Theo nhiều chuyên gia, việc trường đại học đào tạo cao đẳng với các mục tiêu, định hướng của mỗi bậc học khác nhau sẽ khiến chất lượng các bậc học đều không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Trường đại học đào tạo cao đẳng: Khó đảm bảo chất lượng của từng bậc học
Theo nhiều chuyên gia, việc trường đại học đào tạo cao đẳng với các mục tiêu, định hướng của mỗi bậc học khác nhau sẽ khiến chất lượng các bậc học đều không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Trường ĐH không nên tiếp tục đào tạo CĐ
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, do mục tiêu đào tạo khác nhau nên bậc đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) có yêu cầu khác nhau về chuẩn giảng viên và cơ sở vật chất. “Nếu các giảng viên không đạt chuẩn, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu của mỗi chương trình đào tạo… thì việc sử dụng cùng giảng viên, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành… cho các trình độ khác nhau sẽ làm giảm chất lượng”, tiến sĩ Lý nhận định.
Từ đó, ông Lý cho rằng dù có được phép đào tạo CĐ thì các trường cũng không nên tiếp tục. “Phân khúc của trường ĐH sẽ phải là đào tạo bậc ĐH và sau ĐH. Hiện nay còn một số trường chưa lo trọn vẹn nhiệm vụ chính là đào tạo bậc ĐH, trong khi vẫn đang miệt mài say sưa đào tạo bậc CĐ, đặc biệt cả trung cấp (TC) thì rất không nên”, ông Lý nêu quan điểm.
Ông Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM, cũng khẳng định do chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp thiên về thực hành, nên giảng viên phải đạt tiêu chuẩn riêng về kỹ năng thực hành, có trải nghiệm về nghề nghiệp và trường phải có thiết bị nghề đảm bảo.
Theo nhận định của Giáo sư Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, trường ĐH có mục tiêu đào tạo thiên về học thuật thì chỉ có thể thành công nếu phát triển theo mục tiêu đó. “Giáo sư, tiến sĩ giỏi về kiến thức hàn lâm, mà nếu cử đi dạy những kiến thức không phù hợp, thấp hơn hoặc thiên về thực hành, thì không thể tốt được.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh tuyển sinh CĐ ngày càng khó khăn, các trường ĐH đang đào tạo CĐ cũng nên giảm chỉ tiêu rồi dừng hẳn. Đồng thời, các bộ cần có sự phối hợp quản lý để kiểm soát chỉ tiêu và chất lượng đào tạo.
Giữa lúc các trường cao đẳng đang hoang mang lo không có người học khi chuyển sang Bộ LĐ-TB-XH thì bậc cao đẳng ở các trường đại học thuộc Bộ GD-ĐT có phần ung dung vì trước sau việc tuyển sinh cũng ‘lọt sàng xuống nia’.
Để trường CĐ thực hiện chức năng giáo dục nghề nghiệp
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, việc trường ĐH đào tạo CĐ chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng đào tạo ĐH và ngược lại. Điều này còn gây nên sự cạnh tranh không đáng có trong tuyển sinh. Trường CĐ, TC gần như “sống dở chết dở” vì ĐH “thả cửa” bằng cơ chế xét tuyển học bạ và không giới hạn nguyện vọng xét tuyển. Nhiều trường ĐH còn tuyển vài ngàn chỉ tiêu CĐ, tận dụng lợi thế người học được liên thông lên ĐH ngay tại trường, thu hút thí sinh.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng thừa nhận: “Có rất nhiều trường CĐ, TC nghề đào tạo rất tốt, nhưng phải xuất sắc mới có thể tồn tại được. Bên cạnh việc đào tạo tốt thì phải quy hoạch lại, trường ĐH tập trung đào tạo ĐH, để cho các trường CĐ, TC đào tạo nghề”.
Theo ông Vinh, Bộ GD-ĐT và LĐ-TB-XH phải có sự phối hợp trên cơ sở vì lợi ích người học, đảm bảo chất lượng đầu ra, đảm bảo công ăn việc làm chứ không nên “mạnh ai nấy làm”.
Nhiều mâu thuẫn trong các văn bản của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH về việc quản lý CĐ và TC trong trường ĐH gây ra tình trạng tréo ngoe trong đào tạo hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Nên tính toán, cân đối nguồn lực
“Khi các trường ĐH đào tạo CĐ, TC thì phải theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH về điều kiện giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu đào tạo, yêu cầu đầu ra của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH khác nhau. Trước đây, chương trình đào tạo ĐH, CĐ, TC được thiết kế theo hướng liên thông nên các trường ĐH có thể sử dụng đội ngũ, cơ sở vật chất sẵn có của trường để đào tạo các hệ thấp hơn. Nay các trường ĐH muốn đào tạo CĐ, TC thì phải điều chỉnh lại chương trình; điều chỉnh, bổ sung cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng lại đội ngũ cán bộ giảng dạy theo chuẩn mới của Bộ LĐ-TB-XH thì mới đảm bảo được chất lượng đào tạo. Vì thế, các trường cần tính toán, cân đối nguồn lực hiện có và nguồn lực bổ sung để quyết định có tham gia đào tạo CĐ, TC hay không”.
GS-TSKH Bùi Văn Ga (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT)
Có quy định riêng cho giảng viên ĐH dạy CĐ
Để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ CĐ thì cơ sở giáo dục ĐH phải đáp ứng các quy định riêng. Các điều kiện đảm bảo của cơ sở giáo dục ĐH làm cơ sở xác định quy mô tuyển sinh các trình độ giáo dục ĐH sẽ không được tính để xác định quy mô tuyển sinh trình độ CĐ. Từ nay, giảng viên trường ĐH muốn dạy trình độ CĐ cũng phải có đủ chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định tại Thông tư số 8, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.5.2017.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh (Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH)