11/01/2025

Khai thác cát tàn phá vườn quốc gia

Thượng nguồn sông Đồng Nai những năm gần đây luôn nhức nhối bởi nạn ‘cát tặc’ và các dự án khai thác cát được cấp phép.

 

Khai thác cát tàn phá vườn quốc gia

Thượng nguồn sông Đồng Nai những năm gần đây luôn nhức nhối bởi nạn ‘cát tặc’ và các dự án khai thác cát được cấp phép. 



Ghe của Hợp tác xã Phú Thịnh khai thác cát gần Vườn quốc gia Cát Tiên
 /// Ảnh: Tiểu Thiên

Ghe của Hợp tác xã Phú Thịnh khai thác cát gần Vườn quốc gia Cát TiênẢNH: TIỂU THIÊN

Tình trạng khai thác cát tràn lan tại khu vực này đã uy hiếp nghiêm trọng đến hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên.
Dân bị mất đất
Có mặt tại thượng nguồn sông Đồng Nai, đoạn chảy qua H.Đạ Tẻh, Cát Tiên (Lâm Đồng) và H.Tân Phú (Đồng Nai) vào đầu tháng 3.2017, chúng tôi chứng kiến cảnh khai thác cát rầm rộ. Chỉ một khúc sông ngắn vài trăm mét nhưng có tới 8 ghe hút cát đang hoạt động. Theo quy định, các tàu hút cát phải cắm phao xác định vị trí hút cát nhưng chúng tôi không thấy bất cứ vật gì để đánh dấu phạm vi. Các ghe hút cát bên bờ sông phía Lâm Đồng chán chê thì chuyển vòi hút sang bờ phía Đồng Nai. Những ống hút khổng lồ chọc thẳng xuống lòng sông, xoáy vào bờ cuốn trôi đất đai, vườn tược của người dân. Hàng loạt tàu hút cát ngang nhiên hoạt động suốt ngày ngay sát bờ sông, bất chấp người dân phản đối, thậm chí mang đá ra ném.
Dọc bờ sông Đồng Nai trên địa phận các xã thuộc H.Đạ Tẻh và H.Cát Tiên (Lâm Đồng), hàng loạt bãi chứa cát mọc lên dày đặc như nấm sau mưa. Dưới sông, ghe bơm cát lên bờ, trên bãi máy cuốc, máy ủi hoạt động hết công suất, xe tải vào ra tấp nập vận chuyển cát đi tiêu thụ. Tình trạng trên khiến hai bên bờ sông ở thượng nguồn bị sạt lở nghiêm trọng. Những rẫy bắp, chuối, cỏ voi và đất canh tác của hàng trăm hộ dân bị trôi tuột xuống sông. Bờ sông bị sạt lở, vách dựng đứng như những bức tường cao gần chục mét. Không chỉ hoa màu mà ngay cả những cây gỗ lớn được trồng để giữ đất cũng bị kéo đổ, nhấn chìm.
Khai thác cát tàn phá vườn quốc gia - ảnh 2

Các bãi chứa cát mọc lên dày đặc như nấm dọc theo mép sông các xã thuộc H.Đạ Tẻh (Lâm Đồng)

Ông L.V.T (ngụ xã Đắc Lua, H.Tân Phú) cho hay hơn một năm nay, đất bờ sông chỗ nhà ông bị sạt lở và biến mất từng ngày. “Chỉ trong thời gian ngắn nhà tôi bị sạt lở mất đi một sào đất, bắp và cỏ trồng để chăn nuôi cũng bị cuốn chìm xuống nước. Cứ tình hình này nhà tôi có khi mất luôn cả khu vườn”, ông L.V.T lo lắng. Tương tự, ông N.V.T (ngụ ấp 4, xã Đắc Lua) cho hay vườn nhà ông bị cuốn mất 1 sào và 1,5 sào nữa hiện đã bị kéo sụt xuống mép sông, có nguy cơ bị “nuốt” mất.

