10/01/2025

Lễ nghĩa của người Việt: Gia phong từ mỗi nếp nhà

Đối với người Việt, việc nghiêm khắc nuôi dạy con từ thuở bé để định hình nhân cách lễ nghĩa về sau, sống hữu ích với đời, là một truyền thống tốt đẹp.

 

Lễ nghĩa của người Việt: Gia phong từ mỗi nếp nhà

Đối với người Việt, việc nghiêm khắc nuôi dạy con từ thuở bé để định hình nhân cách lễ nghĩa về sau, sống hữu ích với đời, là một truyền thống tốt đẹp.



Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, Tổng đốc Hoàng Diệu, Hoàng thái hậu Từ Dụ /// Ảnh: T.L

 

Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, Tổng đốc Hoàng Diệu, Hoàng thái hậu Từ DụẢNH: T.L

Dạy con như thế nào và bố mẹ để lại những gì để con làm hành trang trên bước đường đời? Câu trả lời, dù rằng quan niệm mỗi thời mỗi khác, hiện nay đã có ít nhiều thay đổi. Tuy nhiên, điều cốt lõi về giá trị tinh thần bền vững trong đạo lý dạy con; cha mẹ sống gương mẫu cho con noi theo vẫn còn đó.
Sinh thời, cụ Phan Bội Châu đánh giá liệt nữ Lê Thị Đàn (mất năm 1910) ở Huế là Ấu Triệu (Bà Triệu trẻ) và cụ cũng gọi nữ kiệt Trần Thị Trâm ở Nghệ Tĩnh (1860 – 1930) là Tiểu Triệu (Bà Triệu nhỏ). Nhà nghiên cứu Hoàng Thanh Đạm và Phan Hữu Thịnh khi nghiên cứu về sự nghiệp của bà Trâm cho biết: “Trong việc nuôi dạy con cái, bà khéo kết hợp thái độ nghiêm nghị của người cha với thái độ dịu hiền của người mẹ. Một lần con bà mải mê đánh cờ tướng suốt cả ngày ở nhà ông tri phủ người làng đã về hưu, bà tìm đến nghiêm nghị nói với ông phủ: “Ông học đỗ đến phó bảng, làm quan đến tri phủ hẳn còn nhớ đến lời dạy của ông cha ta: “Gia trung hữu kỳ, nam tử tắc suy” (Trong nhà có bàn cờ, con trai tất hư). Vậy sao ông lưu giữ con tôi suốt cả ngày như thế này?”. Rồi bà nghiêm khắc bảo con về”.
Có một chi tiết đáng suy nghĩ là khi Hồ Học Lãm (1884 – 1943), con trai của bà Trâm, xuất dương, chia tay ở biên giới, bà đã xé nhỏ cái khăn mặt đưa cho con và bùi ngùi: “Con sinh ra là để rửa nhục đất nước, cũng như cái khăn mặt này dệt ra là để lau sạch mặt người. Chuyến đi này chắc chắn con sẽ gặp nhiều khó khăn trắc trở, con phải cố gắng vượt qua, nhất thiết không được bỏ cuộc nửa chừng, không được phản bội Tổ quốc. Nếu con làm trái lời mẹ thì mẹ sẽ coi con không khác gì cái khăn bị xé bỏ này”. Về sau, Hồ Học Lãm trở thành nhân vật trọng yếu trong tổ chức Việt Nam Quang phục hội của cụ Phan Bội Châu.
Một trong những nếp nhà khoa bảng rực rỡ nhất VN là dòng họ tiến sĩ Phan Huy Ích (1751 – 1822). Lúc công cán nơi xa, thư gửi về nhà, bao giờ ông cũng dặn dò vợ: “Dành sự bồi đắp dòng dõi thi thư cho đứa con trai quý”; và khuyên các con: “Mới học phải công phu, chuyên cần chớ nên trễ nải”. Trong số các con ông, nổi tiếng nhất và có đóng góp lớn nhất cho nền học thuật nước nhà chính là Phan Huy Chú (1782 – 1840), tác giả Lịch triều hiến chương loại chí, được giới sử học nước nhà ghi nhận là “bộ bách khoa toàn thư” đầu tiên của VN.
