11/01/2025

Sự lộng hành của ‘mafia cát’: Cuộc chiến cam go

Người dân, nhà báo và giới chức nhiều nơi đang nỗ lực chống lại các băng đảng khai thác cát trái phép dù phải trả giá bằng mạng sống.

  

Sự lộng hành của ‘mafia cát’: Cuộc chiến cam go

Người dân, nhà báo và giới chức nhiều nơi đang nỗ lực chống lại các băng đảng khai thác cát trái phép dù phải trả giá bằng mạng sống.



Lấy cát dọc bờ sông Mê Kông, đoạn chảy qua tỉnh Kandal, phía bắc thủ đô Phnom Penh của Campuchia /// Reuters

 

 

Lấy cát dọc bờ sông Mê Kông, đoạn chảy qua tỉnh Kandal, phía bắc thủ đô Phnom Penh của CampuchiaREUTERS

 

Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, người dân địa phương và phóng viên là lực lượng tiên phong đấu tranh chống tội phạm nạo hút cát trái phép ngày càng lộng hành hiện nay. Trong cuộc chiến không cân sức với “mafia cát”, họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ và dư luận quốc tế đang chú ý đến trường hợp nữ phóng viên Ấn Độ Sandhya Ravishankar.
Sau khi thực hiện loạt bài phóng sự phản án nạn trộm cát tràn lan ở bang Tamil Nadu, Ravishankar liên tục nhận tin nhắn đe dọa thủ tiêu trong khi tin đồn bôi nhọ cô xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội trong những tuần qua. Theo báo The Huffington Post (Mỹ) ngày 18.3, cảnh sát đang túc trực canh gác tại nhà Ravishankar để đảm bảo an toàn cho cô. Loạt bài viết của Ravishankar đã động chạm đến một tay trùm cát được cho là có quan hệ mật thiết với một số quan chức cấp cao.
Sự lộng hành của 'mafia cát': Cuộc chiến cam go - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Sự lộng hành của ‘mafia cát’

Sự bùng nổ đô thị hoá đẩy nhu cầu sử dụng cát lên cao dẫn đến sự bành trướng tội phạm khai thác cát trái phép trên khắp thế giới.
Bất chấp nguy hiểm
Ngoài các nhà báo, nhiều người dân địa phương và nhà hoạt động bảo vệ môi trường ở khắp nơi trên thế giới cũng không ngại nguy hiểm, tiếp cận các công trường hút cát phi pháp để thu thập chứng cứ. “Chúng tôi bắt đầu đấu tranh chống nạo vét khai thác cát trái phép trên sông Cauvery (TP.Karur, miền nam Ấn Độ – NV) từ tháng 6.2016”, nhà hoạt động bảo vệ môi trường tên Mukilan, người khởi xướng Phong trào bảo vệ môi trường Tamil Nadu, cho tờ The Guardian hay.
Phong trào của Mukilan đã thu hút nhiều người dân địa phương bí mật ghi hình hoạt động khai thác cát phi pháp. Trong khi đó, tại các khu vực khác ở Ấn Độ, người dân lựa chọn biện pháp lập chướng ngại vật chắn đường xe tải chở cát lậu, tổ chức biểu tình và nhiều lần đụng độ với các băng nhóm. Hồi tháng 11.2016, hơn 100 phụ nữ biểu tình tuyệt thực bên bờ sông Ken ở bang Chattarpur, kêu gọi chính quyền địa phương ngăn chặn nạn nạo hút trái phép, theo tờ The Times of India.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống khai thác cát lậu không thể thành công nếu các băng nhóm được quan chức tham nhũng chống lưng. Trang tin The News Minute (Ấn Độ) dẫn lời người dân ở Karur cho hay họ đã lập đơn kiến nghị, cung cấp video bằng chứng cho cơ quan hữu trách suốt nhiều tháng liền nhưng đến nay vẫn chưa thấy có động thái nào. Còn trong trường hợp của Ravishankar, cô nhiều lần bị làm khó dễ dù trước đó nhờ một số bài viết của cô mà chính quyền Tamil Nadu rà soát, ban hành lệnh cấm khai thác cát biển.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, do nhà chức trách các nơi vẫn chưa nhận thức đầy đủ ẩn họa khôn lường đối với môi trường, đời sống người dân và kinh tế của “mafia cát” nên loại tội phạm này vẫn có thể ung dung tái xuất sau mỗi đợt truy quét.
 
