10/01/2025

Lễ nghĩa của người Việt: Mình vì mọi người

Trong Trúng số độc đắc, nhà văn Vũ Trọng Phụng có nhắc tới Hội Tế Sinh với những hoạt động nhân ái gây xúc động mạnh mẽ cho nhân vật trong tiểu thuyết. Trên thực tế Hội Tế Sinh hoàn toàn không phải là chi tiết hư cấu.

 

Lễ nghĩa của người Việt: Mình vì mọi người

Trong Trúng số độc đắc, nhà văn Vũ Trọng Phụng có nhắc tới Hội Tế Sinh với những hoạt động nhân ái gây xúc động mạnh mẽ cho nhân vật trong tiểu thuyết. Trên thực tế Hội Tế Sinh hoàn toàn không phải là chi tiết hư cấu.


 

 


Lễ nghĩa của người Việt: Mình vì mọi người

Bà Cả Mọc, ông Nguyễn Đức Nhuận, ông Trịnh Văn BôẢNH: T.L

Vũ Trọng Phụng miêu tả nhân vật Phúc đi lang thang: “Tình cờ đà chân vô định của anh đưa anh đến nhà Hội Tế Sinh. Anh đã được mục kích hàng trăm trẻ con dưới mười tuổi, con nhà lao động, vô sản, sống một đời công cộng rất có tổ chức, được ăn, học, chơi, tắm, được thay quần áo mỗi ngày hai lần, cứ thế mãi ngày nào cũng vậy, mãi cho đến khi nào bố mẹ chúng sau khi không chết đói nữa thì lại đến xin con đem về nhà mà thôi. Cái công cuộc xã hội ấy đã kích thích rất mạnh vào một tâm hồn giàu tình cảm như của Phúc: “Chà! Ở cái xã hội này mà lại có được một người đáng kính trọng đến bậc này sao? Ở cái nước Nam khốn khổ, xấu xa này, mà lại có được một sự tốt đẹp thế này hay sao?”.
Hội Tế Sinh chính là công trình rộng 1.000 m2 ở Hàng Đũa (Hà Nội) do bà Cả Mọc Hoàng Thị Uyển (1870 -1947), em ruột của nhà giáo Hoàng Đạo Thúy, sáng lập vào năm 1930. Hội này, cùng với các tổ chức ái hữu, từ thiện khác được hình thành xưa nay trong cả nước, có thể nói đã phát huy được tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong đạo lý của người Việt.
Năm 1937, Justin Godard – phái viên của chính phủ Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương nhân Toàn quyền Brévié mới nhậm chức ở Đông Dương – đã đến Hội Tế Sinh và bày tỏ sự khen ngợi. Vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cũng có đến thăm. Sau đó, về kinh đô Huế, nhà vua có ban tặng cho bà Cả Mọc tấm bảng vàng “Tiết nghĩa”. Nhưng mọi người đều ngạc nhiên khi bà cương quyết không nhận. Các ngự tiền văn phòng lúng túng lắm, bà điềm nhiên bảo: “Việc của quý ngài thì quý ngài cứ tâu lên vua, còn việc của tôi thì tôi không nhận. Thế thôi”.
Vì “lợi quyền chung”
Chắc nhiều người còn nhớ, sau khi bọn cướp Phong Lai bị đánh đuổi, Kiều Nguyệt Nga xúc động bày tỏ đền đáp công ơn, Lục Vân Tiên trả lời rất cao thượng: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”.
Vâng, những câu trả lời ấy cũng là cốt cách của lễ nghĩa người Việt.
Trong lịch sử báo chí nước nhà, Phụ nữ tân văn sở dĩ được dư luận dành nhiều thiện cảm, theo tôi, một phần cũng chính vì ông bà chủ báo Nguyễn Đức Nhuận đã làm nhiều việc nghĩa. Một trong những dấu ấn đáng ghi nhận là mở Viện Dục Anh; lập những cơ sở nấu ăn bình dân dành cho người nghèo “lỡ chân hụt bữa”; lập Nữ lưu học hội “để cho chị em nào cần học, cần tiêu khiển, cần học tập nhiều món công nghệ hay đều có thể họp lại một nơi”; lập Hội Cựu học sanh nữ học đường. Không dừng lại đó, Phụ nữ tân văn còn có kế hoạch thực hiện những sáng kiến khác như thành lập Viện Tế bần cho người cùng khổ, Hợp tác xã cho người tiêu thụ…
Trước đó, tại Huế ngày 15.6.1926, các bà Trần Thị Như Mân (vợ nhà văn hóa Đào Duy Anh), bà Đạm Phương (bà nội nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm)… cũng thành lập Nữ công học hội với mục đích đoàn kết, giúp đỡ, dạy nghề cho nữ giới… Khi bước vào hội quán (nằm trên đường Nguyễn Huệ, gần nhà dòng Chúa cứu thế ngày nay), người ta thấy hai câu đối của bà Đạm Phương nêu bật tôn chỉ, mục đích của hội: “Đạo đức sẵn nền xưa, Trung Nam Bắc dìu chị dắt em, xây đắp bồi thêm văn hiến cũ/Á Âu đương hội mới, công ngôn hạnh giữ gìn nền nếp, tập tành mong để lợi quyền chung”.
Vì “lợi quyền chung”, tùy theo khả năng của mình, mỗi người có một cách thể hiện lòng thành của mình.
Với Tổng đốc Cao Xuân Dục (1842 – 1923) – Thượng thư Bộ Học, Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn, cụ đã lập thư viện Long Cương. Kho sách này không chỉ dành cho con cháu, hễ ai hiếu học đều có thể tìm đến tham khảo sách vở tại đây. Còn nhà văn hoá Nguyễn Đổng Chi sau khi thi đậu Thành chung, năm 1936, ông trở về quê phân loại lại kho sách của gia đình để lập Mộng Thương thư trai – mở rộng cửa cho người dân trong làng cùng đến đọc để nâng cao tri thức. Ngôi nhà này, mặt cửa chính trông ra vườn và hồ sen, ông cho làm một vòm mái hiên, trên có đắp hình một cuốn sách đang mở ra, có ghi câu của ông bố là cụ Nguyễn Hiệt Chi (1870 – 1935): “Học tập làm lụng ta ngó lên, ăn mặc ta nhìn xuống”, và hai bên có một thanh kiếm và một quản bút giao nhau.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám,“Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi), tuân theo lời kêu gọi của Chính phủ đã có nhiều người hảo tâm đóng góp tích cực ủng hộ Quỹ độc lập, Tuần lễ vàng. Một trong những tấm gương sáng đó là gia đình ông Trịnh Văn Bô (1914 – 1988), chủ hiệu buôn tơ lụa ở 48 Hàng Ngang (Hà Nội). Tính đến trước Cách mạng Tháng Tám, gia đình họ Trịnh đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương 212,5 lượng vàng theo thời giá bấy giờ.
Sống vì mọi người, vì cộng đồng, chứ không bo bo thủ lợi cho riêng mình. Quan niệm này không bao giờ mất đi, mạch máu ấy chảy trong huyết quản của từng người mà thời nào cũng có và mãi mãi là phẩm chất cao quý của người Việt.

 

Lê Minh Quốc