01/11/2024

Sống chung với mương thoát nước ô nhiễm

Nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM, người dân phải sống chung với mương thoát nước ô nhiễm nặng, ngập đầy rác sinh hoạt, bốc mùi hôi thối.

 

Sống chung với mương thoát nước ô nhiễm

Nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM, người dân phải sống chung với mương thoát nước ô nhiễm nặng, ngập đầy rác sinh hoạt, bốc mùi hôi thối.

 

 

 

Sống chung với mương thoát nước ô nhiễm
Mương thoát nước ở hẻm 74 quốc lộ 13 cũ, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức (TP.HCM) đầy rác – Ảnh: T.Long

Mương thoát nước chảy qua hẻm 74 quốc lộ 13 cũ, P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) ngập đầy rác, nước đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc. Đây là đường mương thoát nước chính của các hộ dân trong hẻm 74 và một số hộ dân ở các hẻm khác.

Dọc tuyến mương dài hơn 200m này, nhiều đoạn bùn đóng dày khiến nước trong mương chảy chậm rì, tù đọng.

Mưa xuống, 
rác nổi đầy nhà

Bà N.K.P., sống ở hẻm 74, cho biết mương thoát nước chảy qua hẻm này bị ô nhiễm nặng từ bao năm nay. Theo bà P., lúc trước hẻm còn thưa thớt dân, mương nước chảy thông ít ô nhiễm, sau này nhiều người đến ở trọ, xả rác xuống mương khiến mương ngày càng tắc nghẽn, ô nhiễm nặng.

 

Mùi hôi bốc lên, xông vào nhà dân cả ngày lẫn đêm. Khi mưa lớn, nước thoát không kịp, tràn lên ngập hết đường hẻm, nước hôi thối chảy vào nhà dân.

“Nước đọng lâu ngày hôi thối nên muỗi mòng nhiều lắm. Dân ở đây phải lợp tôn, kê bêtông trên rạch để che chắn cho đỡ hôi, buổi tối nhà nào cũng phải giăng lưới chống muỗi” – bà P. nói.

Còn ông H.D.D., một người dân trong hẻm 74, kể do mương hở nên khi mưa nước ngập hết đường, mương trở thành “bẫy” đối với người đi đường. Nhất là khúc mương nối với đường cống thoát nước ở quốc lộ 13 cũ, nhiều học sinh qua lại nên rất nguy hiểm.

“Người ở xa đến đây không cẩn thận là lọt mương liền. Hai năm trước có một đứa bé đi học về lọt mương, may mà có người phát hiện cứu kịp” – ông D. cho hay.

Gần đó, mương thoát nước nối hẻm 104 quốc lộ 13 cũ với đường 19, P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) cũng ngập rác. Mỗi lần mưa, dân ở đây phải chịu cảnh dòng nước đen đầy rác tràn vào nhà.

Bà N.T.T.N., một người dân ở đây, cho biết mương thường xuyên nghẹt rác, nước không thoát được nên các hộ dân phải góp tiền thuê người múc mương, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, được một thời gian, một số hộ dân không ý thức lại tiếp tục vứt rác xuống mương…

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn các quận, huyện tại TP.HCM, nhiều mương thoát nước trong khu dân cư cũng ô nhiễm nặng. Đường mương ở tổ 106, khu phố 7, P.11 (Q.Bình Thạnh) đầy rẫy các loại rác.

Bà N.T.H.V., một người dân nhà ở gần mương, cho biết lúc trước đây là con rạch lớn, sau này xây đường thu hẹp chỉ còn đường mương, rác dồn về khiến dòng chảy hẹp hơn nên rác ứ đọng. Hằng năm có công nhân công ty đô thị xuống nạo vét nhưng được một thời gian rác lại đầy.

“Hôm rồi họp trên phường, tôi có đề xuất làm cống hộp để sạch sẽ, an toàn nhưng không biết bao giờ được duyệt” – bà V. nói.

Trên đường Lê Đức Thọ, có hai mương ở hẻm 1414 và hẻm 1319, P.13 (Q.Gò Vấp) đều bị ô nhiễm nặng…

Kinh phí ít, nạo vét mương ô nhiễm nặng trước

Theo đại diện UBND P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức), hai mương thoát nước nói trên cùng gần 10 mương khác trên địa bàn P.Hiệp Bình Phước đã được phường đưa vào kế hoạch trình UBND quận để nạo vét.

Vị này cho biết trên địa bàn phường có khoảng 200 đường mương. Do người dân thường xả rác sinh hoạt xuống mương nên xảy ra tình trạng tắc nghẽn, ô nhiễm.

Hằng năm phường phải khảo sát, đề xuất nạo vét cả chục tuyến mương. Tuy nhiên, sau đó người dân lại tiếp tục xả rác xuống mương!

“Một số người dân thấy ô nhiễm, rác nhiều nên tự nạo vét, khai thông mương, còn đa số là phường phải trình kế hoạch xin quận chấp thuận mới triển khai nạo vét được” – vị này nói.

Ông Nguyễn Nam Hải, trưởng Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức, cho biết Q.Thủ Đức có gần 500 tuyến mương thoát nước, tổng chiều dài khoảng 180km. Hằng năm quận chỉ đạo các phường rà soát, đưa vào danh mục nạo vét.

Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn nên phải ưu tiên cải tạo, nạo vét những tuyến kênh ô nhiễm nặng trước.

Hiện nay, quận đã phê duyệt danh mục cải tạo, nạo vét một số tuyến mương trong năm 2017, trong đó có tuyến mương hẻm 74 quốc lộ 13 cũ nói trên, với kinh phí dự toán ban đầu là 180 triệu đồng.

“Do các dự án nạo vét mương thuộc lĩnh vực công trình công ích, theo quy định phải tổ chức đấu thầu, nên quận đang chờ UBND TP ban hành bộ định mức đơn giá áp dụng cho lĩnh vực công ích và quy trình đấu thầu của TP để triển khai thực hiện nạo vét mương” – ông Hải nói.

Còn bà Đàm Phương Thanh – tổ trưởng tổ môi trường, Phòng tài nguyên – môi trường Q.Gò Vấp – cho biết trong năm 2016, UBND quận đã cho tổng vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy tuyến rạch Cụt (P.13) và triển khai diệt muỗi, diệt lăng quăng tại các khu phố có nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên địa bàn quận.

Hiện UBND quận đang lập kế hoạch triển khai cải thiện môi trường các đường mương ô nhiễm trên địa bàn.

TIẾN LONG – NGUYỄN TIÊN