20/01/2025

Chúa Nhật Phục Sinh – A: Làm sao ôm được Đấng Phục Sinh?

Madalena, dù chỉ là một cô gái điếm tội lỗi, nhưng chị đã thao thức nhiều nhất, đã chạy tới sớm nhất và đã nhường nhịn tất cả. Vì thế, Chúa Giêsu đã hiện ra và gọi tên chị, chị đã nhận ra Người và ôm được Người trong vòng tay của mình

 

LÀM SAO ÔM ĐƯỢC ĐẤNG PHỤC SINH?

Hành Khất Kitô

 

Lời mở

Buổi sáng sớm ngày Chúa Giêsu sống lại, chúng ta luôn luôn được giới thiệu hình ảnh các phụ nữ chạy đến mộ và ôm được Đấng Phục Sinh (x. Mt 28,1-10; Mc 16,1-8; Lc 24,1-12), nhất là cô Maria Madalena trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Ga 20,1-9), để thấy rằng tình yêu của họ đã thúc đẩy họ đến mồ bất chấp sợ hãi và nguy hiểm. Do đó, Đức Giêsu đã tưởng thưởng cho tình yêu này là hiện ra với họ, cho họ được ôm Người trong vòng tay của mình, giao phó cho họ sứ mạng trở thành những người chứng đầu tiên cho Chúa Phục Sinh. Sứ mạng ấy như mời gọi chúng ta suy nghĩ thêm về lòng tin và tình yêu vào Chúa để làm thế nào cho tình yêu ấy thật mãnh liệt, thúc đẩy chúng ta đến gặp Chúa Giêsu nơi mộ Người và giúp chúng ta có thể ôm được Người trong vòng tay của mình.

1. Ba cách diễn tả tình yêu

Bài Phúc Âm hôm nay giới thiệu cho chúng ta 3 khuôn mặt với 3 mức độ tin yêu khác nhau: Maria Madalena, Gioan và Simon Phêrô. Ba môn đệ ấy, được tình yêu Chúa Giêsu thúc đẩy, đều chạy đến ngôi mộ của Người. Nhưng có ba mức độ tình yêu khác nhau thì cũng có ba nhận thức và cảm nghiệm khác nhau về Chúa Giêsu. Hơn nữa, tình yêu này mang 3 đặc tính mà chúng ta cũng nên tìm hiểu trong đời sống của mình:

Đặc tính đầu tiên là thao thức. Cả ba đều nghĩ đến Đức Giêsu bị xử án bất công, bị chết một cách nhục nhã trên thập giá và được an táng vội vã trong mồ. Thao thức làm cho họ bồn chồn ngủ không được. Họ đã chỗi dậy để đến với cái xác bất động của Đức Giêsu, đem theo chút dầu để xức lên, làm vài công việc nào đó để tẩm liệm cho Đức Giêsu. Nếu không thao thức, họ sẽ nằm yên như những người Do Thái khác, như những môn đệ khác trong đêm tối cho tròn giấc ngủ của mình. Chúng ta có thao thức như các môn đệ về những nỗi bất công mà bao nhiêu con người, mang hình ảnh Giêsu hiện tại, đang phải chịu đựng không? Đất nước của chúng ta chỉ có 86-87 triệu người mà năm 2009 có hơn 500 ngàn đơn khiếu nại về những oan sai, về những bất công trong báo cáo của chính phủ gửi quốc hội. Bao nhiêu con người mất nhà cửa, mất việc làm, bị phản bội, bị thiệt hại… chúng ta đã làm gì, đã thao thức gì về những nỗi bất công đó trong xã hội hôm nay!? Có thao thức, chúng ta mới chỗi dậy như Maria Madalena để mang chút dầu công lý đến với những con người ấy.

Đặc tính thứ hai là chạy tới. Tình yêu đối với Đức Giêsu luôn luôn thúc đẩy người ta chạy tới chứ không đi đứng bình thường. Đi đứng bình thường là làm y như mọi người, là chậm rãi, bình thản; còn chạy tới là những hành động bất thường vì luôn đòi chúng ta phải cố gắng và tốn nhiều sức lực hơn. Chạy tới đòi chúng ta phải tha thứ cách quảng đại hơn, phải cho đi cách rộng rãi hơn, phải cố gắng chịu đựng hơn, phải làm việc vất vả hơn. Đó là những cách chạy tới trong đời sống thường ngày. Tuy nhiên, mỗi người chạy theo sức riêng của mình: Maria Madalena chạy như một phụ nữ, Gioan chạy theo sức trai trẻ, Phêrô chạy như người lớn tuổi; nhưng tất cả đều phải chạy. Chúng ta không được nại bất cứ lý do gì để nói rằng mình chỉ muốn đi đứng bình thường như mọi người, sống bình thường như mọi người. Nếu thế là chúng ta chưa có tình yêu đối với Đức Giêsu vì một khi được tình yêu Người thúc đẩy (x. 2Cr 5,14) chúng ta luôn phải sống bất thường và sống phi thường.

