28/11/2024

Thư viện đọc sách miễn phí của 2 lão nông

Từ niềm đam mê sách và mong muốn lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, hai nông dân huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) đã mở ra thư viện phục vụ miễn phí cho bà con địa phương.

 

Thư viện đọc sách miễn phí của 2 lão nông

 Từ niềm đam mê sách và mong muốn lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, hai nông dân huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) đã mở ra thư viện phục vụ miễn phí cho bà con địa phương.

 

 

 

Thư viện đọc sách miễn phí của 2 lão nông
Ông Trương Văn Hào và những cuốn sách phục vụ miễn phí cho học sinh – Ảnh: THANH BA

Cứ tầm 5h chiều, căn nhà ba gian nằm sát vách Trường Quảng Phú lại chộn rộn bởi âm thanh ríu rít của đám học trò. Gần hai năm nay, ngôi nhà trở thành địa chỉ thân thuộc giúp các cô cậu học trò thỏa niềm đam mê đọc sách.

Hai thư viện của ông Hào và ông Tiến có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao kiến thức cho người dân địa phương. Hội Khuyến học huyện thường xuyên động viên tinh thần của hai ông, đồng thời khuyến khích mọi người noi gương cách làm của hai ông

Ông NGUYỄN QUÝ (phó chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quảng Điền)

Người xin… sách

Chủ nhân căn nhà là lão nông Trương Văn Hào (71 tuổi, thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú). Nhìn những cuốn sách đầy ắp chiếc tủ gỗ, ông Hào cho biết phần lớn đó là sách mà ông đi xin.

Người đàn ông quanh năm lam lũ với ruộng đồng này nói: “Mình không có thì mình đi xin. Xin kiến thức của người ta thì có gì đâu mà xấu hổ.

Chứng kiến cảnh bà con quê mình có điều kiện tiếp cận tri thức, tụi nhỏ có môi trường để vừa thu nạp kiến thức vừa giải trí sau giờ lên lớp là mình ưng cái bụng rồi”.

Từ những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn dành cho người lớn đến từng tập truyện tranh dành cho thiếu nhi, tất tần tật được lão nông này nâng niu cẩn thận. Và cách bảo quản, trân quý sách cũng được ông truyền đạt cho bọn trẻ ở quê.

Vừa “ngốn” trọn bộ sách về lịch sử triều Nguyễn, em Trương Tú (lớp 8) vui vẻ cho biết: “Nhà nghèo nên em không có điều kiện mua sách đọc.

Nhưng từ ngày có thư viện của ông Hào, em tha hồ đọc sách hay mà không phải tốn tiền thuê. Ông hay răn dạy tụi em rằng sách như một người bạn, nếu biết gìn giữ thì người bạn ấy sẽ ở bên ta mãi mãi”.

10 năm phục vụ

Ở xã Quảng Vinh, ông Văn Đình Tiến, 63 tuổi, được mệnh danh là “vua sách”.

Với thâm niên 10 năm ròng rã “gom” sách cùng số lượng đầu sách đã lên đến hàng nghìn cuốn, ông Tiến trở thành người “giàu” sách bậc nhất ở huyện.

Ông Tiến chia sẻ ông “nghiện” sách từ thuở ấu thơ và niềm đam mê ấy lớn dần theo năm tháng. Năm 2007 khi đang còn đương nhiệm chức phó chủ nhiệm hợp tác xã, ông đã khiến nhiều người rất đỗi ngạc nhiên với hành động được cho là kỳ quặc.

“Hồi đó cái ăn, cái mặc còn thiếu trước hụt sau. Giữa lúc ấy, tôi đã cho bày biện một chiếc bàn toàn sách là sách ngay hội trường hợp tác xã với mục đích phục vụ nhu cầu tìm đọc của bà con.

Rất nhiều người bảo tôi dở hơi, miếng ăn còn phải chạy từng bữa thì lấy đâu thời gian đọc sách. Dần dà nhận thấy tầm quan trọng của việc đọc sách, nhất là sách hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, bà con thấy thiết thực nên phong trào đọc ở địa phương ngày một lan toả” – ông Tiến hồi tưởng.

Ông Tiến giải thích: “Dăm ba tháng tôi lại đạp xe hàng chục cây số vào thành phố một lần. Lùng sục khắp các tiệm bán sách cũ để chọn những sách vừa hay vừa rẻ để mang về cho bà con mình đọc.

Cứ nghĩ người dân nghèo ở quê sẽ hiểu biết hơn nhờ sách, rồi giàu lên nhờ tri thức mà tôi không quản công tiếc sức mở ra thư viện ngay tại nhà mình.

Bây chừ sau cả chục năm làm nhịp cầu đưa bà con tiếp cận sách, tôi đã thấy mãn nguyện vì tinh thần ham đọc sách của mọi người đã được nâng lên đáng kể”.

Không chỉ xây dựng thư viện sách phục vụ bà con trong xã, mới đây ông Tiến đã tình nguyện san sẻ cả trăm đầu sách cho một hộ dân ở xã kế bên để mở thư viện.

Ông Tiến tâm niệm việc chia sớt “kho tàng tri thức” giữa mọi người với nhau sẽ góp phần lan toả tinh thần đọc sách trong cộng đồng.

THANH BA – TUẤN HIỆP