Đức Thánh Cha cử hành Lễ Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô
VATICAN – Chúa Nhật Phục Sinh 16.04.2017, vào lúc 10 giờ sáng theo giờ Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Lễ Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô với sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu và khách hành hương. Sau Thánh lễ, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp Phục Sinh và ban Phép lành Toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới.
Đức Thánh Cha cử hành Lễ Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô
VATICAN – Chúa Nhật Phục Sinh 16.04.2017, vào lúc 10 giờ sáng theo giờ Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Lễ Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô với sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu và khách hành hương. Sau Thánh lễ, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp Phục Sinh và ban Phép lành Toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới.
Thánh Lễ Phục Sinh được cử hành đơn sơ và không có đoàn đồng tế. Phần giúp lễ do các chủng sinh trường truyền giáo đảm trách. Trang hoàng lễ đài trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô có 35.000 ngàn đoá hoa do các nhà trồng hoa Hoà Lan dâng tặng Đức Thánh Cha. Ngoài hàng trăm ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường, còn có hàng triệu khán giả hiệp thông trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới.
Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, Bài đọc I trích sách Công vụ Tông đồ, được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, nói về việc Thánh Phêrô làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Bài đọc II trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Corinto, được đọc bằng tiếng Pháp, nói về việc Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu hãy trở thành bánh không men, thành bột tinh tuyền.
Sau đó, bài ca tiếp liên được hát bằng tiếng Latinh. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan được công bố bằng tiếng Latinh và Hylạp. Bài Tin Mừng kể về việc bà Maria Mađalêna ra mồ từ sáng sớm để tìm xác Chúa, nhưng không thấy. Bà liền chạy về tìm Phêrô và Gioan.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Hôm nay, Giáo Hội nhắc nhớ rằng, Giáo Hội ca lên rằng, Giáo Hội nói lớn tiếng: “Chúa Giêsu đã phục sinh!” Nhưng mà là thế nào? Phêrô, Gioan và những người phụ nữ đã đi đến mộ, nhưng chỉ thấy ngôi mộ trống, vì Người không có ở đó. Họ đã đi với con tim bị đóng kín bởi nỗi buồn, nỗi buồn của sự thất bại. Bởi vì Thầy của họ, người Thầy mà họ rất mực yêu mến, giờ đã qua đời. Và từ cõi chết thì không thể trở lại được nữa. Đây là con đường đầy thất bại, con đường dẫn đến ngôi mộ.
Thế nhưng, thiên thần nói với họ rằng: Người không còn ở trong mộ nữa, vì Người đã sống lại rồi. Đó là lời công bố đầu tiên: Người đã phục sinh. Sau đó, vẫn còn những lầm lẫn, những con tim đóng kín, và có cả các cuộc hiện ra nữa. Nhưng các môn đệ vẫn đóng cửa cả ngày để chỉ ngồi trong nhà, vì họ sợ rằng những gì tệ hại đã xảy ra cho Thầy Giêsu cũng có thể xảy ra cho họ. Giáo Hội không ngừng nói về những thất bại của chúng ta, nói về những con tim đóng kín của chúng ta, nói về những sợ hãi của chúng ta. Giáo Hội nói với chúng ta: “Hãy ngưng những điều ấy lại, vì Chúa đã sống lại rồi.”
Nhưng mà, nếu Chúa đã sống lại, thì tại sao những điều tệ hại vẫn tiếp tục xảy ra? Tại sao có quá nhiều bất hạnh, nào là bệnh tật, nạn buôn người, chiến tranh, sự tàn phá, những hận thù và trả đũa? Thế thì Chúa ở đâu? Hôm qua tôi có gọi điện cho một chàng trai bị bệnh nặng, tôi nói chuyện với anh để gửi tới anh một dấu chỉ của đức tin. Tôi nói với anh: “Chẳng có lời giải thích về những gì đang xảy ra cho bạn. Hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá, và xem Thiên Chúa đã làm gì với Con của Ngài, và cũng chẳng có lời giải thích nào khác.” Anh đáp lại: “Vâng, con đã hỏi Chúa Con và Người nói: Người đã không hỏi rằng Người có muốn hay không.” Đây chính là điều gì đó thay đổi chúng ta. Không ai trong chúng ta hỏi rằng: “Bạn có hài lòng với những gì đang xảy ra trên thế giới không? Bạn có sẵn sàng vác lấy thập giá này không?” Bởi vì nếu hỏi như thế, thập giá sẽ thêm nặng, và đức tin vào Chúa Giêsu sẽ giảm xuống.
Hôm nay Giáo Hội tiếp tục công bố: “Hãy dừng những điều tệ hại ấy lại, vì Chúa Giêsu đã sống lại.” Đây không phải là điều tưởng tượng. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô không phải là một lễ hội được trang trí đầy hoa. Lễ hội thì tốt đẹp đấy, nhưng ở đây còn có gì đó hơn thế nhiều, vì đây là mầu nhiệm về viên đá bị loại bỏ lại trở thành đá tảng góc tường. Chúa Kitô đã sống lại, điều này có nghĩa là gì.
Trong thứ văn hoá loại bỏ thời nay, người ta thường vứt bỏ những gì bị cho là không cần thiết hoặc không còn hữu dụng. Và hãy thử nghĩ xem, Chúa Giêsu là phiến đá bị loại bỏ, thế mà kỳ thực Người là cội nguồn sự sống.
Giáo Hội luôn hết lòng nhẩm đi nhắc lại: “Chúa Kitô đã phục sinh!” Chúng ta hãy nghĩ một chút, hãy nghĩ về những vấn đề hằng ngày, nghĩ về những căn bệnh của người thân, nghĩ về chiến tranh, về những bi kịch của con người, nghĩ với lòng đơn sơ và khiêm tốn. Không chút hoa mỹ, mà thật chân thành thân thưa với Chúa: “Con không biết phải làm gì bây giờ, nhưng con chắc chắn rằng Chúa Kitô đã sống lại, và con muốn đặt cược vào điều này.” Đó là điều tôi muốn nói với anh chị em. Hôm nay khi trở về nhà, anh chị em hãy nhẩm đi nhắc lại trong cõi lòng mình rằng: Chúa Kitô đã phục sinh!