19/01/2025

Rửa chân

Tội lỗi không được phép mưng mủ trong sự im lặng của tâm hồn, đầu độc tâm hồn từ bên trong. Tội lỗi cần phải được thú nhận. Qua việc xưng thú, ta sẽ đem tội ra ánh sáng, dìm chúng vào tình yêu thanh tẩy của Đức Kitô (x. Ga 20-21). Trong việc xưng thú, Chúa rửa đi rửa lại bàn chân lấm đất của ta và chuẩn bị cho ta hiệp thông bàn tiệc với Ngài.

Sau những bài giáo huấn của Đức Giêsu tiếp ngay trình thuật Đức Giêsu vào thành Giêrusalem, các Phúc Âm Nhất Lãm bắt đầu lại chuỗi trình thuật với một thời biểu chính xác dẫn đến Bữa Tiệc ly.

Ngay ở đầu chương 14, Máccô nói: “Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men” (14,1). Rồi ông kể lại việc xức dầu tại Bêtania, cuộc phản bội của Giuđa và viết tiếp: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (14,12).

Trái lại, Gioan đơn giản chỉ nói: “Trước lễ Vượt Qua… trong bữa ăn tối…” (13,1-2). Bữa ăn mà Gioan mô tả diễn ra “trước ngày lễ Vượt Qua”, trong khi các Phúc Âm Nhất Lãm trình bày Bữa Tiệc ly là một bữa tiệc Vượt Qua, như thế có vẻ như các Phúc Âm Nhất Lãm sử dụng một thời biểu khác biệt một ngày so với Gioan.

Ta sẽ trở lại các vấn đề được bàn luận nhiều về thời biểu khác nhau này và về ý nghĩa thần học của chúng khi ta nghiên cứu Bữa Tiệc ly của Đức Giêsu và việc lập Bí tích Thánh Thể.

GIỜ CỦA ĐỨC GIÊSU

Bây giờ, ta hãy tập trung vào Phúc Âm thứ tư, nơi ta tìm thấy hai nhân tố mang tính chất đặc thù của Gioan trong bài trình thuật về buổi tối cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ trước cuộc Thương khó. Trước tiên, Gioan bảo ta rằng Đức Giêsu thực thi công việc phục vụ của người nô lệ là rửa chân cho các môn đệ. Trong bối cảnh này, ông cũng thuật lại việc Giuđa phản bội và Phêrô chối Thầy. Nhân tố thứ hai nằm trong diễn từ từ biệt của Đức Giêsu mà đỉnh cao là lời nguyện thượng tế. Hai tình tiết then chốt này lần lượt sẽ được xem xét ở chương này và chương sau.

“Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” (13,1). “Giờ” của Đức Giêsu đã đến cùng lúc với bữa Tiệc ly, là giờ mà toàn bộ hoạt động của Ngài đã hướng về ngay từ lúc khởi đầu (2,4). Điểm chính yếu của giờ này được Gioan mô tả bằng hai từ khóa: đó là giờ “ra đi” (metabaínein / metábasis); đó là giờ của tình yêu đi đến chỗ tận cùng (agápē).

Hai ý niệm chiếu ánh sáng lên nhau và không thể tách rời nhau. Tình yêu là chính tiến trình vượt qua, chuyển đổi, bước ra khỏi các giới hạn của nhân loại sa ngã – trong đó chúng ta đều tách biệt nhau và chung cuộc không thâm nhập được vào nhau – vào một cái ngã khác vô hạn. “Yêu cho đến cùng” là sự mang lại điều xem chừng như bất khả metábasis: bước ra khỏi những giới hạn của cá nhân đóng kín trong cái ngã của mình, đó là điều mà agápē là – cuộc đột phá để đi vào giới Thiên Chúa.

“Giờ” của Đức Giêsu là giờ của sự bước-qua vĩ đại, giờ của sự chuyển đổi, và sự biến đổi thực hữu này được mang lại qua agápē. Đó là agápē “cho đến cùng” – và ở đây Gioan tiên báo lời cuối cùng của Đức Giêsu đang hấp hối: tetélestai “Đã hoàn tất” (19,30). Cứu cánh  này (télos), sự hoàn toàn tự hiến, tái khuôn đúc toàn bộ thực hữu – đây là ý nghĩa của sự ban tặng chính bản thân ngay cả cho đến chết.

Như đó đây trong Phúc Âm Gioan đề cập, khi Đức Giêsu, nói về việc đã từ Cha mà đến và về việc trở về cùng Cha, thì ta có lẽ được nhắc nhớ về mô hình cổ exitusreditus, về việc ra đi và quay về, như ta thấy cụ thể trong triết học của Plotin. Tuy nhiên, nơi Gioan việc ra đi và quay về khác với lược đồ triết học của Plotin. Đối với Plotin và các người kế vị của ông, việc “ra đi”, đối với họ có ý nghĩa tương đương với hành vi sáng tạo của Thiên Chúa, là một sự bước xuống chung cuộc dẫn đến một sự rớt xuống: từ nơi cao của “Đấng Duy nhất” đi xuống cho đến những vùng sâu hơn của hữu thể. Quay về thì bao gồm sự thanh tẩy khỏi lĩnh vực vật chất, dần dần đi lên, và sự thanh tẩy để một lần nữa tước đi những gì thấp kém và chung cuộc dẫn trở về với sự thống nhất của thần linh.

Ngược lại, việc ra đi của Đức Giêsu giả thiết rằng sáng tạo không phải là một sự rớt xuống, mà là một hành vi tích cực theo ý Thiên Chúa. Như thế đó là một chuyển động của tình yêu, qua chính việc bước xuống, minh chứng bản chất đích thực của mình –  được khởi động bởi tình yêu đối với thụ tạo, tình yêu đối với con chiên lạc – và như vậy trong sự đi xuống tình yêu mạc khải thế nào là Thiên Chúa thực. Khi trở về, Đức Giêsu không tước bỏ đi nhân tính của mình như một nguồn ô uế. Mục đích Ngài đi xuống là chấp nhận và đón nhận toàn thể nhân loại, và việc Ngài trở về với tất cả nhân loại là việc trở về của “mọi xác phàm”.

