10/01/2025

Nghệ sĩ piano một tay

Sinh năm 1989, Nicholas McCarthy là người duy nhất chỉ có một tay tốt nghiệp Cao đẳng Âm nhạc hoàng gia tại London trong lịch sử 134 năm của ngôi trường này.

 

Nghệ sĩ piano một tay

Sinh năm 1989, Nicholas McCarthy là người duy nhất chỉ có một tay tốt nghiệp Cao đẳng Âm nhạc hoàng gia tại London trong lịch sử 134 năm của ngôi trường này.

 

 

 

Nghệ sĩ piano một tay
Nghệ sĩ dương cầm một tay người Anh Nicholas McCarthy – Ảnh: BBC

Sinh ra đã thiếu mất bàn tay phải, Nicholas McCarthy thoạt đầu cũng giống như bao đứa trẻ bình thường khác, chẳng hề quan tâm tới nhạc cổ điển. Cái cậu thích thú hơn là máy chơi game PlayStation và chiếc xe đạp địa hình.

Nhưng rồi McCarthy đột nhiên muốn học chơi đàn từ năm 14 tuổi, sau lần chứng kiến người bạn chơi bản sonata Bình minh của Beethoven. Cậu chia sẻ lại ý nghĩ vụt đến trong đầu khi nghe người bạn chơi đàn: “Ôi lạy Chúa, đó chính là điều mình sẽ làm”.

Đương nhiên McCarthy biết rõ để trở thành một nghệ sĩ dương cầm, có khi người ta phải học đàn từ năm lên 3, chứ không phải muộn tới cả chục năm như cậu khi đó.

Từ nhiều năm trước, McCarthy đã có một chiếc đàn organ nhỏ để trên gác xép, giờ là lúc cậu nhờ bố mẹ lấy xuống và lặng lẽ tự học chậm rãi.

 

Cậu học chơi đàn bằng tai, tra cứu trên Internet cách đọc bản nhạc. Và rồi chỉ trong khoảng năm tháng, cậu đã nắm được những kiến thức khá vững về nhạc lý và cách chơi. Và lúc này, mọi đam mê trước đó đã bị thay thế bằng âm nhạc.

 

Cậu bắt đầu nghe nhạc cổ điển của các nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng trên mạng YouTube. Cậu tự ví mình như miếng bọt biển, say sưa “thấm hút” tất cả những kiến thức tuyệt vời đó vào tâm hồn và trí não.

Tới một ngày McCarthy nhận ra mình có một chút tài năng. Chẳng là cậu có thói quen nghe chương trình Classic FM trên đài trong phòng ngủ, cũng là nơi chơi đàn.

Hôm đó, khi cậu đang chơi bản sonata Ánh trăng của Beethoven thì bố cậu ở dưới nhà hét váng lên: “Nick, con vặn nhỏ đài bớt đi”. Khi nghe McCarthy trả lời: “Không phải đài đâu bố, là con đấy” thì ở dưới gác, người cha đã lặng đi rất lâu.

Sau đó ông hỏi cậu: “Con có muốn học piano không?” và đương nhiên là cậu đồng ý.

Ngày đầu tiên gặp giáo viên dạy nhạc, McCarthy hồi hộp lắm vì đó là lần đầu tiên cậu chơi nhạc cho một người khác, người mà hiểu rõ những gì họ đang nghe.

Cậu chơi bản sonata Ánh trăng và khi chơi xong, cậu thấy cô giáo khóc.Cậu tự hỏi: “Có phải mình chơi tệ quá không?”, nhưng cô giáo nói: “Thật tuyệt vời”.

Sau hai năm theo học các bài bản của piano, người giáo viên dạy nhạc nói với McCarthy và bố mẹ cậu: “Nick bây giờ đã giỏi hơn tôi rồi, tôi thực lòng nghĩ rằng cậu ấy nên tiếp tục học và tới một trường nhạc chuyên nghiệp, cậu ấy rất có tài”.

Tới giờ, cậu vẫn còn nhớ về cuộc gọi điện thoại cho bà hiệu trưởng trường nhạc như thể nó chỉ vừa mới xảy ra hôm qua. Bà bảo với cậu: “Thành thực mà nói, tôi vẫn chưa có thời gian để gặp em vì tôi không biết làm thế nào em có thể chơi các thang âm khi không có đủ hai bàn tay”.

Và khi đó cậu thiếu niên 15 tuổi bướng bỉnh đã trả lời bà: “Em không muốn chơi các thang âm, em muốn chơi nhạc”. Thế là bà hiệu trưởng dập máy điện thoại.

Thái độ từ chối phũ phàng của bà hiệu trưởng đã khiến cậu bé 15 tuổi vô cùng đau khổ. Cậu bỏ đàn suốt hai tuần liền và rồi một ngày thức giấc, cậu tự hỏi tại sao lại để một người phụ nữ thậm chí còn không muốn xem mình chơi đàn cản trở giấc mơ trở thành nghệ sĩ dương cầm của cậu?

Và cậu quyết định nộp đơn vào Trường Âm nhạc và kịch nghệ Guildhall. Cậu không nói với họ về việc thiếu bàn tay của mình. Cậu muốn mình được trao cơ hội, ít nhất là để họ tận mắt xem cậu chơi đàn trước, rồi sau đó nếu cậu chơi dở, họ hoàn toàn có quyền từ chối.

Lần đó cũng là lần đầu tiên McCarthy trình bày bản nhạc trên một chiếc piano, sau khi giải thích với họ về việc thiếu một bàn tay. Nhưng McCarthy đã được nhận vào học.

Vào học rồi lại là một quá trình đầy thử thách tiếp theo với McCarthy, khi cậu phải nỗ lực ganh đua với những người đã quen chơi đàn từ năm lên 3, chỉ có cậu là người mới học đàn trong vài năm ít ỏi.

Nhưng bất chấp tất cả, McCarthy dốc toàn bộ sức lực để hướng tới mục tiêu tiếp theo là Cao đẳng Âm nhạc hoàng gia, ngôi trường mà ngay chính giáo viên của cậu cũng nghĩ cậu thậm chí không dám nộp đơn xin học.

Năm 2012, khi McCarthy tốt nghiệp Trường cao đẳng Âm nhạc hoàng gia tại London, thành tựu của cậu đã được báo chí trong nước và quốc tế ngợi ca.

Vài tuần sau khi tốt nghiệp, McCarthy vinh dự được biểu diễn cùng ban nhạc rock nổi tiếng Coldplay của Vương quốc Anh tại lễ bế mạc thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic năm 2012 ở London, trước 86.000 khán giả và nửa tỉ khán giả toàn thế giới theo dõi sự kiện.

Kể từ đó tới nay, McCarthy đã tham gia biểu diễn khắp nơi trên thế giới, trong đó có thể kể đến những lần biểu diễn tại Anh, Mỹ, Nam Phi, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malta và Kazakhstan.

Tháng 3 vừa rồi, McCarthy có một chương trình biểu diễn mang tên “Nicholas McCarthy: Me and my left hand” (Nicholas McCarthy: Tôi và bàn tay trái của tôi) tại Royal Albert Hall, nhà hát lớn nhất và cũng là một trong những biểu tượng văn hóa, kiến trúc độc đáo của Vương quốc Anh.

D.KIM THOA tổng hợp