Không riêng xã Đắc Lua, các xã ở thượng nguồn sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn H.Tân Phú như: Tà Lài, Núi Tượng, Nam Cát Tiên với chiều dài bờ sông hàng chục ki lô mét đang bị sạt lở nghiêm trọng. Khoảng 5 năm nay, HTX công nghiệp và xây dựng Phú Thịnh (gọi tắt là HTX Phú Thịnh) được tỉnh Đồng Nai cấp phép khai thác cát trên đoạn sông dài khoảng 17 km từ xã Tà Lài đến xã Núi Tượng. Ông T.H.T (ngụ xã Núi Tượng, một người dân bị mất đất) cho biết ngày nào ghe hút cát cũng đậu phía sau vườn nhà ông. Có thời điểm, ghe hút cát đậu từ trưa tới chiều, hút liên tục 6 – 7 tháng trời tại khu đất của ông. Đất vườn của ông bị cuốn xuống sông mỗi năm vài mét, nhẩm tính diện tích bị sạt lở và bị “nuốt” mất vài héc ta.
 
 
Khai thác cát tàn phá vườn quốc gia - ảnh 4
Họ lợi dụng lúc tranh tối, tranh sáng để hút trộm cát. Chỗ được cấp phép thì hút cát mấy năm nay cũng hết rồi, lấy đâu ra cát nữa nên phải đi hút trộm là không tránh khỏi

Khai thác cát tàn phá vườn quốc gia - ảnh 5
 
Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên
 

Ông Trương Văn Oanh, Phó chủ tịch UBND xã Đắc Lua thừa nhận tình trạng sạt lở dọc bờ sông diễn ra 2 năm nay và tương đối nghiêm trọng. Khu vực bị sạt lở nặng nhất là ấp 4, 11 và 12. Theo ông Oanh, bờ sông của xã Đắc Lua kéo dài gần 20 km rất khó quản lý bởi đây là biên giới mềm giữa lòng sông (giáp ranh với các xã thuộc H.Đà Tẻh và Cát Tiên, Lâm Đồng), nhiều nhóm đứng bên này thò vòi qua bên kia hút. “Việc khai thác cát gây sạt lở, dân ở đây kêu rất nhiều và chúng tôi cũng lo ngại. Giờ muốn an dân thì cấp trên của 2 tỉnh phải ngồi lại để bàn mới ra được vấn đề chứ cấp xã thì chịu”, ông Oanh phân trần.

Ông Mai Ngọc Huế, Chủ tịch UBND xã Núi Tượng (H.Tân Phú), cho hay vài năm nay dọc bờ sông của xã Núi Tượng vẫn diễn ra tình trạng sạt lở, hầu hết bà con đều cho là do khai thác cát. Trước đây, HTX Phú Thịnh hút nhiều quá khiến người dân bức xúc bơi xuồng ra ngăn chặn. Lãnh đạo huyện có xuống gặp gỡ, đồng thời yêu cầu HTX Phú Thịnh cam kết không đến khu dân cư khai thác và hạn chế số lượng, chỉ cho làm 3 ghe thay vì 5 – 6 ghe như lúc trước. Ông Đỗ Khắc Giáp, Chánh văn phòng UBND H.Tân Phú, cho hay cả đoạn sông dài ở xã Đắc Lua phía Đồng Nai chỉ có 1 đơn vị khai thác, trong khi Lâm Đồng có tới 14 đơn vị.
Khai thác cát tàn phá vườn quốc gia - ảnh 6

