28/11/2024

Dọn dẹp vỉa hè, chặt luôn cây xanh

Hàng loạt cây xanh từ vài năm tuổi đến hàng chục năm tuổi tại một số quận huyện trên địa bàn TP.HCM đã bị chặt bỏ trong chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường.

 

Dọn dẹp vỉa hè, chặt luôn cây xanh

Hàng loạt cây xanh từ vài năm tuổi đến hàng chục năm tuổi tại một số quận huyện trên địa bàn TP.HCM đã bị chặt bỏ trong chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường.

 

 

 

Dọn dẹp vỉa hè, chặt luôn cây xanh
Cây me hơn 40 tuổi trên tỉnh lộ 15, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) bị đốn bỏ, còn trơ gốc dù cây cách xa mép đường và không thuộc diện cấm trồng – Ảnh: Q.Khải

Ngay cả những cây thuộc danh mục cấm trồng nhưng cho bóng mát, không ảnh hưởng đến giao thông cũng nên có kế hoạch thay thế dần, chứ không phải vội vàng đốn bỏ.

Ông Nguyễn Trịnh Kiểm (Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam)

Một ngày cuối tháng 3, trời nắng như đổ lửa nhưng nhiều người đi xe máy trên tỉnh lộ 15 qua các xã Trung An, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây… (huyện Củ Chi) không dễ tìm được bóng mát để nghỉ chân, bởi hàng loạt cây xanh trên tuyến đường này đã bị đốn bỏ.

Mất cây xanh, 
thiếu bóng mát

Chỉ tay về ba gốc cây còn sót lại trước nhà, bà Tân Huệ (địa chỉ 291 tỉnh lộ 15, xã Tân Thạnh Tây) cho biết trước đó, tổ công tác của UBND xã đến nhà lập biên bản, yêu cầu gia đình phải tự chặt các cây xanh này, nếu không sẽ xử phạt.

“Những cây này gia đình tôi trồng mười mấy năm rồi, hằng ngày che bóng mát trước sân. Cây nằm trên lề đường, đâu ảnh hưởng gì đến xe cộ, vậy mà không đốn là bị phạt. Tôi phải thuê người chặt ba cây với giá 700.000 đồng” – bà Huệ băn khoăn.

 

Cũng theo bà Huệ, ba cây xanh bị chặt (một cây lòng mức, hai cây bàng) đang phát triển bình thường, không có sâu bệnh, nghiêng ngả gì.

Theo quan sát của chúng tôi, ba cây đã bị đốn cách mép lòng đường khoảng 2,5m. Để tạo bóng mát, bà Huệ đã thuê người trồng lại một cây xanh sát vào mép nhà…

Cách đó không xa, hàng loạt cây bàng, me, táo trên lề đường cũng bị đốn hạ. Nhìn gốc me còn sót lại có đường kính rộng khoảng 3 gang tay, bà Lý Thị Hoàn (ấp 8, xã Tân Thạnh Đông) xót xa: “Cây me này bà ngoại tôi trồng, tính đến nay đã hơn 40 năm. Nhiều người chạy xe qua đây hay ghé vào nghỉ mát. Vậy mà UBND xã đã cho người chặt cây, khiến bà ngoại tôi năm nay 97 tuổi hay tin tiếc hùi hụi”.

Phần gỗ ở gốc me sót lại vẫn còn tốt, cho thấy cây không có dấu hiệu bị mục, sam bọng gì. Theo người dân, rất nhiều cây bàng khoảng 20 năm tuổi trên tuyến đường này đang xanh tốt cũng bị chặt bỏ.

Người dân trên đường Nguyễn Hoàng (đường vành đai trong) phường An Phú, quận 2 cũng ngỡ ngàng khi chính quyền địa phương cho “trảm” nhiều cây xanh ở đây.

