29/11/2024

Giáo huấn xã hội Công giáo về “phát triển”

Do một sự trùng hợp may mắn, vào dịp kỷ niệm 50 năm ban hành thông điệp Populorum progressio của đức thánh cha Phaolô VI, tại giáo triều Roma, một cơ quan mới được tái cấu trúc mang tên là “Bộ Phục vụ sự phát triển toàn diện con người” (Dicastero per il servizio dello sviluppo umano integrale), bắt đầu hoạt động kể từ ngày 1/1/2017, bao gồm lãnh vực hoạt động của bốn Hội đồng Công lý Hòa bình, Đồng tâm, Di dân, Y tế trước đây.

Linh mục Phan Tấn Thành OP

Nhập đề

A.  Lý do khảo cứu

B.  Những quan điểm về phát triển trong lịch sử cận đại

C.  Những bước đầu của GHXH về phát triển: đức thánh cha Gioan XXIII, công đồng Vaticano II.

Mục I: Thông điệp Populorum progressio

I   Bối cảnh lịch sử

II  Nội dung

III Phản ứng

Mục II: Thông điệp Sollicitudo rei socialis

I   Bối cảnh lịch sử

II  Nội dung

III Phản ứng

Mục III: Thông điệp Caritas in veritate

I   Bối cảnh lịch sử

II  Nội dung

III Phản ứng

IV Phụ thêm: Phát triển trong hai văn kiện của ĐGH Phanxicô: Evangelii gaudium  Laudato si.

Kết luận. Những thành quả và giới hạn

Chữ viết tắt

CIV: Caritas in veritate – GHXH: Giáo huấn xã hội của Giáo Hội – PP: Populorum progressio

SRS: Sollicitudo rei socialis

Nhập đề

Do một sự trùng hợp may mắn, vào dịp kỷ niệm 50 năm ban hành thông điệp Populorum progressio của đức thánh cha Phaolô VI, tại giáo triều Roma, một cơ quan mới  được tái cấu trúc mang tên là “Bộ Phục vụ sự phát triển toàn diện con người” (Dicastero per il servizio dello sviluppo umano integrale), bắt đầu hoạt động kể từ ngày 1/1/2017, bao gồm lãnh vực hoạt động của bốn Hội đồng Công lý Hòa bình, Đồng tâm, Di dân, Y tế trước đây.

A.  Lý do tìm hiểu

Thật là một cơ hội tốt để chúng ta nghiên cứu đề tài “phát triển” trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội (GHXH). Có nhiều lý do để học hỏi:

1/ Đề tài “phát triển” có thể xem như chủ chốt của GHXH hiện đại. Trước đây, các thông điệp xã hội bàn đến nhiều đề tài khác nhau, chẳng hạn như: công bình, lao động, hòa bình. Dần dần, người ta cố gắng tìm ra một tư tưởng chủ chốt để liên kết các đề tài ấy. Xem ra các đề tài của GHXH xoay quanh chủ đề về con người (nhân sinh quan)[1]: con người không chỉ được nhìn qua các yếu tố siêu hình, nhưng còn trong những điều kiện sinh sống của lịch sử : con người đang được phát triển xét dưới phương diện cá nhân cũng như tập thể. Nhưng thế nào là phát triển? Phải hiểu phát triển như thế nào, bằng cách nào?

2/ « Phát triển » [2] là một từ ngữ khá thông dụng trong phạm vi tâm lý giáo dục, lịch sử, và đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế chính trị. Tại đây, ta thấy có nhiều quan điểm khác nhau về phát triển[3]. Chính trong bối cảnh này mà Giáo hội đề xướng quan điểm của mình. Điều thú vị là ta có thể nhận thấy sự tiến triển trong GHXH về phát triển qua việc sử dụng những thuật ngữ khác nhau: « phát triển toàn thể con người và toàn thể loài người », « phát triển liên đới », « phát triển nhân bản », « phát triển bền vững », vv.

Trong bài này, chúng ta sẽ theo dõi sự tiến triển ấy qua việc phân tích các thông điệp nổi bật nhất. Khởi điểm là thông điệp Populorum progressio (viết tắt PP) ban hành ngày 26/3/1967, và được cập nhật 20 năm sau bởi thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/12/1987, viết tắt SRS), rồi 40 năm sau với thông điệp Caritas in veritate (29/6/2009, viết tắt CIV), được bổ sung vài điểm qua thông điệp Laudato sì (24/5/2015)[4].

B.  Những quan điểm về phát triển

Trước khi đi vào đề, thiết tưởng nên điểm qua vài quan niệm về phát triển được lưu hành trong kinh tế xã hội vào thời cận đại.

Có nhiều quan niệm về phát triển trong kinh tế học, cách riêng kể từ các thế kỷ XIX-XX. Sau thế chiến thứ hai, nhiều học thuyết về phát triển được đề ra làm chính sách cho các quốc gia và thế giới. Các nước châu Âu rơi vào cảnh tàn phá và cần được tái thiết. Các nước nghèo cũng muốn có chính sách để phát triển kinh tế, trong số đó chúng tôi muốn nhắc đến hai khuynh hướng tương phản, tượng trưng cho hai “ý thức hệ”: tự do và xã hội.

1/ W. Rostow: các giai đoạn phát triển

Trong số các lý thuyết nổi tiếng nhất vào thời ấy, phải kể đến Walt W. Rostow, The Stages of Economic Growth. A Non-Communist Manifesto (1960). Ông phân chia các giai đoạn phát triển kinh tế thành 5 giai đoạn:

a) Giai đoạn xã hội truyền thống: Sản xuất nông nghiệp là chủ yếu do trình độ còn sơ khai. Năng suất lao động còn thấp, cuộc sống vật chất thiếu thốn.

b) Giai đoạn tiền cất cánh: Khu vực kinh tế nông nghiệp và kinh tế tư bản chủ nghĩa tồn tại song song nhau. Thặng dư không còn của mỗi địa chủ, nó được chuyển dần sang nhà tư bản. Thị trường lúc này được mở rộng ra cả trong lẫn ngoài nước.

c) Giai đoạn cất cánh. Cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện. Kinh tế tư bản có tầm vai trò quan trọng thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển.

d) Giai đoạn trưởng thành: Ngành công nghiệp bước sang giai đoạn phát triển cao. Tỷ lệ đầu tư-tiết kiệm trong tổng sản phẩm quốc dân GDP là từ 10-20%. Các nhà tư bản lúc này tham gia vào quản lý Kinh tế Nhà nước, dẫn dắt sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

e) Giai đoạn tiêu dùng cao. Con người bước vào giai đoạn phát triển cao nhất. Mọi nhu cầu về vật chất, văn hóa tinh thần đã được đáp ứng đầy đủ. Người ta làm việc hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, lao động trở thành nhu cầu của con người.

Vào thời ấy, các nước sau đây được xếp vào giai đoạn 5: Anh, Pháp, Hoa kỳ, Đức, Thụy điển, Nhật, Úc. Các nước sau đây được xếp vào giai đoạn 3: Thổ nhĩ kỳ, Argentina, Mexico, Trung quốc. Theo ông Rostow, các chính sách kinh tế cần giúp cho nước tiến tới giai đoạn 5. Tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển là Tổng sản phẩm nội địa (Gross domestic product viết tắt là GDP), dựa trên sự tăng trưởng của sản phẩm xét theo tổng thể hoặc xét theo đầu người.

Học thuyết của Rostow trở thành chính sách kinh tế của phái tự do vào những thập niên 50-60 của thế kỷ XX. Đối với các nước “kém phát triển”, các nhà kinh tế tự do (liberal economics) chủ trương sự phân chia lao động trên thị trường thế giới: một số quốc gia có khả năng sản xuất chất liệu và nông sản thô; một số khác có khả năng sản xuất những sản phẩm chế biến. Vì thế cần phải du nhập các kỹ thuật và tư bản từ các nước tiền tiến ngõ hầu thúc đẩy sự phát triển ở các nước chậm tiến. Dù sao, điều quan trọng là phải loại bỏ những nguyên nhân ngăn trở sự phát triển, để giúp tất cả các nước có thể đạt đến giai đoạn tiêu thụ.

2/ Thuyết cơ cấu

Chống lại học thuyết của phái tự do kinh tế, học thuyết cơ cấu (structuralist), đại biểu bởi nhà kinh tế học Raul Prebisch (người Argentina)[5] chủ trương rằng các nước kém phát triển không nằm ở giai đoạn đầu của tiến trình tăng trưởng, nhưng là kết quả của một bất công. Các nước công nghệ (Hoa kỳ, châu Âu) khai thác các nước nghèo (chẳng hạn châu Mỹ latinh), và giữ lại thặng dư cho mình. Công bình đòi hỏi phải tái phân phối tài sản ấy cho các nước bị khai thác[6].Dù sao, chính sách phát triển đòi hỏi phải thay đổi cấu trúc chính trị: nhà nước cần can thiệp nhiều hơn vào tiến trình phát triển, chẳng hạn như ngăn cản việc nhập khẩu hàng ngoại để bảo vệ sản phẩm nội hóa.

Như vậy, ta thấy có ít là hai quan niệm khác nhau về việc hoạch định trật tự kinh tế và thương mại thế giới: thuyết tự do chủ trương để cho định luật thị trường định đoạt; thuyết cơ cấu đòi hỏi sự can thiệp của chính quyền.

Bên cạnh những quan điểm khác nhau về phát triển kinh tế, ta không thể bỏ qua sự phân biệt chính trị thời ấy giữa hai khối Tư bản và khối Cộng sản. Thêm vào đó, thập niên 60 (thế kỷ XX) đã chứng kiến sự xuất hiện của những khối khác, chẳng hạn như Thị trường chung Âu châu, khối Thế giới thứ ba.

3/ Giáo hội Công giáo

Trước khi phát biểu thành học thuyết, Giáo hội công giáo đã góp phần vào việc phát triển các nước nghèo, đặc biệt là tại những vùng truyền giáo: các công tác giáo dục, y tế, cải tiến xã hội, cải thiện nông nghiệp, vv. Ngoài ra, từ thập niên 60 (của thế kỷ XX), đã có những chuyên gia kinh tế bắt đầu suy tư về vấn đề phát triển, thảo ra những kế hoạch phát triển cho các chính phủ, trong đó nổi bật nhất là cha Louis-Joseph Lebret OP (1897-1967), sáng lập viên của IRFED (Institut de Recherche et de Formation à l’Économie du Développement) năm 1958, nghiên cứu một thứ “đạo đức phát triển”. Cha được mời làm tư vấn cho nhiều chính phủ ở Mỹ châu latinh, Phi châu, Việt nam, và được mời làm chuyên viên công đồng Vaticano II trong việc soạn thảo hiến chế Gaudium et spes.

C.  Những văn kiện đầu tiên của GHXH bàn về  phát triển

Đề tài phát triển được đưa vào các văn kiện của Giáo hội kể từ hai thông điệp Mater et magistra (MM 1961) và Pacem in terris (PT 1963) của ĐGH Gioan XXIII và được công đồng Vaticano II tiếp tục trong hiến chế Gaudium et spes (GS 1965).

