29/11/2024

Cát đã tận thu, cửa biển vẫn bồi lấp

Đó là tình trạng dang dở của dự án nạo vét cửa biển Tư Hiền – Tư Dung (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế).

 

Cát đã tận thu, cửa biển vẫn bồi lấp 

Đó là tình trạng dang dở của dự án nạo vét cửa biển Tư Hiền – Tư Dung (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế).

 

 

 

Cát đã tận thu, cửa biển vẫn bồi lấp 
Tàu thuyền của Công ty 55 đang hút cát phía ngoài cửa Tư Hiền hồi tháng 8-2016 – Ảnh: NGUYÊN AN

Dự án nhằm khơi thông bồi lấp cửa biển theo hình thức xã hội hoá. Nhà nước thay vì bỏ tiền thuê thì cho phép đơn vị thi công được tận thu cát biển để xuất khẩu bù cho chi phí nạo vét. Thế nhưng doanh nghiệp thi công theo kiểu “dễ làm, khó bỏ”.

Đề nghị dừng

Cuối tháng 3 vừa qua, Sở Kế hoạch và đầu tư Thừa Thiên – Huế có kết luận về tình hình thực hiện dự án nạo vét cửa biển Tư Hiền – Tư Dung sau khi làm việc với các ngành chức năng tỉnh này và đơn vị thi công là Công ty CP Khai thác sản xuất khoáng sản 55 (gọi tắt Công ty 55).

Kết luận nêu rõ: Công ty 55 chỉ mới tiến hành nạo vét ở phía cửa Tư Hiền, lấy đi trên 660.000m3 cát biển, trong khi chỉ được phép nạo vét 510.000m3, vượt 150.000m3. Riêng cửa Tư Dung, doanh nghiệp này chưa nạo vét.

Khi khởi động lại dự án vào năm 2016, Công ty 55 chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định, chưa phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và không thông báo để giám sát.

Từ năm 2014 đến nay, tại khu vực Tư Dung – Tư Hiền, đơn vị thi công chỉ nạo vét ở khu vực phía ngoài cửa Tư Hiền, phần phía trong bị bồi lấp nặng gây cản trở giao thông thì không nạo vét, không đảm bảo được mục tiêu của dự án, thậm chí đã gây nên tai nạn trong mùa mưa bão.

Theo ý kiến liên ngành của tỉnh Thừa Thiên – Huế, do khối lượng khai thác tại cửa Tư Hiền vượt quá khối lượng hồ sơ thiết kế, nên Công ty 55 phải thuê đơn vị tư vấn đánh giá lại tác động môi trường, đặc biệt là tác động nạo vét đối với diễn biến bồi lắng, xói lở ở khu vực biển xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) và khu vực lân cận.

Đồng thời tính toán, đánh giá lại khối lượng cần nạo vét theo chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng khu vực cửa Tư Hiền, để UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế xem xét điều chỉnh dự án.

Trường hợp được gia hạn, đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao Sở NN&PTNT thuê đơn vị tư vấn độc lập, có năng lực để giám sát quá trình triển khai tiếp dự án, kinh phí do Công ty 55 
chi trả.

Riêng đối với cửa Tư Dung, đoàn liên ngành thống nhất đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế dừng triển khai, bởi đã có chủ trương đầu tư du lịch tại đây. Ngoài ra, khu vực này không thật sự có nhu cầu về việc nạo vét để lưu thông hàng hải.

Càng nạo vét 
càng gây nguy hiểm

Hồ sơ dự án cho thấy vào tháng 7-2013, dựa trên đề xuất của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ Xây dựng cấp phép cho Công ty 55 xuất khẩu cát tận thu từ dự án nạo vét cửa biển Tư Dung – Tư Hiền, thời gian đến hết năm 2013.

Doanh nghiệp này được tận thu để xuất khẩu 1,1 triệu m3 cát, trong đó tại cửa Tư Hiền là 510.000m3, cửa Tư Dung là 600.000m3.

Tuy nhiên, Công ty 55 đưa ra nhiều lý do như thời tiết xấu nên mãi đến tháng 3-2014 mới tiến hành nạo vét và đến tháng 9-2014 thì dừng lại sau khi đã tận thu 440.000m3 cát xuất khẩu sang Singapore.

Ngày 17-12-2015, Bộ Xây dựng có công văn gia hạn dự án đến hết ngày 30-6-2016 nhưng công ty không triển khai. Ngày 15-7-2016, Bộ Xây dựng tiếp tục gia hạn đến hết tháng 3-2017. Tuy nhiên phải đến tháng 7-2016, Công ty 55 mới đưa phương tiện đến hút cát tại vị trí cách cửa Tư Hiền hơn 300m.

Theo Cục Hải quan tỉnh, Công ty 55 đã mở tờ khai xuất khẩu cả hai đợt nạo vét là trên 678.000m3, với đơn giá 1 USD/m3 và đã nộp thuế xuất khẩu cát tổng cộng hơn 4,4 tỉ đồng.