 
Năm 2015, phóng viên điều tra Ấn Độ Sandeep Kothari đã bị sát hại vì những bài phóng sự chống mafia cát, theo AP. Cảnh sát phát hiện thi thể cháy đen của anh bên cạnh đường ray ở bang Maharashtra, chỉ một ngày sau khi anh bị những kẻ lạ mặt bắt cóc. Tính đến nay, hàng trăm người đã thiệt mạng vì đấu tranh chống mafia cát ở Ấn Độ, bao gồm nhà báo, cảnh sát và công chức.
 
Vũ khí công nghệ
Theo The Guardian, để chống “mafia cát” tung hoành tại hồ Bà Dương, mỏ cát lớn nhất thế giới, chính quyền tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đang đi theo hướng siết chặt việc đóng, mua bán tàu nạo hút và phá hủy tàu phạm pháp. Kể từ khi giới hữu trách Trung Quốc quyết liệt cấm hút cát từ sông Trường Giang vào năm 2000, tàu nạo vét lậu đổ xô sang hồ Bà Dương khai thác và khiến mực nước hồ ngày càng giảm còn nguồn cá trở nên cạn kiệt.
Trong khi đó, từ đầu năm 2017, Ấn Độ bắt đầu triển khai máy bay không người lái (UAV) ở khắp nước này để thu thập bằng chứng chống tội phạm cát.
“Cát tặc thường nhận được tin báo từ trước mỗi khi có đợt truy quét nên đã sớm tẩu tán, không để lại bất kỳ dấu vết gì. Với UAV, chúng ta sẽ thu thập chứng cứ bằng hình ảnh”, Bloomberg dẫn lời ông Piyush Sharma, một quan chức thuộc Cục Hầm mỏ Ấn Độ, nói.
Chính phủ Ấn Độ áp dụng biện pháp này sau khi chính quyền một số bang như Uttarakhand và Maharashtra tự trang bị UAV, giao cho cảnh sát thực hiện những đợt “tuần tra đột xuất bí mật từ trên không”. Ngoài ra, nước này cũng triển khai luôn cả vệ tinh và thiết bị cảm biến nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoạt động nạo vét lậu, theo Cục Hầm mỏ.
Trước tiên phải chống tham nhũng
Tuy nhiên, vũ khí công nghệ vẫn chưa thể đủ để ngăn chặn tội phạm mà cần sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. “UAV có thể giúp chúng ta nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhưng nếu mục tiêu là nhằm kiểm tra, ngăn chặn hoạt động khai thác phi pháp, chúng ta cần phải kết hợp với người dân địa phương”, ông Rana Sengupta, Giám đốc tổ chức phi chính phủ chống khai thác mỏ trái phép ở bang Rajasthan, nhận định với Reuters.
Đồng quan điểm, quan chức Nagendra Prasad Singh ở TP.Greater Noida khẳng định: “Điều tối quan trọng là ý thức của người dân sống dọc bờ sông. Họ phải cảm thấy mình giống như đại diện của cơ quan giám sát, và bảo vệ dòng sông chính là bảo vệ lợi ích của chính họ. Tôi tin vào sức mạnh của quần chúng”.
Ngoài ra, ông Singh cũng thừa nhận để chiến thắng trong cuộc chiến chống mafia cát thì trước tiên phải chống tham nhũng, theo tờ The New York Times. Ông lưu ý thêm rằng số lượng cát khai thác hợp pháp, có kế hoạch rõ ràng tại Ấn Độ là đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng. Trong một số trường hợp, nạo hút là việc cần thiết vì con sông với quá nhiều cát có nguy cơ gây thay đổi dòng chảy và lũ lụt. “Sẽ không có vấn đề gì nếu chúng ta chỉ khai thác cát từ những con sông được các chuyên gia đo đạc, đánh giá là dư cát cũng như có kế hoạch bồi đắp, khôi phục”, theo ông Singh.
Mặt khác, số liệu từ LHQ cho thấy lượng tiêu thụ cát toàn cầu ước tính lên đến 40 tỉ tấn/năm, trong đó lĩnh vực xây dựng chiếm 75%. Vì thế, các nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực phát triển vật liệu xây dựng thay thế nhằm giúp kiềm chế “cơn khát cát” do bùng nổ đô thị hoá toàn cầu. Đáng chú ý là công trình nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Đại học Bath (Anh) tạo ra được một loại hạt từ rác thải nhựa với những đặc điểm tương tự cát. Hiện nhóm nghiên cứu đang tiến hành trộn bê tông với “cát nhựa” và sẽ sớm cho thử nghiệm xây dựng thực địa.

 

Phúc Duy