Ý thức rằng vấn đề xã hội mang một tầm mức hoàn cầu, được biểu lộ qua những sự chênh lệnh giữa các quốc gia đã phát triển về kinh tế và các quốc gia đang trên đường phát triển (Mater et magistra 157), ba văn kiện vừa kể đã đề nghị vài nguyên tắc then chốt.

-  Sự phát triển bao gồm toàn thể các hoạt động của con người, chứ không chỉ giới hạn vào khía cạnh kinh tế. Sự tiến triển kinh tế cần đi đôi với sự cải thiện xã hội (MM 168), và mục tiêu nhắm đến phải là sự « triển nở toàn diện nhân bản » của tất cả mọi công dân, bao gồm cả chiều kích tâm linh  (MM 168; GS 86).

-  Sự phát triển các dân tộc là một quyền lợi của tất cả mọi dân tộc (PT 86). Vì thế các nước « đã phát triển » có nghĩa vụ góp phần vào đó, chứ không phải chỉ là một sự chọn lựa dựa trên những ích lợi tùy theo thời cơ (MM 159 ;160 ; GS 86). Những người giàu có bổn phận giúp đỡ người túng thiếu.

-  Tuy nhiên, chính các cá nhân và các dân tộc phải là những chủ thể chính của sự phát triển. Vì thế cần phải tránh nguy cơ sử dụng những hình thức viện trợ như là dụng cụ trá hình cho sự thống trị chính trị, kinh tế và xã hội ; làm như vậy là xúc phạm đến phẩm giá các cá nhân và các dân tộc (MM 171 ; PT 121 ; GS 85).

 -  Sau cùng, sự phát triển gắn liền với hòa bình thế giới. Một cách tiêu cực, hòa bình luôn bị đe dọa bao lâu còn có những bất công kinh tế và xã hội (MM 157). Một cách tích cực hơn, PT 109 nói rằng hòa bình chỉ có thể thành tựu khi cổ võ trật tự công bình, trong đó các quyền lợi của cá nhân và của các dân tộc được tôn trọng.

Những ý tưởng vừa kể sẽ được khai triển trong thông điệp Populorum progressio, hiến chương của Giáo hội về sự phát triển. Phát triển không phải là một đề tài bên lề nhưng là đề tài chủ chốt của GHXH: “Sự phát triển của toàn thể con người và của tất cả các dân tộc”. Sự phát triển là một tiến trình từ những điều kiện kém nhân bản đến những điều kiện nhân bản toàn vẹn, và sự sung mãn của con người chỉ có được nơi Thiên Chúa. Tư tưởng của Đức Phaolô VI sẽ được các vị kế nhiệm bổ túc thêm nhân dịp kỷ niệm 20 năm và 40 năm ban hành.

Mục I. Thông điệp Populorum progressio

Ba văn kiện của GHXH về sự phát triển sẽ được phân tích theo thứ tự như sau : 1/ Trước hết là điểm qua bối cảnh lịch sử của thế giới và của Giáo hội ; 2/ tiếp đến, giới thiệu tác phẩm và tìm hiểu nội dụng đạo lý về sự phát triển ; 3/ sau cùng, điểm qua những phản ánh (hoặc : hệ quả) của văn kiện.

I.    Bối cảnh lịch sử

A.  Thế giới

Tình hình thế giới vào thập niên 60 của thế kỷ XX

  Chính trị quốc tế : Thế giới bị chia rẽ giữa 2 khối tư bản và cộng sản (từ chiến tranh lạnh như bức tường Bá-linh cho đến chiến tranh nóng như ở Việt Nam; cuộc thi đua vũ trang).

  Phong trào giành độc lập (thoát chế độ thực dân) tại các nước Á-Phi. Tuy nhiên các nước “độc lập” vẫn bị lệ thuộc vào kinh tế của các “mẫu quốc” (tân thực dân). Sự chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo.

 Chương trình phát triển của LHQ: United Nations Development Programme được thiết lập ngày 22/11/1965. Tiền thân của nó là EPTA (Expanded Programme of Technical Assistance) được thành lập năm 1949.

B.  Giáo hội

  Sau công đồng Vaticanô II (Gaudium et spes), Giáo hội đối thoại với thế giới, cùng chia sẻ những vui buồn và hy vọng với nhân loại, cố gắng khám phá những « dấu chỉ thời đại ». Đức Thánh Cha Phaolô VI đi viếng thăm nhiều quốc gia và chứng kiến những thảm cảnh của dân nghèo (chẳng hạn như tại Ấn độ), và Liên Hợp quốc.

  Những tư tưởng nổi bật về thần học và mục vụ

1/ Về phát triển: ảnh hưởng của cha Louis Joseph Lebret (người sáng lập Economie et humanisme). Việc giúp đỡ người nghèo không chỉ giới hạn vào vài cử chỉ từ thiện bác ái, nhưng cần phải can thiệp vào các cơ cấu xã hội.

2/ Về triết học : thuyết nhân bản của Jacques Maritain (tác phẩm căn bản : Humanisme intégral, 1936 ; La personne et le bien commun, 1947)[7]. Con người không chỉ gồm có nhu cầu thể chất mà còn có những nhu cầu tinh thần và tâm linh.

3/ Về hành động và dấn thân: phương pháp của Thanh Lao Công (Xem – Xét – Làm)

II.   Nội dung

Trước tiên, chúng tôi sẽ giới thiệu sơ lược bố cục ; sau đó, nêu bật vài ý tưởng then chốt

A.  Bố cục

Ngoài nhập đề và kết luận, thông điệp được chia làm hai phần, dành cho sự phát triển của con người và phát triển của nhân loại.

Nhập đề.

Vấn đề xã hội ngày nay mang tính toàn cầu. Sự phát triển các dân tộc. Giáo huấn xã hội của các Đức Giáo Hoàng. Một sự kiện lớn. Những cuộc du hành công lý và hoà bình (1-5)

Phần I. Vì một sự phát triển toàn diện cuả con người

1- Những dữ kiện của vấn đề. Những khát vọng của con người.Thực dân và chủ nghĩa thực dân. Chênh lệch ngày càng tăng. Nhận thức lương tâm tăng triển. Đụng chạm giữa các nền văn minh. Kết luận (6-11)

2- Giáo hội và phát triển. Việc làm cuả các nhà truyền giáo. Giáo hội và thế giới. Nhãn quan Kitô về phát triển ơn gọi hướng tới sự tăng triển. Một nghĩa vụ cá nhân, và cộng đoàn. Thang giá trị tăng triển hai mặt. Hướng tới một điều kiện sống nhân bản hơn. Lý tưởng theo đuổi (12-21)

3-Việc phải tiến hành mục đích chung của cải (22). Sự sở hữu (23). Sử dụng những lợi tức (24). Công nghiệp hóa (25). Chủ nghĩa tư bản tự do (26). Việc làm (27). Tính hai mặt của nó (28). Việc làm cấp bách (29). Cám dỗ bạo động (30). Cách mạng (31). Cải cách (32). Chương trình đã kế hoạch hóa (33). Để phục vụ con người (34). Xóa mù chữ (35). Gia đình (36). Dân số (37). Các tổ chức nghề nghiệp (38). Chủ nghĩa đa nguyên hợp pháp (39). Phát triển văn hoá (40). Cám dỗ duy vật (41). Hướng tới chủ nghĩa nhân bản toàn diện (42)

Phần II. Hướng tới sự liên đới phát triển của nhân loại

Dẫn nhập: Tình huynh đệ giữa các dân tộc (43-44)

1- Hỗ trợ kẻ yếu kém: Đấu tranh chống cái đói. Ngày nay, ngày mai. Nghĩa vụ liên đới với nhau. Sự thặng dư. Những chương trình Qũy quốc tế, những thuận lợi, sự cấp bách, đối thoại để thành lập, sự cần thiết (45-55).

2- Công bằng trong những quan hệ thương mại. Bất công ngày càng tăng. Bên kia chủ nghĩa tư bản tự do. Lẽ công bằng trong các thoả ước giữa các dân tộc. Những biện pháp cần sử dụng. Công ước quốc tế. Những trở ngại phải vượt qua: chủ nghĩa quốc gia; chủ nghiã sắc tộc. Hướng tới một thế giới liên kết. Các dân tộc tự thực hiện vận mạng của mình (57 – 65).

3- Đức ái phổ quát: nghĩa vụ đón tiếp. Thảm kịch của các sinh viên trẻ. Những người lao động nhập cư. Ý nghĩa xã hội. Sứ mạng phát triển. Phẩm chất của các chuyên gia. Đối thoại giữa các nền văn minh. Lời kêu gọi thanh niên. Cầu nguyện và hành động (67 -75).

4- Phát triển là tên gọi mới của hòa bình. Ra khỏi tình trạng cô lập. Hướng tới một thẩm quyền quốc tế hữu hiệu. Niềm hy vọng dựa trên một thế giới tốt hơn. Tất cả mọi người liên kết với nhau (76 -80).

Kết luận

Lời kêu gọi sau cùng: ngỏ với những người Công Giáo; với các Kitô hữu và những kẻ tin; với những người thiện chí; với các nhà cầm quyền; với các bậc hiền giả. Mọi người cùng bắt tay hành động (81-87).

Chúng ta cũng có thể đọc bố cục này dựa theo mô hình: “xem-xét-làm”

  Xem: các dữ kiện của vấn đề (6-11).

  Xét: đạo lý Giáo hội về phát triển (12-21)

 Làm: a) Trách nhiệm của các nước kém phát triển (22-42); b) Trách nhiệm của những nước phát triển và của các tổ chức quốc tế: sự phát triển liên đới giữa nhân loại : (43-80).

Như vậy, những số dành cho “làm”  (từ 22 đến 80) nhiều hơn những số dành cho “xét” (từ 12 đến 21): phần thực hành dài hơn phần lý thuyết. Tuy nhiên ở đây, chúng ta dừng lại nhiều hơn ở phần lý thuyết.

B.  Những tư tưởng nổi bật

Hai phần của thông điệp trình bày hai chiều kích của phát triển: phát triển toàn thể con người và phát triển toàn thể loài người (số 14). Thật vậy, sự phát triển lệ thuộc vào quan niệm về con người: phát triển một nhu cầu nào của con người, hay là phát triển con người toàn diện; phát triển một nhóm người hay phát triển tất cả mọi người. Dựa theo phương pháp “xem – xét – làm”, thông điệp muốn cung cấp một cái “xét” đúng đắn, trước khi bước sang cái “làm”. Nói khác đi, thông điệp mời gọi hãy có cái nhìn chính xác về “con người”, mà ta gọi là “nhân sinh quan” (hoặc nhân văn, nhân đạo), được đặt tên là “complete humanism” (số 42), “transcendent humanism” (số 16). Đặc trưng “siêu việt” không chỉ muốn nói rằng con người có tương quan với Thượng đế (Đấng Siêu việt) mà còn muốn nói rằng con người luôn “vươn lên”, hướng đến sự hoàn thiện. Đây là nền tảng của sự “phát triển” (hoặc tiến triển, tiến tới, thăng tiến). Khi sinh ra, con người chỉ mới mang trong mình một số mầm mống, và phải tìm cách phát triển những mầm ấy. Sự phát triển là một ơn gọi của con người (số 15), tiến từ chỗ “kém nhân bản” đến chỗ “nhân bản hơn” (số 20).

