‘Cô giáo cấp cứu’ của bà con nghèo
Bà con người M’Nông, Xê Đăng ở vùng núi huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã gọi cô giáo Lê Thị Hồng Thanh (37 tuổi) là cô giáo cấp cứu.
‘Cô giáo cấp cứu’ của bà con nghèo
Bà con người M’Nông, Xê Đăng ở vùng núi huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã gọi cô giáo Lê Thị Hồng Thanh (37 tuổi) là cô giáo cấp cứu.
Cô giáo Lê Thị Hồng Thanh (bên phải) đưa một trường hợp người bệnh xuống Đà Nẵng điều trị bệnh – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Ngoài việc đi gieo con chữ với vai trò là hiệu trưởng Trường mẫu giáo Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My), cô Thanh vừa là người “đưa đò” cấp cứu hàng chục ca bệnh từ gãy chân cho tới… đau tim.
Bà con nào có người bệnh nặng là tìm đến cô Thanh. Trường hợp không tới được thì cô Thanh tự mình băng rừng tìm đến.
Bà con ai đau thì nằm bệt ra đó đến khi khỏe lại dậy đi rừng. Trẻ em thì như cây cỏ, đứa nào qua khỏi thì khỏe như cây pơ mu, còn nếu không may mắn thì làng coi như không có duyên phải ra nằm bìa rừng |
Cô giáo LÊ THỊ HỒNG THANH |
Bệnh khó, tìm cô Thanh
Chiếc ôtô biển Quảng Nam lấm đầy bùn đỏ đỗ xịch trước khoa cấp cứu Bệnh viện Phụ sản – nhi Đà Nẵng làm cả bệnh viện nháo lên.
Từ trên xe, cô giáo Thanh bế cháu bé mới hơn 1 tuổi với chiếc chân phải đã “thối rình”, hoại tử gần hết.
Theo sau non chục người dân tộc thiểu số cứ vít chặt lấy cô như sợ lạc mất. Cô Thanh nói năm ba câu tiếng dân tộc, đại ý dặn mọi người ngồi đợi rồi tiếp tục bế cháu Hồ Thị Như Cạnh vào trong khai báo bệnh tình với bác sĩ.
Ba bé, anh Hồ Văn Chình (người M’Nông ở thôn 5, xã Trà Nam), nói con bị bỏng nhiều ngày nhưng vợ chồng anh chỉ biết lấy lá rừng về đắp.
“Càng đắp thì thịt ở chân cháu càng loét ra rồi bốc mùi hôi. Vợ chồng mình sợ con mất chân nên chạy đi cầu cứu già làng. Già làng lắc đầu kêu bệnh con mình khó lắm, giờ làng mình chịu thua rồi. Chỉ còn nước tìm cô Thanh thôi!” – anh kể.
Nghe lời già làng, vợ chồng anh bồng con lội bộ hơn ba giờ ra khỏi rừng rồi mượn xe đi tìm nhà cô giáo Thanh. May sao hôm ấy gặp được cô.
“Thấy chân cháu là tui biết chắc đã bị hoại tử rồi, ở miền núi nhà ai cũng có bếp lửa giữa nhà nên trẻ bò vào là dính ngay. Những trường hợp này để lâu ngày rất dễ bị nhiễm trùng. Tui nói mẹ cháu bồng lên trạm xá huyện trước, còn cha về lấy đồ đạc, mờ sáng mai lên đường xuống Đà Nẵng gấp. Chần chừ nữa có khi cháu mất chân!” - cô Thanh nhớ lại.
Lo hết thủ tục nhập viện cho bé Cạnh xong, cô Thanh quệt mồ hôi trên trán quay trở ra với cháu Hồ Thị Yến Nhi (6 tuổi, người M’Nông) và Hồ Văn Gương (16 tuổi, người Xê Đăng).