Một điều gì đó mới mẻ xảy ra trong trở về này: Đức Giêsu không trở về một mình. Ngài không lột bỏ thân xác, nhưng kéo mọi sự đến với Ngài (x.Ga 12,32). Metábasis áp dụng cho tất cả. Nếu trong Lời nói đầu của Phúc Âm Gioan ta đọc rằng “những người nhà của Ngài” (ídioi) đã không tiếp nhận Ngài (x. 1,11), ta nay nghe rằng Ngài yêu “những kẻ thuộc về Ngài” cho đến cùng (13,l). Khi đi xuống, Ngài đã quy tụ “những kẻ thuộc về Ngài” – đại gia đình của Thiên Chúa – từ những người xa lạ Ngài đã làm cho họ trở thành “những kẻ thuộc về Ngài”.

Ta hãy nghe tác giả Phúc Âm kể tiếp: Đức Giêsu “đứng dậy, rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5). Đức Giêsu thực hiện một hành vi phục vụ của một người nô lệ cho các môn đệ, “Ngài đã hủy mình ra không” (P1 2,7).

Điều TPhilípphê nói trong đại thánh thi ca tụng Đức Kitô – đó là, khác với Ađam, kẻ đã ra sức giằng lấy thần tính cho mình, Đức Kitô di chuyển theo hướng ngược lại, từ thiên tính của mình đi xuống nhân tính, mặc lấy thân nô lệ và trở nên vâng phục cho đến chết, chết trên thập giá – tất cả điều này biểu lộ rõ qua một cử chỉ. Đức Giêsu thể hiện toàn bộ sứ vụ cứu độ của Ngài trong một hành vi mang tính biểu trưng. Ngài đã trút bỏ vinh quang thiên tính, và có thể nói, Ngài quì trước mặt ta; Ngài rửa chân và lau sạch những cái chân lấm đất của ta, để làm cho ta có thể ngồi vào bàn tiệc cưới của Thiên Chúa.

Khi ta đọc trong Sách Khải Huyền câu mâu thuẫn rằng những người được cứu độ đã “giặt trắng áo mình trong máu con chiên” (Kh 7,14), điều này muốn nói rằng tình yêu “cho đến cùng” của Đức Giêsu thanh tẩy ta, lau sạch ta. Cử chỉ rửa nhân diễn rả chính xác điều này: chính tình-yêu-phục-vụ của Đức Giêsu kéo ta ra khỏi tính tự kiêu của ta và làm cho ta thích hợp với Thiên Chúa, làm cho ta “thanh sạch”.

“ANH EM ĐÃ ĐƯỢC THANH SẠCH”

Trong đoạn nói về rửa chân, thuật ngữ “thanh sạch” xuất hiện ba lần. Gioan lấy lại ý niệm căn bản của truyền thống Cựu Ước cũng như thế giới tôn giáo. Để con người có thể xuất hiện trước mặt Thiên Chúa, hiệp thông với Thiên Chúa, con người phải “thanh sạch”. Càng đi vào trong ánh sáng, con người càng thấy mình bẩn, càng thấy cần thanh tẩy. Bởi thế các tôn giáo đã tạo ra các hệ thống “thanh tẩy”, chủ ý để giúp con người có thể tiến đến Thiên Chúa.

Trong các lề luật phượng tự của tất cả các tôn giáo, những quy định về thanh tẩy đóng một vai trò quan trọng: chúng đem lại cho con người một cảm thức về sự thánh thiện của Thiên Chúa về sự u tối của chính mình, để từ đó con người phải được giải thoát để có thể đến gần Thiên Chúa. Hệ thống các việc thanh tẩy mang tính phượng tự thống trị toàn bộ đời sống trong Do Thái giáo đạo đức vào thời Đức Giêsu. Trong chương 7 của Phúc Âm Máccô, ta gặp tranh luận căn bản của Đức Giêsu với ý niệm thanh sạch mang tính phượng tự, được thực hành nhờ các cử chỉ nghi thức; và trong các thư Phaolô, vấn đề “thanh sạch” trước mặt Thiên Chúa nhiều lần được bàn luận.

Trong Phúc Âm Máccô, ta thấy sự chuyển đổi tận gốc rễ mà Đức Giêsu đem lại cho ý niệm thanh sạch trước mặt Thiên Chúa: không phải các hành vi nghi lễ làm cho ta thanh sạch. Thanh sạch và nhơ uế diễn ra trong tâm hồn con người và tùy thuộc vào tình trạng tâm hồn của họ (Mc 7,14-23).

Nhưng ngay lập tức câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để cho tâm hồn được thanh sạch? Ai là người có trái tim thanh sạch để có thể thấy Thiên Chúa (Mt 5,8)? Các nhà chú giải tự do giải thích, Đức Giêsu đã thay thế quan niệm thanh sạch bằng quan niệm luân lý: Thay cho phượng tự và những gì đi với phụng tự, ta có luân lý. Bằng cái nhìn này, Kitô giáo về căn bản được xem là về luân lý, một loại “tái vũ trang” về luân lý. Nhưng điều này không giải thích tường tận được chiều kích mới tận gốc của Tân Ước.

Tính mới mẻ của luân lý trở nên rõ trong Công Vụ tông đồ khi Phêrô tranh luận với  những người gốc Pharisêu trong cộng đồng Kitô giáo, là những người nằng nặc đòi phải cắt bì cho những Kitô hữu dân ngoại và buộc họ phải “giữ luật Môisê”. Phêrô giải thích: chính Thiên Chúa quyết định rằng “người ngoại giáo được nghe sứ điệp Tin Mừng và đi đến niềm tin… Ngài không phân biệt chút nào giữa ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ” (15,5-11). Đức tin thanh tẩy tấm lòng. Đức tin là kết quả sáng kiến của Thiên Chúa đối với  con người. Đây đơn thuần không phải là lựa chọn do con người tự tạo cho mình. Đức tin phát sinh vì con người được Thánh Thần Thiên Chúa tác động từ bên trong, Đấng khai mở và làm thanh sạch tâm hồn họ.