Tại đợt khai thác đầu tiên, lượng cát đã được Công ty 55 xuất khẩu trực tiếp sang Singapore. Còn lần thứ hai, nước nhập khẩu là Campuchia. Tuy nhiên, một cán bộ ngành hải quan tỉnh Thừa Thiên – Huế tiết lộ đây chỉ là nơi trung gian để đưa cát đến Singapore.

Dù đã qua hai đợt nạo vét, cửa Tư Hiền vẫn bị bồi lấp nặng nề, gây nguy hiểm cho tàu thuyền. Chỉ có tàu nhỏ mới ra vào được. Chiều dài từ cảng cá ra cửa biển chỉ hơn 1km, nhưng các tàu cá mỗi lần ra vào phải mất hơn 30 phút, đi theo hình ziczac mới có thể ra vào biển.

Ngư dân địa phương khẳng định giờ đây cửa biển Tư Hiền vẫn bồi lấp như trước, thậm chí còn nguy hiểm hơn cho tàu thuyền bởi những hầm hố và ụ cát do đơn vị thi công tạo ra.

Ngư dân Nguyễn Quang Huy (trú thôn Hiền An 2, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) cho biết: “Chỗ cần nạo vét thì họ không làm, họ chỉ hút cát ở chỗ cách cửa biển khá xa, vì cát ở chỗ bồi lấp có nhiều bùn, cát ngoài xa là cát sạch, dễ bán”.

Chủ tịch tỉnh: doanh nghiệp 
làm có lúc trúng lúc trật

Chúng tôi tìm đến văn phòng của Công ty 55 tại số 19 Nguyễn Thiện Thuật (TP Huế). Địa chỉ này là một ngôi nhà dân có dán một tấm bảng nhỏ ghi tên công ty. Chủ nhà cho biết Công ty 55 xin đặt nhờ tấm bảng của công ty, nhưng không làm việc ở đây.

Sau nhiều lần chúng tôi liên lạc qua điện thoại, ông Trương Công Hoàng – giám đốc công ty – vẫn tìm cách né tránh.

Ngày 11-4, trả lời báo Tuổi Trẻ về dự án dở dang này, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho rằng phải lấy cát xuất khẩu thì mới có tiền mà nạo vét. Quá trình nạo vét doanh nghiệp làm có lúc trúng lúc trật và đã được điều chỉnh. Đánh giá hiệu quả của dự án cũng khó vì bờ biển biến động liên tục.

Hiện dự án đang tạm dừng để xem xét và nhà đầu tư kiến nghị cho tiếp tục thực hiện ở cửa Tư Hiền.

“Nếu họ làm đúng thì cho tiếp tục, không thì dừng. Nhưng nếu dừng thì năm sau cũng phải bố trí vốn ngân sách để nạo vét mà thôi” – ông Cao nói.

Xử lý lãnh đạo địa phương để “cát tặc” hoành hành

Ông Trần Châu – phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – cho biết như vậy trước tình trạng khai thác cát sai phép, lợi dụng thăm dò để khai thác cát đang diễn ra nhiều nơi tại tỉnh này. Ông Trần Châu xác nhận trên bốn con sông lớn của tỉnh là sông Kôn, Hà Thanh, La Tinh và Lại Giang đều xảy ra nạn khai thác cát trái phép.

“Hiện đang vào cao điểm mùa xây dựng, nhu cầu cát xây dựng lớn, nên trong số khoảng 20 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép cũng có trường hợp cố tình khai thác sai, rồi dân tổ chức lấy cát trái phép. Tôi nhận được không ít phản ảnh của người dân và đã đi thực tế liên tục để kiểm tra, chỉ đạo xử lý” – ông Châu nói. Theo ông Châu, các chủ tịch xã đều biết tình trạng trên nhưng có vài nơi “du di”, xử lý thiếu kiên quyết, khiến dân bức xúc gọi điện cho lãnh đạo tỉnh. “Đầu tuần rồi tôi đi huyện Phù Mỹ kiểm tra, đã chỉ đạo chủ tịch UBND huyện này tổ chức kiểm điểm chủ tịch hai xã Mỹ Hiệp và Mỹ An vì để xảy ra việc khai thác cát trái phép mà không xử lý hoặc báo cáo kịp thời cho cấp trên. Để tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước, còn các cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, bộ phận nào lơ là sẽ bị xử lý. Doanh nghiệp nào làm sai phép thì xử lý nghiêm khắc, không do dự gì cả” – ông Châu khẳng định.

Nhận định tình hình khai thác cát trái phép trên các sông là nghiêm trọng, ông Châu cho biết UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu công an tỉnh vào cuộc điều tra, truy quét các tổ chức, cá nhân vi phạm, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 4-2017.

PHƯỚC TRỌNG – DUY THANH

NGUYÊN AN – MINH TỰ