Cạp cát phá cả đáy sông Hậu
Trong khi phù sa từ thượng nguồn không còn về thì mỗi ngày, đáy sông Hậu vẫn bị ‘moi lên’ hàng ngàn tấn cát, bất chấp những hiểm hoạ về môi trường…
Cạp cát phá cả đáy sông Hậu
Trong khi phù sa từ thượng nguồn không còn về thì mỗi ngày, đáy sông Hậu vẫn bị ‘moi lên’ hàng ngàn tấn cát, bất chấp những hiểm hoạ về môi trường…
Chỉ tay về phía chiếc cần cẩu đang múc cát dưới đáy sông Hậu, cách cầu Cần Thơ khoảng 3 km, ông Dương Minh Trí (ngụ ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, Vĩnh Long) cho biết cách đây mấy năm, khi cầu Cần Thơ mới đi vào hoạt động, có thời điểm sà lan, cần cẩu ngày đêm cạp cát cách chân cầu Cần Thơ chỉ vài trăm mét, gây sạt lở đất đai. Trước sự nổi giận của người dân địa phương, chính quyền đành đưa những chiếc xáng cạp cát ra xa hơn.
Mạnh nơi nào nấy “cạp”
|
Theo ghi nhận thực tế, không chỉ có khu vực gần cầu Cần Thơ mà ngay cả đoạn sông nơi cầu Vàm Cống đang xây dựng (có quy mô không kém cầu Cần Thơ) cũng bị những chiếc xáng cạp cát hoành hành.
Cuối tháng 3, trên sông Hậu, một xáng cạp lớn nằm cách bờ Vĩnh Long tầm 200 m (gần bến phà Cần Thơ cũ), chiếc cần cẩu buông gàu cạp cát gầm rú liên hồi, náo động cả một khúc sông. Kè sát bên xáng cạp là một chiếc sà lan lớn, trọng tải hơn 200 tấn của thương lái mua cát đang nhận từng gàu cát móc lên từ đáy sông. Cách đó khoảng 2 km về hướng hạ nguồn, cầu Cần Thơ vắt ngang sông Hậu nhìn thật mỏng manh. “Mỗi ngày, tùy theo người mua ít hay nhiều, mỗi cần cẩu có thể múc được 100 – 200 m3”, ông Thịnh, người quản lý chiếc sà lan khai thác cát, dè dặt nói. Ông Thịnh cũng cho biết khu vực đang khai thác thuộc mỏ cát Cái Vồn 1, nằm giữa xã Thành Lợi (H.Bình Tân) và P.Thành Phước (TX.Bình Minh), được tỉnh Vĩnh Long cấp phép khai thác cho Công ty TNHH một thành viên Nam Vinh Mê Kông (Vĩnh Long). Công suất mỏ lên đến 100.000 m3/năm. Theo đăng ký, ở mỏ cát này, doanh nghiệp được phép sử dụng 3 phương tiện khai thác trong thời gian quy định từ 6 – 18 giờ mỗi ngày.
Theo dòng sông Hậu, càng về phía thượng nguồn, hoạt động khai thác cát càng sôi động. Nơi rầm rộ nhất là đoạn sông giáp ranh giữa cù lao Tân Lộc (Q.Thốt Nốt, Cần Thơ) và một bên là H.Lấp Vò (Đồng Tháp). Ở đoạn sông này, lúc nào cũng có vài chiếc xáng cạp miệt mài lấy cát từ đáy sông. Mỏ cát lớn nhất là mỏ An Lạc (thuộc Công ty CP An Lạc) được TP.Cần Thơ cấp phép khai thác khu vực rộng 81,6 ha, thời gian khai thác lên đến 10 năm (năm 2018 hết hạn). Mỗi năm, công suất khai thác cho phép ở mỏ này lên đến 480.000 m3. Ông Trường, quản lý mỏ cát An Lạc, cho hay mỗi ngày các xáng cạp ở mỏ cát này múc lên 800 – 900 m3 cát từ lòng sông Hậu. Tiếp tục trở lên phía thượng nguồn, cách công trình cầu Vàm Cống khoảng 1 km, mỏ Định An (thuộc Công ty khai thác cát Định Thành, H.Lấp Vò, Đồng Tháp) cũng đang hoạt động, mỗi ngày cũng lấy từ lòng sông 800 – 1.000 m3 cát.