Gioan lấy lại và đào sâu chủ đề rộng này về thanh luyện, chỉ được thoáng nhắc đến  trong diễn từ của Phêrô, cả trong trình thuật rửa chân và sau này, dưới tiêu đề “thánh hóa” trong lời nguyện thượng tế của Đức Giêsu. Đức Giêsu khẳng định với các môn đệ trong dụ ngôn cây nho: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (15,3). Lời Ngài thâm nhập trong họ, chuyển đổi tư tưởng, ý chí và “tâm hồn” họ, khai mở để cho nó trở nên một tâm hồn có thể trông thấy.

Trong suy tư của ta về lời nguyện thượng tế, ta sẽ gặp lại tư tưởng này, dù được diễn tả một cách nhẹ nhàng bằng những thuật ngữ khác, cùng một cái nhìn, nơi đó ta gặp lời cầu xin của Đức Giêsu: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ” (17,17). “Thánh hiến” trong thuật ngữ của tư tế, có nghĩa là làm cho thích hợp với việc thờ phượng. Thuật ngữ này nhắm đến các hành động thuộc nghi thức mà vị tư tế phải thực hiện, trước khi vào gặp Thiên Chúa. “Xin thánh hiến chúng trong sự thật” – Đức Giêsu muốn cho ta hiểu rằng sự thật ở đây là một cuộc “tắm rửa” để làm con người thích hợp với Thiên Chúa. Con người phải được dìm vào sự thật, để có thể giải thoát khỏi những gì dơ bẩn làm cho họ tách xa khỏi Thiên Chúa. Vđiều này, ta phải nhớ rằng, Gioan không sử dụng ý niệm trừu tượng về sự thật; ông biết rằng chính Đức Giêsu là sự thật.

Trong chương 13 của Phúc Âm, Đức Giêsu thực hiện việc rửa chân như một phương thức thanh tẩy. Ở đây, ta gặp ý tưởng đó một lần nữa, nhưng dưới một khía cạnh khác. Việc tắm rửa, giúp ta được sạch, là tình yêu của Đức Giêsu, yêu cho đến chết. Lời của Đức Giêsu không chỉ là lời; lời đó mà chính là Đức Giêsu. Lời của Ngài là sự thật và là tình yêu.

Về cơ bản, vẫn là một điều, nhưng Phaolô lại diễn tả bằng một hình thức vòng vo hơn, khi ông nói: “Ta được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra” (Rm 5,9; X. Rm 3,25; Ep 1,7…). Cũng là một điều mà Thư Do Thái trình bày trong một cái nhìn được nâng cao về chức Thượng tế của Đức Giêsu. Luân lý không đơn thuần thay thế vào vị trí của sự thanh sạch theo nghi thức, nhưng là tặng ân của việc gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

Một lần nữa sự so sánh các triết học Platon của thời cổ gợi cho thấy, cũng như trong trường hợp Plotin, xoay quanh đề tài thanh sạch. Việc thanh sạch này một mặt nhờ qua nghi thức, và mặt khác, và nhất là, nhờ qua việc con người dần tiến lên đến các nơi cao của Thiên Chúa. Bằng cách này con người tự thanh tẩy mình khỏi vật chất, trở thành thần khí và nhờ đó được thanh sạch.

Đối với niềm tin Kitô giáo thì ngược lại, chính Thiên Chúa nhập thể mới làm cho ta được thanh sạch và lôi kéo tạo thành vào trong sự hợp nhất với Thiên Chúa. Phong trào đạo đức của thế kỷ 19 làm cho ý niệm thanh sạch chỉ một chiều, hạn hẹp vào trong bình diện tính dục và vì thế đưa đến sự nghi ngờ đối với vật chất, với thân xác. Trong sự cố gắng của nhân loại đi tìm sự thanh sạch, Phúc Âm Gioan – vào chính Đức Giêsu – đã chỉ cho ta con đường: Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người, giúp ta thích hợp để tiến đến Thiên Chúa. Điều chính yếu là phải kết hợp với thân xác của Ngài và được sự hiện diện của Ngài thâm nhập ta.

Có lẽ tại điểm này rất đáng cho ta nhắc rằng việc chuyển đổi ý niệm về thanh sạch trong do sứ điệp Đức Giêsu mang lại cho ta thấy một lần nữa, điều mà ta đã đọc ở chương 2 về việc chấm dứt hy tế chiên bò, về phượng tự và về Đền Thờ mới. Cũng như các hy tế thuở xưa trình bày ý hướng về một thái độ mong chờ ở tương lai, cũng như chúng đã được soi sáng và phẩm chất của tương lai này mà chúng được định hướng, thì những thực hành nghi thức thanh tẩy là một phần của phượng tự này, cùng với chúng – như các Giáo phụ thường  nói – “sacramentum futuri”: một giai đoạn trong lịch sử của Thiên Chúa với con người hay của con người với Thiên Chúa, giai đoạn muốn mở ra cho tương lai, nhưng phải bước sang một bên một khi giờ của cái mới đã đến.

SACRAMENTUM VÀ EXEMPLUM – TẶNG ÂN VÀ TRÁCH NHIỆM: “ĐIỀU RĂN MỚI

Ta hãy trở về chương 13 của Phúc Âm Thánh Gioan. Đức Giêsu nói với các môn đệ “Anh em đã được thanh sạch”. Việc ban tặng sự thanh sạch là một hành vi của Thiên Chúa. Con người không thể tự làm cho mình xứng hợp với Thiên Chúa, dù có theo bất cứ một hệ thống thanh tẩy nào. “Anh em đã được thanh sạch” – câu nói thật đơn sơ nhưng đầy huyền nhiệm của Đức Giêsu, một cách nào đó tóm kết sự vĩ đại của mầu nhiệm Đức Kitô. Thiên Chúa đã đi xuống với ta, làm cho ta thanh sạch. Thanh sạch là một tặng ân.