Thuở bé, do người cha luôn công cán nơi xa, Phan Huy Chú chỉ gần gũi với mẹ. Công dạy dỗ của mẹ, sau này, những 30 năm sau, trên đường đi sứ nhà Thanh nhớ đến ngày giỗ mẹ, ông vẫn còn bùi ngùi: “Đền sao ơn ấy, biển trời/Tóc hoa còn ngại đường đời xiết bao/Sông Lô vườn cũ lối nào?/Cánh buồm trời Sở nao nao một mình”.
Trong lịch sử nước nhà, có lẽ bà Từ Dụ (1810 – 1902) là hoàng thái hậu nổi tiếng nhất trong việc để lại nhiều bài học quý trong việc dạy dỗ con. Con của bà – vua Tự Đức – với tư cách là người nắm quyền lực cao nhất trong giai đoạn 1847 – 1883. Nhưng có một điều chắc chắn là nhờ sự giáo dục của bà, vua Tự Đức không bị tha hóa bởi cuộc sống xa hoa, phung phí.
Trường hợp của cha con tiến sĩ Nguyễn Bá Lân (1701 – 1785) cũng là một thí dụ khá tiêu biểu cho cách dạy con của người Việt. Dù người cha học giỏi, văn hay chữ tốt, nhưng nhiều lần thi trượt nên ông dồn hết tâm trí để rèn cặp con với thái độ nghiêm khắc. Hằng đêm, hai cha con cùng dùi mài kinh sử và giao kèo hễ người này ngủ quên thì người kia phải đánh thức dậy. Nhờ học hành chăm chỉ nên qua các khoa thi, Nguyễn Bá Lân đã đậu đến tiến sĩ (1731), làm quan trải bốn triều vua, đến chức Thượng thư và giữ nhiều trọng trách khác. Với văn tài xuất chúng, Nguyễn Bá Lân được người đương thời ca ngợi là một trong “An Nam tứ đại tài”.
Ông nội của Tổng bí thư Trường Chinh là nhà sử học, tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828 – 1910) lại dạy con bằng cách để lại sách. Bao nhiêu tiền lương, cụ đều đem chi vào việc khắc chữ để in sách. Cụ thường nói: “Để của lại cho con không gì bằng sách. Các nhà quan để của cho con, con không chịu học, chỉ tiêu xài phung phí, chả mấy chốc mà hết của. Xưa tôi có ông bạn quanh nhà lát toàn cối đá, đến cả bờ ao, lòng ao cũng lát toàn cối đá. Ông ta bảo: “Để ruộng thì về sau con cháu dễ bán cả mẫu, để cối đá thì phải bán dần từng cái một, lâu dài hơn”. Gần đây tôi hỏi thăm thì biết cối đá đã bán gần hết! Lại có một quan khác làm nhà gỗ mà đầu xà cột đều đóng chốt sắt nối nhau, để cho khó dỡ ra mà bán. Nay con cháu cũng đã bán cả nhà lẫn đất rồi!”.
Vâng theo lời dạy của cha mẹ, giữ được lễ nghĩa trong đối nhân xử thế, thời nào cũng có những người con như thế. Với Tổng đốc Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết trong lúc chống Pháp tấn công thành Hà Nội (1882), sinh thời rất thanh liêm và luôn đặt việc nước lên hàng đầu. Lúc làm quan, có lần ông gửi về Quảng Nam cho mẹ một vóc lụa. Bà cụ không nhận, gửi trả lại cho con, kèm theo một nhành dâu, tượng trưng cho ngọn roi, để cảnh cáo con không được nhận quà cáp gì của dân.
Không vòi vĩnh, nhận hối lộ, nhũng nhiễu với dân, đó cũng chính là lễ nghĩa của người làm quan. Sự lễ nghĩa ấy, ở mỗi cá nhân nói chung, trước hết được hình thành từ sự giáo dục trong gia phong của mỗi nếp nhà.

 

Lê Minh Quốc