Rác thải được tập kết trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.HCM khiến người dân và khách du lịch đi qua phải nín thở. Chưa kể, rác đã vận chuyển đi nhưng
Ám ảnh tập kết rác ở trung tâm TP.HCM
Rác thải được tập kết trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.HCM khiến người dân và khách du lịch đi qua phải nín thở. Chưa kể, rác đã vận chuyển đi nhưng nước rác và mùi hôi ở lại làm ô nhiễm cả khu vực…
Rác tứ phía
Các điểm tập kết rác lộ thiên gây rất nhiều bức xúc, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người dân
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế – Ngân sách – HĐND TP.HCM
Mỗi chiều đến, người dân và khách du lịch đi dạo, tập thể dục trong công viên 23.9 (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) để tìm chút không khí mát mẻ, nhưng cứ phải thường xuyên nín thở bởi cả chục xe rác được tập kết dọc trên đường Lê Lai. Chốc chốc, những chiếc xe máy chạy sát vỉa hè để tránh xe buýt, ô tô thì người điều khiển xe phải “thưởng thức” trọn mùi hôi nồng nặc từ những chiếc xe rác.
Tại vòng xoay đường Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh, ngay cổng vào bến xe buýt công viên 23.9 có một dãy dài các xe rác được tập kết vào mỗi chiều. Giờ tan tầm, học sinh, sinh viên ra vào bến tấp nập, mùi hôi từ xe rác khiến mọi người khổ sở, nhiều người phải chạy thật nhanh qua đoạn đường có mùi hôi thối kinh hoàng này.
Trên đường Trần Hưng Đạo, đoạn giao với đường Bùi Viện (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1), hằng đêm nhiều xe rác cũng tập kết về để chờ xe chuyên dụng đến chở đi. 22 giờ ngày 16.4, một người đàn ông đang mải miết bới tung rác đầy tràn từ 2 xe rác để nhặt nhạnh ve chai, phế thải. Đủ loại rác thải văng tung tóe, nước dơ chảy khắp nơi và đặc biệt, sau khi xe chuyên dụng đã chở rác đi thì mùi hôi, nước bẩn vẫn còn tồn đọng trên đoạn đường này. Vậy là bất kể ngày đêm, người dân ở đây và du khách đi ngang đều bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối.
Còn tại khu vực công viên Bạch Đằng (P.Bến Nghé, Q.1), xe rác tập trung nhiều nhất ở Công trường Mê Linh mặc dù xung quanh là các tòa nhà cao ốc, văn phòng, nhà hàng… Các du khách nước ngoài đi bộ, tự khám phá trung tâm TP.HCM đều lãnh đủ mùi hôi, sự ô nhiễm không khí từ các xe rác này. Nước bẩn tồn đọng ở những ổ gà, vùng trũng trên mặt đường khiến mùi hôi càng dai dẳng.
Xe rác tập kết thành hàng dài trên đường Lê Lai, Q.1, cạnh công viên 23.9. Ảnh chụp chiều 20.4ẢNH NGỌC DƯƠNG
Khoảng 16 giờ ngày 20.4, trên đường Trần Đình Xu (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1), hàng trăm phụ huynh đậu xe máy dọc tuyến đường này để chờ đưa rước con nhỏ từ một trường học. Chen lẫn cùng dòng người, xe máy là… hai chiếc xe đầy tràn rác nằm tập kết ngay đó. Nước bẩn chảy rỉ xuống đường, mùi hôi nồng nặc… khiến các phụ huynh như ngộp thở.
Ngày 21.4, theo ghi nhận của Thanh Niên, ngay giữa đầu hẻm 79 Bàn Cờ, P.3 (Q.3) xuất hiện 4 thùng rác “lộ thiên” bốc mùi hôi thối. Điều đáng nói, ngay phía trên có treo băng rôn “xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, để vật dụng, hàng hóa, đậu xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…”, nhưng từ trưa đến chiều cùng ngày, các thùng rác này vẫn “án binh bất động” (!). Khu vực này đường nhỏ hẹp, nhà cửa san sát nên việc đi lại hết sức khó khăn, không gian càng thêm ngột ngạt.
Điểm tập kết rác bị thả nổi
Theo ông Cao Hồng Việt – Phó chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão, các điểm tập kết rác mà Thanh Niên phản ánh hiện chịu sự điều phối, quản lý trực tiếp của Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.1 trong quy trình thu gom, vận chuyển rác thải. “Chúng tôi đã từng tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân khi tại các điểm tập kết rác có rác thải ứ đọng, bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Phường sẽ có văn bản kiến nghị đơn vị chức năng có giải pháp khắc phục triệt để”, ông Việt nói.