Nhưng nảy sinh trong tâm trí một sự chống đối. Sau đó vài câu, Đức Giêsu nói: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 15). Điều này rút cục há chẳng gợi ra một thứ quan niệm thuần túy luân lý của Kitô giáo sao?

Như diễn ra, Rudolf Schnackenburg nói đến hai cách giải thích đối nghịch nhau về việc rửa chân trong chương 13: cách giải thích thứ nhất “mang tính thần học sâu xa trong đó việc rửa chân được xem như một hành vi mang tính biểu tượng chỉ về cái chết của Đức Giêsu. Cách giải thích thứ hai mang tính mô mẫu và tập trung vào việc phục vụ khiêm tốn của Đức Giêsu – việc phục vụ này dựa trên việc rửa chân cho các môn đệ” (Phúc Âm theo Thánh Gioan III, tr. 7). Schnackenburg cho rằng cách giải thích thứ hai là một cách “biên tập”, và theo ông, dường như cách giải thích thứ hai không có liên quan gì đến cách giải thích thứ nhất (tr. 12; x. tr. 28). Nhưng đây là một cách tiếp cận quá hẹp, bị cột quá chặt vào các kiểu tư duy theo lôgíc phương Tây của chúng ta. Đối với Gioan, tặng ân của Đức Giêsu và thừa tác vụ phát sinh của Ngài giữa các môn đệ Ngài hình thành một thể thống nhất.

Các Giáo phụ đã diễn tả sự khác nhau giữa hai khía cạnh này cũng như mối tương quan hỗ tương của chúng, sử dụng các phạm trù sacramentumexemplum: các vị muốn nói rằng sacramentum không có ý nói đến bất kỳ bí tích xác định nào, nhưng là toàn thể mầu nhiệm Đức Kitô – cuộc sống và cái chết của Ngài – trong đó Ngài kéo ta đến gần, hòa nhập vào ta qua Thánh Thần của Ngài và biến đổi ta. Nhưng chính xác vì sacramentum này “thanh tẩy” ta, đổi mới ta từ trong, cho nên sacramentum cũng còn là một động lực cho sự sống mới. Mệnh lệnh hãy làm như Đức Giêsu đã làm không phải chỉ là một phụ lục luân lý đính kèm mầu nhiệm, phương chi là một điều gì nghịch lại. Mệnh lệnh này đến từ động lực nội tại của tặng ân mà nhờ đó Chúa đổi mới ta và kéo ta vào những gì thuộc về Ngài.

Động lực chính yếu này của tặng ân, qua đó Ngài hành động trong ta và hành động của ta trở nên hành động của Ngài, được thấy rõ trong lời của Đức Giêsu: “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Ngài đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14,12). Điều này diễn tả chính xác điều mà câu “Thầy đã nêu gương cho anh em” muốn nói trong trình thuật rửa chân; hành động của Đức Giêsu trở thành hành động của ta, vì Ngài đang hành động trong ta.

Trên cơ sở này, ta có thể hiểu giáo huấn về “điều răn mới”. Sau lời nói ám chỉ về sự phản bội của Giuđa, Đức Giêsu trở lại với chỉ thị của Ngài là các môn đệ là hãy rửa chân cho nhau và Ngài áp dụng chỉ thị đó trên diện rộng hơn (13,34-35). Tính mới mẻ trong điều răn mới là gì? Vì vấn đề này cuối cùng liên quan đến “tính mới mẻ” của Tân Ước, nghĩa là “yếu tính Kitô giáo”, cho nên điều quan trọng là phải rất cẩn thận lắng nghe.

Người ta đã từng tranh luận rằng, yếu tố mới– vượt quá điều răn yêu thương người thân cận trước đó – được diễn tả trong câu “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”, nói cách khác, là yêu thương đến độ sẵn sàng hiến mạng sống của mình cho tha nhân. Nếu điều này là nội dung cụ thể và trọn vẹn của “điều răn mới” thì Kitô giáo rút cục sẽ được định nghĩa là  một hình thức cố gắng về mặt luân lý đến cực độ. Đây là cách nhiều nhà bình luận giải thích Bài giảng trên Núi: đối lập với con đường cũ của Thập giới – con đường cho mọi người trung bình, Kitô giáo qua Bài giảng trên Núi sẽ mở ra con đường cao với các yêu sách triệt để, mạc khải một cấp độ nhân bản mới mà con người có thể ao ước.

Nhưng ai có thể nói mình đã vượt lên con đường “trung bình” của Thập giới, để có thể nói rằng mình hiển nhiên đã vượt qua, bỏ lại sau lưng các điều răn, có thể nói như thế, và bây giờ chỉ cần đi theo các con lối đi cao của “điều  răn mới”? Không, tính chất mới mẻ đích thực của giới răn mới hệ tại thành tựu cao nhất về đạo đức. Ở đây, điều chính yếu không phải là lời kêu gọi đạt đến thành tựu tối cao, mà là nền tảng của điều được ban cho ta. Tính chất mới mẻ đến từ tặng ân sống với và sống trong Đức Kitô.