Bờ sông gần tuyến đường 200A dẫn vào Vườn quốc gia bị sạt lở nghiêm trọng

Mất hàng ngàn mét vuông đất
Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, cho biết việc khai thác cát đã gây sạt lở và làm mất hàng ngàn mét vuông đất của VQG diễn ra nhiều năm nay. Ngay cả đoạn sông gần văn phòng của VQG cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều thảm thực vật, cây gỗ bị cuốn và nhấn chìm xuống sông. Không chỉ có “cát tặc”, mà ngay những đơn vị được cấp phép khai thác cát cũng gây sạt lở. “Họ lợi dụng lúc tranh tối, tranh sáng để hút trộm cát. Chỗ được cấp phép thì hút cát mấy năm nay cũng hết rồi, lấy đâu ra cát nữa nên phải đi hút trộm là không tránh khỏi”, ông Diện khẳng định.
Theo ông Diện, quy định được cấp phép thì thuyền hút cát phải ở giữa sông. Nhưng hút giữa lòng sông hết cát thì người ta phải đưa vòi vào bờ. Giấy phép quy định thuyền phải cách bờ 20 m nhưng ở dưới sông khi nước lên, nước xuống rất khó xác định. Trong quy định thì phải cắm phao nhưng thực tế chúng tôi chưa thấy chỗ nào có phao. Nhiều đoạn của VQG khi nước rút thấy rõ từng tầng sụt lở, thảm thực vật bị biến mất. Theo ghi nhận của Thanh Niên, một đoạn bờ sông sát tuyến đường 200A (thuộc ấp 8, xã Nam Cát Tiên, H.Tân Phú) – con đường huyết mạch dẫn vào VQG từ nhiều năm nay bị sạt lở nghiêm trọng, khoét sâu hơn 20 m và kéo dài hàng trăm mét.
Trước tình trạng trên, theo VQG Cát Tiên, giữa năm 2015, Hạt kiểm lâm phối hợp với Phòng Khoa học kỹ thuật và Phòng Hợp tác quốc tế (đều thuộc VQG Cát Tiên) tiến hành kiểm tra đất ven sông Đồng Nai, từ khu vực Trạm kiểm lâm Đà Cộ đến Trạm kiểm lâm Đà Lắc. Theo đó, trên đoạn đường sông dài 14 km do VQG quản lý đã xác định 18 vị trí bị sạt lở với tổng diện tích 13.800 m2 (có điểm sạt lở đến 2.640 m2), tập trung chủ yếu ở khu vực bãi cát giáp ranh giữa Trạm Đà Cộ và Đà Mí (xã Đạ Kho, H.Đạ Tẻh, Lâm Đồng). Ngoài ra, theo quan sát sơ bộ phía bờ sông thuộc UBND H.Đạ Tẻh quản lý có 34 vị trí sạt lở đất. Theo VQG Cát Tiên các vị trí sạt lở có mức độ khác nhau nhưng nguyên nhân chính là do khai thác cát dưới lòng sông quá lớn làm cho dòng chảy bị thay đổi, tạo thành những hàm ếch lớn phía bên dưới và gây sạt lở đất bên trên.
Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có 6 đơn vị được cấp phép khai thác cát (chưa kể 15 giấy phép nạo vét, tận thu do Bộ GTVT cấp – NV) trên sông Đồng Nai. Ngoài HTX Phú Thịnh được khai thác trữ lượng trên 1 triệu m3 (thời hạn đến 22.10.2031), còn Công ty CP công trình giao thông Đồng Nai khai thác trữ lượng 917.080 m3 (kéo dài đến ngày 4.4.2025) tại khu vực đoạn giáp ranh giữa H.Nam Cát Tiên (Lâm Đồng) và Tân Phú (Đồng Nai). Riêng Công ty TNHH MTV Đồng Tân được cấp đến 3 giấy phép khai thác; một giấp phép trên sông Đồng Nai, đoạn qua H.Định Quán và Tân Phú với diện tích 43,7 ha với trữ lượng 377.931 m3 (thời hạn đến ngày 31.8.2019); 2 giấy phép còn lại thì khai thác ở lòng hồ Trị An thuộc H.Vĩnh Cửu và Định Quán với diện tích trên 173 ha, trữ lượng 3,3 triệu m3…

 

Tiểu Thiên