12/01/2025

Biển Trung Quốc sắp hết cá

Các báo cáo nghiên cứu mới nhất của nhiều tổ chức quốc tế cho thấy do khai thác không bền vững, Trung Quốc cạn kiệt nguồn hải sản trong nước và đang tiến xa hơn ra vùng biển quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu cá trong nước.

 

Biển Trung Quốc sắp hết cá

Các báo cáo nghiên cứu mới nhất của nhiều tổ chức quốc tế cho thấy do khai thác không bền vững, Trung Quốc cạn kiệt nguồn hải sản trong nước và đang tiến xa hơn ra vùng biển quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu cá trong nước.

 

 

 

Biển Trung Quốc sắp hết cá
Du khách ăn tối và ngắm cá bơi lội tại công viên Thế giới đại dương ở Thiên Tân (Trung Quốc) – Ảnh: Reuters

Trang tin Quartz của Mỹ cho rằng các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế biển của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ gần đây, trong đó có hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi và đánh bắt cá không bền vững, đã gây sụt giảm nghiêm trọng trữ lượng cá tại vùng biển của họ.

Để thỏa mãn nhu cầu hải sản ngày càng tăng trong nước và cả hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài, các tàu cá Trung Quốc vẫn trông vào hoạt động đánh bắt tại các vùng biển quốc tế, và có thể cả hoạt động đánh bắt trái phép tại vùng biển các nước khác.

Nhiều sai phạm

Năm 2016 đã xảy ra một số vụ việc tàu cá Trung Quốc bị bắn vì đánh bắt trái phép trong các khu đặc quyền kinh tế của nước khác. Tháng 3-2016, tuần duyên Argentina đã bắn chìm tàu cá Trung Quốc Lu Yan Yuan Yu 010 khi tàu này cố tình chạy trốn vào khu vực biển quốc tế sau khi thả lưới trái phép ngoài khơi bờ biển ở thành phố Puerto Madryn của Argentina.

 
 

 

Tháng 11-2016, tàu cảnh sát biển Hàn Quốc đã nổ súng vào hai tàu cá của Trung Quốc sau khi những tàu này định lao vào các tàu tuần tra ở khu vực Hoàng Hải gần thành phố Incheon. Sự việc xảy ra vào thời điểm chưa đầy một tháng sau khi các ngư dân Trung Quốc đâm và đánh chìm một xuồng cao tốc của lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc cũng tại vùng biển đó.

Ngoài những mâu thuẫn và căng thẳng chính trị liên quan tới các xung đột xảy ra tại Biển Đông thì rõ ràng ngư dân Trung Quốc rất nóng lòng muốn tìm kiếm thêm các ngư trường mới.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học của Mỹ PNAS năm 2016 nhận định: “Trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, quốc gia này đã mất một nửa diện tích đầm lầy ven biển, 57% diện tích rừng đước và 80% các rạn san hô, hầu hết chúng đều là những khu vực thiết yếu để các loài cá đẻ trứng, sinh trưởng và là nơi cung cấp thức ăn cho cá”.

Cũng vì ngư dân Trung Quốc đánh bắt theo kiểu càn quét nên đã tiêu diệt tất cả sinh vật sống trên đường đi của lưới. Không chỉ phá hủy các rạn san hô và môi trường sống cần thiết cho sinh vật biển, ngư dân còn hủy hoại cả những loài vô tình mắc vào lưới của họ. Trong số đó, ngoài cá tạp, còn có cả những loài có nguy cơ tuyệt chủng như rùa biển.

Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của LHQ (FAO), trữ lượng cá thương mại của thế giới ở các cấp độ bền vững sinh học đã giảm từ 90% năm 1974 xuống còn 68,6% năm 2013. Nói cách khác, gần 1/3 trữ lượng cá thương mại toàn cầu đã bị đánh bắt hết.

Mập mờ thỏa thuận với các nước

Trên thực tế, các quốc gia có thể ký kết những thỏa thuận cụ thể cho phép ngư dân nước khác được đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Theo hãng nghiên cứu độc lập Wilson Center có trụ sở tại Washington, Trung Quốc chắc chắn có nhiều thoả thuận dạng này. Trong đó có thỏa thuận với các nước như Mauritania, Senegal và Las Palmas ở quần đảo Canaria.

Tuy nhiên, một báo cáo nghiên cứu năm 2016 đăng tải trên tạp chí Nature Communications phát hiện Trung Quốc đã che giấu tổng lượng đánh bắt của các đội tàu cá xa bờ của họ. Rà soát lại với những báo cáo của Trung Quốc gửi lên FAO vào những năm 1980, nghiên cứu này cũng nhận thấy Bắc Kinh một mặt nói quá lên số lượng hải sản đánh bắt được trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, mặt khác giảm lượng đánh bắt ở vùng biển quốc tế.

Sở dĩ Trung Quốc có thể làm được như vậy vì các thoả thuận của những nước cho phép tàu cá Trung Quốc đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của họ không được công khai với dư luận. Do đó cách duy nhất để xác định việc đánh bắt đó có hợp pháp hay không là phải đưa vụ việc ra toà.

Từ năm 2000-2011 Trung Quốc chính thức báo cáo nước này đánh bắt được trung bình 368.000 tấn cá mỗi năm tại các khu vực bên ngoài ngư trường nội địa. Tuy nhiên, báo cáo năm 2013 đăng tải trên trang Wiley Online Library cho thấy tổng sản lượng đánh bắt này cao hơn nhiều, khoảng 3,1 triệu tấn mỗi năm, tức gấp gần 10 lần số liệu Trung Quốc báo cáo lên FAO.

Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng sản lượng đánh bắt không được tính đến chủ yếu là lượng cá ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở các vùng biển thuộc Tây Phi.

Chưa hết, ngoài việc cung cấp cá cho nhu cầu tiêu thụ của con người, một báo cáo năm 2017 đăng trên tạp chí Fish and Fisheries còn chỉ ra Trung Quốc là nước tiêu thụ một lượng cá cho nhu cầu không phải của con người lớn hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Nói cách khác, họ dùng cá làm thức ăn để nuôi các loại cá khác tại các trang trại trong nước.

Năm 2013, trong một chuyến công tác tới Tanmen, một làng chài trên đảo Hải Nam thuộc Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đó đã kêu gọi ngư dân tham gia “đóng tàu lớn hơn và tiếp tục vươn xa hơn ra đại dương để bắt được cá to hơn”.

Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức giám sát môi trường Greenpeace, tổng số tàu cá Trung Quốc đang hoạt động tại các vùng biển quốc tế và vùng biển của các nước khác suýt soát 2.500 tàu. Con số này gần gấp 10 lần tổng số tàu cá thương mại đánh bắt xa bờ của Mỹ.

Trung Quốc là một khu vực riêng

Trong một báo cáo năm 2016, FAO cho biết vào năm 2014, Trung Quốc chỉ chiếm hơn 18% tổng lượng đánh bắt hải sản toàn cầu, nhưng tới năm 2030, dự kiến Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 38% tổng lượng đánh bắt toàn cầu, nhiều gần gấp đôi so với bất cứ khu vực nào khác trên thế giới.

FAO coi Trung Quốc là một khu vực riêng, tương đương với các khu vực khác của thế giới là châu Âu và Trung Á, Bắc Mỹ, châu Mỹ Latin và Caribê, Nhật Bản, các nước Đông Á và Thái Bình Dương, Đông Nam Á, Ấn Độ, Đông Á khác, Trung Đông và Bắc Phi, Hạ Sahara châu Phi và phần còn lại của thế giới.

D.KIM THOA