Thống kê của Phòng Cảnh sát đường thuỷ (Công an TP.Cần Thơ) cho thấy chỉ tính từ cầu Cần Thơ đến cầu Vàm Cống (dài khoảng 50 km) có 10 mỏ cát khổng lồ đang được khai thác, với 26 chiếc xáng cạp. Các mỏ cát đều rộng hàng chục héc ta và được phép nạo sâu lòng sông âm xuống khoảng 15 m.
Hiểm hoạ khó lường
Tuyến sông Hậu hay cả sông Tiền bao lâu nay lòng sông như một mỏ tài nguyên “béo bở” mà mạnh tỉnh nào thì tỉnh đó cấp phép, tận thu. Như đoạn sông Hậu giáp ranh giữa Cần Thơ và Vĩnh Long, có thời điểm sạt lở triền miên, phía Cần Thơ buộc phải đóng cửa một số mỏ cát gần khu vực Bình Thủy, Trà Nóc; nhưng bên phía bờ Vĩnh Long vẫn cấp phép cho hàng chục xáng cạp hoạt động hằng ngày.
Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó giám đốc Sở TN-MT Cần Thơ, thừa nhận dù giữa các địa phương có quy chế phối hợp quản lý nhưng ông không biết các tỉnh giáp ranh như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp phép khai thác cho bao nhiêu mỏ cát và dựa theo cơ sở nào.
Nhận định với PV Thanh Niên về thực trạng khai thác cát trên sông Hậu, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái sông Mê Kông, bức xúc nói sông Hậu là một hệ sinh thái và khi những địa phương ở thượng nguồn khai thác cát, chắc chắn sẽ gây sạt lở chỗ khác. Những công trình lớn như cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống rồi đây sẽ đối diện với nhiều rủi ro tưởng như phi lý.
Theo phân tích của nhà khoa học này, khoảng cách cho phép khai thác cách bờ 200 m; hay cách các công trình, khu dân cư, đô thị… 500 m rồi 3 km… thực sự không có ý nghĩa gì khi nhìn vào cơ chế vận hành của cát sông Hậu và tương tự là sông Tiền. Cát di chuyển dưới đáy sông nhờ có dòng nước chảy mạnh. Phải mất rất nhiều năm cát mới từ thượng nguồn về đến ĐBSCL và hàng trăm năm mới hình thành những mỏ cát. “Khi khai thác cát tạo thành những hố sâu, cát thô và cát trung bình về sẽ bị kẹt lại, không ra được cửa sông, cửa biển như quy luật thông thường của tự nhiên. Dòng chảy “đói” cát làm cho xói lở bờ sông, sạt lở bờ biển sẽ dữ dội hơn”, ông Thiện nói.
Ông Thiện cũng dẫn giải thông tin từ báo cáo của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), trong giai đoạn 2003 – 2012, chính sự thiếu hụt lớp cát, bùn bồi đắp từ sông Cửu Long, cùng với việc mất đi rừng ngập mặn, vùng bờ biển bùn từ Bạc Liêu đến Kiên Giang đã bị sạt lở với tốc độ hơn 50 m/năm. Tính trung bình trong khoảng thời gian này, ĐBSCL mất khoảng 5 km2 đất mỗi năm do sạt lở.
Một nghiên cứu khác của GS Bravard, thuộc Đại học Lyon (Pháp) và TS Goichot, thuộc WWF, cho rằng hệ quả của việc khai thác cát đang khiến cho độ sâu của sông Hậu và sông Tiền gia tăng đáng kể. Trong 10 năm (1998 – 2008), đáy sông đã sâu thêm trung bình 1,3 m. “Nếu những hố sâu dưới lòng sông do khai thác cát cứ hình thành, lòng sông mỗi ngày sâu hơn… Chắc chắn rằng sạt lở sẽ càng hung hăng và những hiểm hoạ môi trường với ĐBSCL là rất khó lường”, ThS Nguyễn Hữu Thiện dự báo.
Đình Tuyển