Cả hai trường hợp này trước đó cũng được cô Thanh đưa ra Đà Nẵng chữa trị. Lần này Nhi xuống tháo bột chân bị gãy, còn Gương tái khám khối u trên lưng và nhận tiền hỗ trợ từ một nhà hảo tâm.
Bà Hồ Thị Gioi, bà ngoại bé Nhi, nói mẹ cháu bị con ma rừng xúi ăn lá ngón từ năm cháu 1 tuổi. Nhi mồ côi ít được cha chăm sóc nên trong một lần chơi cùng tụi nhỏ giữa sân bị chó cắn gãy chân.
Bà ngoại cũng như bao người trong bản lại bẻ lá về đắp chân gãy cho cháu. Lần ấy cô Thanh vào bản tình cờ thấy Nhi bò lết giữa đất với cái chân gãy đã… một tuần. Bản năng “cấp cứu”, cô Thanh dẫn cả hai bà cháu xuống bệnh viện chụp phim, băng bó lại chân.
Đến nay dù sau khi tháo bột chiếc chân vẫn hơi cong vì không được đưa đi chữa trị kịp thời, nhưng nhìn đứa cháu đi lại, chạy nhảy vui tươi, bà Gioi cũng hú vía chắp tay tạ ơn giàng.
Còn Gương, cậu bé mới 16 tuổi thì hết 5 năm cõng khối u to bằng cái tô liên tục chảy mủ máu. Hơn ba tháng trước, cô Thanh đem Gương đến Bệnh viện Đà Nẵng trong một đêm lạnh tê người.
Cô lo hết thủ tục, đưa Gương đi làm xét nghiệm xong xuôi mới về. Bây giờ khối u đeo bám phần ba cuộc đời cậu bé đã được các bác sĩ nạo sạch.
Và mừng hơn là sau khi biết chuyện, các mạnh thường quân ủng hộ cho Gương hơn 100 triệu đồng để em tiếp tục chữa bệnh lao và cột sống.
Thấy người hoạn nạn lẽ nào làm ngơ
Nhờ việc giải cứu được những trường hợp bệnh khi cả làng đã chào thua, tiếng lành của “cô giáo cấp cứu” ngày một lan ra khắp vùng núi rừng bạt ngàn hoang dã.
Từ các xã Trà Leng, Trà Vinh, Trà Mai… người dân vượt cả trăm cây số đến gõ cửa nhà cô Thanh. Đồng bào M’Nông, Xê Đăng ở dưới những tán rừng già đều nằm lòng tên cô Thanh để gọi mỗi khi… mang bệnh.
Về xã Trà Nam nhận công tác đã 5 năm, cô Thanh nói bị ám ảnh bởi các con bé đầu trần chân đất đến lớp trong cái lạnh co ro.
Nhiều hôm có bé ho nặng không có thuốc uống phần vì đường sá cách trở. Nhưng đáng lo nhất trường hợp bệnh nặng lại không xu dính túi nên phải cắn răng chịu đựng cơn đau hành hạ thể xác. Bản năng của người làm mẹ khiến cô không thể ngoảnh mặt làm ngơ.
“Ở trên này cái nghèo ám ảnh nhiều nên đã quen rồi. Có giúp đỡ ai cũng giống như mang đá quăng trời.
Nhưng khổ nhất là ốm đau mà không có tiền đi viện. Bà con ai đau thì nằm bệt ra đó, đến khi khoẻ lại dậy đi rừng.
Trẻ em thì như cây cỏ, đứa nào qua khỏi thì khỏe như cây pơ mu, còn nếu không may mắn thì làng coi như không có duyên phải ra nằm bìa rừng.
Đau xót là con trẻ vì các cháu chưa biết gì. Ban đầu mình thấy trường hợp nào éo le thì chụp hình, bỏ lên trang Facebook cá nhân để chia sẻ cùng mọi người.
Ai hỗ trợ được bao nhiêu mừng bấy nhiêu, không thì mình bỏ tiền túi đưa đi nhập viện…” – cô Thanh nói về chuyện “bao đồng” mình đã làm.