Thánh Augustinô trong thực tế khởi sự chú giải Bài giảng trên Núi – loạt bài giảng đầu tiên sau khi ngài thụ phong linh mục – với tư tưởng về một ethos luân lý cao hơn, những chuẩn mực cao hơn và tinh khiết hơn. Nhưng trong quá trình soạn các bài giảng, trọng tâm cứ chuyển đổi hoài. Tại một số nơi ngài phải thú nhận rằng nền luân lý cổ xưa đã được đánh dấu bởi một sự toàn thiện đích thực rồi. Càng ngày càng rõ hơn, sự sẵn sàng của tâm hồn tiến đến thay thế cho ý tưởng đòi hỏi cao hơn (x. De Serm.Dom. in Monte I, 19,59), “tâm hồn tinh sạch” (x. Mt 5,8) ngày càng trở nên điểm tập trung về chú giải. Hơn phân nửa loạt bài giảng được định hình bằng tư tưởng căn bản này về tâm hồn được thanh luyện. Do đó, mối liên hệ với việc rửa chân trở nên rõ nét một cách đáng ngạc nhiên: chỉ khi ta để Chúa thanh tẩy ta thường xuyên, làm cho ta “được tinh sạch”, ta mới có thể học được cách hành động như Ngài đã làm, trong sự hợp nhất với Ngài.

Tất cả đều lệ thuộc “việc hòa nhập cái tôi của ta vào cái TÔI của Ngài” (“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vì thế, tử khoá đứng hàng thứ hai hay xuất hiện trong chú giải của Augustinô chính là misericordia – lòng thương xót. Ta phải để cho mình được dìm trong lòng thương xót của Chúa, để rồi “tâm hồn” ta cũng sẽ khám phá ra đường chính nẻo ngay. “Điều răn mới” không phải chỉ là một đòi hỏi mới, cao hơn; điều răn này được nối kết với tính mới mẻ của Đức Giêsu Kitô – được dìm vào trong Ngài ngày càng sâu hơn.

Theo hướng biện luận này, Thomas Aquinô nhận xét: “Điều răn mới chính là hồng ân của Chúa Thánh Thần” (Summa Theologiae I-II, q.106, a.l) – không phải một chuẩn mực mới, nhưng là nội tâm mới do Chúa Thánh Thần ban. Linh thao này về sự mới mẻ đích thực trong Kitô giáo được Augustinô tóm kết lại trong một công thức nổi tiếng: “Da quod iubes et iube quod vis (xin hãy cho điều Ngài ra lệnh và hãy ra lệnh điều Ngài muốn; Conf. X, 29, 40).                    

Tặng ân – sacramentum – trở thành exemplum, một mẫu gương, trong khi vẫn luôn là tặng ân. Là Kitô hữu, trước tiên là một tặng ân, rồi sẽ diễn ra trong động năng sống và hành động trong và xung quanh tặng ân.

Mầu nhiệm kẻ phản bội

Trình thuật rửa chân cho thấy có hai cách ứng xử khác nhau của con người trước hồng ân, thể hiện qua hành động của Giuđa và Phêrô. Ngay sau khi khuyên bảo hãy theo gương của Ngài, Đức Giêsu bắt đầu nói về Giuđa. Gioan bảo ta về điều này rằng Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến và chứng thực: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21).

Gioan ba lần nói về Đức Giêsu cảm thấy tâm thần “xao xuyến”: bên mồ Lazarô (11,33. 38), vào “Chủ nhật Lễ Lá” sau khi nói về hạt lúa mì chết đi trong một khung cảnh gợi nhớ đến Ghétsêmani (12,24–27), và lần cuối cùng ở đây. Đây là những giây phút Đức Giêsu chạm trán sự uy hùng của tử thần và cọ xát với quyền lực của bóng tối, mà nhiệm vụ của Ngài là vật lộn với nó và chiến thắng. Ta sẽ trở lại sự “xao xuyến” tâm thần của Đức Giêsu khi ta xem xét đêm trải qua trên Núi Câu Dầu.

Ta hãy trở về bản văn của ta. Điều dễ hiểu, lời tiên báo sự bội phản làm các môn đệ xao động và tò mò. “Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simôn Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: ‘Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?’ Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?”  Đức Giêsu trả lời: ‘Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy’” (13,23–26).

Để hiểu bản văn này, trước hết cần lưu ý rằng trước hết việc ngả người tại bàn ăn được mô tả trong tiệc Vượt qua. Charles K. Barrett giải thích câu vừa dẫn đó như sau: “Những người tham gia bữa ăn nằm ngả người về phía trái; tay trái được dùng để đỡ lấy thân mình, tay phải được tự do sử dụng.  Môn đệ bên phải Đức Giêsu do đó để đầu ngả vào ngay trước Đức Giêsu và do có có thể nói được là nằm trong lòng của Ngài. Hiển nhiên người đó ở trong tư thế nói chuyện thân mật với Đức Giêsu, nhưng đó không phải tư thế vinh dự nhất; tư thế này ở bên trái người chủ trì. Vị trí do vị môn đệ mến yêu chiếm tuy nhiên lại là của một người bạn đáng tin”; Barrett liền tham chiếu đến một đoạn văn của Pliny (Phúc Âm theo Thánh Gioan, tr. 446).

Câu trả lời của Đức Giêsu, như trích dẫn ở đây, rất rõ rệt không chút hàm hồ. Tuy nhiên, tác giả Phúc Âm nói rằng các môn đệ vẫn còn không hiểu Ngài muốn nói về ai. Nên ta phải giả định rằng Gioan đã đem lại một sự rõ ràng cho câu trả lời của Chúa mà câu đó còn thiếu vào thời điểm đó cho những ai hiện diện. Gioan 13,18 đưa ta trở lại đúng đường. Ở đây Đức Giêsu nói: “Kinh Thánh phải được ứng nghiệm: ‘Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con’” (x. Tv 41:9; Tv 55,13). Đây là cách nói cổ điển của Đức Giêsu: Ngài muốn nói đến số phận của anh ta, sử dụng từ ngữ của Kinh Thánh, qua đó xác định vị trí của số phận đó trong lô-gic của Thiên Chúa, trong lô-gic của lịch sử cứu độ.