1/ Chiều kích cá nhân

Sự phát triển cá nhân có thể được nhìn từ ba góc độ:

a)   Vật chất. Con người có những nhu cầu cần được thỏa mãn để sinh sống. Vì thế, đói kém, thiếu sức khỏe, là những điều kiện làm cho con người không thể triển nở được.

b)   Tinh thần. Con người có khát vọng hiểu biết hơn, ngõ hầu “nên người hơn” (số 6). Con người có nhu cầu được giáo dục, không kém gì nhu cầu ăn uống. Nhờ học thức và văn hóa mà con người được tiến bộ hơn. Góc độ tinh thần cũng bao gồm đời sống luân lý. Một người “ích kỷ” không đếm xỉa đến tha nhân thì cũng “kém nhân bản”; ngược lại, con người trở nên “nhân bản” hơn khi biết tôn trọng những người khác và hợp tác vào công ích (số 21).

c)   Siêu việt: con người có khả năng nhìn nhận những giá trị siêu việt, có khả năng vượt lên chính mình, vươn đến Đấng Tuyệt đối (số 42).

Cả ba góc độ này liên kết với nhau; vì thế sự phát triển con người không thể nào chỉ nhắm đến góc độ kinh tế mà thôi (số 14). Dù sao đi nữa, điều cao quý nhất nơi con người là tự do. Con người khát khao được tự do, tự do khỏi cảnh cơ cực cũng như tự do về chính trị (số 6). Con người được phát triển khi được tự do hơn, kể cả tự do khỏi làm nô lệ cho tham lam vật chất (số 19). Vì thế, thật đáng ca ngợi các nhà giáo dục, bởi vì họ góp phần vào việc phát triển con người, giúp cho nó biết hành động cách ý thức và trách nhiệm (số 35).

Những nguyên tắc sẽ định hướng cho các hành động trong lãnh vực kinh tế, được nói trong các số 22-41

2/ Chiều kích xã hội

Con người sống trong xã hội : con người không thể phát triển toàn diện nếu thiếu sự liên kết với đồng loại. Mặt khác, sự phát triển toàn diện con người không thể thực hiện được nếu thiếu sự phát triển liên đới trong nhân loại. Từ đó, thông điệp nhấn mạnh đến nghĩa vụ của các nước giàu, qua ba điểm: a) nâng đỡ các nước yếu kém; b) công bình trong các giao dịch thương mại; c) tình bác ái đại đồng.

III. Phản ứng

Thông điệp PP đã mở màn cho những can thiệp của GHXH về sự phát triển. Giá trị của thông điệp này sẽ được đề cao trong thông điệp SRS (số 6-11) và thông điệp CIV (số 10-20).

1/ Trong Giáo hội Công giáo, thông điệp PP đã gợi lên nhiều cơ quan hoặc tổ chức nhằm phục vụ việc phát triển các nước nghèo, thí dụ như Catholic Relief Service của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, Délégation Catholique pour la Coopération thuộc Hội đồng Giám mục Pháp, CELADIC (Centro Latinoamericano para el Desarrollo, la Integración y Cooperación) của Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh. Cũng nên biết là thông điệp PP đã trở nên đề tài thảo luận cho Hội nghị các giám mục châu lục này (CELAM) họp tại Medellin năm 1968.

2/ Ngoài Giáo hội, vào những thập niên 70, Liên Hợp quốc cũng thay đổi quan niệm về phát triển, nhờ học thuyết “phát triển con người” của các học giả nổi tiếng như Amartya Sen (giải Nobel về kinh tế 1998), Paul Streeten, Martha Nussbaum,  với chương trình phát triển của LHQ (United Nations Development Program: UNDP), được thiết lập ngày 1/1/1965, theo đó sự phát triển cần dựa trên chỉ số phát triển nhân bản (Human Development Index, kể từ năm 1990)[8].

Mục II. Thông điệp Sollicitudo rei socialis

Thông điệp « Quan tâm đến vấn đề xã hội » được ban hành để kỷ niệm 20 năm thông điệp Populorum Progressio. Trên thực tế, thông điệp SRS không được ban hành trùng ngày với thông điệp PP (26/3), nhưng được trình bày với báo chí gần một năm sau (tháng 2 năm 1988) mặc dù mang chữ ký ngày 30/12 năm 1987. Thông điệp PP nói đến phát triển “toàn diện” (integral), thông điệp SRS lưu ý rằng sự phát triển đòi hỏi một bối cảnh của “liên đới và tự do”, cả hai đặc tính này gắn chặt với nhau, chứ không thể hy sinh một trong hai (số 33).

 Cũng như trong mục trước, chúng tôi sẽ trình bày bối cảnh lịch sử (của thế giới cũng như của Giáo hội), sau đó giới thiệu nội dung, và cuối cùng là những phản ứng.

I.    Bối cảnh lịch sử

A.  Thế giới

Trong chương ba, thông điệp SRS trình bày tình hình của thế giới (vào năm 1987), xem ra ảm đạm, chứ không còn lạc quan như hồi 20 năm về trước. Trong số những điểm đáng chú ý, ta có thể kể :

– Trái với những dự đoán của LHQ, các nước kém phát triển đã không tiến thêm mà còn thụt lùi : thêm vào « thế giới thứ ba » còn có « thế giới thứ bốn » nữa. Ngay tại các nước phát triển, số người nghèo cũng không giảm đi mà còn tăng thêm (điển hình qua số những người thất nghiệp). Từ đó thế giới bị phân chia thành nhiều khối : Đông (Cộng sản) và Tây (Tư bản) ; Bắc (giàu) và Nam (nghèo).

– Sự phân chia giữa hai khối Tư bản và Cộng sản lôi kéo theo nhiều cuộc nội chiến tại Mỹ châu latinh, Phi châu. Tình trạng bất an cũng được sử dụng để biện minh cho những chế độ độc tài hữu phái hoặc tả phái (thí dụ Marcos ở Philippin, Sandina ở Nicaragua).

– Cuộc khủng hoảng dầu hỏa ở Trung đông gây ra khủng hoảng kinh tế cho nhiều quốc gia.

B.  Giáo hội

1/ Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến từ Ba-lan, một nước đã có kinh nghiệm của độc tài phát xít hồi thế chiến thứ hai, và sau đó là chế độ cộng sản. Ngài đã viếng thăm nhiều quốc gia sống dưới các chế độ độc tài phía hữu và phía tả tại châu Mỹ, cũng như theo dõi những cuộc tranh đấu của công đoàn Solidarnos tại quê nhà. Trong lãnh vực giáo huấn xã hội, trước khi ban hành thông điệp SRS (1988), ngài đã viết thông điệp Laborem exercens (1981), và sau đó là thông điệp Centesimus annus (1991, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ).

2/ Thần học giải phóng Mỹ châu Latinh (Gustavo Gutierrez, Teologia de la liberacion, 1971). Tại Medellin, các giám mục châu Mỹ latinh bày tỏ quyết tâm bênh vực người nghèo (1968). Đến khi phân tích nguyên nhân đưa đến tình trạng nghèo đói, người ta quy về chính sách bóc lột của các nước giàu. Vì thế, muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói, cần phải loại trừ các cơ cấu tội lỗi[9]. Nhiều căng thẳng xảy ra giữa các nhà thần học này với Tòa Thánh. Thông điệp SRS sẽ sử dụng vài thuật ngữ của thần học giải phóng, tựa như: giải phóng (số 46), cơ cấu tội lỗi (số 35-38), lòng ưu ái dành cho người nghèo (số 42).

II.   Nội dung

A.  Bố cục

Thông điệp được chia làm 7 phần (hoặc chương). Chương Một là dẫn nhập và chương Bảy là kết luận.

Chương I. Nhập đề (số 1-4). Tình hình thế giới đã thay đổi khá nhiều trong vòng 20 năm qua.

Chương II. Giá trị của thông điệp PP (số 6-10). Có ba điểm đáng được nêu bật : 1/ Thông điệp này đã cho thấy tính cách phổ quát của vấn đề xã hội : những quyết định của một nước này (cách riêng là các nước lớn) có ảnh hưởng đến nhiều nước khác (đặc biệt là các nước nghèo). 2/ Thông điệp PP cũng đã trình bày một quan điểm toàn diện về « phát triển » : sự phát triển không thể nào được coi là tốt nếu chỉ nhắm tới việc thu tích tài sản vật chất cho một số ít mà không đếm xỉa đến quyền lợi của các nước nghèo, hoặc không đếm xỉa đến chiều kích văn hóa, tinh thần, xã hội của con người. 3/ Ngoài ra, PP cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa phát triển và hòa bình

Chương III (số 12-26) dài nhất, phác họa quang cảnh thế giới. Trái với lòng mong đợi của thông điệp PP, sự phát triển vẫn chưa thành tựu : hằng triệu người vẫn còn sống trong tình trạng nghèo đói (x. số 12-19). Thậm chí, các nước nghèo lại trở thành nghèo hơn, bắt nguồn từ những món nợ công. Bên cạnh sự xung đột giữa hai khối Đông-Tây (lúc ấy, năm 1989, thế giới vẫn còn chia thành hai khối tự do và cộng sản), lại phát sinh thêm sự phân chia giữa khối Bắc (phát triển) và Nam (kém phát triển). Tình trạng chiến tranh đã khiến cho nhiều nước đầu tư vào việc mua sắm khí giới thay vì dành vào việc phát triển, đó là chưa kể đến thảm cảnh của những kẻ tị nạn.

Thông điệp cũng ghi nhận vài tín hiệu tích cực, chẳng hạn như việc tôn trọng nhân phẩm (của bản thân và của tha nhân), sự cổ động tình liên đới ; sự tiến bộ tại vài nước trước đây là kém phát triển nhưng nay đã đạt được sự tự túc về lương thực[10] (số 26).

Chương IV (số 27-34) đào sâu khái niệm chân chính của sự phát triển, đi xa hơn những ý niệm được thành hình trong khung cảnh của chủ nghĩa Khai sáng bên Tây phương : khi nào người ta tích lũy của cải mà không để ý đến tắc luân lý, thì sự tích lũy đó có thể chống lại con người, gây ra thiệt hại hơn là lợi lộc (số 28). Thông điệp cũng tố cáo não trạng chú trọng đến cái « có » (sở hữu) mà bỏ qua việc phát triển cái « là » (phẩm giá) của con người[11]. Thực vậy, khi con người chỉ đặt việc thu tích của cải như là mục tiêu của cuộc đời, thì đã đi trái ngược với ơn gọi của con người, là hình ảnh của Thiên Chúa và có cứu cánh là sự bất tử (số 28-30). Vì thế cần tái lập lại hệ trật các giá trị, đừng để cho sự sở hữu của một ít người xâm phạm đến phẩm giá của nhiều người khác (số 31). Chương IV cũng đề cập đến môi sinh và thiên nhiên ở số 34.

