‘Cô giáo tình thương’ 81 tuổi
Hơn 6h sáng, cô Trần Thị Kính (81 tuổi, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đã lục đục chuẩn bị sách vở rồi đạp xe đến lớp học tình thương do chính cô thành lập cách nhà hơn hai cây số.
‘Cô giáo tình thương’ 81 tuổi
Hơn 6h sáng, cô Trần Thị Kính (81 tuổi, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đã lục đục chuẩn bị sách vở rồi đạp xe đến lớp học tình thương do chính cô thành lập cách nhà hơn hai cây số.
Cô Kính và học trò tại lớp học tình thương của mình – Ảnh: T.TRANG |
“Ngoài dạy học, cô Kính còn là người rất có uy tín khi đi vận động kế hoạch hoá gia đình. Trong toàn thị trấn này, nhiều gia đình không sinh lần ba là nhờ công cô Kính” |
Mỗi ngày cô là người đến lớp sớm nhất, cô nói đến sớm để nhìn tâm trạng từng đứa học trò mà dạy.
Cô bảo khó khăn lắm mới gom được các em về học, cô chỉ muốn thêm chứ không muốn bớt đi học trò nào. Hiểu tâm lý để xoa dịu, động viên các em là điều cô làm đầu tiên khi cầm viên phấn.
“Hôm nay lớp vắng ba em, chiều nay tranh thủ đến nhà coi mấy đứa có bệnh hoạn gì mà không đi học” – cô Kính nói.
Lớp học có tổng cộng 25 học sinh, đủ mọi lứa tuổi, nhưng đều chung hoàn cảnh không thể đến trường vì quá nghèo, đứa lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi. Trước khi đến lớp học của cô Kính, một chữ bẻ đôi các em còn chưa biết.
Cô Kính nhớ lại ngày xưa trong vùng chỉ những đứa trẻ nhà khá giả mới được đi học, còn đứa nào nghèo mà ham học thì đứng len lén ngoài cửa sổ nhìn vô, xót lắm nhưng không thể nào giúp được hết. “Thấy vậy, tôi đến nhà nói cha mẹ tụi nhỏ cho đi học, nhưng lúc đó cái ăn còn kiếm khó trăm bề, kêu người ta cho con học chữ là chuyện không tưởng” – cô Kính nói.
Lớp học của cô bắt đầu từ năm 1990 đến nay, lúc đầu chỉ có vài ba học sinh, rồi sĩ số lớp tăng dần, lúc đông nhất là hơn 40 em. Một thời gian dài lớp học không cố định một chỗ, mà phải mượn phòng tạm ở các chùa hoặc uỷ ban. Đến năm 2009, nhiều mạnh thường quân đã đóng góp xây được lớp học kiên cố cho thầy và trò yên tâm học tập đến nay.
“Tôi đã lớn tuổi nên tâm lý sẽ không phù hợp với giới trẻ hiện nay. Muốn hiểu để dạy được tụi nhỏ là cả một quá trình, nên tới giờ tôi vẫn là bạn đọc trung thành của báo Mực Tím, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ…” – cô Kính nói.
Phần lớn trẻ ở đây không được chăm sóc chu đáo, cứ vậy mà lớn lên như cây cỏ, nên cô Kính cho rằng dạy chữ là một lẽ, mặt khác giáo dục nhân cách, sinh hoạt văn minh là điều không thể bỏ qua với trẻ ở vùng nông thôn này.
Giờ lên lớp hằng tuần, cô Kính dùng một buổi tâm sự cùng học trò. Cô dạy tuyệt đối không em nào được nói tục chửi thề, học sinh nam không tập tành hút thuốc, uống rượu. Nữ được ưu ái hơn, đang lứa tuổi dậy thì nên cô dạy luôn cách sử dụng băng vệ sinh, giữ vệ sinh cá nhân, dùng nước sạch, tắm giặt thường xuyên. “Bây giờ nhiều cạm bẫy lắm nên tui ráng dạy tới đâu hay tới đó, lo nhất là mấy đứa con gái. Tui phải dặn dò hoài để các em không bị xâm phạm, bị lợi dụng” – cô Kính chia sẻ.
Cô trăn trở hoài chữ nghĩa dạy thì dễ, dạy làm người mới khó, muốn làng xóm bình yên, gia đình yên ấm thì những “chồi non” của cô phải được uốn nắn từ lúc này.
Ông Nguyễn Quang Nghiêm, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kế Sách, cho biết nhờ có cô Kính mà tình hình xóa mù chữ ở địa phương nhẹ hơn rất nhiều. “Bà con ở đây phần lớn đi làm ăn xa, nhiều nhà còn đưa con đi theo, nên khi trở về trẻ rất khó hòa nhập vào trường lớp. Những trường hợp đó đều được cô Kính dìu dắt, nên khi các em trở lại lớp thì rất tự tin, đỡ gánh nặng cho các thầy cô giáo khác” – ông Nghiêm nói.
Ông Nghiêm cũng cho biết vì thấy cô lớn tuổi rồi, nên nhiều lần ông khuyên cô nên nghỉ ngơi ở nhà. Việc này giờ phòng GD-ĐT có thể cử người làm được nhưng cô cứ xua tay, nói chừng nào hết hơi hết sức thì thôi, giờ cứ để cô làm bởi đó là niềm vui duy nhất của cô hiện nay.