Vào một giai đoạn về sau, những lời này trở nên hoàn toàn trong suốt: người ta thấy rằng Kinh Thánh thực sự mô tả con đường mà anh phải đi — nhưng hiện nay câu đố vẫn còn. Tất cả những gì có thể suy luận về điểm này là một trong những người đồng bàn sẽ phản bội Đức Giêsu; rõ ràng là Chúa sẽ phải chịu đựng cho đến tận cùng và cho đến chi tiết cuối cùng sự đau khổ của người công chính, mà Thánh Vịnh nói riêng cung cấp nhiều cách diễn đạt khác nhau. Đức Giêsu phải cảm nhận sự không hiểu và bất trung ngay cả của những người thuộc nhóm các người bạn gần gũi nhất của Ngài và, về phương diện này, “làm trọn lời Kinh Thánh”. Ngài được mạc khải như là chủ thể thực của Thánh Vịnh, như “Đavít”, từ đó phát sinh các Thánh Vịnh và qua đó chúng có ý nghĩa.

Gioan đem lại một chiều sâu mới cho câu của thánh vịnh mà Đức Giêsu đã nói tiên tri về những gì nằm phía trước, bởi vì thay cho thành ngữ trong Kinh Thánh Hy Lạp để nói việc “ăn”, Ngài chọn động từ trôgein, từ được Đức Giêsu sử dụng trong đại diễn từ “bánh sự sống” để chỉ về việc “ăn” thịt và máu, nghĩa là, lĩnh nhận bí tích Thánh Thể (Ga 6,54-58). Cho nên câu thánh vịnh rải một cái bóng tiên tri trên Hội Thánh vào thời của tác giả Phúc Âm, trong đó Thánh Thể được cử hành, và quả thật, qua Hội Thánh vào mọi thời: sự phản bội của Giuđa không phải là sự vi phạm sau cùng về lòng trung thành mà Đức Giêsu chịu. “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (Tv 41,9). Việc vi phạm tình bạn mở rộng sang cộng đồng bí tích của Hội Thánh, nơi người ta tiếp tục ăn “bánh của Ngài” và phản bội Ngài.

Cuộc khổ hình của Đức Giêsu, cuộc chiến chống lại cái chết, còn tiếp diễn cho đến tận cùng thế giới, như Blaise Pascal đã nói trên cơ sở những sự xem xét tương tự (x. Pensées VII, 553). Ta còn có thể nói cách khác:vào giờ này, Đức Giêsu hứng chịu lấy sự bội phản của mọi thời đại, nỗi đau gây ra bởi sự phản bội của mọi thời đại, và Ngài chịu đựng nỗi đớn đau của lịch sử cho đến kết cục cay đắng.

Gioan không đưa ra bất kỳ giải thích tâm lý nào về hành vi của Giuđa. Điều duy nhất Gioan đưa ra là một sự ám chỉ Giuđa đã bòn rút hòm tiền của các môn đệ, mà anh ta phụ trách (12,6). Trong ngữ cảnh chương 13, tác giả Phúc Âm chỉ nói ngắn gọn: “Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y” (13,27).

Đối với Gioan, điều xảy ra cho Giuđa vượt quá sự giải thích thuộc lĩnh vực tâm lý. Anh ta đã đến chỗ chịu sự thống trị của một thứ khác. Bất kỳ ai làm gãy tình bạn với Đức Giêsu, ném đi “gánh êm ái” của Ngài, thì không đạt đến sự tự do, nhưng lại rơi vào các quyền lực khác. Nói cách khác, anh phản bội tình bạn này bởi vì anh ở trong sự kiềm tỏa của một quyền lực khác mà anh đã tự mở ra cho mình.

Thật ra, ánh sáng mà Đức Giêsu đổ vào linh hồn Giuđa đã không hoàn toàn bị dập tắt. Anh tiến một bước đến chỗ hoán cải: “Tôi đã phạm tội”, anh nói với những kẻ sai anh. Anh tìm cách cứu Đức Giêsu, và anh trả lại số tiền (Mt 27,3-5).  Mọi thứ gì thanh khiết và vĩ đại mà anh đã nhận từ Đức Giêsu vẫn còn trong tâm hồn của anh – anh không thể nào quên.

Bi kịch thứ hai của anh ta – sau khi phản bội – là anh không còn có thể tin vào sự tha thứ. Nỗi ân hận cắn rứt của anh trở nên sự tuyệt vọng. Nay anh chỉ còn thấy bản thân và bóng tối của mình; anh không còn trông thấy ánh sáng của Đức Giêsu, thứ ánh sáng có thể chiếu soi và khắc phục bóng đêm. Anh chỉ cho ta thấy loại ân hận sai lầm: loại không thể hy vọng, chỉ thấy bóng đêm của mình, loại phá hoại và tuyệt nhiên không phải thứ thiệt. Sự ân hận chân thực được ghi dấu bằng niềm hy vọng xác thực sinh ra bởi niềm tin vào quyền lực cao siêu của thứ ánh sáng đã thành xác thịt trong Đức Giêsu.

Gioan kết thúc đoạn nói về Giuđa bằng những lời kịch tính này: “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối” (13,30). Giuđa đi ra – trong một nghĩa sâu xa hơn. Anh ta đi vào trong đêm tối; anh ra khỏi ánh sáng vào trong đêm tối: “quyền lực bóng tối” đã nắm lấy anh ta (x Ga 3,19; Lc 22,53).

HAI CUỘC ĐÀM THOẠI VỚI PHÊRÔ

Trong trường hợp Giuđa, ta đối diện với mối nguy hiểm thường xuyên về “những kẻ đã một lần được chiếu sáng, đã được nếm thử ân huệ bởi trời, đã được thông chia Thánh Thần” (Dt 6,4) lại có thể  qua một chuỗi bất trung có vẻ nhỏ, nhưng cuối cùng trong tinh thần, sẽ lìa xa ánh sáng, bước vào đêm tối và không còn khả năng quay trở lại. Nơi Phêrô, ta đối diện một mối nguy hiểm khác, hay cả việc sa ngã, nhưng không trở thành sự trốn lánh và có thể nhờ việc sám hối được chữa lành.