Chương V muốn đưa ra một cái nhìn thần học về tình hình hiện tại (số 35-40). ĐTC nhắc đến những cơ cấu tội lỗi (số 36), phát sinh từ những lựa chọn ích kỷ muốn chiếm hữu, và ý muốn thống trị người khác (số 37). Đối lại, thông điệp nêu bật tầm quan trọng của lòng từ bi và của sự thay đổi các thái độ ích kỷ và tội lỗi, đó là thái độ liên đới, dám trao thân để phục vụ điều tốt cho tha nhân, chấp nhận thiệt mất bản thân thay vì khai thác tha nhân, phục vụ tha nhân thay vì chèn ép họ để trục lợi cho mình (số 38). Thông điệp đào sâu ý nghĩa của nhân đức liên đới, dưới khía cạnh nhân bản và tôn giáo (số 39). Nhờ nhân đức liên đới, ta khám phá sự hợp nhất giữa mọi nhân sinh, bắt nguồn từ sự thông hiệp giữa Ba ngôi Thiên Chúa (số 40).

Chương VI trình bày vài định hướng cụ thể (số 41-45). Thông điệp không muốn đề ra một con đường thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản mác-xít (số 41). Thông điệp muốn đề ra một giáo huấn xã hội trong bối cảnh quốc tế, vạch cho thấy tầm quan trọng của lòng ưu ái dành cho người nghèo, sự sử dụng chính đáng các tài sản vật chất được tạo dựng lợi ích cho tất cả mọi người (số 42). Thông điệp ca ngợi vai trò của các tổ chức quốc tế, miễn là biết phục vụ thiện ích chung của toàn nhân loại ; tuy nhiên, mỗi quốc gia cần phải lãnh trách nhiệm trong việc phát triển cho các công dân của mình (số 44). Sự lệ thuộc giữa các quốc gia cần được thực hiện trong tinh thần liên đới (số 45).

Chương VII. Kết luận (số 46-49). Thông điệp bày tỏ lòng tín tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã hứa sẽ can thiệp vào lịch sử nhân loại, và tin tưởng vào con người, bất chấp những yếu đuối nhưng vẫn giữ được sự tốt lành nguyên thủy vì là hình ảnh của Thiên Chúa (số 47).

Chúng ta cũng có thể phân chia bố cục dựa theo mô hình : xem – xét – làm :

  Xem : 1/ ghi nhận các sự kiện (số 11-19) ; giải thích sự kiện (số 20-25)

  Xét : 1/ quan điểm luân lý về phát triển (số 27-29) ; 2/ quan điểm Ki-tô giáo về phát triển (số 30-31) ; 3/ nhận định tình hình thế giới trên đây (số 35-37)

  Làm : 1/ liên đới như chìa khóa (số 38-40) ; 2/ vài đề nghị cụ thể (số 43-45).

B.  Vài ý tưởng chủ chốt về sự phát triển.

Sự phát triển mang theo vài đặc trưng : ơn gọi, tự do và trách nhiệm, liên đới.

1/ Thông điệp SRS lấy lại những ý tưởng về sự phát triển dựa theo thông điệp PP, chẳng hạn như : phát triển là một ơn gọi (số 28), bao trùm toàn thể con người và mang tính xã hội (số 29). Vì thế cần lưu ý đến « to be » chứ không phải chỉ giới hạn vào « to have ». Đành rằng, nếu ai thiếu những phương tiện tối thiểu để sinh sống (to have) thì không thể nào phát triển to be được. Tuy nhiên, SRS cho thấy rằng những người (hoặc nhóm người) « siêu phát triển » (superdevelopment) mà chỉ nghĩ đến hưởng thụ vật chất thì chưa đương nhiên là đã đáng coi là phát triển đầy đủ. Sự phát triển con người phải nhắm đến chiều kích văn hóa, tín ngưỡng nữa.

Xét dưới khía cạnh chính trị xã hội, sự phát triển đòi hỏi sự tôn trọng tự do, nhân quyền, trách nhiệm. Không thể áp đặt một chính sách đi ngược lại với quyền lợi con người, xét theo cá nhân cũng như dân tộc. Sự phát triển đòi hỏi một khung cảnh tự do, xét về cá nhân cũng như xã hội. Ta cũng có nói ngược lại, sự phát triển giúp cho con người đạt đến tự do : kể cả người giàu cũng đừng nên quên điều ấy, khi mà họ trở thành nô lệ cho lòng tham lam, vơ vét tài sản cho mình. Những ý niệm « tự do » – « giải phóng » – « phát triển » gắn chặt với nhau (số 46).

2/ Tuy nhiên, đang khi thông điệp PP trình bày một quan niệm phát triển dựa trên triết học về con người, thì thông điệp SRS đi sâu thêm vào khía cạnh thần học : cái gì làm ngăn cản sự phát triển ? Câu trả lời là tại vì tội lỗi của con người[12] : tội cá nhân đã vậy, lại còn thêm « cấu trúc tội lỗi » nữa[13], điển hình là  khao khát quyền lực và trục lợi bằng bất cứ mọi giá (số 37). Đàng sau những quyết định xem ra mang tính chính trị hoặc kinh tế, là những hình thức ngẫu tượng : suy tôn tiền bạc, ý thức hệ, giai cấp, công nghệ. Cũng phải kể là cấu trúc tội lỗi những người đồng lõa với sự bất công mà không có can đảm tố giác hoặc cải thiện (số 47). Dĩ nhiên, đây là một câu chuyện mà duy chỉ những người tin vào Thiên Chúa mới chấp nhận. Nói khác đi, Giáo hội không thể nào chỉ bàn đến sự phát triển dưới khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, triết học mà thôi, nhưng còn cần xét đến khía cạnh luân lý nữa.

3/ Để thay đổi « cơ cấu tội lỗi », thông điệp đề ra con đường của nhân đức liên đới, được bàn trong phần thứ hai của chương Năm. Tình liên đới đặt nền tảng tự nhiên trên mối dây huynh đệ đại đồng giữa tất cả các phần tử của nhân loại. Nhưng cao hơn nữa, tình liên đới là một nhân đức bền vững, được xây dựng  trên đức bác ái, với gương mẫu là mầu nhiệm Ba ngôi Thiên Chúa. Nhờ nhân đức liên đới này, ta biết quan tâm đến những đồng bào, cách riêng những người nghèo khổ, và giúp đỡ họ không như kiểu bố thí, nhưng với tâm trạng kính trọng những quyền lợi của họ (số 39).

III. Phản ứng

Thông điệp đã gây nhiều phản ứng tiêu cực bên Hoa kỳ, bởi vì xem ra ĐTC đặt chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản lên một bàn cân ngang nhau.

Xét về tư tưởng thần học, thông điệp này đã để lại nhiều ảnh hưởng quan trọng trong GHXH :

-Trước tiên, ở số 41, SRS xác định rằng GHXH thuộc về lãnh vực thần học luân lý chứ không phải là triết học, lại càng không phải là ý thức hệ (xc. Sách Tóm lược HTXH số 73).

– Đồng thời, thông điệp cũng phân biệt ba cấp độ trong GHXH (số 3): những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán, những kế hoạch hành động; điều này được đem vào sách Giáo Lý của Hội thánh Công giáo số 2423.

– « Liên đới » được liệt kê như một nguyên tắc của GHXH (xem : Sách Tóm Lược HTXH số 192-196).

Mục III. Thông điệp Caritas in veritate

Các thông điệp xã hội thường được ban hành nhân dịp kỷ niệm thông điệp Rerum novarum (1891) chẳng hạn: 40 năm, 70 năm, 80 năm, 100 năm. Nhưng thông điệp Populorum progression đã mở ra một chu kỳ mới cho những văn kiện kỷ niệm: 20 năm (Sollicitudo rei socialis), 40 năm (Caritas in veritate). Tuy nhiên, lắm khi lực bất tòng tâm: thông điệp SRI được phát hành gần một năm sau ngày kỷ niệm, còn thông điệp CIV còn lâu hơn nữa: hơn hai năm sau (29/6/2009). Cũng giống như hai mục trước đây, chúng tôi sẽ trình bày bối cảnh và nội dung của văn kiện, và sẽ bổ túc với thông điệp Laudato si của ĐTC Phanxicô, bởi vì cũng đụng tới đề tài phát triển.

I.    Bối cảnh lịch sử

Thông điệp CIV ra đời 20 năm sau SRS. Trong khoảng thời gian này, nhiều biến cố đã xảy ra. Khối cộng sản bên Đông Âu đã sụp đổ, nhưng không vì thế mà thế giới không còn bị ngăn cách bởi những bức tường. Thay vào sự chia rẽ giữa hai khối Đông-Tây là sự chia rẽ giữa Bắc-Nam, hay nói đúng hơn, sự thống trị của chủ nghĩa kỹ trị (hoặc kỹ-thuật-trị : technocracy : số 34). Tình hình thế giới được thông điệp CIV mô tả trong chương Hai và chương Sáu. Chúng ta có thể kể ra vài sự kiện nổi bật nhất.

1/ Những cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng tài chính năm 2007 (một lý do khiến cho việc ban hành thông điệp bị hoãn lại gần 2 năm) ; khủng hoảng lương thực (2006-2008) ; khủng hoảng năng lượng (dầu hỏa, môi trường) ; khủng hoảng chính trị (nạn khủng bố quốc tế từ sau ngày 11/9/2001). Cần phải tìm hiểu nguyên nhân của chúng.

2/ Hiện tượng toàn cầu hóa[14]. Đàng sau những sự kiện, cần lưu ý đến sự thay đổi bối cảnh văn hóa của các vấn đề xã hội. Hồi thế kỷ XIX, vấn đề xã hội bắt nguồn từ cuộc tranh đấu của các công nhân, gây ra sự đối đầu giữa hai ý thức hệ « tự do » và « xã hội » sau cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917. Vào cuối thế kỷ XX, bản đồ thế giới được phân thành hai khối Bắc (giàu) và Nam (nghèo). Cuộc sụp đổ bức tường Bá-linh đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, do cuộc cách mạng công nghệ: thay vì các ý thức hệ « chính trị » là ý thức hệ « kỹ trị ». Nhờ giao thông và công nghệ, đây là thời thống trị của kỹ thuật, với những khối thế lực mới đứng trên các quốc gia. Hoạt động kinh tế thoát khỏi sự kiểm soát của pháp luật của Nhà Nước (x. CIV số 24).

3/ Hiện tượng vừa nói gắn liền với trào lưu « thế tục hóa » tại các quốc gia Âu Mỹ. Các nhà kinh tế và công nghệ cảm thấy mình « toàn năng » không bị ràng buộc với quy tắc luân lý nào. Họ muốn làm chủ cuộc sống con người : thụ thai nhân tạo, cấy ghép tế bào. Họ muốn tạo ra hạnh phúc ở trên đời này (CIV số 34).

4/ Bên cạnh những triệu chứng vừa nói, cũng cần ghi nhận một hiện tượng tích cực trong lãnh vực kinh tế, đó là việc thực hành một thứ « kinh tế hiệp thông » (được thông điệp nói đến trong số 46) do phong trào Focolare khởi xướng, với những ý tưởng động lực là « trao tặng » (quà tặng: gift) và « ban không » (vô vị lợi: gratuity) được đề cập trong chương Ba[15].