Trên địa bàn TP.HCM hiện mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Xử lý khối lượng rác khổng lồ này, UBND TP.HCM phân cấp cho UBND 24 quận, huyện quản lý và thực hiện tổ chức thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn mình quản lý. Quy trình, phương tiện thu gom, vận chuyển cũng “mỗi nơi một kiểu”. Việc thu gom rác từ khu dân cư, phần lớn do các đường dây rác dân lập đảm trách, đưa về điểm tập kết; còn các công ty dịch vụ công ích quận, huyện (trực thuộc UBND quận, huyện) lo vận chuyển từ điểm tập kết đến bãi rác xử lý tập trung. Tuy nhiên, chính việc “cắt khúc” quản lý này phát sinh ra nhiều bất cập. Do 2 khâu này thiếu phối hợp chặt chẽ và “không khớp nhau” nên rác thải bị ứ đọng thời gian dài trên đường phố.
Xe rác được tập kết trước một trường tiểu học nằm trên đường Trần Đình Xu (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1)ẢNH: TRÁC RIN
Thế nhưng, hầu hết các quận, huyện hiện chưa có quy hoạch điểm tập kết rác mà gần như thả nổi điểm tập kết. Trả lời Thanh Niên, ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM, nhìn nhận: “Các điểm tập kết rác lộ thiên gây rất nhiều bức xúc, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người dân”. Cũng theo ông Bình, thực tế có chuyện dễ dãi trong việc tập kết rác, bởi đa phần cứ thấy chỗ nào tiện là tập kết, thay vì phải chọn địa điểm phù hợp hơn, kín đáo, có che chắn để vừa tránh gây ùn tắc giao thông, vừa hạn chế ô nhiễm lây lan.
“TP.HCM phải mạnh tay chế tài các công ty dịch vụ công ích quận, huyện để tái diễn vấn đề này vì đơn vị anh được giao đảm bảo môi trường trên địa bàn thì không thể nào chấp nhận chuyện gây ra ô nhiễm kéo dài”, ông Bình đề nghị.
Rác tập kết thời gian dài trên đường phố còn do thiếu xe chuyên dụng chở rác. Theo ông Bình, qua giám sát của HĐND TP cho thấy, sở dĩ có chuyện “lệch giờ” thu gom là vì thiếu phương tiện vận chuyển từ điểm tập kết đến bãi rác tập trung. Có quận, huyện chỉ vài ba chiếc xe chuyên dụng nên xe rác dân lập tập kết rất lâu, sau đó xe chuyên dụng mới đến thu gom chở đi.
Ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch UBND Q.3, cũng thừa nhận “để rác lộ thiên như vậy là không thể chấp nhận được”. Ông Thái cho biết Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.3 hiện chỉ có 7 xe chuyên dụng chở rác. Số xe này vừa ít, vừa cũ nên không đáp ứng được yêu cầu chở rác từ điểm tập kết đến bãi xử lý rác tập trung một cách kịp thời. “Chúng tôi đã mời các chuyên gia tính toán tìm phương án giải quyết, trong đó có phương án ngầm hoá điểm tập kết để đảm bảo mỹ quan, tránh gây ô nhiễm…”, ông Thái nói. Về phía TP, ông Bình thông tin: “HĐND TP.HCM vừa có đợt giám sát vấn đề này để phục vụ cho kỳ họp chuyên đề về công tác xử lý rác thải vào đầu tháng 5 tới. Kỳ họp sẽ ra nghị quyết phân định rõ trách nhiệm”.
Đấu thầu lựa chọn dịch vụ đồng bộ
Theo Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa, TP đã nhận diện những bất cập hiện nay trong vấn đề thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ nội thành ra bãi xử lý rác tập trung ở ngoại thành. Trên địa bàn TP có hàng trăm đường dây thu gom rác dân lập, liên quan đến đời sống mưu sinh của hàng ngàn hộ gia đình. TP đã có lộ trình giải quyết vấn đề này nhằm vừa đảm bảo an sinh xã hội cho những hộ gia đình có liên quan, vừa tránh được chuyện “chia nhỏ” địa bàn thu gom khiến ô nhiễm phát sinh… Trước mắt, hướng TP xử lý là ký hợp đồng đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện cung ứng dịch vụ đồng bộ từ vấn đề thời gian đến phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT khẳng định Sở sẽ rà soát lại hơn 1.000 điểm tập kết rác hiện hữu trên toàn địa bàn TP; phối hợp các quận, huyện điều chỉnh, lựa chọn vị trí phù hợp, kín đáo để giải quyết sớm các điểm tập kết “lộ thiên”.