Gioan 13 thuật lại hai cuộc trao đổi giữa Đức Giêsu và Phêrô, trong đó cho ta thấy rõ hai mặt của mối nguy hiểm. Trước tiên, Phêrô không muốn Đức Giêsu rửa chân cho mình. Điều này đi ngược với quan niệm thầy trò, đi ngược với hình ảnh về Đấng Mêsia mà ông nhận ra nơi Đức Giêsu. Sự phản đối việc rửa chân trên căn bản mang ý nghĩa cũng giống như sự phản đối của ông khi nghe Đức Giêsu thông báo về cuôc Khổ nạn của mình sau lời tuyên xưng tại Caesarea Philippi. “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16,22).

Giờ đây, từ quan điểm tương tự, ông nói: “Thầy mà rửa chân chìo con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13,8). Đó là phản ứng với Đức Giêsu mà ta thấy suốt lịch sử: Thầy là người chiến thắng, Thầy là người hùng – Thầy không được hạ mình hay khiêm nhường! Nhiều lần Đức Giêsu phải giúp ta nhận ra một lần nữa rằng quyền năng của Thiên Chúa thật khác hẳn, Đấng Mêsia phải qua đau khổ mới vào vinh quang và phải dẫn dắt những người khác đi theo cũng con đường đó.

Trong cuộc nói chuyện thứ hai, sau khi Giuđa ra đi và điều răn mới được giảng dạy, chủ đề là khổ nạn. Điều này diễn tả bằng những thuật ngữ “ra đi”, “vượt qua (hypágô). Đức Giêsu có nói trong hai dịp trong Phúc Âm Gioan về cuộc “ra đi” đến nơi mà người Do Thái không thể đến được (x. 7,34-35; 8,21-22). Các người nghe Chúa cố đoán ý nghĩa xem Chúa nói gì và đưa ra hai giả thiết khác nhau. Trong dịp thứ nhất, họ nói: “Phải chăng ông sắp đi gặp kiều bào sống giữa người Hy Lạp, để giảng dạy cho người Hy Lạp?” (7,35). Và dịp thứ hai: “Ông ấy tự tử hay sao?” (8,22). Trong hai trường hợp, họ cho rằng mình đã đoán đúng, tuy nhiên họ hoàn toàn đoán hụt. Vâng, Ngài ra đi là đi đến cái chết – không phải là tự tử: đúng ra, Ngài chuyển đổi cái chết đầy bạo lực của mình thành việc hoàn toàn tự hiến ban chính mạng sống của mình (x. 10,18). Và cũng vậy,  Đức Giêsu trong thực tế không đi đến xứ Hy Lạp, nhưng qua Thập giá và sự Phục sinh, Ngài đã thực sự đi đến với người Hy Lạp và đã mạc khải Cha của Ngài là Thiên Chúa hằng sống cho thế giới ngoại giáo.

Trong lúc rửa chân, trong bầu khí biệt ly ghi đậm nét cảnh tượng này, Phêrô hỏi Thầy của mình rất công khai: “Thưa Thầy! Thầy đi đâu?” Và một lần nữa ông nhận được câu trả lời bí ẩn: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” Phêrô hiểu Đức Giêsu đang nói về cái chết sắp đến của mình và bây giờ Ngài muốn nhấn mạnh đến sự trung thành triệt để của ông cho đến chết: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” (13,37). Thực vậy, chỉ một lát sau tại núi Cây Dầu, ông đã múa gươm sẵn sàng thực hiện ý định của mình. Nhưng ông phải học biết rằng việc làm chứng không phải là thành quả anh hùng: đúng ra, có khả năng đau khổ vì Đức Giêsu là một ơn. Ông phải từ bỏ chủ nghĩa anh hùng về hành vi cá nhân và phải học sự khiêm tốn của người môn đệ. Ước muốn nóng nảy ra tay của ông –  chủ nghĩa anh hùng của ông – dẫn đến sự ông chối Chúa. Để có một chỗ gần lửa trong khuôn viên dinh thượng tế và để năm bắt mọi diễn tiến xảy ra cho số phận  Đức Giêsu, ông tuyên bố không biết Ngài. Chủ nghĩa anh hùng của ông tan tác trong một  chiến thuật nhỏ nhoi. Ông phải học chờ đến giờ của mình. Ông phải học cách chờ đợi, cách kiên nhẫn. Ông phải học con đường của người môn đệ để được dẫn đi, khi giờ của Ngài đến, đến nơi ông không muốn đi (x.Ga 21,18) và nhận lĩnh ơn tử đạo.

Hai cuộc trao đổi này chủ yếu đều về một điểm: không cần phải nói với Thiên Chúa điều Ngài phải làm, nhưng phải học chấp nhận Ngài như Ngài tự mạc khải cho ta; không tìm cách nâng mình lên bằng Thiên Chúa, nhưng trong sự phục vụ khiêm tốn, để mình được dần dần uốn nắn theo hình ảnh đích thực của Thiên Chúa.

 

RỬA CHÂN VÀ XƯNG THÚ TỘI LỖI

Để kết luận, ta phải xét đến một chi tiết cuối cùng của trình thuật rửa chân. Sau khi Chúa giải thích cho Phêrô sự cần thiết việc ông phải rửa chân, Phêrô trả lời: nếu vậy thì Đức Giêsu hãy rửa không những chân ông mà cả tay và đầu của ông nữa. Câu trả lời của Đức Giêsu một lần nữa rất khó hiểu: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch, chỉ cần rửa chân mà thôi” (13,10). Câu này nghĩa là gì?