II.   Nội dung

Trước tiên, chúng ta hãy xem qua bố cục ; sau đó, nêu bật những điểm quan trọng liên quan đến đề tài phát triển.

A.  Bố cục

Gồm 6 chương, cộng thêm Nhập đề và Kết luận

Nhập đề

Tình yêu trong chân lý là động lực chính yếu của sự phát triển đích thực của mỗi người và của toàn thể nhân loại. Trình bày ý nghĩa của “tình yêu trong chân lý” trong GHXH (số 1-7) và trong thông điệp PP (số 8-9).

Chương Một. Sứ điệp của Populorum Progressio

Chương này muốn đặt thông điệp PP trong lịch sử tiến triển của Giáo huấn xã hội của Giáo hội, để vạch ra sự đồng nhất cũng như sự mới mẻ. Có thể chia làm hai phần: 1/ Phân tích các văn kiện của đức Phaolô VI về sự phát triển (từ số 10 đến 15); 2/ Tổng hợp: những tư tưởng chính về sự phát triển: ơn gọi, tự do, chân lý, tình yêu (từ số 16 đến 20).

Chương II.  Sự phát triển con người vào thời nay

Trong chương Một, đức Bênêđictô XVI ôn lại sứ điệp Populorum progressio, được đọc trong toàn bộ tư tưởng của đức thánh cha Phaolô VI về sự phát triển toàn diện. Chương Hai điểm qua tình hình về sự phát triển vào thời nay, vạch ra những điểm tích cực và tiêu cực. Nói đúng ra, những điểm tiêu cực thì nhiều hơn những điểm tích cực. Ta có thể xem chương này như một thứ mô tả tình trạng bệnh lý, để rồi đề nghị các toa thuốc ở những chương kế tiếp. Chương này khá dài (từ số 21 đến 33), không có phụ đề. Thiết tưởng có thể tạm chia ra làm ba đoạn chính như sau:

A. Tổng quan về việc phát triển thời nay từ cái nhìn của Populorum progressio (số 21).

B. Một vài khía cạnh lệch lạc trong sự phát triển: 1/ Khía cạnh kinh tế (số 22-25). 2/ Biến đổi về văn hóa (số 26). 3/ Nạn đói (số 27). 4/ Tôn trọng mạng sống (số 28). 5/ Tự do tín ngưỡng (số 29).

C. Nhận định tình hình. 1/ Những vấn đề mới đòi hỏi những giải pháp mới: cái nhìn toàn diện về hiểu biết và thương yêu (số 30-31).2/ Suy tư về ý nghĩa của hoạt động kinh tế (số 32). 3/ So sánh tình hình với 40 năm về trước; những yếu tố mới: toàn cầu hóa (số 33).

Chương Ba. Tình huynh đệ, Phát triển kinh tế và Xã hội dân sự

Có thể xem chương Hai như là chẩn bệnh (vạch ra những thiếu sót trong sự phát triển), để rồi đưa ra những bài thuốc trong những chương kế tiếp: tình huynh đệ (chương 3); nghĩa vụ và quyền lợi, chăm sóc môi trường (chương 4); hợp tác và liên đới (chương 5); sử dụng kỹ thuật đúng đắn (chương 6). Thật ra, GHXH chỉ muốn đưa ra những hướng đi cho sự phát triển “toàn diện” (phát triển toàn thể con người và phát triển cho hết mọi người), chứ không đề ra một chính sách phát triển kinh tế với tất cả mọi chi tiết kỹ thuật.

Chương Ba có thể chia làm bốn đoạn như sau: 1/ Nguyên tắc định hướng (số 34). Cần gây một tinh thần mới vào hoạt động kinh tế: kinh nghiệm “trao tặng” (gift) và nguyên tắc “vô vị lợi” (gratuity). 2/ Thị trường và những hình thức công bằng (số 35-39). 3/ Doanh nghiệp: lợi nhuận và phi lợi nhuận (số 40-41). 4/ Việc toàn cầu hóa (số 42).

Chương Bốn:   Sự phát triển các dân tộc, Những quyền lợi và nghĩa vụ, Môi trường

Bố cục của chương này có thể phân chia như sau:

A. Nhập đề. Khái niệm về quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sự phát triển các dân tộc (số 43)

B. Vài quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể: 1/ Quyền sinh sản và vấn đề hạn chế dân số (số 44). 2/ Luân lý doanh nghiệp (số 46-47). 3/ Môi trường (số 48-51).

C. Kết luận (số 52)

Xem ra chương Ba nói đến “linh đạo” phát triển, với những từ ngữ “trao tặng” (gift), “vô vị lợi” (gratuity), “tình huynh đệ” (fraternity); còn chương Bốn bàn đến “công lý” phát triển. Nên biết là trong tiếng Latinh, “quyền lợi” (ius) có liên quan đến “công bằng” (iustitia): quyền lợi là cái gì thuộc về tôi theo lẽ công bằng, chứ không phải là ân huệ. Thực ra, vấn đề quyền lợi được đặt ra trong tương quan xã hội: đâu có hai người trở lên thì mới nảy sinh “quyền lợi và nghĩa vụ”: quyền lợi của người này đặt ra một nghĩa vụ cho người kia. Nếu tôi sống một mình trên ốc đảo thì không cần nói đến quyền lợi và nghĩa vụ. Trong chương này, Đức Thánh Cha nhắc đến vài quyền lợi và nghĩa vụ cách tổng quát, và sau đó áp dụng vào vài điểm cụ thể liên quan đến sự phát triển các dân tộc.

Chương Năm. Sự hợp tác của gia đình nhân loại

Theo tinh thần của thông điệp Populorum progressio, sự phát triển phải bao gồm toàn thể con người và toàn thể loài người. Chương Năm chú trọng đến khía cạnh thứ hai (phát triển toàn thể nhân loại) và đưa ra những suy tư nhằm cổ võ sự hợp tác giữa các dân tộc, cách riêng trong bối cảnh của việc toàn cầu hóa hiện nay.

Có thể chia làm hai phần chính: 1/ Những nguyên tắc hướng dẫn sự hợp tác gia đình nhân loại: bổ trợ và liên đới (số 53-58). 2/ Áp dụng vào vài vấn đề cụ thể: sự hợp tác song phương (số 59), phát triển giáo dục (số 59); ảnh hưởng của xã hội dân sự (số 60); trao đổi văn hóa nhờ du lịch (số 61); hiện tượng di dân (số 62); các công nhân (số 63-64); tài chính (số 65), cơ quan điều hành quốc tế (số 67).

Chương Sáu. Sự phát triển các dân tộc và kỹ thuật

Chương cuối cùng của thông điệp tương đối ngắn (số 68-77), bàn về mối liên hệ giữa kỹ thuật và sự phát triển các dân tộc. Cấu trúc gồm ba phần:

A. Những nhận xét chung về mối tương quan giữa kỹ thuật và phát triển (số 68-70): kỹ thuật là tốt bởi vì nhờ nó mà chúng ta thông dự vào việc sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên kỹ thuật mang theo một cám dỗ khi chúng ta lẫn lộn giữa phương tiện này với cứu cánh của đời người.

B. Ba lãnh vực cụ thể của việc áp dụng kỹ thuật vào sự phát triển: 1/ Phát triển và hòa bình (số 71-72): Hoà bình không thể chỉ dựa trên “kỹ thuật”; hoà bình được nâng đỡ nhờ những giá trị của chân lý. 2/ Các phương tiện truyền thông xã hội (số 73): những phương tiện này giúp con người xích lại gần nhau; nhưng chúng cần tuân theo những quy tắc luân lý, chứ không thể bị khuynh đảo bởi các ý thức hệ. 3/ Luân lý sinh học (số 74-76). Kỹ thuật sinh học là một hiện tượng kỳ diệu ở thời đại hôm nay. Nó chứng tỏ khả năng của khoa học để chữa lành nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, nguy cơ là con người tưởng rằng mình có thể làm bất cứ điều gì, không cần đếm xỉa đến luân lý; hoặc khi nhân danh sự cải thiện đời sống, chúng ta lại hy sinh mạng sống con người (phá thai, an tử, thí nghiệm phôi thai…)

C. Kết luận. Sự phát triển chân chính phải mở rộng đến chiều kích siêu việt của con người. Trong thông điệp bàn về sự phát triển, xem ra những chương vừa rồi chú trọng đến chiều ngang giữa con người với nhau trong một nước hoặc giữa các nước với nhau, áp dụng các nguyên tắc hỗ trợ và liên đới vào các lãnh vực kinh tế, chính trị; còn chương cuối cùng nêu bật sự phát triển về chiều dọc: tương quan giữa con người với Thiên Chúa.

Kết luận

Trong khi nhập đề gồm 9 số (1-9) thì kết luận chỉ vỏn vẹn có 2 số (78-79): xem ra quá ngắn ngủi và vội vàng. Thực ra những điều quan trọng đã được nói hết rồi, đặc biệt là thuật ngữ “caritas in veritate” được bình giảng trong nhập đề. Tư tưởng then chốt của kết luận là nhấn mạnh đến một nhân học toàn diện (integral humanism), đề tài đã được nhắc đến ở số 75. Sự phát triển có thể là “nhân bản” nhưng cũng có thể là “phi nhân bản” (inhuman).Tiếp nối tư tưởng của chương cuối cùng, phần kết luận nhắc nhở sự cần thiết kết hợp với Thiên Chúa để phục vụ tha nhân và xã hội.

Xét về phương pháp trình bày, thông điệp này không còn  đi theo mô hình “xem – xét – làm” như trước đây. Thông điệp CIV đi theo phương pháp diễn dịch hơn là quy nạp, nghĩa là đi từ nguyên lý về sự phát triển chân chính (“tình yêu trong sự thật”), rồi áp dụng vào những thực tại khác nhau. Tuy vậy, theo cha Bartolomeo Sorge S.J., ta vẫn có thể nhận ra mô hình “xem-xét-làm” miễn là phải thay đổi thứ tự các chương.

1)   Xem

Tình hình GHXH ngày nay: vấn đề “xã hội” trở thành vấn đề “nhân sinh” (Ch.VI)

Tính cách thời sự của thông điệp PP (Ch. I-II)

2)   Xét

Học thuyết về sự phát triển đích thực: tình yêu trong chân lý (Nhập đề và Kết luận)

3)   Làm

Những áp dụng cụ thể cho một vài vấn đề mới (Chương III, IV,V).

B.  Tư tưởng

Thông điệp CIV đề cập nhiều đề tài thuộc về GHXH. Ở đây chúng tôi chỉ chú trọng vào đề tài « phát triển ».

1/ Trước hết, vài nhận xét về từ ngữ. Trong thông điệp PP, đức Phaolô VI sử dụng thuật ngữ « phát triển các dân tộc » (sviluppo dei popoli), còn trong thông điệp CIV, đức Bênêđictô XVI thích sử dụng thuật ngữ « phát triển nhân bản toàn diện » (sviluppo umano integrale)[16].

