gia Mỹ từng công bố công trình nghiên cứu trên chuột chứng minh hoạt chất 2, 4, 5-T rất độc hại.

Đến năm 1974, Monsanto đưa ra thị trường sản phẩm Roundup, thuốc diệt cỏ đầu tiên có nguồn gốc hoạt chất glyphosate. Năm 1982, Monsanto chuyển sang nghiên cứu cây biến đổi gen và 14 năm sau đã giới thiệu giống biến đổi gen đầu tiên kháng thuốc diệt cỏ Roundup. Đó là giống đậu nành Roundup Ready (RR).

Hiện nay, theo tài liệu của Monsanto, doanh nghiệp này chuyên về hạt giống cây trồng, công nghệ sinh học cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật. Monsanto có 21.183 nhân viên với 404 cơ sở trên 66 quốc gia, chỉ riêng tại Mỹ đã có 10.277 nhân viên với 146 cơ sở tại 33 bang.

Vị giáo sư làm bẽ mặt Monsanto

Một tháng trước khi T án quốc tế về Monsanto công bố kiến nghị pháp lý kết luận Monsanto huỷ diệt môi trường, ngày 16-3, tòa án liên bang California đã giải mật hơn 250 trang thư từ nội bộ của Monsanto (còn gọi là “hồ sơ Monsanto”).

Tài liệu chứng minh từ năm 1999, Monsanto đã lo ngại khả năng chất glyphosate (chất chính trong thuốc diệt cỏ Roundup) có thể đột biến gen. Đây là hoạt chất diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất thế giới, có trong hơn 750 sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, đô thị và gia dụng.

Năm 1999, Monsanto quyết định mở chiến dịch nghiên cứu khoa học quy mô nhằm chứng minh với các cơ quan chức năng châu Âu rằng glyphosate không gây độc nhiễm sắc thể. Người mà Monsanto nhờ vả là giáo sư James Parry ở Đại học Swansea (Anh), chuyên gia nghiên cứu các chất độc hại.

Lúc bấy giờ ông Mark Martens, giám đốc về độc chất học của Monsanto ở châu Âu và châu Phi, được giao nhiệm vụ o bế giáo sư James Parry để làm sao có được một báo cáo bùi tai. Nào dè vị giáo sư nọ lại bày tỏ lo ngại về glyphosate và đề nghị tiếp tục thử nghiệm thêm.

Trong quá trình nghiên cứu các tế bào máu của bò và người, giáo sư James Parry kết luận: glyphosate có hoạt tính bất thường nhiễm sắc thể về cấu trúc trong ống nghiệm. Chất có hoạt tính bất thường này là tác nhân đột biến có thể phá vỡ ADN, gây độc nhiễm sắc thể và như vậy có thể dẫn đến đột biến gây ung thư.

Trong nội bộ Monsanto đã có nhiều ý kiến bài bác kết luận của giáo sư James Parry. Tháng 9-1999, một nhà khoa học về độc chất làm việc trong Monsanto viết cho đồng nghiệp: “Parry không phải là người như ta nghĩ, đừng mất thời gian, đôla và nghiên cứu dành cho ông ấy nữa”.

Thư khác của một cán bộ công ty viết: “Chúng ta mong muốn người nào đó rành về vấn đề gây độc nhiễm sắc thể của glyphosate/Roundup và có ảnh hưởng đến các nhà điều phối, hoặc dẫn dắt các chiến dịch truyền thông khoa học đối với công chúng để dỡ bỏ vấn đề gây độc nhiễm sắc thể của glyphosate”. Rốt cuộc báo cáo của giáo sư James Parry gửi cho Monsanto đã bị ém nhẹm.

WHO cũng sợ glyphosate

Kết luận của giáo sư James Parry chính là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu ung thư thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được công bố 16 năm sau. Tháng 3-2015, trung tâm thông báo đã xếp ba loại hoá chất trừ sâu vào hạng 2A, tức hạng “có khả năng gây ung thư”, bước cuối cùng trước khi xếp vào hạng “chắc chắn gây ung thư”. Đó là diazinon, malathion và glyphosate.

Sau khi biết thông báo này, hàng trăm công nhân nông nghiệp đã kiện Monsanto ra tòa án liên bang ở bang California. Họ cho rằng họ mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết là do tiếp xúc với thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto. Từ đó tòa mới giải mật “hồ sơ Monsanto”.

Trong khi đó, Monsanto tiếp tục bác bỏ nghiên cứu của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu ung thư, đồng thời khẳng định các cơ quan chức năng đều đánh giá glyphosate an toàn. Ví dụ giữa tháng trước, Cơ quan H chất châu Âu (ECHA) đã phát thông báo khẳng định glyphosate không gây ung thư. Khoảng 60 tổ chức bảo vệ môi trường phẫn nộ chỉ ra rằng nhiều chuyên gia trong Ủy ban Thẩm định nguy cơ của ECHA hưởng hai đầu lương, vừa làm việc cho ECHA vừa làm cho các doanh nghiệp hóa chất.

Giáo sư James Parry đã qua đời năm 2010 nên không thể cho ý kiến gì nữa. Tòa án quốc tế về Monsanto ghi nhận hiện nay không có công cụ pháp lý nào để có thể truy tố hình sự một doanh nghiệp như Monsanto hay các nhà lãnh đạo Monsanto. Vì thế chỉ có áp dụng quy trình tố tụng dân sự mới có thể yêu cầu Monsanto bồi thường cho các nạn nhân.

Ngày 21-4, hai nghị sĩ châu Âu Eric Andrieu người Pháp và Marc Tarabella người Bỉ, thành viên Uỷ ban Nông nghiệp nghị viện châu Âu, thông báo sẽ đưa đề nghị thành lập uỷ ban điều tra đối với Monsanto ra bàn trong cuộc họp của Uỷ ban Nông nghiệp vào ngày 2 và 3-5.

Sau khi “hồ sơ Monsanto” được công bố vào giữa tháng 3-2017, 29 nghị sĩ châu Âu đã cùng ký tên trong thư gửi Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker đề nghị không tiếp tục cấp phép lưu hành đối với hoạt chất glyphosate trong phạm vi Liên minh châu Âu.

Thư chưa nhận được hồi đáp nên mới có ý kiến đề nghị thành lập uỷ ban điều tra.

 

TRẦN NGỌC LONG