Đặc tính thứ ba là dừng lại. Dù mỗi người chúng ta được thúc đẩy chạy tới nhưng chúng ta phải biết dừng lại. Dừng lại để nhường nhịn cho người khác, dù họ già hơn mình, kém hơn mình, xấu hơn mình, ít tuổi hơn mình. Chúng ta không đòi quyền ưu tiên mà biết nhường cho người khác, giống như Maria Madalena đã nhường cho Phêrô và Gioan, dù chị đã tới mồ sớm nhất; giống như Gioan đã nhường cho Phêrô, dù ông chạy nhanh hơn. Trong cộng đồng tín hữu cũng như cộng đồng xã hội, chúng ta có dám nhường nhau? Ra ngoài đường, chúng ta thấy ai cũng muốn chạy lên trước, chạy theo công việc riêng tư của mình, đến ngã ba ngã tư xe cộ dồn lại, chật cứng chỉ vì không biết nhường nhau. Trong đời sống cộng đồng, trong gia đình cũng vậy, chúng ta tranh chấp, xung đột chỉ vì một mối lợi, một thuận tiện nào đó. Chính ngay trong bữa ăn gia đình, chúng ta không dám nhường miếng ngon nào đó cho người anh người chị, thậm chí cho cha mẹ chúng ta thì làm sao chứng tỏ mình có tình yêu đối với họ cũng như đối với Đức Giêsu.

3. Ba cảm nghiệm khác nhau về Đức Giêsu Phục Sinh

Hôm nay chúng ta được mời gọi nhìn lại tình yêu của mình đối với Đức Kitô: chúng ta đã biết thao thức, biết chạy tới và biết nhường nhịn nhau chưa. Từ đó, tuỳ theo mức độ mà chúng ta sẽ cảm nghiệm được Đức Giêsu một cách sống động trong cuộc đời của mình.

Phêrô, có lẽ thao thức ít, chạy cũng chậm và không biết nhường cho ai nên chẳng cảm nghiệm được Đức Giêsu Phục Sinh, dù rằng sau này Chúa Giêsu vẫn hiện ra với ngài chung với các môn đệ để ngài trở thành chứng nhân cho Đấng Phục Sinh.

Gioan, người được Đức Giêsu thương mến, đã thao thức nhiều hơn, đã chạy nhanh hơn, và đã nhường cho người khác nên dù chỉ thấy những khăn che mặt và những băng vải liệm xác Chúa Giêsu, ông đã tin Chúa Giêsu phục sinh và đã cảm nghiệm được Người. “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

Madalena, dù chỉ là một cô gái điếm tội lỗi, nhưng đã được tình yêu Chúa Giêsu thúc đẩy mạnh nhất nên chị đã thao thức nhiều nhất, đã chạy tới sớm nhất và đã nhường nhịn tất cả. Trong đầu chị chỉ mong ước tìm lại thân xác bất động của Chúa Giêsu, chị đã khóc bên cửa mồ. Vì thế, Chúa Giêsu đã hiện ra và gọi tên chị, chị đã nhận ra Người và ôm được Người trong vòng tay của mình, một Đức Giêsu sống động, vinh quang, là nguồn chân thiện mỹ và hạnh phúc đời chị. Điều này chứng tỏ Đức Giêsu không quan tâm về quá khứ tội lỗi của con người, Người chỉ quan tâm đến tình yêu chúng ta dành cho Người. Ai yêu nhiều thì được tha nhiều (x. Lc 7,47) và ai yêu nhiều sẽ cảm nhận được Đấng Phục Sinh mạnh mẽ và nhanh chóng hơn người khác.

Kết luận

Đó là lời mời gọi của mỗi người chúng ta trong buổi sáng ngày Chúa sống lại, để chúng ta cũng được thúc đấy bởi tình yêu Chúa Giêsu mà chạy đến ngôi mộ của Người để thao thức, chạy tới, dừng lại và nhường nhịn nhau trong cuộc sống thường ngày. Có như thế chúng ta mới ôm được Đức Giêsu Phục Sinh trong vòng tay của mình, chúng ta mới trở thành những nhân chứng sống động của Đấng Phục Sinh trong cuộc đời của chúng ta.