2/ Đức Bênêđictô XVI nhìn nhận tính thời sự của thông điệp PP (x. các chương I và II) khi bàn về phát triển[17], đặc biệt ở ba điểm :

a)  Phát triển là một ơn gọi (PP 42) : trong kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi người được mời gọi phát triển (CIV 16). Ơn gọi là một lời mời đáp trả tự do và trách nhiệm. Bởi vì sự phát triển là tiếng đáp trả ơn gọi siêu việt, cho nên sự tiến bộ cần phải phù hợp với phẩm giá con người. Sự phát triển nhân bản giả thiết tự do và trách nhiệm của mỗi người. Con người chỉ có thể phát triển trong một chế độ tự do và trách nhiệm (số 17). Hơn nữa, nếu sự tiến bộ thật sự hệ tại sự thực hiện ơn gọi một cách tự do và trách nhiệm, tất nhiên sự phát triển toàn diện con người không thể nào không quy về Đấng kêu gọi : con người mang chiều kích siêu việt.

b)  Sự phát triển xứng đáng với con người đòi hỏi tình huynh đệ. Thông điệp PP (số 66) trách rằng thế giới đang mắc bệnh hoạn. Bệnh hoạn không phải ở chỗ phung phí nguồn lực hoặc chiếm đoạt nguyên liệu, cho bằng thiếu tình huynh đệ giữa các cá nhân và các dân tộc.  Tình trạng này lại càng trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh toàn cầu hiện nay (CIV số 21). Xã hội toàn cầu hóa đưa con người lại gần nhau, nhưng không làm cho chúng ta trở nên anh em. Còn thiếu cái gì nữa ? Đó là điều mà CIV muốn bổ túc.

 c) Thông điệp PP (chẳng hạn số 85) nhấn mạnh rằng các cuộc cải cách cần được thực hiện liên ngành, phối hợp những khía cạnh khác nhau của sự phát triển, để có một cái nhìn toàn bộ. Giáo huấn xã hội của Giáo hội có thể đóng góp rất lớn cho lãnh vực này, bởi vì tự bản chất nó mang tính đa ngành (CIV số 31) : nhìn tất cả dưới viễn ảnh của con người toàn diện, liên kết quyền lợi với nghĩa vụ, lưu ý đến luân lý và kỹ thuật.

3/ Sự đóng góp đặc biệt của thông điệp CIV cho quan điểm về sự phát triển.

Thông điệp CIV khai triển và bổ túc thêm cho ba điểm vừa nêu, cách riêng dưới khía cạnh thần học. Có thể khẳng định rằng quan điểm độc đáo của CIV được gói ghém ngay trong tựa đề « tình yêu trong sự thật » (caritas in veritate). Thông điệp giải thích ý nghĩa của nó trong nhập đề và lần lần khai triển dưới những khía cạnh khác nhau trong những chương kế tiếp:

Tình yêu trong chân lý là điều mà đức Giêsu Kitô đã minh chứng qua cuộc sống trần thế, đặc biệt qua cái chết và phục sinh của Người; đó là động lực chính của sự phát triển đích thực cho mỗi người và cho toàn thể nhân loại. Tình yêu – «caritas» – là nguồn lực lạ lùng thúc đẩy con người can đảm và đại độ dấn thân cho hoà bình và công lý. Nó xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng vừa là Tình yêu muôn thủa và cũng là Chân lý tuyệt đối. Mỗi người gặp được hạnh phúc của mình, khi chấp nhận chương trình mà Thiên Chúa đã đề ra cho mình để phát triển thành người: Trong chương trình đó họ gặp được chân lý đời mình, và một khi chấp nhận chân lý này, họ trở thành người tự do (số 1).

a)  Sự phát triển là một ơn gọi. Đề tài này đã được đề cập trong thông điệp PP, và được thông điệp CIV khai triển dưới nhiều khía cạnh[18]. Thiên Chúa đã đặt trong tâm trí mỗi người một ơn gọi phát triển toàn diện  (CIV 11). Điều này muốn nói lên rằng con người mang trong mình khát vọng muốn phát triển bản thân và trong tình liên đới với tha nhân.

Nói đến ơn gọi là nói đến chiều kích siêu việt của con người, tức là tương quan với Thiên Chúa. Nếu loại trừ Thiên Chúa thì hoặc là sẽ loại trừ sự phát triển, hoặc là con người tự nghĩ ra một kế hoạch phát triển vừa tầm của mình, với hiệu quả là chỉ sùng thượng bản ngã mà không đếm xỉa gì đến tha nhân (x. Số 11). Sự phát triển loại trừ Thiên Chúa sẽ có nguy cơ trở thành phi nhân bản (x. Số 75). Thật vậy, sự phát triển cá nhân cũng như cộng đồng cần nhận biết một nguồn gốc và  một hướng đi: cần nhìn nhận rằng con người bắt nguồn từ Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa; từ đó nảy sinh những tương quan đích thực dành cho những con người khác.

Sự phát triển nhân bản, xét như là ơn gọi, giả thiết sư tôn trọng tự do của cá nhân và dân tộc: các cá nhân và dân tộc phải là những tác nhân chính của sự phát triển (số 17). Tự do cần được hiểu như là trách nhiệm để thực hành điều tốt, thực hành yêu thương với tha nhân, chứ không nên hiểu như là mặc sức tung hoành. Mối liên hệ giữa “tự do – yêu thương và chân lý”  được giải thích trong chương Sáu khi nêu bật tính cách luân lý của kinh tế, thông tin, cũng như y khoa, sinh học.

Dĩ nhiên, việc nhìn nhận chiều kích siêu việt của con người cũng mang theo một hệ luận là nhìn nhận quyền tự do tín ngưỡng (số 29).

b)  Phát triển và tình huynh đệ. Đề tài này được khai triển cách riêng trong chương Ba mang tựa đề “Tình huynh đệ, Phát triển kinh tế và Xã hội dân sự”. Cần khám phá ý nghĩa “trao tặng” (gift) trong đời sống[19], thay thế cho não trạng tiêu thụ và hưởng dụng. Sự sống là một quà tặng. Không ai tự mình có sự sống ; sự sống là một món quà lãnh nhận từ Thiên Chúa. Ý tưởng “trao tặng”  nhắc nhở chiều kích siêu việt của con người, đồng thời cũng phát sinh nguyên tắc “bất vụ lợi” (gratuitousness), một nền tảng quan trọng cho sự xây dựng cộng đồng huynh đệ (số 34). Dĩ nhiên, các tương quan xã hội được xây dựng trên công bình, nhưng không thể nào bỏ qua nguyên tắc bất vụ lợi và trao tặng, nếu muốn cho sự phát triển trở nên nhân bản. Điều này cần được áp dụng cách riêng trong lãnh vực kinh tế: bên cạnh những tổ chức “lợi nhuận” và “phi lợi nhuận”, “quốc doanh” và “tư nhân”, có thể nghĩ đến dạng thức thứ ba, đặt nặng sự phục vụ tương quan nhân bản[20]. Nguyên tắc bất vụ lợi cũng cần được áp dụng trong mối tương quan giữa thị trường, nhà nước và xã hội dân sự, nhằm tránh vị trí độc tôn của thị trường (số 38). Sau cùng, nguyên tắc trao tặng cũng cần được áp dụng khi bước sang phạm vi bảo vệ môi trường (số 48). Tóm lại, chiều kích trao tặng cần thấm nhuần các lãnh vực liên quan đến sự sống, tương quan xã hội, tôn trọng môi sinh (số 51): sự phát triển chân chính đòi hỏi phải đi theo con đường của chân lý trong yêu thương (số 52): công bình cần được kết hợp với trao tặng; những quy tắc của thị trường cần được kết hợp với tình liên đới.

Tính liên đới của việc phát triển còn được đào sâu trong chương Năm, khi bàn đến sự hợp tác trên bình diện toàn thể gia đình nhân loại. Nhiều chủ đề được đề cập, chẳng hạn như: giáo dục, du lịch, di dân, tổ chức Liên Hợp quốc. Tất cả những vấn đề này dựa trên một tiền đề là: toàn thể nhân loại là một gia đình, và cần tiến tới sự hiệp thông càng ngày càng sâu đậm hơn (số 53). Khuôn mẫu của sự hiệp thông là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi (số 54).

c)  Phát triển và cải cách xã hội. Việc phát triển đòi hỏi sự hợp tác liên ngành. Giáo hội chỉ cung cấp những hướng dẫn đạo lý, chứ không đi vào những khía cạnh cụ thể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bàn đến sự phát triển không diễn ra như lý tưởng mong ước; còn rất nhiều rào cản trên đường phát triển. Phải làm thế nào?[21]

Thông điệp nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi não trạng, lương tâm luân lý, trách nhiệm cá nhân và xã hội (số 36). Tuy nhiên, thông điệp cũng không bỏ qua việc thay đổi những cơ cấu tài chính (cũng ở số 36), thậm chí đề nghị cải tổ tổ chức Liên Hợp quốc (số 67), sự thay đổi chính sách di dân và nhập cư, vai trò của các doanh nhân. Lý do là vì nhiều vấn đề xã hội tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức, thí dụ khi đề cập đến nạn đói, thông điệp nhận xét rằng đây không phải là chuyện thiếu nguồn lực tự nhiên, nhưng vấn đề cơ cấu (số 27). Trên đây, chúng ta đã nhắc đến sự cần thiết của việc du nhập nguyên tắc “bất vụ lợi” và “hiệp thông” vào các lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Hoạt động kinh tế thương mại cần được hướng dẫn bởi những nguyên tắc luân lý, chứ không chỉ tuân theo các định luật của kỹ thuật (số 35).

III. Phản ứng

Như đã nói trên, thông điệp CIV không còn áp dụng phương pháp “xem-xét-làm” (quy nạp), nhưng mang tính cách diễn dịch: khởi đi từ sứ điệp Tin mừng (GHXH), Đức thánh cha Bênêđictô XVI giải thích quan điểm “phát triển nhân bản toàn diện” dựa trên sự phân tích thuật ngữ “tình yêu trong chân lý”, rồi từ đó tìm cách ứng dụng vào những thực tại xã hội khác nhau.

Thông điệp được xếp vào các văn kiện giáo huấn xã hội và được gửi đến được gửi đến tất cả mọi người thiện chí, nhưng lối tiếp cận xem ra nặng về “tín lý”. Thật vậy, tuy người ta thấy có sự đóng góp của nhiều chuyên gia về kinh tế chính trị trong việc soạn thảo thông điệp này, trong những phạm vi chuyên môn, nhưng trọng tâm của nó là một sứ điệp của đức tin. Thông điệp cho rằng nguồn gốc của những khủng hoảng kinh tế xã hội ngày nay là não trạng “thế tục hóa”, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người; vì thế cần phải nhìn lại “ơn gọi” của con người, xét theo cá nhân cũng như xã hội. Chìa khóa nằm ở chỗ nhìn nhận chiều kích siêu việt của con người.

Không thể chối cãi giá trị của lối phân tích này, nhìn dưới khía cạnh thần học. Nhưng ta có thể đoán được là không phải “tất cả mọi người thiện chí” đều chấp nhận lối giải thích ấy, đặc biệt những người không chấp nhận đức tin Kitô giáo.

