12/01/2025

Lòng tin nảy sinh từ sự sống lại của Chúa Kitô

Chúa Kitô Phục Sinh là niềm hy vọng của chúng ta. Lộ trình niềm tin của Kitô giáo nảy sinh từ biến cố Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại, hiện ra với Phêrô và Đoàn Tông đồ. Đức tin Kitô nảy sinh sáng ngày Lễ Phục Sinh. Là Kitô hữu có nghĩa là khởi hành từ tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng cái chết.

 Lòng tin nảy sinh từ sự sống lại của Chúa Kitô

 

 

ĐTC Phanxicô chào tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thừ tư 19-4-2017 – AFP

Chúa Kitô Phục Sinh là niềm hy vọng của chúng ta. Lộ trình niềm tin của Kitô giáo nảy sinh từ biến cố Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại, hiện ra với Phêrô và Đoàn Tông đồ. Đức tin Kitô nảy sinh sáng ngày Lễ Phục Sinh. Là Kitô hữu có nghĩa là khởi hành từ tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng cái chết.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hằng tuần sáng thứ tư 19-4-2017.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã giải thích ý nghĩa 5 câu đầu chương 15 thư thứ nhất Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, viết: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai.” (1 Cr 15,1-5).

ĐTC nói: Dưới ánh sáng Lễ Phục Sinh mà chúng ta đã cử hành trong phụng vụ, trong lộ trình giáo lý về niềm hy vọng Kitô, tôi muốn nói về Chúa Kitô Phục Sinh là niềm hy vọng của chúng ta, như Thánh Phaolô trình bày trong chương 15 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô.

Thánh Tông đồ muốn giải quyết một vấn đề chắc chắn là trọng tâm các thảo luận trong cộng đoàn Côrintô. Sự sống lại là đề tài sau cùng nhưng theo trật tự quan trọng lại là đề tài đầu tiên, vì tất cả đều dựa trên giả thiết này.

Khi nói với các Kitô hữu, thánh nhân khởi hành từ một dữ kiện không thể chối cãi được. Nó không phải là kết quả suy tư của một người khôn ngoan, nhưng là một sự kiện, một sự kiện đơn thuần đã can thiệp vào cuôc sống của vài người. 

ĐTC khẳng định:

Kitô giáo nảy sinh từ đó. Nó không phải là một ý thức hệ, nó không phải là một hệ thống triết lý, nhưng là một con đường lòng tin khởi hành từ một biến cố được các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu làm chứng. Thánh Phaolô tóm tắt nó như thế này: “Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta, đã được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại và hiện ra với Phêrô và Nhóm Mười Hai.” (1 Cr 15,1-5). Đây là sự kiện. Ngài đã chết, đã được mai táng, đã sống lại, đã hiện ra. Nghĩa là Chúa Giêsu sống. Đây là hạt nhân của sứ điệp Kitô.

Khi loan báo biến cố này là nhân tố chính của đức tin, Phaolô nhấn mạnh trên yếu tố cuối cùng của Mầu nhiệm Vuợt qua, nghĩa là của sự kiện Chúa Giêsu đã sống lại. Thật thế, nếu tất cả đã kết thúc với cái chết, nơi Ngài chúng ta sẽ có môt thí dụ của sự tận hiến tột cùng, nhưng điều này không thể sinh ra niềm tin của chúng ta. Ngài đã là một anh hùng. Không! Ngài đã chết, nhưng đã sống lại. Bởi vì đức tin nảy sinh từ sự phục sinh. Chấp nhận rằng Chúa Kitô đã chết và chết trên thập giá không phải là một hành động của lòng tin, nó là một sự kiện lịch sử. Trái lại, tin rằng Ngài đã sống lại là hành động của lòng tin. Niềm tin của chúng ta nảy sinh vào sáng ngày lễ Phục Sinh. Thánh Phaolô đã liệt kê một danh sách các người đã được Chúa Giêsu hiện ra (cc. 5-7). Ở đây chúng ta có một tổng kết của tất cả các trình thuật phục sinh và tất cả những người đã bước vào việc tiếp xúc với Đấng Phục Sinh. Đứng đầu danh sách là Kêpha, tức Phêrô, và Nhóm Mười Hai, rồi tới “500 anh em” mà nhiều người còn có thể làm chứng, rồi đến Giacôbê. Đứng chót trong danh sách như là kẻ bất xứng nhất – là chính Phaolô, ngài nói về mình như “một bào thai bị phá” (c.8).

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nói: Thánh Phaolô dùng kiểu diễn tả này, bởi vì lịch sử cá nhân của ngài thật là thê thảm: ngài đã không phải là một chú bé giúp lễ. Ngài đã là một người bách hại Giáo Hội, kiêu căng vì các xác tín riêng của mình; thánh nhân cảm thấy mình là một người thành đạt, với một tư tưởng rất trong sáng về cuộc sống với các bổn phận của ngài. Nhưng trong khung cảnh toàn vẹn đó – tất cả đã toàn vẹn nơi Phaolô, ngài biết tất cả – trong khung cảnh hoàn thiện đó của cuộc sống, một ngày kia xảy ra điều tuyệt đối không thể thấy trước được: đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh, trên đường đến thành Damasco. Ở đó đã không chỉ có một người ngã xuống đất: đã có một người bị túm lấy bởi một biến cố đảo lộn ý nghĩa của cuộc sống. Và kẻ bách hại trở thành tông đồ, tại sao? Bởi vì tôi đã trông thấy Chúa Giêsu sống! Tôi đã trông thấy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh! Đây là nền tảng đức tin của Phaolô, cũng như của các Tông đồ khác, cũng như của giáo Hội, cũng như đức tin của chúng ta. 