Đức Giêsu hiển nhiên cho rằng các môn đệ trước khi vào bàn ăn đã tắm rửa toàn thân, nên bây giờ tại bàn tiệc, chỉ cần rửa chân. Rõ ràng, Gioan nhìn thấy một ý nghĩa biểu trưng sâu xa hơn trong những lời này, không dễ gì nhận ra. Ta hãy nhớ ngay rằng việc rửa chân – như biện luận ở trên – không phải là một bí tích riêng lẻ, nhưng là toàn bộ sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu: saramentum tình yêu của Ngài mà Ngài dìm ta qua đức tin vào trong đức tin, tình yêu của Ngài, là việc tắm rửa thanh tẩy đích thực của ta.

Thế nhưng trong bối cảnh này, việc rửa chân có một ý nghĩa cụ thể hơn, vượt qua và lên trên tính biểu trưng cơ bản của nó, một sự biểu trưng chỉ về các thực hành trong đời sống Giáo hội tiên khởi. Đó là gì? Việc tắm rửa toàn thân chỉ có thể là bí tích Rửa tội, qua đó con người được dìm vào trong Đức Kitô một lần dứt khoát, thủ đắc cho mình căn tính mới của người sống trong Đức Kitô. Sự kiện căn bản này, qua đó ta trở thành Kitô hữu không phải do công sức của ta mà qua hành động của Chúa trong Giáo hội của Ngài, là không thể lặp lại. Thế nhưng trong đời sống các Kitô hữu – để được hiệp thông nơi bàn tiệc với Chúa – luôn luôn cần có sự hoàn tất: “rửa chân”. Điều này là gì? Chẳng có một câu trả lời đơn lẻ không tranh cãi. Nhưng dường như đối với tôi, Thư thứ Nhất Gioan chỉ cho ta đi đúng hướng và cho ta thấy điều này nghĩa là gì. Ta đọc trong thư: “Nếu ta nói là ta không có tội, ta tự lừa dối mình, và sự thật không trong ta. Nếu ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho ta, và sẽ thanh tẩy ta sạch mọi điều bất chính. Nếu ta nói là ta đã không phạm tội, thì ta coi Ngài là kẻ nói đối, và lời của Ngài không trong ta” (1,8-10). Vì ngay cả những người đã được rửa tội vẫn còn là kẻ có tội, họ cần thú nhận tội lỗi, “sẽ thanh tẩy ta sạch mọi điều bất chính”.

Từ ngữ “thanh tẩy” này là chỉ dấu cho thấy sự liên kết nội tại với đoạn rửa chân. Thói quen xưng thú tội lỗi, vốn xuất phát từ Do Thái giáo, cũng được nhắc đến trong Thư Giacôbê (5,16) cũng như sách Didachē. Trong đó ta đọc: “Ở trong nhà thờ, anh hãy thú nhận tội lỗi của anh” (4,14) và “vào Ngày của Chúa, anh em hãy tụ tập lại để Bẻ Bánh và tạ ơn, sau khi thú nhận tội lỗi của anh em với nhau” (14,1). Về mặt này, Franz Mussner, dựa theo Rudolf Knopf, nói: “Trong hai đoạn văn, người ta nghĩ đến một đoạn ngắn thú tội công khai của cá nhân” (Jakobusbrief, tr. 226, số 5). Thật vậy, ta không được xem việc thú nhận tội lỗi này, được tìm thấy trong môi trường chịu ảnh hưởng của Kitô giáo gốc Do Thái, như là bí tích Hòa giải trong khi đang phát triển trong  tiến trình lịch sử sau này của Giáo Hội: đó chỉ là một “bước tiến trên đường” đến bí tích đó (sđd, tr. 226).

Điểm nhấn là thế này: tội lỗi không được phép mưng mủ trong sự im lặng của tâm hồn, đầu độc tâm hồn từ bên trong. Tội lỗi cần phải được thú nhận. Qua việc xưng thú, ta sẽ đem tội ra ánh sáng, dìm chúng vào tình yêu thanh tẩy của Đức Kitô (x. Ga 20-21). Trong việc xưng thú, Chúa rửa đi rửa lại bàn chân lấm đất của ta và chuẩn bị cho ta hiệp thông bàn tiệc với Ngài.

Nhìn lại toàn bộ chương nói về việc rửa chân, ta có thể nói rằng trong cử chỉ khiêm hạ này, diễn tả toàn bộ thừa tác vụ về sự sống và cái chết của Đức Giêsu, Chúa đứng trước mặt ta như người tôi tớ của Thiên Chúa – như người tự hạ làm kẻ phục vụ cho ta, và gánh lấy gánh nặng của ta, ban cho ta sự thanh sạch đích thực và khả năng tiến đến gần Thiên Chúa. Trong bài ca thứ hai Người Tôi tớ Đau khổ trong Isaia, có một cụm từ, theo một nghĩa nào đó, đã tiên báo yếu tính của thần học Gioan về Thương khó: Chúa “nói với tôi: ‘Ngươi là tôi trung của Ta, Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang’” (49,3; từ Hy lạp trong bản LXX là doxosthēsomai”).

Thật ra, bản văn kể lại toàn bộ cuộc Thương khó của Thánh Gioan được xây dựng trên mối tương quan này giữa việc phục vụ khiêm tốn và vinh quang (dôxa): chính trong con đường đi xuống của Đức Giêsu, sự hạ mình của Ngài xuống tận Thập giá mà vinh quang của Thiên Chúa đã được biểu lộ, Chúa Cha và trong Chúa Cha, Đức Giêsu được tôn vinh. Trong một hoạt cảnh ngắn về “Chủ nhật lễ Lá” – trong đoạn được mệnh danh là bản văn của Gioan về trình thuật Ghétsêmani – tất cả điều này được tóm kết như sau: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa” (Ga 12,27-28). Giờ của Thập giá là giờ vinh quang đích thực của Thiên Chúa, giờ vinh quang đích thực của Đức Giêsu.


Trích Chương 3 – Rửa chân, Đức Giêsu thành Nazareth, Phần II: Tuần Thánh

 

 

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI  

 

Tuần Thánh 2017, Đan Quang Tâm dịch