Dù sao, đường hướng mà thông điệp vạch ra không chỉ mang tính cách huấn dụ! Thông điệp được gợi hứng đồng thời cũng gợi hứng cho những dự án phát triển cụ thể, điển hình là phong trào Focolorare với kế hoạch “kinh tế hiệp thông”[22].

IV. Phụ thêm. Đề tài phát triển trong hai văn kiện của ĐGH Phanxicô

Trên đây, chúng tôi đã tìm hiểu đề tài phát triển qua ba thông điệp PP, SRS, CIV: cả ba đều bàn trực tiếp về phát triển. Chúng tôi muốn bổ túc thêm với giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt trong tông huấn Evangelii gaudium  và thông điệp Laudato sì.

1/ Tông huấn Evangelii gaudium (5/4/2014)

Lẽ ra tông huấn này được soạn như đúc kết những thành quả của Thượng hội đồng giám mục họp lần XIII để bàn về việc “Loan báo Tin mừng cách mới mẻ” (7-28/10/2012), nhưng vì là văn kiện đầu tay của triều giáo hoàng, cho nên ĐTC Phanxicô cũng muốn lợi dụng cơ hội để trình bày đường hướng hoạt động của mình. Tông huấn gồm năm chương, trong đó chương Bốn mang tựa đề là “Chiều kích xã hội của việc loan báo Tin mừng” (số 176-258). Trong chương này, mặc dù thông điệp PP chỉ được trích dẫn ba lần (kèm theo các số 181; 190; 219), nhưng đề tài “phát triển” được đề cập nhiều lần, đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển “đích thực”, “toàn diện” hướng tới mọi người và trọn vẹn con người[23]. Tình “liên đới” với người nghèo được nhấn mạnh nhiều hơn là chiều kích “siêu việt” của con người.

2/ Thông điệp Laudato si (24/5/2015)

Một đặc trưng của văn kiện này là lần đầu tiên một thông điệp được dành cho đề tài “sinh thái” (ecology). Tuy nhiên thông điệp cũng nhiều lần đề cập đến sự phát triển, dưới nhiều khía cạnh (phát triển kỹ thuật, khoa học, vv). Liên quan đến vấn đề đang bàn, các học giả đưa ra ba nhận xét thú vị.

a)   Thuật ngữ “phát triển toàn diện” được dùng 3 lần (số 50, 157,185). Tuy nhiên, tính từ “toàn diện” (integral: 28 lần)[24] cũng được ghép với các danh từ khác: sinh thái (10; 11; 62; 124; 137; 159; 225), tiến bộ (số 112), tầm nhìn (số 135;141), huấn luyện (số 213).

b)   Bên cạnh thuật ngữ “phát triển toàn diện”, ta còn gặp thấy những tĩnh từ “đích thực” (autentico: số 5; 147; 231),  “nhân bản” (humano: số 5; 157), “bền vững” (sostenible: số 52; 102; 167; 169; 192; 193), đặc biệt là công thức “phát triển bền vững, toàn diện, xã hội” (số 13; 18; 50; 109; 116). Các thuật ngữ này đã được sử dụng trong các văn kiện trước đây; riêng từ ngữ “bền vững” là mới mẻ, được đón nhận từ những tư tưởng đương thời.

Thông điệp muốn đưa ra quan điểm của Giáo hội về sinh thái qua tiêu đề “sinh thái toàn diện”, được khai triển ở chương Bốn (số 137-162). Tuy nhiên, vấn đề sinh thái đòi hỏi một nền nhân học toàn diện (x. số 118), và như vậy, lại trùng hợp với cái nhìn của GHXH về sự phát triển, nghĩa là bao hàm chiều kích “nhân bản” và “xã hội” (số 137).

Kết luận

Chúng ta đã nhìn lại sự tiến triển của GHXH về phát triển. Khởi điểm của các thông điệp về phát triển là PP. Các thông điệp SRS và CIV sẽ quy chiếu vào đó, vừa nêu bật tính cách thời sự của PP, đồng thời vừa cố gắng áp dụng vào những hoàn cảnh mới. Bối cảnh xã hội của PP khác với bối cảnh vào thời SRS và CIV. Một sự thay đổi quan trọng về chính trị là không còn sự căng thẳng giữa hai khối “Cộng sản” và “Tư bản” như hồi giữa thế kỷ XX nữa[25]; tuy nhiên, thay vào đó là sự căng thẳng giữa “Bắc” (giàu) và “Nam” (nghèo). Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng gần đây cho thấy rằng những người nghèo không chỉ hiện diện ở các khối “Nam” mà còn ngay giữa lòng những quốc gia giàu, nơi mà khối tài sản tập trung vào tay một thiểu số. Điều này muốn nói rằng các thông điệp xã hội không phải là những công thức toán học cố định cứng nhắc, nhưng là những “tiêu chuẩn phán đoán”, cần được đem ra hành động[26]. Chúng tôi muốn ghi nhận vài thành quả cũng như vài giới hạn của GHXH.

A. Những thành quả

Đừng kể nội dung, sự tiến triển của GHXH được thấy ngay cả trong việc sử dụng từ ngữ như chúng tôi đã ghi nhận ngay từ nhập đề: « phát triển toàn thể con người và toàn thể loài người », « phát triển chân chính », « phát triển liên đới », « phát triển nhân bản », « phát triển bền vững », vv.

Tuy rằng mỗi từ ngữ hàm ngụ một ý nghĩa riêng, nhưng tựu trung, ta có thể tóm tắt những nét chung ở chỗ nêu bật hai khía cạnh của sự phát triển, đã được mở đầu từ thông điệp PP: « phát triển toàn thể con người và phát triển toàn thể nhân loại ».

1)   Phát triển toàn diện con người : chú ý đến toàn thể con người, chứ không chỉ giới hạn vào các nhu cầu vật chất. Điều này giả thiết một « nhân học toàn diện », lưu ý đến phẩm giá con người, với những quyền lợi căn bản cũng như những nghĩa vụ. Sự phát triển nằm trong bản chất con người, là một hữu thể có tự do và trách nhiệm, mở rộng đến siêu việt.

2)   Phát triển toàn thể nhân loại : con người sống trong xã hội.  Chiều kích xã hội không chỉ giới hạn vào những người láng giềng trong xóm làng, mà cỏn mở rộng đến các dân tộc.

Hai chiều kích phát triển thường đưa đến công thức như là « phát triển nhân bản và xã hội » hoặc « phát triển toàn diện và liên đới ». Nhìn lại lịch sử cận đại, hai chiều kích này trở thành khẩu hiệu tranh đấu của hai chủ trương « tự do » và « xã hội ». Có điều là phái tự do cực đoan không đếm xỉa đến những thành phần thấp kém trong xã hội ; và để phản ứng lại, phái xã hội muốn áp đặt chính sách chỉ huy, trong đó coi nhẹ tự do cá nhân. GHXH kêu gọi chú ý đến cả hai chiều kích, và nhất là nền tảng luân lý (đạo đức) kinh tế chính trị, lấy công thiện làm tiêu chuẩn.

B. Những giới hạn của GHXH

1/ Giáo hội bàn đến vấn đề phát triển dưới khía cạnh thần học, hay chính xác hơn nữa, dưới khía cạnh luân lý (đạo đức). Bên cạnh những chỉ dẫn tích cực, GHXH không ngại tố giác những khiếm khuyết của các chính sách phát triển. Sự phát triển có thể trở thành “phi nhân bản” (dehumanized form of development: CIV 11), khi không tôn trọng phẩm giá con người. Sự kém phát triển (underdevelopment),nghèo đói là một hình thức phi nhân bản đã vậy, nhưng một sự “siêu phát triển” (superdevelopment) thuần túy duy vật cũng phi nhân bản không kém (CIV 22). Giáo hội không đi vào việc hoạch định các chính sách, những kỹ thuật cần áp dụng, cách riêng trong lãnh vực chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, Giáo hội nhắc nhở rằng kinh tế và kỹ thuật cần phải tôn trọng luân lý (chân lý); một cách tương tự như vậy, chính trị phải quan tâm đến việc bảo vệ công ích và nhân quyền. Mặt khác, các thông điệp xã hội không chỉ cỗ vũ việc cải hoán nội tâm hoặc thực hành các công tác từ thiện, những cũng lưu ý đến việc cải thiện các “cơ cấu tội lỗi” và thúc đẩy các hoạt động xã hội.

Dù sao, “Giáo hội” không chỉ gồm bởi các giám mục và linh mục mà thôi. Giáo hội bao gồm toàn thể Dân Chúa, trong đó các giáo dân chiếm phần đa số. Chính các giáo dân, với tư cách cá nhân hoặc đoàn thể, sẽ tìm ra những phương thế kỹ thuật để thực hiện các kế hoạch phát triển. Chúng ta đã có dịp nhắc đến những dự án phát triển của các hội đồng giám mục hoặc của phong trào Focolare. Giáo sư Denis Goulet[27], một môn sinh của cha Louis Lebret, đã phác thảo kế hoạch « Luân lý phát triển » (Development Ethics) dựa trên 6 yếu tố : kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, sinh thái, luân lý.

2/ Trong bài này, chúng ta theo dõi sự tiến triển của GHXH về sự “phát triển”. Dĩ nhiên, các ý tưởng này không từ trời rơi xuống, nhưng là kết quả của những cuộc học hỏi, nghiên cứu, đối thoại với các trào lưu tư tưởng thời đại (chẳng hạn: phát triển nhân bản, phát triển bền vững)[28]. Thật là hữu ích nếu chúng ta đối chiếu với các quan điểm của các học thuyết khác[29]. Điều đó vượt quá khả năng của người viết bài này. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn cho thấy sự tiến triển của quan điểm phát triển nơi các cơ quan quốc tế, đặc biệt là Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (United Nations Development Programme : UNDP). Trong những phúc trình đầu tiên, LHQ nói đến “tăng trưởng kinh tế”, chú trọng đến sản lượng của quốc gia[30]. Dần dần, người ta thêm những yếu tố khác, dưới mô hình Human Development Index (HDI) và  Inequality-adjusted Human Development Index (IHDI). Đàng sau những  sự thay đổi phương pháp này là lý thuyết về phát triển của các tác giả Mahbub u Haq và Amartya Sen (Development and Freedom, 1999), Nobel Kinh tế  năm 1998.

Sau cùng, để tóm tắt quan điểm mới nhất của GHXH[31] về phát triển, chúng ta có thể trưng dẫn bản nhận định của Đức Thánh Cha Phanxicô (25/9/2016) về chương trình nghị sự của LHQ cho sự phát triển bền vững năm 2030 (Transforming Our World) trên website của Đại Hội Đồng LHQ[32]. Đây là một cuộc đối thoại cụ thể giữa quan điểm của Giáo hội vời quan điểm của LHQ về phát triển.

 



[1] Xem Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, Sách Tóm lược Học thuyết xã hội công giáo (2004) chương Ba.

[2] “Phát triển” được dùng để dịch các danh từ nước ngoài:  développement (tiếng Pháp), development (tiếng Anh), desarrollo (tiếng Tây ban nha), sviluppo (tiếng Ý). Những từ này cũng có thể được chuyển bằng những từ ngữ tương đương: khai triển, tiến triển, vv.