ĐTC định nghĩa Kitô giáo:

Thật đẹp biết bao khi nghĩ rằng Kitô giáo một cách nòng cốt là điều này! Nó không phải là việc chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa – một cuộc kiếm tìm không chắc chắn – cho bằng là việc Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta. Chúa Giêsu đã cầm lấy chúng ta, đã tóm lấy chúng ta, đã chinh phục chúng ta để không bỏ chúng ta ra nữa. Kitô giáo là ơn thánh, là sự kinh ngạc và vì lý do đó nó giả thiết một con tim có khả năng kinh ngạc. Một con tim đóng kín, một con tim duy lý trí không có khả năng kinh ngạc, nó không thể hiểu được Kitô giáo là gì. Bởi vì Kitô giáo là ơn thánh, và ơn thánh chỉ có thể được nhận thức: còn hơn thế nữa, nó gặp gỡ trong sự kinh ngạc của cuộc gặp gỡ.

Và khi đó cả khi chúng ta tội lỗi – tất cả chúng ta đều tội lỗi – nếu các ý hướng sự thiện của chúng ta đã chỉ ở trên giấy tờ, hay nếu khi nhìn vào cuộc sống chúng ta nhận ra đã có biết bao nhiêu thất bại… Vào sáng ngày Phục Sinh, chúng ta có thể làm như những người Tin Mừng nói đến: đi ra mộ Chúa Kitô, trông thấy phiến đá bị lật đổ và nghĩ rằng Thiên Chúa đang thực hiện cho tôi, cho tất cả chúng ta, một tương lai không chờ đợi. Đi tới mộ của chúng ta, tất cả chúng ta đều có một cái mộ nhỏ bên trong. Đi đến đó và trông thấy Thiên Chúa có khả năng sống lại từ đó như thế nào. Ở đây có hạnh phúc, ở đây có niềm vui và sự sống, nơi tất cả chúng ta đã nghĩ chỉ có sự buồn sầu, thất bại, và bóng tối. Thiên Chúa làm cho các cây hoa của Ngài lớn lên giữa các hòn đá khô cằn nhất.

Là Kitô hữu có nghĩa là không khởi hành từ cái chết, nhưng từ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, là Đấng đã chiến thắng kẻ thù dữ dằn nhất của chúng ta. Thiên Chúa vĩ đại hơn hư vô, và chỉ cần một ngọn nến để chiến thắng đêm tối nhất của các đêm đen. Thánh Phaolô kêu lên, bằng cách làm vang vọng lời các ngôn sứ: “Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi tử thần nọc độc của ngươi ở đâu?” Trong các ngày này của Lễ Phục Sinh, chúng ta hãy đem tiếng kêu này trong tim. Và nếu người ta có nói tại sao chúng ta trao ban nụ cười và sự chia sẻ kiên nhẫn, thì khi đó chúng ta sẽ có thể trả lời rằng Chúa Giêsu vẫn còn đây, Ngài tiếp tục sống giữa chúng ta, rằng Ngài ở đây, tại quảng trường này với chúng ta: Ngài sống và đã phục sinh.

ĐTC đã chúc mừng Lễ Phục  Sinh và chào nhiều đoàn hành hương. Trong các nhóm nói tiếng Pháp, ngài chào các học sinh sinh viên đến từ Pháp và Thuỵ Sĩ. Ngài cầu mong Chúa Phục Sinh gia tăng đức tin cho mọi người và tình yêu của Chúa giúp chiến thắng tội lỗi và cái chết nơi từng người, để có thể tươi vui làm chứng cho niềm hy vọng nảy sinh từ ngôi mộ mở ra sáng ngày lễ Phục Sinh.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Hồng Kông, Indonesia, Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt các tân phó tế trường Ireland cùng với thân nhân và bạn bè.

Ngài cũng chào các nhóm hành hương của Tổng Giáo phận Muechen Freising do ĐHY Reinhard Max và các GM phụ tá hướng dẫn, cũng như các đại chủng sinh Áo do ĐC Anton Leichtfried hướng dẫn. Ngài cầu chúc họ đem niềm vui phục sinh tới với những người khác và làm chứng cho cuộc sống không tàn phai.

Chào các đoàn hành hương Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brasil, ĐTC xin họ để cho sức mạnh phục sinh của Chúa Kitô biến đổi soi sáng giúp họ làm chứng cho cuộc sống mạnh hơn tội lỗi và cái chết.

Chào các tín hữu Ba Lan, ngài khích lệ họ đi đến với các anh chị em khác với niềm vui và hy vọng trong tim để loan báo Chúa Kitô đã phục sinh và hiện diện giữa chúng ta.

Trong các nhóm Ý, ĐTC chào các tân linh mục Giáo phận Mantova do ĐC Marco Busca hướng dẫn hành hương Roma cùng với các thân nhân và bạn bè, cũng như các tân phó tế Dòng Tên và thân nhân bạn bè trong đó có Thầy Agostino Nguyễn Minh Triệu.

Ngài cũng chào các nữ tu thuộc nhiều dòng khác nhau đang tham dự cuộc hội của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền Italia; tín hữu Marigliano kỷ niệm 80 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ Hy Vọng. ĐTC cầu mong đây là dịp giúp mọi người canh tân lòng gắn bó với Chúa và các giáo huấn của Chúa.

Chào các bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ tuyên xưng đức tin thuộc Giáo phận Milano và Cremona, ĐTC chúc họ sống tràn đầy Sứ điệp Phục sinh và làm chứng cho hoà bình của Chúa ở khắp mọi nơi. Ngài chúc các người đau yếu biết liên lỉ nhìn lên Chúa Kitô Phục Sinh. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết ý thức được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

 
 

Linh Tiến Khải