Chú Ba, một người dân ở đây, cho biết trước đó người dân có nhận thông báo của UBND phường An Phú về việc không để vật dụng, hàng hoá, bảng hiệu, rào chắn, gờ tạo lối đi… xâm phạm lòng lề đường, chứ không có nội dung gì liên quan đến cây xanh. Tuy nhiên cách nay vài ngày, lực lượng của phường đến cưa hàng loạt cây xanh trên tuyến đường này.

“Nhiều trường hợp người dân ở đây phải tự cưa cây, vì được cán bộ phường nhắc nhở và cho biết sẽ quay lại cưỡng chế nếu người dân không tự thực hiện” – một người dân cho biết.

Dọn dẹp vỉa hè, chặt luôn cây xanh
Vỉa hè đường Nguyễn Hoàng, phường An Phú, quận 2, TP.HCM rất rộng nhưng cây trồng trên vỉa hè cũng bị đốn bỏ – Ảnh: T.T.D.

Hạn chế tối đa 
chặt cây xanh

Theo ông Phạm Thanh Phương – chủ tịch UBND phường An Phú, trong quá trình lập lại trật tự lòng lề đường, phường chủ yếu xử lý những chậu kiểng, bồn cây lấn chiếm vỉa hè, nguyên tắc là không chặt bỏ cây xanh. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp cây xanh trồng dày đặc trên vỉa hè không còn lối đi cho người đi bộ hoặc trồng không ngay hàng thẳng lối, “xỉa ra, xỉa vô” trên vỉa hè mới chặt bỏ.

Một số cây xanh trên đường Nguyễn Hoàng không cản trở lối đi, nhưng người dân cho rằng phường yêu cầu phải đốn bỏ như cây sấu, cây mít trước nhà 172 Nguyễn Hoàng? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Phương cho biết đối với cây ăn trái như mít thuộc danh mục cây cấm trồng. “Còn cây sấu mọc um tùm quá, phường chỉ nhắc nhở chung người dân tự di dời chứ không yêu cầu phải đốn bỏ” – ông Phương nói.

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – chủ tịch UBND huyện Củ Chi – cho biết khi lập lại trật tự lòng lề đường, một số xã trên địa bàn có đốn cây xanh nhưng những cây này nằm trong danh mục cây cấm trồng như: bàng, lòng mức, cây ăn trái và cây xanh ảnh hưởng đến giao thông.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương có sự chệch choạc nên huyện đã nhắc nhở, chấn chỉnh theo hướng nếu cây không ảnh hưởng đến lòng lề đường, giao thông thì giữ lại để tạo bóng mát. “Tại những vị trí đã đốn cây xanh, UBND huyện đang có kế hoạch trồng lại cây giáng hương trong tháng 5” – ông Phú cho biết.

Theo ông Nguyễn Trịnh Kiểm – Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, dọn dẹp vỉa hè mà đốn những cây xanh hàng chục năm tuổi, cây che bóng mát là cách làm thiển cận, máy móc, cần phải chấn chỉnh.

Hà Nội còn cứng nhắc trong dọn dẹp vỉa hè

Tại hội nghị giao ban trực tuyến với giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện do chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì sáng 30-3, đại diện cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 197 TP đã nhận định như trên.

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, giám đốc Công an TP Hà Nội, đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng kết quả chưa bền vững, còn nhiều điểm phức tạp. Bên cạnh đó, một số đơn vị còn thực hiện chưa đúng với chủ trương của TP, một số việc thực hiện cứng nhắc, thiếu trách nhiệm, gây phản ứng trong xã hội…

Đơn cử như việc phá dỡ bậc tam cấp, một số nơi không căn cứ vào lịch sử tồn tại điểm vi phạm, thực tế địa bàn hoặc tiến hành phá dỡ mà không thông báo trước cho người dân để họ có sự chuẩn bị hoặc tự tháo dỡ… Từ đó gây khó khăn trong sinh hoạt của một số hộ dân. Hay các xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất) và Đức Thượng (huyện Hoài Đức) đã cứng nhắc trong việc giải quyết hành lang hè phố, chặt bỏ hết cây xanh bên đường…

LÂM HOÀI

QUANG KHẢI