Chị Trần Cao Thanh Bình (phòng hành chính Bệnh viện Phụ sản – nhi Đà Nẵng) kể những ngày đầu cô Thanh xuống viện giống như… gà mắc tóc. Bởi mình cô Thanh không đủ ba đầu bốn tay để lo hết cho các trẻ bị bệnh.
Nhiều bà con trên núi xuống thì đúng nghĩa “người rừng” phần vì cách ăn mặc, phần vì có người không biết tiếng Kinh.
Chị Bình nói: “Hồi đầu chưa biết chị Thanh nên cứ tưởng chị ở đoàn từ thiện nào giúp bà con chữa bệnh. Đến khi thấy chị không rành lắm thủ tục nhập viện thì hỏi ra mới biết chị là giáo viên trên miền núi xuống.
Có bận xuống cùng lúc 2-3 trường hợp ở các bệnh viện khác nhau nên chị cứ chạy qua lại giữa các bệnh viện như con thoi, mình phải tìm người phụ thêm.
Hai năm nay đã quen với công việc cứu người của chị Thanh nên ở trên đó “báo bệnh” và lên xe thì bốn tiếng sau mình với các anh chị hảo tâm có mặt ở khoa cấp cứu hỗ trợ”.
Có lên núi mới biết việc chữa bệnh của người vùng cao cũng không hiếm chuyện lạ. Nhiều trường hợp ốm đau không có tiền chạy chữa đã đành.
Nhưng cũng có nhà con ốm đau mà cha mẹ không dám mang ra viện vì lo… bò ở nhà không có người giữ.
Có bà con bảo vì sợ xuống phố không có cái ăn. Không ít lần để “lôi” bà con ra khỏi bản đi “đuổi con ma bệnh”, cô Thanh phải lội suối, cắt rừng cả buổi mới vào đến nhà họ để thuyết phục.
Một vài trường hợp cô Thanh phải móc tiền túi ra bảo lãnh người dân mới chịu đi. Căn nhà của vợ chồng cô ở tại xã Trà Mai (nơi đóng chân Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My) cũng trở thành trạm trung chuyển bệnh nhân mỗi khi bà con hạ sơn xuống phố.
Cầu nối từ thiện Hỏi cô sao lại “vượt tuyến” đưa bệnh ra tới Đà Nẵng mà không dừng ở Quảng Nam, cô Thanh nói là do “điều kiện”. Nghe có vẻ lạ nhưng cô đã tính hết nước bởi chế độ cho bà con dân tộc thiểu số thì ở đâu cũng vậy, mỗi người bệnh được hai suất ăn cho mình và người chăm nuôi. “Nhưng ở Đà Nẵng tôi có nhiều người quen là những anh em từng lên núi làm thiện nguyện. Ở đây anh chị em có điều kiện hơn để giúp đỡ bà con. Các trường hợp phải nằm điều trị lâu dài đều nhờ cả vào họ chuyện thuốc men, đi đứng” – cô Thanh nói. Ông Nguyễn Thành Phương, chủ tịch UBND xã Trà Nam, nói cô Thanh không chỉ giúp đỡ rất nhiều trẻ em mang bệnh hiểm nghèo, khuyết tật trên địa bàn mà còn là cầu nối giúp rất nhiều bà con. “Nhờ uy tín của cô Thanh, nhiều bà con có điều kiện được chữa bệnh. Trong những dịp lễ hay vào mùa giáp hạt, bà con còn được các tổ chức xã hội và câu lạc bộ thiện nghiện giúp đỡ. Nhiều trường hợp bà con vừa điều trị hết bệnh, vừa được giúp đỡ tiền nong để làm kinh tế thoát nghèo” – ông Phương nói. Không những vậy, theo ông Phương, trên cương vị công tác cô Thanh còn giúp nhiều bà con nâng cao ý thức về sức khoẻ và bệnh tật. |