02/11/2024

Nữ tiến sĩ Quả cầu vàng

Ngoài 30 tuổi, Trương Hải Nhung đã có bằng tiến sĩ ngành sinh lý người và động vật. Đồng thời chị là tác giả của 16 công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế, 10 công trình đăng trên tạp chí trong nước, 8 báo cáo tại hội nghị quốc tế.

Nữ tiến sĩ Quả cầu vàng

 Ngoài 30 tuổi, Trương Hải Nhung đã có bằng tiến sĩ ngành sinh lý người và động vật. Đồng thời chị là tác giả của 16 công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế, 10 công trình đăng trên tạp chí trong nước, 8 báo cáo tại hội nghị quốc tế.

 

 

 

Nữ tiến sĩ Quả cầu vàng
TS Trương Hải Nhung trong phòng thí nghiệm – Ảnh: nhân vật cung cấp

Mình luôn đấu tranh nội tâm dữ lắm, luôn tự hỏi bản thân đã làm tròn trách nhiệm chưa? Trách nhiệm của một người nghiên cứu, một giảng viên và trách nhiệm với gia đình. Và mình học cách chia sẻ thời gian sao cho mỗi bên có thể tròn trịa nhất mặc dù chưa bao giờ là đủ cả

TS Trương Hải Nhung

Trong năm 2016, chị Nhung (hiện là phó khoa sinh học – công nghệ sinh học và phó phòng PTN nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM) là người đã nhận giải thưởng Quả cầu vàng ở lĩnh vực công nghệ sinh học.

Vào phòng lab… 
rửa ống nghiệm

Chọn công nghệ sinh học sau khi hai lần rớt trường y, Nhung càng bị ngành này thu hút và chị luôn nỗ lực vào top những sinh viên giỏi. Cô sinh viên trẻ đã dồn hết vào những giờ giảng, thí nghiệm trên lớp. Năm thứ hai đại học, Nhung và một người bạn viết “tâm thư” xin vào làm ở phòng lab của trường. “Liều lắm nhưng mình thích quá nên cứ xin” – chị Nhung nhớ lại.

ThS Phan Kim Ngọc, trưởng phòng PTN nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc là người trực tiếp nhận “tâm thư” của Nhung, chia sẻ: “Lần đó thấy Nhung ốm yếu tôi có cảm giác không ổn về sức khỏe nên nói “cho xong chuyện” rằng hãy nghĩ thật kỹ bởi công việc này thực sự vất vả, phải làm cả ngày cả đêm, hơn nữa đây là lĩnh vực mới và rất khó”.

 

Nhưng chính sự quyết tâm của Nhung đã chinh phục được thầy Ngọc và cô được nhận vào phòng lab để… rửa ống nghiệm và đứng xem các bậc tiền bối làm việc. Những ngày tháng đầu tiên đó trở thành khoảng thời gian thắp lửa đam mê và mang đến cho Nhung nhiều cơ hội với nghề.

Ngày tốt nghiệp đại học, cô được giữ lại trường làm việc với tấm bằng loại giỏi, rồi tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ và gắn bó với phòng lab. “Nhìn bạn bè ra trường, đi làm các nơi khác lương cao, đôi khi mình cũng chạnh lòng lắm. Nhưng công việc nghiên cứu chưa bao giờ khiến mình hối tiếc, ở đây có những đồng nghiệp luôn tận tâm, có những niềm vui mà ngoài kia sẽ không có được” – Nhung quả quyết.

Năm 2014-2016, Nhung là chủ nhiệm đề tài nhánh và thư ký đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu phân lập và sử dụng tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư vú”. Đề tài này nhằm phân lập và ứng dụng tế bào miễn dịch vào điều trị ung thư vú.

Đây là một công trình có nhiều phát hiện mới và mang tính đột phá. Liệu pháp tế bào miễn dịch tuy không phải là vấn đề quá mới, nhưng nghiên cứu này đề xuất đích tác động mới trong điều trị ung thư vú. Đề tài đang được đề xuất thử nghiệm lâm sàng để có thể sớm ứng dụng vào điều trị.

