Ông Võ xoá cầu khỉ
Nhiều năm qua, dù tuổi cao sức yếu, kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn nhưng cựu chiến binh Mai Văn Võ (71 tuổi, ngụ ấp 1, P.Hộ Phòng, TX.Giá Rai, Bạc Liêu) đã vận động xoá 337 cây cầu khỉ.
Ông Võ xoá cầu khỉ
Nhiều năm qua, dù tuổi cao sức yếu, kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn nhưng cựu chiến binh Mai Văn Võ (71 tuổi, ngụ ấp 1, P.Hộ Phòng, TX.Giá Rai, Bạc Liêu) đã vận động xoá 337 cây cầu khỉ.
Ông Võ kể gần 10 năm trước, xứ này sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, người dân phải bắc nhiều cầu khỉ để qua sông. Riêng các xóm “ốc đảo” không có đường giao thông, cũng không có cầu khỉ, người dân đi lại bằng xuồng. Thương nhất là trẻ em hằng ngày phải băng đồng lội ruộng, đi cầu khỉ và qua sông bằng xuồng để đến trường…
Thấu hiểu những khó khăn đó, ông Võ quyết tâm đứng ra vận động xóa cầu khỉ, thay thế bằng cầu bê tông.
TIN LIÊN QUAN
Đội quân cả trăm cụ U.80 chuyên làm cầu từ thiện cho bà con
Gần 10 năm qua, đội thi công cầu đường miễn phí H.Lai Vung, do ông Võ Văn Lộc (82 tuổi, ngụ ấp Hòa Tân, xã Tân Hoà, H.Lai Vung, Đồng Tháp) thành lập, vẫn miệt mài làm những công trình từ thiện phục vụ quê hương.
Năm 2011, ông bắt đầu “hành trình” vận động xóa cầu khỉ. Cây cầu đầu tiên được ông chọn vận động thay bằng cầu bê tông thuộc xã An Trạch, H.Đông Hải (Bạc Liêu).
“Sau khi khảo sát vị trí xây dựng cầu mới, tôi lập dự trù kinh phí, tính ngày công xây dựng, nơi vận chuyển, tập kết vật tư… rồi đến từng nhà dân vận động. Lúc đầu gặp nhiều khó khăn lắm vì ít ai chịu đóng góp, hầu hết bà con than nghèo và nói đó là trách nhiệm của nhà nước”, ông Võ kể.
Tuy nhiên, sau khi nghe ông giải thích những lợi ích của việc xóa cầu khỉ, nhiều người đã tự nguyện đóng góp. Hộ nghèo thì 100.000 – 200.000 đồng; hộ khá, giàu từ 2 – 5 triệu đồng; hộ nào không có tiền thì đóng góp ngày công. Ông Võ nhớ rất rõ cây cầu đầu tiên vận động kinh phí được gần 80 triệu đồng, sau hơn 1 tháng xây dựng thì hoàn thành. Ngày khánh thành cầu, bà con trong xóm ai cũng vui mừng, phấn khởi.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi cây cầu mới ở xã An Trạch được đưa vào sử dụng, đời sống người dân sinh sống hai bên bờ sông trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn. Việc đi lại không còn lệ thuộc xuồng ghe, học sinh đến trường không còn lo sợ mỗi khi đi qua cây cầu khỉ. Đặc biệt hai bên đầu cầu: quán ăn, quán nước, cửa hàng buôn bán hàng tạp hóa liên tục được xây mới, đời sống người dân nghèo ở thôn quê trở nên sôi động hẳn lên…
TIN LIÊN QUAN
“Làm cầu rồi lại làm cầu / Làm cho đến lúc bạc đầu mới thôi”
Theo ông Võ, từ năm 2011 đến nay, ông đã trực tiếp vận động người dân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh được khoảng 14 tỉ đồng, xây dựng 337 cây cầu bê tông thay thế cầu khỉ, kinh phí xây dựng mỗi cây cầu từ 30 – 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn vận đồng hàng tỉ đồng để sửa chữa 8 tuyến đường lộ bê tông nông thôn dài hơn 10.000 m; sửa chữa 17 tuyến lộ đất đen dài 27 km…
Năm 2015, không còn tham gia Hội Cựu chiến binh H.Đông Hải, ông Võ về quê sống cùng vợ trong căn nhà lá trống trước hở sau, tứ bề lộng gió. Cảm thương gia cảnh của ông, anh em cán bộ từ ấp, xã đến huyện đã quyên góp hơn 95 triệu đồng xây dựng cho ông căn nhà cấp 4 để an nghỉ tuổi già.
Trần Thanh Phong