[3] Thiết tưởng nên lưu ý về các từ ngữ: 1/ Progress (sự tiến bộ) áp dụng cho nhiều lãnh vực, chẳng hạn như giáo dục, chính trị. 2/ Các nhà kinh tế quen dùng từ growth (tăng trưởng). 3/ Các văn kiện Tòa Thánh dùng từ development (phát triển). Như sẽ thấy, sự “phát triển” mang tính toàn diện, rộng hơn là “tăng trưởng” (thường chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế).

[4] Bài này dựa phần lớn trên tài liệu của Grégoire Catta S.J. ‘God for Us’ in the Challenge of Integral Human Development: Theology in Post- Vatican II Catholic Social Teaching. Boston College 2015,  http://hdl.handle.net/2345/bc-ir:104436. Tóm lược bằng tiếng Pháp: Developpement integral, CERAS 2014, www.ceras-projet.org/ dsc . Ildefonso Camacho Laraña, sj, De Populorum Progressio a Caritas in Veritate: continuidad y avance, in: “Proyección” LVII (2010) 421-442.

[5] Raúl Prebisch and CEPAL, The Economic Development of Latin America and its Principal Problems (Lake Success, NY: United Nations, Department of Economic Affairs, 1950). CEPAL là chữ viết tắt của Conferencia Económica para America Latina được thành lập năm 1948.

[6] Vào thập niên 60, thuyết cơ cấu được phát biểu dưới hình thức của thuyết “lệ thuộc” (dependency): các nước chậm tiến phải sản xuất để phục vụ nhu cầu của các nước giàu. Đây là một hình thức của chủ nghĩa đế quốc về kinh tế. X. Enzo Faletto and Fernando Henrique Cardoso, Dependency and Development in Latin America (Berkeley: University of California Press, 1979).

[7] Lưu ý về việc dịch thuật từ humanisme. Trong tiếng Việt, có nhiều từ tương đương, tuy không hoàn toàn đồng nghĩa: nhân văn, nhân bản, nhân đạo. Trong lịch sử tư tưởng châu Âu, từ ngữ ấy cũng được hiểu theo nhiều nghĩa. Vào hồi thế kỷ XIV, bên Ý, nó có nghĩa là phục hồi văn chương cổ điển (Hy-lạp và Roma) và đề cao những giá trị trần thế (phản ứng lại văn hóa của Giáo hội thời đó, chỉ dựa trên Kinh thánh và chú ý đến các thực tại trên trời). Vào thời cận đại, humanisme đôi khi đề cao con người đến nỗi muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi thế giới (humanisme athée), bởi vì theo họ, nếu chấp nhận có Thiên Chúa thì con người mất tự do tự quyết. Thông điệp PP đã lưu ý về những ý nghĩa hàm hồ của “humanisme” (số 42). Đối lại GHXH muốn trình bày một thứ “humanisme intégral”. Xem: Sách Tóm lược GHXH: tựa của Nhập đề, và các số 7, 19, 82, 83.

[8] Human Development Index (HDI), không chỉ dựa trên tài sản mà còn chú ý đến sức khỏe (tuổi thọ) và giáo dục (trường học). X. http://hdr.undp.org/en/composite/HDI. Năm 2014, Việt Nam được xếp hạng 116 trên 188 quốc gia.

[9] Có hai cách đọc: « cơ cấu của tội lỗi » (structures of sin) hoặc « tội lỗi của cơ cấu » (sin of structure). Thông điệp SRS chọn cách thứ nhất.

[10] Nên nhớ bước nhảy vọt của các “con rồng Á châu”: Singapore, Đài loan, Hàn quốc.

[11] Như ai nấy đều biết, thật không dễ gì chuyển dịch các cặp từ ngữ “Etre / Avoir”, “To be / To have”.

[12] Danh từ “tội lỗi” xuất hiện 14 lần trong thông điệp SRS, và chỉ 1 lần trong thông điệp PP.

[13] Đề tài “cơ cấu tội lỗi” đã được ĐTC Gioan Phaolo II giải thích trong tông huấn “Hòa giải và thống hối” (1984), khi nói đến “tội xã hội” (số 16). Tội xã hội có thể hiểu theo 3 nghĩa: 1/ Bất cứ tội nào cũng có ảnh hưởng đến xã hội, do sự liên đới huyền nhiệm giữa loài người. 2/ Có thể hiểu tội xã hội cách riêng về những tội xúc phạm trực tiếp đến tha nhân (chẳng hạn tội lỗi phạm đức công bình). 3/ Những tội cá nhân nuôi dưỡng các “cơ cấu tội lỗi”. Những cơ cấu này nảy sinh từ các tội cá nhân, và rồi trở thành nguồn gốc cho những tội khác, chi phối cách ứng xử của con người. Xem sách Tóm lược Học thuyết xã hội số 117-118.

[14] Thông điệp không chính thức bàn về hiện tượng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, đề tài này được nói tới rải rác trong suốt thông điệp, đặc biệt trong chương Hai.

[15] Tuy thông điệp không nhắc đến một tác giả nào riêng biệt, nhưng các nhà phê bình cho rằng lý thuyết gia của thông điệp là ông Stefano Zamagni, giáo sư đại học Bologna, cố vấn cho phong trào Focolare. X. Stefano Zamagni, “Fraternity, Gift, and Reciprocity in Caritas in Veritate,” in Adrian Pabst, ed., The Crisis of Global Capitalism. Pope Benedict XVI’s Social Encyclical and the Future of Political Economy (Cambridge, UK: James Clark & Co, 2012), 155-171.  Amelia J. Uelmen, “Caritas in Veritate and Chiara Lubich: Human Development from the Vantage Point of Unity,” Theological Studies 71, no.1 (2010): 29-45.

[16] Một nhận xét nữa không kém thú vị: trong thông điệp PP, danh từ “phát triển” (phát triển toàn diện, phát triển nhân bản) được dùng 60 lần; trong thông điệp SRS, danh từ “phát triển” xuất hiện 146 lần; trong thông điệp CIV, danh từ “phát triển” được dùng 229 lần, nghĩa là hầu như ở tất cả mọi số (11 lần ở số 18; 7 lần ở các số 11.17.21.29.61), đặc biệt là thuật ngữ “phát triển nhân bản toàn diện” được dùng 16 lần. Đây là dựa theo bản tiếng Ý, và chỉ tính những lần sử dụng trong bản văn, chứ không đếm các tựa đề.

[17] Thông điệp CIV (số 10-15) cũng nhắc nhớ rằng đề tài “phát triển” còn được đức Phaolô VI đề cập ở nhiều văn kiện khác nữa: Octogesima adveniens, Humanae vitae, Evangelii nuntiandi.

[18] Danh từ “ơn gọi” xuất hiện 26 lần trong CIV. Thông điệp CIV suy tư về “ơn gọi” ở các số 16, 17, 18, 19, 20.

[19] Từ ngữ “quà tặng” xuất hiện 19 lần trong thông điệp CIV.

[20] X. Các số 41 và 46. Có người nghĩ đến các dự án “kinh tế hiệp thông” của phong trào Focolare. Thông điệp đưa ra vài nhận định trong việc đầu tư (số 40), tín dụng (số 65), thương mại và tiêu thụ (số 66).

[21] Điều này được đức Benedicto XVI khẳng định trong thông điệp Deus caritas est (số 29).

[22] X. Diễn từ của ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến dành cho Phong trào Focolare nhân dịp kỷ niệm 25 năm “Kinh tế hiệp thông” (4/2/2017) http://www.edc-online.org/en/home-en/international-events/eocwiththepope/12836-the-pope-francis-speech.html

[23] Xem các số 181; 186; 188; 190; 203; 210; 219; 238; 240; 249

[24] Dựa theo bản văn tiếng Tây-ban-nha.

[25] Trong lịch sử chính trị và kinh tế của thời cận đại, người ta thường phân ra hai chủ thuyết chính, một bên là tư bản (hoặc tự do), một bên là xã hội (hoặc cộng sản). Khi đọc GHXH, người ta tự hỏi: Giáo hội đứng về phía nào? Đối với đa số người Việt, câu trả lời là: Giáo hội đứng về phía tự do và chống lại thuyết cộng sản. Tuy nhiên, nói thế là quá giản lược vấn đề, bởi vì thuyết “tự do” không đồng nghĩa với “tư bản”, cũng như “xã hội” không đồng nghĩa với “cộng sản”. Có thể hiểu chủ nghĩa “tự do” theo nhiều nghĩa, và “chủ nghĩa xã hội” cũng vậy. X. Phan Tấn Thành, Mang Tin mừng vào các thực tại trần thế, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2015, trang 131-132. Xem thêm trang 243 (những nghĩa khác nhau của “chủ nghĩa tư bản”); trang 310 (những nghĩa khác nhau của “chế độ dân chủ”).

[26] Sự phân biệt ba cấp độ trong GHXH: 1/ nguyên tắc suy tư; 2/ tiêu chuẩn phán đoán; 3/ định hướng hành động, được đề cập trong thông điệp Sollicitudo rei socialis số 3 và được lặp lại trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.

[27] Denis Goulet (1931-2006), giáo sư kinh tế học tại đại học Notre Dame ở Hoa kỳ, tác phẩm: The Cruel Choice: A New Concept in the Theory of Development, 1971;  Development Ethics at Work Explorations, 2006.

[28] Phát triển “bền vững” (sustainable development) là một khái niệm bắt nguồn từ bản bá cáo của bà Gro Harlem Bruntland (Our Common Future) cho Ủy Ban LHQ về môi sinh và phát triển (1987). Khi dịch ra tiếng Pháp, tính từ “sustainable” được dịch ra là “durable” hoặc “soutenable”.

[29] Cách riêng những học thuyết về phát triển gắn liền với một tôn giáo, chẳng hạn như: luận để cổ điển của Max Weber về ảnh hưởng của tôn giáo với phát triển kinh tế. Xem thêm L. Selinger, The Forgotten Factor: The Uneasy Relationship between Religion and Development, Social Compass 51(2004), 523-543. G. Carbonnier, G. (2013). Religion and Development: Reconsidering Secularism as the Norm in International Development Policy: Religion and Development. Nº4 (2013). Geneva. Graduate Institute Publications, Basingstoke, Palgrave McMillan, pp.1-5.

[30] Cf. Report HDR 1993: “The purpose of development is to widen the range of people’s choices. Income is one of those choices-butit is not the sum-total of human life. Human development is development of the people for the people by the people. Development ofthe people means investing in human capabilities, whether in education or health or skills, so that they can work productively and creatively. Development for the people means ensuring that the economic growth they generate is distributed widely and fairly. Earlier Human Development Reports (1990-92) concentrated on these first two components. This Report advances the argument by concentrating on development by the people  on giving everyone a chance to participate” (p.2). To be kept in mind, though, is that human development objectives cannot be limited to quantifiable targets. Many important aspects of human development escape quantification and can be analysed only in qualitative terms. For example, people’s education depends both on years of schooling and on the type of knowledge imparted (p.19).

[31] X. Sách Tóm lược HTXH nhắc đến đề tài phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở các số  373-374 và 446-448.