Hiện tại Nhung tập trung vào nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh lý xơ gan.

“Xơ gan là một trong những bệnh gây tử vong cao và cho đến hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào điều trị thật sự hiệu quả như mong đợi. Nghiên cứu của chúng tôi bước đầu đã chỉ ra được tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp tế bào gốc trong điều trị xơ gan thực nghiệm trên động vật. Tôi hi vọng trong thời gian sắp tới, liệu pháp này sẽ được nghiên cứu thử nghiệm rộng rãi trên người bệnh” – TS Nhung chia sẻ.

Vượt qua những điều 
khó nhất của phụ nữ

Hơn chục năm lăn lộn với nghề, gần bảy năm lập gia đình, Nhung trở thành một người phụ nữ khác. Khác là bởi Nhung của hôm nay mang trên mình nhiều trọng trách: một người nghiên cứu khoa học, một người vợ và một người mẹ của cậu con trai 5 tuổi.

Với chị, điều khó khăn nhất ở một phụ nữ nghiên cứu khoa học khi đã có gia đình chính là quỹ thời gian không đủ. Không còn những đêm ngủ lại phòng thí nghiệm, không còn thời gian vô tư như thời còn độc thân: “Mình luôn đấu tranh nội tâm dữ lắm, luôn tự hỏi bản thân đã làm tròn trách nhiệm chưa? Trách nhiệm của một người nghiên cứu, một giảng viên và trách nhiệm với gia đình. Và mình học cách chia sẻ thời gian sao cho mỗi bên có thể tròn trịa nhất mặc dù chưa bao giờ là đủ cả”.

Cũng có lúc cuộc sống bận rộn khiến cô mệt nhoài, những trọng trách đè nặng lên vai khiến nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học chậm lại. Chị so sánh hình ảnh mình 10 năm trước và hiện tại: nếu như thời độc thân cô một mình một ngựa cứ thẳng đường mà đi thì lúc có gia đình phải “bận tâm” thêm nhiều thứ khác.

Thành ra cũng đích đến là những công trình nghiên cứu khoa học nhưng mọi thứ phải chậm lại hơn trước một chút. “Nhiều lúc mình nghĩ có gia đình thì… mệt thiệt. Nhưng thực ra đó là trách nhiệm chứ không phải áp lực gì cả. Mình tự lựa chọn con đường này thì khó khăn hay không là ở bản thân”.

Khoảng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi trong lịch trình nghiên cứu dày đặc cô dành hết cho gia đình, ngôi nhà nhỏ ngoại thành là nơi để cô cân bằng những cảm xúc trong cuộc sống. Ở đó có cha mẹ, người chồng và cậu con trai 5 tuổi.

Với cô về bên gia đình là giải phóng hết mọi việc để toàn tâm toàn ý với những niềm vui bình dị: “Phụ nữ hiện đại có nhiều lựa chọn hơn. Có người thích sống độc thân, nhưng cũng nhiều người muốn có một gia đình nhỏ để trở về. Mình thuộc vế thứ hai nên phải học cách cân bằng giữa công việc và gia đình, kiểu như cố gắng “vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà” ấy”.

Bây giờ một ngày mới của Nhung bắt đầu với cậu con trai, lo cho con ăn uống, đến trường rồi sau đó tiếp tục công việc nghiên cứu như tâm sự của cô: “Mình phải lo cho khéo thì mới yên tâm làm việc được, không thì áy náy lắm”.

Giải thưởng khoa học kỹ thuật thanh niên mang tên Quả cầu vàng được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2003, do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức nhằm vinh danh 10 tài năng trẻ xuất sắc nhất về khoa học kỹ thuật có độ tuổi không quá 35. Những năm trước đây giải thưởng chỉ triển khai duy nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Năm 2011, giải thưởng được mở rộng xét trao cho bốn lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y – dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường.

Năm 2016, tên gọi của giải thưởng KHKT thanh niên Quả cầu vàng được đổi thành giải thưởng Khoa học công nghệ (KHCN) thanh niên Quả cầu vàng và mở rộng thêm lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

KHÁNH HƯNG